Cuối đời ra đường vì con trai nối dõi
(PNTĐ) - Hai chị em gái sinh đôi đèo nhau đến phòng tư vấn hỏi về việc làm thế nào để đưa bố mẹ già vào nhà dưỡng lão sống những ngày cuối đời. Bởi bây giờ ông bà đang trong tình cảnh không chốn nương thân, mà họ thì không thể đón bố mẹ về sống cùng mình.
Con trai là nhất, con gái là đồ bỏ đi
“Bố mẹ tôi có tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề. Với ông bà, con trai là nhất, con gái chỉ là đồ… bỏ đi” – cô chị mở đầu câu chuyện bằng ánh mắt buồn rười rượi khi nhớ lại những chuyện ngày xưa của gia đình mình. Cô em gái sinh đôi ngồi bên cạnh gật đầu tán đồng với lời của người chị gái rồi phụ họa thêm: “Cũng chính vì bố mẹ xem con gái là đồ bỏ đi nên tuổi thơ của chị em tôi là chuỗi ngày buồn tủi…”.
Hai cô gái kể, họ còn có một người chị gái sống ở quê và một cậu em trai út. Cả ba chị em gái từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành đã chịu khổ vì tư tưởng trọng nam khinh nữ của bố mẹ. Sinh con gái đầu được hai năm thì mẹ họ mang thai tiếp với mong mỏi có đứa con trai nối dõi. Thế nhưng lần mang thai thứ hai này, bà lại sinh đôi hai con gái là chị em cô. Số phận như trêu ngươi, ông bà càng mong có con trai thì lại sinh ra toàn con gái. Mỗi lần ra ngoài trở về, người bố luôn dằn hắt vợ không biết đẻ, và xem ba đứa con gái là một lũ “vịt trời” vô tích sự.
Bị chồng đổ trách nhiệm không biết đẻ con trai, người mẹ sinh buồn bực với ba đứa con gái. Bà cho rằng chúng là nguyên nhân khiến cuộc đời của bà không “ngóc đầu” lên được. Vì thế, từ nhỏ ba chị em chẳng nhận được yêu thương từ bố mẹ như những đứa trẻ khác.
Năm chị cả lên 6, hai chị em sinh đôi lên 4 thì mẹ lại mang thai tiếp. Lần này, ông bà tìm thầy cắt thuốc, tính toán cẩn thận nên đã đạt được ước nguyện có con trai nối dõi. Những tưởng bố mẹ đẻ được con trai thì sự yêu thương sẽ quay về với ba chị em. Nhưng không, đứa con trai ra đời lại nảy sinh nhiều sự bất công hơn đối với ba chị em gái. Trong mắt bố mẹ, con trai là nhất và nghiễm nhiên được hưởng tất cả mọi quyền lợi. Họ chiều chuộng, nâng niu con trai từ khi mới lọt lòng cho đến khi lớn lên. Có của ngon vật lạ gì cũng dành cho con trai, còn con gái thì bị ngó lơ. Nhiều lúc, sự thiên vị của bố mẹ khiến ba chị em gái không khỏi tủi thân. Hễ em trai đòi hỏi gì là lập tức được đáp ứng, còn yêu cầu ba chị em gái thường được bố mẹ gạt đi.
Sự chiều chuộng của bố mẹ khiến cậu em trai mang tâm lý “bá chủ”, xem ba chị gái như “người hầu” của mình. Việc gì cũng “sai bảo” các chị, nếu không được đáp ứng thì quay ra mách bố mẹ trừng phạt họ. Sau này lớn hơn, em trai còn chẳng thèm mách lại bố mẹ mà tự mình thực hiện luôn sự “bá chủ” đối với các chị. Ví dụ ba chị gái được bà con họ hàng cho chút quà bánh nào thì em trai giành giật luôn, xem đó là của mình. Đi học mất bút, vở, cậu em lấy của các chị dùng. Trong nhà có đồ ăn ngon, cậu có thể dành ăn hết, chẳng cần nghĩ đến chuyện để phần cho các chị.
Cứ thế, em trai lớn lên trở thành “vua con” trong nhà, ba chị em gái nếu tị nạnh thì sẽ bị bố mẹ quát mắng, thậm chí còn phạt đòn. Việc học hành của bốn chị em cũng có sự khác biệt, chị cả học đến lớp 9, thi cấp 3 không đỗ, bố mẹ cho ở nhà phụ bán hàng để kiếm tiền. Hai chị em sinh đôi học hết cấp ba thì dừng lại con đường học vấn, vì bố mẹ bảo con gái chẳng cần học lên cao làm gì. “Việc chính” của ba chị em là phụ giúp bố mẹ làm kinh tế, có ai dạm hỏi thì gả đi. Ông bà chỉ tập trung đầu tư cho con trai học hành, bởi nó là sự đảm bảo tương lai cho họ sau này.
Được bố mẹ đầu tư, em trai học xong cấp ba, thi đỗ đại học, ra thành phố học lên cao. Để có tiền đầu tư cho sự nghiệp của con trai, ông bà cho hai đứa con gái sinh đôi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Bốn năm lao động trở về, hai chị em ngỡ bố mẹ tiết kiệm cho mình một số vốn để có chút của hồi môn khi đi lấy chồng. Ai ngờ, về nước rồi mới biết được sự thật là trong 4 năm họ miệt mài lao động ở nước ngoài kiếm tiền gửi về cho bố mẹ cũng chỉ đủ “trang trải” cho 4 năm em trai học đại học.
Hóa ra, em trai ra thành phố học thì ít mà chơi thì nhiều, lấn sâu vào các tệ nạn, vay mượn nợ nần khiến xã hội đen tìm về tận nhà để thúc nợ. Ông bà trả nợ cho con trai hết lần này đến lần khác khiến bao nhiêu tiền bạc của hai đứa con gái gửi về đều “đội nón ra đi”.
Cay đắng, uất ức vì sự đối xử bất công của bố mẹ nhưng ba cô con gái chẳng thể làm gì được. Họ chán ghét luôn cả bố mẹ lẫn ngôi nhà của mình. Con đường để họ “trốn thoát” khỏi sự bất công đó là… lấy chồng. Đó cũng là nguyên nhân để cô chị gái vừa tròn 20 tuổi gật đầu đồng ý về làm vợ một chàng trai trong làng. Hai chị em sinh đôi cũng chẳng thể chịu được sự bất công của bố mẹ nên rủ nhau ra thành phố làm công nhân, tự lập cuộc sống được mấy năm rồi lần lượt lấy chồng.
Bi kịch cuối đời vì con trai nối dõi
Kể về bi kịch mà bố mẹ đang phải gánh chịu ngày hôm nay, hai cô con gái nói đó là cái giá quá đắt của ông bà. Bởi từ đầu đến cuối, chính họ là người đã tạo nên tấn bi kịch đó. Con trai học xong, ông bà bán đất để lấy tiền chạy việc cho nó ở thành phố. Còn nhớ, ngày ấy, khi ông bà bán đất có tiền tỷ trong tay, ba cô con gái thời điểm đó gặp khó khăn muốn vay mượn bố mẹ một ít để trang trải cuộc sống, nhưng ông bà nghe lời con trai kiên quyết không “nhả” ra một đồng cho con gái.
- Còn nhớ lúc ấy, chồng của chị cả bị tai nạn giao thông cần chi phí điều trị rất lớn. Chị về nhà khóc, cầu xin bố mẹ giúp đỡ nhưng ông bà từ chối với lý do tiền bán đất được đã đầu tư xin việc mà mua một căn hộ chung cư nhỏ cho em trai ở thành phố. Sau lần đó, anh rể bắt vợ đoạn tuyệt luôn quan hệ với bố mẹ vợ vì họ “thấy chết mà không cứu” chỉ vì tư tưởng xem trọng con trai, coi thường con gái - cô em gái kể.
Bản thân hai chị em cô khi lấy chồng cũng lắm phen khó khăn, về nhà mong chờ sự giúp đỡ của bố mẹ và em trai. Thế nhưng cũng như chị gái, họ cũng bị bố mẹ từ chối với lý do tất cả tập trung cho em trai, nên chẳng có dư giả mà cho con gái vay. Sự đối xử bất công của ông bà đã khiến cả ba chàng rể thấy bất bình, cấm đoán vợ qua lại với nhà bố mẹ.
Ngày em trai lấy vợ, bố mẹ tổ chức linh đình khiến ba chị em nghĩ đến đám cưới của mình trước đó mà không khỏi tủi thân. Con trai lấy vợ, sinh con sống ở thành phố nhưng vẫn đòi hỏi bố mẹ già ở quê chu cấp hàng tháng. Nhà cấy được mấy sào lúa, mùa nào gặt xong cũng xay gạo sạch sẽ gửi dần ra phố cho con trai và cháu nội dùng.
Khi con dâu sinh con thứ hai, con trai về quê than vãn với bố mẹ rằng nhà trên phố chật chội, thêm người mà chỗ ở không thêm. Thế rồi, con trai bàn ông bà bán hết đất ở quê, lấy số tiền đó để vợ chồng con trai mua nhà lớn hơn ở thành phố, đón ông bà lên đó sống cùng, tiện phụng dưỡng họ khi về già. Từ trước đến nay, ý con trai là “ý trời”, lại thêm nghe được lời có hiếu phụng dưỡng tuổi già, ông bà liền đồng ý.
Bán hết số đất tổ tiên để lại, cùng mấy sào ruộng, đất rừng canh tác hơn chục năm nay, được hơn 5 tỷ đồng đưa hết cho con trai để mua cơ ngơi trên phố rồi chuyển ra đó sống cùng con cháu.
Lên thành phố sống cùng vợ chồng con trai được ba năm thì ông bà gọi điện cho các cô con gái “kể khổ”. Hóa ra, vợ chồng con trai, đưa bố mẹ về sống chung nhưng xem họ như giúp việc không công trong nhà. Cháu gái phó mặc cho ông bà chăm sóc, đưa đón cháu đến trường mỗi ngày. Cuối ngày đi làm về, con dâu đòi hỏi mẹ chồng phải cơm nước xong xuôi. Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu nảy sinh, con trai bênh vợ chỉ trích lại bố mẹ. Những lời chì chiết của vợ chồng con trai khiến họ hiểu rằng bây giờ mình đang sống cảnh “ăn nhờ ở đậu” vợ chồng nó, nên phải nhìn sắc mặt nó mà sống.
Cách đây 1 tháng, bố mẹ cô bảo vợ chồng em trai đang “đuổi” bố mẹ ra đường, và họ đã phải ra ngoài thuê tạm một căn phòng trọ để ở. Tuy nhiên, đó không phải là cách lâu dài vì
bản thân họ không có tiền tích lũy hay lương hưu nên không thể sống lâu dài theo cách đó. Cuộc sống già của họ vẫn phải nương nhờ vào con cháu. Ba cô con gái tìm đến vợ chồng em trai nói lý lẽ để đón bố mẹ về nhưng chẳng có kết quả gì. Còn họ dù muốn đón bố mẹ về sống cùng nhưng phải phụ thuộc vào chồng. Trong bối cảnh, ba chàng rể đều đã cắt đứt quan hệ với bố mẹ vợ từ lâu thì chuyện đó rất khó khăn. Cách cuối cùng họ nghĩ đến là đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão sống.
Với hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi đồng ý đó là cách tốt nhất đối với bố mẹ họ lúc này. Cũng mừng là cả ba cô con gái biết bảo ban nhau san sẻ số chi phí khi đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão sống. Chỉ mong, những ngày cuối đời, bố mẹ họ sẽ thấm thía cái giá của việc coi trọng con trai, xem thường con gái.