Đá gà, đánh bài ăn tiền bị xử lý ra sao?

Chia sẻ

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, chồng tôi bị nhóm bạn bè rủ chơi đá gà, đánh bài ăn tiền để giải trí, tôi đã can ngăn chồng và nói điều này là vi phạm pháp luật.

Câu hỏi
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, chồng tôi bị nhóm bạn bè rủ chơi đá gà, đánh bài ăn tiền để giải trí, tôi đã can ngăn chồng và nói điều này là vi phạm pháp luật. Chồng tôi tuy không chơi nữa nhưng rất khó chịu với tôi vì đã làm anh mất quan hệ với bạn bè. Tôi xin hỏi Báo PNTĐ nếu chồng tôi tham gia tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền thì có vi phạm pháp luật không? Nếu có sẽ bị xử lý ra sao? Xin cảm ơn!

Hồ Thị Thu (Sóc Sơn, Hà Nội)

Trả lời
Đá gà (hay chọi gà), đánh bài ăn tiền xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày, nhất là vào dịp Tết thì hoạt động này càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật, mọi người không được thực hiện, nếu vi phạm nhẹ thì bị phạt tiền, nặng có thể bị phạt tù; cụ thể:

1. Đối với người tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền

Hành vi tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền là hành vi tổ chức đánh bạc, bị pháp luật nghiêm cấm. Người nào tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền tùy mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

- Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên;

- Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc cho 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên;

- Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20 triệu đồng trở lên;
- Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tùy mức độ phạm tội mà người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 10 năm; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trường hợp bị xử phạt hành chính

Trường hợp hành vi tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền chưa đủ cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

2. Đối với người đá gà, đánh bài ăn tiền

Hành vi tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền là hành vi đánh bạc, bị pháp luật nghiêm cấm. Người nào đá gà, đánh bài ăn tiền thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc hoặc bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:

Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 và Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc.

Tùy mức độ phạm tội mà người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm; ngoài ra, người phạm phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Trường hợp bị xử phạt hành chính

Trường hợp hành vi đá gà, đánh bài ăn tiền chưa đủ cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi tổ chức đá gà, đánh bài ăn tiền sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Như vậy việc bạn ngăn không cho chồng chơi là đúng và chồng bạn cũng nên khuyên bạn bè anh ấy không nên tổ chức hay tham gia vào việc này tránh bị vi phạm pháp luật.

BÁO PNTĐ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.