Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái

Chia sẻ

Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11- 15/12 hằng năm.

Theo đó, chủ đề của Tháng hành động năm 2021 là: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Gia tăng bạo lực giới trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái khiến họ rơi vào nhóm đối tượng bị bạo lực và bị tổn thương nặng nề. Về mặt sức khỏe, Covid-19 đã dẫn đến hậu quả gián tiếp của căn bệnh bắt nguồn từ các biện pháp phong tỏa để kiểm soát sự lây lan. Chúng tác động đáng kể đến trẻ em khi trường học đóng cửa, sống trong một không gian đông đúc, đến áp lực phải học trực tuyến. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, sự khan hiếm nguồn lực cộng đồng đã tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và lạm dụng trẻ em ngày càng trầm trọng. Đến tháng 6/2020, ước tính có khoảng 30,8 triệu người ở Việt Nam đã bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 và 53,7% người lao động bị giảm thu nhập.

Báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021 cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương "một thế hệ" (từ 99,5-135,6 năm dựa trên tiến độ hiện tại). Ngoài ra, các nghiên cứu khác về kinh tế, về bạo lực còn làm lộ ra những "khoảng tối" đối với phụ nữ trong đại dịch như: Phụ nữ có nguy cơ mất việc làm nhiều hơn so với nam giới, trong khi vẫn phải đảm nhiệm gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái khi trường học bị đóng cửa, công sở ngừng làm việc trong thời gian giãn cách xã hội. Tình trạng bạo lực không những gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng, mà còn khiến mục tiêu cơ bản đối với bình đẳng giới khó thực hiện ở mỗi quốc gia.

Đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố tặng hoa các nữ cán bộ chủ chốt thành phố.Đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố tặng hoa các nữ cán bộ chủ chốt thành phố.

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã là một vấn đề xã hội lớn từ trước khi Covid-19 bùng phát. Chúng ta đã chạm đến ngưỡng cần phải hiểu rằng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gây ra tổn thất cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai và đã đến lúc cần phải đứng lên, thể hiện lập trường mạnh mẽ rằng bạo lực phụ nữ và trẻ em là vấn đề không thể khoan nhượng được.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay và tác động tiêu cực của nó đối với những người sống sót, gia đình họ và cộng đồng là vô cùng lớn. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 ở Việt Nam do Chính phủ Úc và UNFPA hỗ trợ cho thấy: Cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có 2 phụ nữ (gần 63%) đã từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tình cảm, kinh tế và hành vi kiểm soát của chồng trong đời; 4,4% trẻ em bị xâm hại tình dục. Tổng thiệt hại về năng suất do bạo lực đối với phụ nữ ước tính là 1,81% GDP của Việt Nam (năm 2018).

Đẩy mạnh hành động để xóa bỏ bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em

Theo bà Naomi Kitahara, Đại diện UNFPA tại Việt Nam: Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Không có cách nào để Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 mà không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đó là việc đảm bảo rằng tất cả mọi người đều là một phần của quá trình phát triển bền vững của đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang kiên trì mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia thụ hưởng bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Ngày 3/3/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP. Theo đó, trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2021, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Chiến lược đề ra mục tiêu trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đó là, ngoài việc giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình được trả công của phụ nữ, các chỉ tiêu đặt ra yêu cầu đến năm 2025 có 80% số người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản và 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Con số này phấn đấu đến năm 2030 lần lượt là 90% và 70%. Bên cạnh đó, còn nhiều chỉ tiêu cần phấn đấu nâng cao hơn nữa nhằm thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, thông tin và truyền thông.

Đoàn xe tuyên truyền lưu động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Hà Nội. 	Ảnh: P.VĐoàn xe tuyên truyền lưu động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Hà Nội. Ảnh: P.V

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là điểm nhấn trong công tác bình đẳng giới hàng năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay từ giữa tháng 10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới được quan tâm, triển khai với nhiều hình thức. Tính đến cuối tháng 9, Sở đã phối hợp với báo Phụ nữ Thủ đô xây dựng 10 bài viết chuyên đề về bình đẳng giới trong các lĩnh vực và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới Sở dự kiến in và cấp phát 6.500 lịch truyền thông có các thông điệp về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và xây dựng trailer tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm và thực hiện thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các hoạt động tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng được triển khai thông qua họp trực tuyến hoặc gửi văn bản, tài liệu... đến 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới của các quận huyện, xã phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Ngày 19/10/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021. Theo đó, từ ngày 15/11-15/12/2021, các cấp, các ngành thành phố sẽ đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các cấp, ngành cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các vụ bạo lực diễn ra trong môi trường gia đình, trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19.

UBND TP Hà Nội giao Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội Hà Nội là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố. Cùng với việc tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông tại cộng đồng, Sở tiếp tục triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.