Đảm bảo bệnh nhân HIV được điều trị liên tục trong mùa dịch Covid-19

Chia sẻ

Với những bệnh nhân HIV/AIDS, việc gián đoạn điều trị ARV trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đến sức khoẻ và khả năng lây truyền HIV trong cộng đồng. Do đó, các cấp ngành địa phương cần có những biện pháp giúp người bệnh được điều trị liên tục, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo báo cáo của các địa phương, dịch HIV/AIDS trong 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với 9 tháng đầu năm 2020 tại nhiều địa phương. Đường lây truyền HIV cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Một báo cáo khác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Bình Dương có tỷ lệ nhiễm mới và bắt đầu điều trị mới thuộc top đầu cả nước, trong khi năm 2019 chỉ có 691 ca thì trong bối cảnh Covid-19, tỷ lệ nhiễm mới tăng thêm là 871 ca, tăng 23%. Việc gia tăng ca nhiễm mới cũng làm trầm trọng gánh nặng cung ứng thuốc cho các bệnh nhân mới điều trị và bệnh nhân điều trị lâu năm.

Nhiều chính sách tạo thuận lợi cho người có HIV được điều trị và chăm sóc tốt hơn. Ảnh minh hoạ. Nguồn: InternetNhiều chính sách tạo thuận lợi cho người có HIV được điều trị và chăm sóc tốt hơn. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia y tế, người nhiễm HIV không phải là đối tượng nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn các nhóm dân số khác, song bệnh nhân nhiễm HIV điều trị thuốc kháng virus thành công (ARV) với HIV bị ức chế sẽ có khả năng chống lại Covid-19 tốt hơn người nhiễm HIV không được kiểm soát, điều trị và hệ thống miễn dịch suy yếu.

Thực tế gần đây, những ca phát hiện HIV muộn có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh. Điều này làm tăng mối lo ngại về các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi và lao. Do tỷ lệ nhiễm lao ở hiện tại và quá khứ của nước ta khá cao, nhiều người bị tổn thương phổi sau bệnh lao và bệnh có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của Covid-19. Thậm chí, nhiều người bỏ thuốc do những yếu tố khác nhau tác động, dẫn đến nhiều nguy cơ tăng tải lượng virus cũng như tăng tỷ lệ kháng thuốc. Đại dịch cũng đặt ra những thách thức liên quan đến các dịch vụ xét nghiệm HIV và chăm sóc cho người mới được chẩn đoán nhiễm HIV, những người cần có mức độ theo dõi lâm sàng cao hơn cho cả sức khoẻ thể chất và tâm lý của họ.

Để đảm bảo an toàn cho người nhiễm HIV trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, cuối tháng 3/2020, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn khẩn trương thực hiện điều trị kê đơn và cấp phát thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng cho tất cả các phác đồ theo quy định của Bộ Y tế. Đối với người điều trị thuốc ARV chưa ổn định, bác sỹ, y sỹ điều trị căn cứ vào tình trạng người bệnh, lượng thuốc tồn kho, thực hiện kê đơn cấp phát với số lượng tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày sử dụng, đồng thời tư vấn, hướng dẫn người bệnh liên lạc với cơ sở điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Tại Hà Nội, các bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được nhận thuốc điều trị ARV theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm bảo vệ sức khoẻ người nhiễm HIV trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Chị Mai Hải Anh, Trưởng nhóm Ban Mai, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, quy định này giúp các bệnh nhân mắc HIV/AIDS hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với bệnh nhân khác. Nếu có vấn đề về sức khoẻ, các bệnh nhân nhiễm HIV có thể liên hệ qua điện thoại để nghe tư vấn. “Tôi thường xuyên hỏi thăm sức khoẻ của các thành viên trong nhóm, không ai bị bất thường. Hiện tại, chúng tôi nhận thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp không kịp lấy thuốc đúng hạn trong thời gian giãn cách xã hội, các chị dùng biện pháp mượn của người đủ chia cho người thiếu hoặc hỗ trợ đi lấy thuốc hộ để bệnh nhân được điều trị liên tục, không bị gián đoạn gây ảnh hưởng sức khoẻ” – chị Hải Anh nói.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: InternetẢnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, một số bệnh nhân HIV/AIDS do lo sợ thiếu thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã đặt mua thuốc tư nhân từ các phòng khám chuyên khoa HIV để dự trữ, bảo đảm việc điều trị không bị gián đoạn. Một bệnh nhân 40 tuổi cho biết, anh đã mua thuốc ARV có hạn sử dụng xa để dự trữ cho việc điều trị lâu dài của mình. Một trường hợp khác cũng lên mạng tìm mua nguồn thuốc ARV. Tuy nhiên, việc mua thuốc trên mạng internet từ nguồn thuốc không bảo đảm rất đáng lo ngại. Bởi nếu nguồn thuốc không bảo đảm thì thậm chí không chữa được bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân HIV/AIDS. Chị Hải Anh cho biết, với các trường hợp này, các trưởng nhóm đồng đẳng đã tuyên truyền, vận động người bệnh thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế cơ sở để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Mới đây, Bộ Y tế vừa phát động tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (10/11-10/12/2021). Ngoài ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nền tảng mạng xã hội, để hưởng ứng tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên về phòng, chống HIV/AIDS, tình hình dịch của địa phương, các mô hình, sáng kiến và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà các địa phương đang cung cấp, nhất là các sáng kiến để vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19; Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên môn và khoa học về HIV/AIDS theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Ngoài ra, các sở, ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác như: Xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo diễn biến của dịch Covid-19 để đảm bảo người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; Triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị. Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị liên tục và an toàn bằng thuốc Methadone, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa, người bệnh bị cách ly do dịch Covid-19; Vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch Covid-19…

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.