Đám cưới thời Covid-19: Vui đơn, vui kép!

Chia sẻ

Cả nước đang thực hiện trạng thái xã hội “bình thường mới” để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khoẻ người dân, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là lúc nhiều gia đình bắt đầu “rục rịch” tổ chức đám cưới cho con cháu sau nhiều ngày hủy, hoãn cưới…

Ảnh cưới không chỉ có… hai người

Do dịch bệnh, không ít cặp đôi đã phải huỷ, hoãn cưới đến 3-4 lần. Nhiều bạn trẻ quyết định đăng ký kết hôn, gặp mặt hai bên gia đình trước rồi về chung sống với nhau, đợi khi giãn dịch sẽ làm đám cưới sau. Có nhiều cặp đôi sau 1-2 năm về chung sống, đã nhanh chóng có 1-2 đứa con. Đám cưới sau này vì thế càng có thêm nhiều niềm vui.

Ngọc Chi (quê Nghệ An) và Tuấn Hùng (Hải Phòng) yêu nhau được 2 năm thì quyết định về chung sống, đúng lúc dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát. Do hai gia đình cách nhau gần 500km nên việc tổ chức đám cưới thường phải kéo dài trong mấy ngày, từ lễ ăn hỏi, rước dâu, tổ chức cưới ở nhà gái, nhà trai… Lúc đó, Ngọc Chi cũng phát hiện đang mang thai đôi. Chính vì vậy, hai gia đình quyết định chỉ làm lễ gặp mặt nhỏ gọn, để đôi trẻ đăng ký kết hôn rồi về chung sống với nhau. Ngọc Chi khăn gói về ở nhà chồng. Khi hai con trai gần 2 tuổi, mới đây, vợ chồng Ngọc Chi mới tổ chức đám cưới. Trong lễ cưới, bên cạnh cô dâu, chú rể, hai thiên thần nhí cũng xuất hiện và chụp chung hình với bố mẹ. Ngọc Chi chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi tổ chức cưới muộn, nhưng lại rất tròn đầy, bởi có thêm các con trai kháu khỉnh, đáng yêu”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từng phải huỷ cưới đến 2 lần do tác động của dịch bệnh, Kiều Anh (quê Thanh Hoá) đến nay đã mang bầu 8 tháng vẫn chưa thể có một đám cưới trọn vẹn. Sau 1 năm yêu nhau, Kiều Anh và Văn Hùng dự định sẽ kết hôn. Từ đầu năm 2021, đôi trẻ đã “rục rịch” chuẩn bị đám cưới như chọn nơi chụp ảnh, thuê váy, đặt tiệc, viết thiệp cưới…, chỉ chờ ngày lành tháng tốt để tổ chức. Thế nhưng, đến sát ngày, Hà Nội bùng dịch, anh Hùng tiếp xúc với F0 nên phải cách ly. Hai bên gia đình tuân thủ theo quy định nên hoãn cưới lần 1. Đến tháng 9, khi tình hình dịch bệnh đã ổn hơn, vợ chồng Kiều Anh lại bàn bạc lên lịch tổ chức hôn lễ song cuối cùng vẫn tiếp tục hoãn sau khi nhận được công văn cấm tổ chức cưới. Kiều Anh chia sẻ: “Cưới xin là chuyện cả đời, vợ chồng tôi và hai bên gia đình rất háo hức và mong chờ, nhưng cả hai lần đều hoãn khiến tôi cũng tủi thân. Bù lại, những ngày chung sống, hạnh phúc đã đơm hoa, kết trái, việc cưới xin cũng vì thế mà gác sang một bên”. Dù chưa được mặc váy cô dâu, Kiều Anh vẫn cảm thấy hạnh phúc, bởi trong cuộc sống, cô luôn nhận được sự yêu thương, chia sẻ của chồng và gia đình chồng.

Tết năm nay, gia đình bà Hân (Hưng Yên) đón thêm không chỉ nàng dâu mà còn cả cháu nội chuẩn bị chào đời. Sau nhiều lần hoãn cưới, vợ chồng bà Hân cùng thông gia quyết định cho đôi trẻ đăng ký kết hôn, làm lễ đính hôn trước, hai gia đình qua lại với nhau để các con về chung sống danh chính ngôn thuận, đợi “ngớt” dịch sẽ tổ chức cho “có tấm có món”. Nào ngờ, dịch bệnh càng lúc càng căng thẳng, khiến cho các con bà mãi vẫn chưa thể chọn được “ngày lành tháng tốt” mà ra mắt hai bên nội ngoại và bạn bè gần xa. Trong khi đó, hiện nay, con dâu bà lại đang mang thai không tiện để tổ chức cưới. Bà Hân thở dài: “Năm nay, chúng nó không hợp tuổi để tổ chức đám cưới. Chắc để sang năm nữa, khi cháu lớn chút thì hai đứa mới được tổ chức lễ cưới được”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

An toàn là trên hết!

Mồng 6 Tết Nhâm Dần 2022, vợ chồng anh Văn Bảo (quê Nghệ An) và chị Tịnh My (Quảng Bình) vừa tổ chức thành công đám cưới sum vầy tại ba nơi: quê nội ở Nghệ An, quê ngoại Quảng Bình và tại công ty nơi hai người công tác ở Quảng Ngãi. Ở Nghệ An, Văn Bảo chỉ mời bạn bè thân thiết, người thân, các thủ tục cưới hỏi cũng tiết giảm. “Trước đây, đám cưới ở quê tôi tổ chức hai ba ngày, nam thanh nữ tú đến ăn uống, hát hò xuyên đêm. Nhưng do dịch, gia đình tôi chỉ thu gọn trong một ngày” – Văn Bảo nói.

Mặc dù đám cưới gọn nhẹ, nhưng hai vợ chồng vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Bảo cho biết, gia đình anh chia địa điểm ra tổ chức đám cưới vừa để giảm tối đa việc tụ tập đông người, vừa đón được nhiều khách nhất đến chung vui. “Nhận được lời chúc phúc, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, mặc dù việc cưới khá vất vả” – anh Bảo nói.

Sau nhiều tháng dịch bệnh, lễ cưới của Xuyến (Hà Nội) cuối cùng cũng được tổ chức ngay tại sảnh chung cư nơi gia đình sinh sống, dù chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, bạn bè thân thiết. Anh Hoàng – “ông xã” Xuyến ngập ngừng hỏi, cô có buồn không khi lễ đính hôn và lễ cưới chỉ diễn ra nhỏ gọn, không được tưng bừng. Mặc dù là con gái, cô cũng có đôi phần hụt hẫng, nhưng thời điểm hiện tại, cô chỉ cần đám cưới diễn ra suôn sẻ và an toàn.

Vợ chồng Xuyến – Hoàng đặc biệt xin bố mẹ tổ chức cưới tiệc ngọt đơn giản nhưng ấm cúng dành cho gia đình và bạn bè đôi bên. Trong đám cưới, bố mẹ Xuyến nắm tay các con, nói: “Mặc dù đám cưới không xa hoa, nhưng hai đứa chung sống với nhau cả đời mới là quan trọng. Mẹ mong dù bất kỳ thời điểm nào, các con vẫn sẽ thương yêu nhau như ngày hôm nay”. Khi nghe những lời mẹ nói, cô dâu chú rể đều xúc động. Ngày trọng đại, ngoài những lễ vật quen thuộc trong mọi lễ kết hôn, gia đình còn đặc biệt chuẩn bị thêm nhiều chai xịt khuẩn và khẩu trang.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong phòng khách nhỏ của căn chung cư mới thuê, đôi trẻ Minh Hương - Trịnh Đăng vừa “về một nhà” cuối tháng 12 vừa qua. Trước đó, cả hai đã lên ý tưởng về đám cưới linh đình, rình rang với sự tham dự đầy đủ của hai bên gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người, đôi trẻ quyết định thu hẹp quy mô, tổ chức lễ cưới giản dị nhất có thể. Đám cưới của Minh Hương – Trịnh Đăng chỉ làm một phông bạt nhỏ trước nhà, không tiệc tùng khách khứa linh đình, nhưng đầy ắp kỷ niệm khó quên.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc tổ chức cưới hỏi đơn giản, tiết kiệm đang dần trở thành xu thế mới, được nhiều bạn trẻ như Xuyến, Hương… lựa chọn. Hôn lễ vẫn đầy đủ các nghi thức trang trọng nhưng chỉ thực hiện trong phạm vi gia đình, vừa bảo vệ bản thân, vừa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Trở về trạng thái “bình thường mới”, đám cưới cũng được tổ chức nhưng vẫn đảm bảo an toàn là trên hết. Nhiều gia đình hạn chế việc mời quá nhiều người mà chọn lọc những người thân quen nhất để tới dự buổi tiệc cưới, để có thể giảm thiểu rủi ro nguy cơ mắc bệnh. Với số lượng khách mời ít, không khí không quá náo nhiệt nhưng vẫn toát lên được ý nghĩa của ngày chung đôi của các bạn trẻ.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Phùng Hoàng Anh, hình thức tổ chức cưới đơn giản, tiết kiệm của nhiều cặp đôi hiện nay cũng là hành động thiết thực, góp phần chung tay chiến thắng Covid-19, đồng thời lan tỏa nếp sống văn minh: hạn chế tối đa việc tổ chức đám cưới rình rang, tốn kém mà thực hiện các lễ cưới đơn giản, tiết kiệm, văn minh hơn. Tuy nhiên, để nếp cưới hỏi tiết kiệm, văn minh có thể tiếp tục nhân rộng và lan tỏa ngay cả khi dịch bệnh qua đi thì các cấp chính quyền cần tích cực tuyên truyền rộng rãi hơn nữa. Sự thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh, cô dâu, chú rể về nét đẹp giản dị của nghi lễ, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống người Việt sẽ giúp họ thay đổi hành vi, thực hiện việc cưới văn minh, tiết kiệm, giúp đôi trẻ xây dựng hạnh phúc bền lâu.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.