Đàm Thủy - nơi hội tụ nét đẹp hoang sơ

Bài, ảnh: Tuấn Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) không chỉ là một vùng đất cổ gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà nơi đây còn mang vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ đặc trưng của non nước Cao Bằng. Đặt chân đến mảnh đất này, du khách không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp tựa bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên ban tặng cho Đàm Thủy, vùng đất nơi biên cương với những điểm đến hấp dẫn.

“Bức tranh thủy mặc” trên sông Quây Sơn

Nằm ở phía Đông bắc, cách thành phố Cao Bằng khoảng 80km, xã Đàm Thủy là một trong những vùng phên giậu của Tổ quốc, trên con đường vành đai biên giới dài gần 100km chạy qua địa bàn huyện Trùng Khánh nối các xã Ngọc Côn, Đàm Thủy, Đình Phong, giáp Trung Quốc với trập trùng những dãy núi đá tai mèo. Chạy song song với con đường này là dòng Quây Sơn xanh biếc, len lỏi chảy qua những bản làng của người Tày, Nùng và những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau như những đợt sóng vô tận... 

Cảnh quan thiên nhiên nơi đây đẹp tựa một bức tranh thủy mặc. Sông Quây Sơn đoạn chảy qua xã Đàm Thủy là điểm khởi đầu của thác Bản Giốc, gồm thác chính và thác phụ. Trong đó, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam, còn thác chính nằm ở khu vực biên giới Việt - Trung, gồm 3 tầng, rộng 300m, cao hơn 30m. Điểm thu hút nhất của thác Bản Giốc nằm ở phần thác chính, ngay từ xa du khách đã có thể nghe thấy tiếng thác nước chảy rì rào. Tại đây, có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang khiến nước sông Quây Sơn khi đổ về đây không chảy thành một dải thẳng từ trên xuống mà bị chia tách thành nhiều dải, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng. Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, là thác nước nằm trên đường biên giới lớn thứ 4 thế giới và lọt top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới. Năm 1998, thác Bản Giốc đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia, đây là điểm nhấn và là biểu tượng du lịch của tỉnh Cao Bằng. 

Đàm Thủy - nơi hội tụ nét đẹp hoang sơ - ảnh 1

Nét đẹp độc đáo của Động Ngườm Ngao

Nằm cách thác Bản Giốc gần 5km, danh thắng quốc gia động Ngườm Ngao nằm trong lòng một quả núi thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy. Động Ngườm Ngao được phát hiện từ năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996 và được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 1998.

Động Ngườm Ngao dài khoảng 2km, có 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn, phát triển trong núi đá vôi có chứa nhiều thạch san hô, được tạo thành ở vùng biển cổ cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Mùa hè vào trong động mát mẻ, mùa đông thì ấm áp. Từ cửa vào, không khí trong động thật dễ chịu, bước vào trong động, du khách cảm nhận cảnh quan thiên nhiên với nhiều khối thạch nhũ đá lạ mắt, kỳ vĩ. Trong động có nhiều buồng, tầng, bậc thang, hành lang đủ mọi kích cỡ, nhiều nhũ đá, măng đá, cột, rèm đá… đủ mọi hình dáng, tất cả do thiên nhiên tạo nên. Đáng chú ý, trong số các khối nhũ đá là đài sen úp ngược và cột đá cô đơn có bố cục, màu sắc rất đẹp. Về mùa mưa, nước từ những cánh hoa nhỏ xuống vừa đẹp mắt vừa vui tai. Nét độc đáo tạo thành điểm nhấn của danh thắng động Ngườm Ngao còn là những thửa ruộng bậc thang do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa nhiều triệu năm tạo thành. 
Nét cổ kính làng đá Khuổi Ky

Từ thác Bản Giốc đi khoảng 2,5km, du khách sẽ đến làng đá cổ Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đến với Khuổi Ky, ngay từ xa du khách du khách đã thu vào tầm mắt với ấn tượng về những ngôi nhà sàn hoàn toàn bằng đá, nép mình bên dãy núi, những ngôi nhà của bà con dân tộc Tày nổi bật giữa không gian của núi rừng rộng lớn, xanh mát. Nét đặc trưng của làng đá Khuổi Ky nằm trong khu vực có rất nhiều núi đá vôi nên đá chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây, đá được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc.

Quần thể làng đá Khuổi Ky gồm có 14 căn nhà sàn bằng đá, trải rộng khoảng 10.000m2 dựa lưng vào núi đá, phía trước là khoảng đất rộng khoảng 2.000m2 để trồng cây lương thực và dòng suối Khuổi Ky chạy qua phía trước làm cho ngôi làng càng đẹp, ấn tượng.
Qua cổng chính bắc qua suối mới được dựng bằng gỗ, du khách đã dần nhận thấy sự khác biệt của làng đá Khuổi Ky. Lối vào đi qua những con đường lát đá, kè đá hai bên, tường bao được làm bằng đá, nhà được xây bằng đá, móng làm bằng đá hộc, chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá và gia công lại. Các đồ dùng sinh hoạt của người dân cũng thân thiện với đá, sử dụng chất liệu đá như cối xay, bếp, đập nước..

Đàm Thủy - nơi hội tụ nét đẹp hoang sơ - ảnh 2
trong động Ngườm Ngao

Đã từ lâu, làng đá Khuổi Ky nổi tiếng với những ngôi nhà sàn bằng đá và tục thờ thần đá độc đáo. Bà con đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức tường đá một cách kiên cố, những ngôi nhà cũng được làm bằng đá, chắc chắn như một pháo đài. Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát, khi hoàn thành, độ dày của bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo của đồng bào dân tộc Tày.

Để dựng thành công một ngôi nhà, người dân cần mất khoảng từ  2 đến 3 năm. Người dân xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, đặt kèo, làm gác. Việc lên tầng cho ngôi nhà đá khó khăn ở chỗ, càng lên cao thì việc điều chỉnh độ chính xác càng phải tỉ mẩn hơn. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì sẽ khiến ngôi nhà sẽ bị siêu vẹo, dễ đổ, chiều cao của nhà thường từ 7-8m.

Giai đoạn cuối cùng trong việc dựng ngôi nhà đá chính là lợp ngói âm dương. Loại ngói này sẽ giữ cho ngôi nhà đá mang đậm nét cổ kính. Nhà thường có ba gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt. diện tích nhà tùy thuộc vào số người trong gia đình. Những bức tường kiên cố được tạo nên từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá và vôi cát. 

Đến khám phá và cùng trải nghiệm

Những năm gần đây, các điểm đến ở Đàm Thủy đều được quan tâm, đầu tư về cơ hạ tầng, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, quy hoạch về điểm dừng chân, nhà vệ sinh, thùng đựng rác, nơi đón tiếp, các gian hàng bán hàng lưu niệm, quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho khách khi đi tham quan.  

Anh Nông Đình Hiệu, chủ thuyền đưa du khách tham quan thác Bản Giốc chia sẻ, trước đây du khách muốn tham quan thác Bản Giốc chủ yếu ngồi trên bè tre, từ năm 2015 đến nay đã có 12 thuyền nhựa thay thế, phí dịch vụ 50.000đ/ người đi thuyền ngắm thác Bản Giốc từ 15-20 phút, khách lên thuyền được trang bị áo phao. Dạo quanh sông, du khách sẽ có cơ hội ngắm dải cát trắng cùng những ruộng lúa, bãi cỏ xanh mướt hai bên bờ ôm lấy chân thác tạo nên bức tranh phong cảnh đầy mê hoặc. Dưới chân thác, du khách sẽ cảm nhận được bầu không khí sảng khoái, ghi lại những khoảnh khắc, dấu ấn khó quên về thác Bản Giốc. Ngoài đi thuyền, tại thác Bản Giốc còn có dịch vụ cho thuê cưỡi ngựa chụp ảnh.

Đàm Thủy - nơi hội tụ nét đẹp hoang sơ - ảnh 3
nhà đá trong làng đá cổ Khuổi Ky

Bên cạnh đó, khi đến Đàm Thủy nói riêng và huyện Trùng Khánh nói chung, du khách còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo của vùng đất biên cương như: Cơm lam, măng đắng, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh khảo, bánh cuốn thịt, thịt lợn chua, lạp sườn, vịt quay, thạch đen...

Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Lương Văn La cho biết: “Những năm gần đây, du lịch đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho vùng đất này. Cuộc sống của người dân được nâng cao nhờ tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, cung cấp các dịch vụ và nông sản của địa phương. Được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông nên lượng khách du lịch đến với xã liên tục tăng trong thời gian qua”. Ông Lương Văn La chia sẻ, vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn tổ chức các hoạt động, sự kiện, đặc biệt là Lễ hội du lịch thác Bản Giốc gắn với sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nên địa phương đã thu hút khoảng 1 triệu lượt khách mỗi năm (không kể thời điểm dịch Covid-19). “Những hoạt động như vậy vừa góp phần phát triển du lịch, vừa là cách để khẳng định chủ quyền đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho người dân và du khách. Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng tuyến du lịch Vành đai biên giới nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh trật tự vùng biên”, ông La cho hay.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.