Đàn ông cũng thích... vợ nuôi

Chia sẻ

Những khuôn mẫu giới áp đặt lên đàn ông Việt nhiều năm qua khiến cho những nhu cầu kiểu như “ở nhà vợ nuôi”, “vào bếp nấu nướng, rửa bát”, “chăm con và đi ngồi tám chuyện”… trở nên hoang đường và người đàn ông đó ngay lập tức bị xếp vào hàng… hèn kém.

Đàn ông chúng tôi cũng thích săn sale, nấu cơm rửa bát!

Chuyện mua hàng giảm giá lâu nay vẫn được gán là đặc quyền của chị em. Chẳng thế mà Tú (ở Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) – một cô gái mới lấy chồng được vài tháng, chê bai rằng chồng cô có một niềm đam mê săn các mã giảm giá, thức đêm thức hôm để chọn những món đồ giảm giá gần như về 0 đồng và coi đó là một chiến tích để khoe với vợ. Ngày còn yêu, Tú cũng cho đó là chuyện hơi không bình thường chút thôi, và có phần đáng yêu. Nhưng đến khi ngủ cùng giường, chứng kiến chồng nửa đêm dán mắt vào điện thoại để… canh sale, rồi hí hửng khoe với vợ những món đồ gia dụng mà anh mua chỉ với 1, 2 nghìn đồng, cô bỗng thấy sao chồng mình trở nên… bé nhỏ đến vậy?

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy đàn ông cũng cần được bình đẳng, chứ không chỉ có phụ nữ (Ảnh minh họa)Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy đàn ông cũng cần được bình đẳng, chứ không chỉ có phụ nữ (Ảnh minh họa)

Không chỉ vậy, chồng Tú còn được cái tính rất thích buôn chuyện, chuyện gì của chị em, từ thầm kín khó nói đến cần phải nói to, nói nhiều, anh đều “tiếp” được hết. Bạn của vợ đến nhà, chồng ngồi tiếp chuyện. Cuối tuần nào anh cũng phải làm mấy cữ cà phê để buôn dưa với bạn bè. Trong bữa cơm, anh kể đủ chuyện trên trời dưới đất mà hôm nay mình hóng được cho vợ nghe. So sánh với những ông chồng kiệm lời của đám bạn, Tú càng thêm sửng sốt về chồng mình. Một lần vì đang mệt mỏi do công việc và ốm nghén, Tú đã chỉ trích chồng về những hành vi “đàn bà” ấy. Cô cho rằng anh phải mạnh mẽ lên, chỉ nên làm những điều lớn lao, đàn ông chứ không phải dăm ba chuyện lông gà, vỏ tỏi như mua hàng hay buôn chuyện. Sau đó, chồng Tú đã rất buồn, anh bảo rằng, đó là điều anh thích, và nó chẳng ảnh hưởng gì tới việc anh “đàn bà hóa” cả!

Còn nhà chị Nhàn (ở Phương Liệt, Thanh Xuân) lại lục đục theo kiểu khác. Nó bắt đầu khi con trai chị tỏ ra rất thích và ham mê làm bếp. Cậu xin bố mẹ đi học thêm nấu ăn, và trong bài tập làm văn nói về nghề nghiệp sau này, cậu bảo muốn được làm đầu bếp, vì hâm mộ bố mình nấu ăn rất ngon. Ngay lập tức, hôm sau, chị Nhàn “cấm” chồng không được vào bếp nữa. Chị nói anh đang làm hỏng, bẻ cong con trai mình. “Nó phải làm cái gì đó lớn lao chứ không phải rúc đầu vào cái bếp”, chị bảo vậy, bất chấp những cái nhìn ngạc nhiên và có phần bất mãn của hai bố con.

“Ở nhà vợ nuôi” thì bị coi thường?

Trong cuộc trò chuyện “Khuôn mẫu giới trong vấn về việc làm và thăng tiến nghề nghiệp” diễn ra vừa qua, nhiều diễn giả cũng là phụ huynh chia sẻ câu chuyện riêng của mình.

Đàn ông cũng thích...  vợ nuôi - ảnh 2

Hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến công việc làm phim của anh Vũ Hải Linh bị gián đoạn, khó khăn. Tháng thì có lương, tháng thì không, khoảng thời gian ấy, anh chủ yếu ở nhà và chơi với con. Nhưng đây cũng là lúc anh cảm nhận ngày càng nhiều áp lực phụ thuộc, bởi vợ anh có lương cao và công việc ổn định hơn. “Tôi cảm giác mình như đang sống dựa vào vợ, để vợ nuôi và nhiều lúc thấy mình tầm thường, thậm chí tự coi thường chính bản thân mình”…

Anh Linh cho biết tâm lý ấy bủa vây lấy mình rất lâu, và khó dứt nếu mình không làm gì đó, nhất là giải được bài toán kinh tế. “Giữa việc từ bỏ đam mê làm phim và tìm một công việc mới vừa có tiền ngay, vừa ổn định, phải lựa chọn, tôi thấy rất giằng xé”.

Bên cạnh áp lực từ chính mình, người đàn ông cũng chịu áp lực từ xã hội. Khuôn mẫu “đàn ông làm kinh tế và trụ côt, phụ nữ chăm sóc gia đình” đã được áp lên các gia đình Việt Nam từ lâu. Anh Linh cho rằng trước khuôn mẫu giới, đàn ông vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.

Tuy nhiên, khác với anh Hải Linh (nay đã chuyển sang làm một công việc về quản lý dự án giáo dục), anh Đinh Trần Tuấn Linh (một nhà hoạt động trong lĩnh vực giới) lại khá thoải mái khi được vợ làm chủ. “5 công ty trong hệ thống của tôi đều có giám đốc điều hành là nữ. Trong gia đình tôi, vợ lái xe và là chủ xe. Tôi thấy thoải mái khi được ngồi trong xe vợ”, anh vui vẻ cho biết.

Nhận thức đúng sẽ phá bỏ những khuôn mẫu chật chội

Có một điều cần phải khẳng định lại, rằng ngày càng có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc nhìn nhận vai trò của các thành viên trong gia đình ở Việt Nam. Vợ chồng, con trai – con gái ngày càng dễ dàng chia sẻ việc nhà, đặc biệt là các gia đình hiện đại, gia đình trí thức có sự công bằng hơn, ít chịu ảnh hưởng của các giá trị truyền thống trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức.

Tuy nhiên, những thay đổi này mới chỉ là bước đầu. Thực tế đàn ông Việt Nam hiện đại đang phải mang một cái áo khoác mà xã hội gán cho là phải mạnh mẽ, là trụ cột gia đình, lo cho gia đình, làm công to việc lớn.

Một gia đình sẽ hạnh phúc khi mỗi thành viên đều được tôn trọng,bình đẳng và thấu hiểu (Ảnh minh họa)Một gia đình sẽ hạnh phúc khi mỗi thành viên đều được tôn trọng, bình đẳng và thấu hiểu (Ảnh minh họa)

Giải thích về việc vì sao anh Hải Linh băn khoăn và khó xử khi “ở nhà vợ nuôi”, còn anh Tuấn Linh thì rất thoải mái với việc “dựa vào bờ vai ấm áp của vợ”, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới cho rằng, anh Tuấn Linh tự tin phá bỏ thách thức khuôn mẫu giới trong công việc và gia đình vì chính anh cũng thành công, làm sếp. Còn với những người đàn ông có vị trí xã hội thấp hơn, điều đó không mấy dễ chịu. Điều quan trọng vẫn là nhận thức từ chính bản thân mình. Còn nếu chỉ sống bằng khuôn mẫu do người khác thiết lập ra, thì sẽ có những lúc cái khuôn trở nên chật chội, đặc biệt khi mâu thuẫn với những thôi thúc cá nhân như trường hợp anh Hải Linh.

Bổn phận phải trở thành một người đàn ông đích thực chính là một trong những căn nguyên gây nên áp lực tinh thần cho họ. Từng có nhiều nghiên cứu liên quan đến bình đẳng giới, TS Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng chuyện bình đẳng giới ở Việt Nam lâu nay mới chỉ đang nhấn mạnh quyền của người phụ nữ, khẳng định quyền của người phụ nữ, của em gái. Thế nhưng thực tế bình đẳng giới liên quan đến nhiều giới khác như nam giới, đồng tính, những người này cũng cần được bình đẳng. Bởi thế mới có chuyện, thấy đàn ông đảm đang việc nhà, biết trả giá ngoài chợ, biết mua hàng chỗ rẻ hay thích được buôn chuyện cùng bạn bè là điều quá kỳ lạ và không thể chấp nhận được!

Các nhà nghiên cứu về bình đẳng giới đã từng đề xuất phải nghiên cứu và tìm cách giảm bớt áp lực cho nam giới với việc thay đổi nhận thức và bắt đầu từ gốc rễ “xã hội hóa đàn ông” từ khi còn là một đứa trẻ sao cho lành mạnh.

Và đương nhiên, khi môi trường sống lành mạnh hơn cho nam thì các giới còn lại cũng được hưởng lợi, chí ít là giảm bớt những gánh nặng bạo lực do những người đàn ông chịu áp lực dồn lên các giới yếu thế hơn. Còn gì hạnh phúc hơn khi trong một gia đình hiện đại, bố, giống như mẹ, cũng được quyền khóc khi buồn, quyền săn đồ giảm giá để giải khuây, có quyền mệt mỏi mỗi lúc đi làm về, hay quyền thích may vá và lười thể thao, và các thành viên đều vui vẻ, thoải mái về điều đó.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tự chủ là sống có trách nhiệm

Tự chủ là sống có trách nhiệm

(PNTĐ) - Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định nội hàm của người phụ nữ thời đại mới hiện nay là Tri thức - Đạo đức - Sức khỏe - Trách nhiệm. Trong đó, riêng yếu tố “Trách nhiệm” được làm rõ, không phải là trách nhiệm chung chung, mà là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại có định hướng bản thân và tự lập thì trước hết phải có trách nhiệm với mình.
Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

(PNTĐ) - Chủ đề toàn cầu của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Điều này cho thấy chuyển đổi số với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Một giấc mộng dài

Một giấc mộng dài

(PNTĐ) - Suốt mấy năm nay, chưa ngày nào Thùy thôi nhớ về người ấy. Một mối quan hệ không thể gọi thành tên, mà sao lúc nào cũng làm cô day dứt, khát khao được một lần quay trở lại.