Đáng lẽ ông bà phải buông con cháu từ lâu

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

Căn nhà đó bà đã phải bán đi sau đó 3 năm, một mặt lấy tiền trả nợ cho con trai chơi cờ bạc thua gần một tỉ, một mặt cũng muốn đưa con về chung sống để tiện bề “quản lý”. Có con rồi, nhưng con trai bà không chịu làm gì, đêm thức đi chơi, sáng ngủ đến trưa, dậy ăn cơm rồi ngủ tiếp. Tối ăn xong lại đi thông đêm.

Khi người phụ nữ ấy gọi điện thoại, muốn xin cuộc hẹn để tư vấn về vấn đề “giáo dục con trai”, chúng tôi nghĩ con bà đang còn bé, chắc lại lười học, ham chơi điện tử, ít nói, sống khép kín hay trầm cảm do nghỉ học quá lâu hoặc áp lực học quá nặng nề khiến cho con bà mệt mỏi. Bà nói với chúng tôi rằng muốn đến tận nơi để nói cho rõ đầu đuôi câu chuyện, chứ nói qua điện thoại sợ không “hết nhẽ”. Bà cũng xin phép đi cùng với “vợ nó”. Lúc này chúng tôi mới ngỡ ngàng là hóa ra cậu con “trai hư” của bà đã 39 tuổi, có vợ và 3 con rồi… 

Người mẹ 60 tuổi kể rằng ông bà có hai đứa con, một trai, một gái. Cô gái út thì “ngon lành”, học hành tử tế, lấy chồng và vợ chồng chịu khó bảo nhau làm ăn, nên giờ khá giả, thỉnh thoảng còn biếu bố mẹ chút tiền để “ăn quà”. Tuy nhiên, cậu con trai đầu, năm nay 39 tuổi thì phá dữ lắm. Bà đã bao lần cứu con, công khai có, bí mật có, chạy vạy bao nhiêu tiền để con trả nợ, khi thì người ngoài, khi thì họ hàng, khi thì xã hội đen. Đến tuổi này mà ông bà vẫn bò ra mà làm, kiếm tiền bằng mọi cách. Con dâu bà, người đi cùng bà đến văn phòng tư vấn của chúng tôi, mẹ của ba đứa con, cũng là “ăn bám” vào bố mẹ chồng, chứ chưa bao giờ đi làm gì để có tiền lo cho bản thân, chồng con. Gần đây mới nhì nhằng bán hàng trên mạng, gọi là có công việc, chứ chưa đóng góp gì cả.

Như vậy, một gia đình 5 người, gồm hai vợ chồng và 3 đứa con, cho đến giờ phút này vẫn sống dựa vào thu nhập của bố mẹ. Tuy nhiên, theo bà, đó chưa phải là điều đáng nói nhất, mà vấn đề là tương lai của hai vợ chồng và cái gia đình ấy ra sao, không lẽ ông bà sống mãi mà nuôi họ?

Đáng lẽ ông bà phải buông con cháu từ lâu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông vốn là cán bộ nhà nước, trước kia còn đi làm, sống bằng lương. Nguồn thu nhập chính là do bà tạo dựng. Nhà gần chợ hoa quả đầu mối của thành phố, trước đây gia đình bà là một “đại lý” lớn. Bà nhập hoa quả từ biên giới phía Bắc, hay từ trong Nam ra, sau đó bán cho các thương lái ở các chợ lớn trong thành phố hay các tỉnh, huyện xa. Nhà bà cũng có 2 xe bán tải, ai lấy bao nhiêu hàng, loại gì, chỉ việc gọi điện là bà cho lái xe của nhà chở đến tận nơi, giao hàng. Sau này, bà còn mua thêm chiếc xe tải nữa, chuyên để chở thuê hàng hóa, không chỉ là hoa quả ở chợ, mà bất cứ ai thuê chở gì cũng chở. Mọi công việc đều do một tay bà thu vén. Từ ngày ông về hưu cũng xoay ra phụ giúp bà và chính ông cũng là một người chở hàng, chịu trách nhiệm “ôm một chiếc xe”. 

Con trai ông bà học xong phổ thông, rồi đi bộ đội hai năm. Xuất ngũ về thì cưới vợ khi mới 23 tuổi. Nghĩ rằng nhà có mỗi cậu con trai, lại sẵn việc, thuê người khác tốn bao nhiêu tiền, chi bằng để con trai phụ mẹ, chạy một xe, còn lại thì học kinh doanh buôn bán dần dần. Con dâu bà cũng vốn là cô gái mới lớn, chỉ biết ăn chứ chưa biết làm. Con trai bà và con dâu gặp nhau trong một nhóm trai gái tụ tập ăn chơi, hát hò, đánh bài. Khi cô con dâu có thai, con trai báo bố mẹ, bà nghĩ thôi thì chúng mau mắn có cháu cho bà lên chức “bà nội”, nên tổ chức đám cưới cho đôi trẻ. Cưới vợ cho con trai xong, ông bà quyết định cho hai vợ chồng con trai sống riêng, ở căn hộ tập thể do cơ quan phân cho ông khi ông còn công tác. Tuy chỉ là căn hộ tập thể ở một khu cũ kỹ, nhưng ngày ấy cũng “có giá lắm rồi”, bây giờ cũng tiền tỉ chứ có ít đâu. 

Căn nhà đó bà đã phải bán đi sau đó 3 năm, một mặt lấy tiền trả nợ cho con trai chơi cờ bạc thua gần một tỉ, một mặt cũng muốn đưa con về chung sống để tiện bề “quản lý”. Có con rồi, nhưng con trai bà không chịu làm gì, đêm thức đi chơi, sáng ngủ đến trưa, dậy ăn cơm rồi ngủ tiếp. Tối ăn xong lại đi thông đêm. Con còn nhỏ, nên con dâu của bà cũng chỉ ở nhà cơm nước cho gia đình và thỉnh thoảng làm vài việc lặt vặt do bà sai bảo. Chồng bà nóng tính, nên bà cũng không dám thú thật rằng bán nhà cho con trả nợ gần hết, mà chỉ dám nói con trót dại, nợ có 500 triệu. Vậy thôi mà chồng bà đã vác dao dọa giết con trai. Ông gầm lên bảo rằng 500 triệu là món tiền cả đời công chức của ông tiết kiệm cũng không có được, vậy mà con lại “nướng vào cờ bạc”. Sau lần chồng bà dọa giết con, bà không dám cho ông ấy biết nhiều về những thói hư, nợ nần của con trai, mà âm thầm “cứu” con thôi.

Đáng lẽ ông bà phải buông con cháu từ lâu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Sau vụ bán nhà, phải về chung sống với bố mẹ, con dâu bà lại có thai đứa thứ hai, nhưng con trai vẫn hư như thường. Khi mới trở lại, bà đã nói ngon nói ngọt với con rằng nhiều người chỉ ước được như hoàn cảnh nhà mình thôi, kinh tế không khó khăn lắm, công việc lại sẵn có, chẳng phải “xin” ai. Rồi bà giao cho con trai một xe bán tải, cứ ăn nằm tại nhà, có khách yêu cầu là chở đến cho người ta. Cơm bà nuôi cả nhà, hàng tháng bà sẽ “trả lương” như người lái xe mà bà vẫn thuê trước đó. Được nửa năm thì bà phải gom tiền đi chuộc xe, bởi con trai bà cắm cả xe để lấy tiền chơi bời. Bà nói, con trai bà ngoan hiền, không rượu chè, không trai gái, không đánh chửi vợ con, chỉ mỗi tội lười làm, ham chơi cờ bạc, mà chơi toàn thua thôi. Sợ chồng biết sẽ chửi bới ầm ĩ, hàng xóm người ta cười, bạn hàng người ta không dám làm ăn với gia đình bà khi biết con bà có máu mê cờ bạc, nên bà “giải quyết nhanh gọn” vụ này. Dẫu vậy, trong lòng cay đắng, vừa tiếc của, vừa giận con mà không biết phải làm gì. Nói mãi, chửi mãi con vẫn “trơ ra” như vậy, biết làm sao?

Sau lần đấy, bà không giao xe, mà chỉ yêu cầu con trai phụ bốc vác, hoặc đi theo xe với một lái chính, gọi là có việc để con không cảm thấy xấu hổ khi cả nhà ăn bám bố mẹ. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian không lâu, con trai bà tự nhiên biến mất. Cả gia đình lo lắng, tìm kiếm khắp nơi không thấy, đã định báo công an về vụ “mất tích” của con thì đột nhiên bà và gia đình nhận được tin nhắn của con trai kêu cứu. Con trai bà đánh bạc, vay nặng lãi, nên lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền đã nợ lên hơn 400 triệu nữa, không có tiền trả nợ, dân xã hội đen chặn đường, dọa “xin tí tiết”, nên phải trốn. Muốn cứu con an toàn trở về, gia đình phải lo đủ tiền trả. Lần này chồng bà kiên quyết từ chối giúp con, ông ấy bảo nếu nó làm ăn cần vốn hay ốm đau nằm viện, phải phẫu thuật, ông sẵn sàng bán nhà, bán thận để có tiền cho con, còn năm lần bẩy lượt gom góp được đồng nào lại trả nợ cho con vì bài bạc thì ông không làm nữa, coi như mất con vậy. Nhưng con dâu bà sợ mất chồng, bà sợ mất con, nên đã âm thầm huy động cả hai bên nội ngoại, bên vợ, anh chị em vợ… để con trai bà trở về. Sau lần ấy, bà có đứa cháu thứ ba, nhưng con bà vẫn không thay đổi gì, suốt ngày ngủ, đêm tối đi chơi, có việc bà bảo, con cũng không làm. Chồng bà thì kiên quyết “từ con”…

Đáng lẽ ông bà phải buông con cháu từ lâu - ảnh 3
Ảnh minh họa

Gia đình bà sống dở, chết dở sau hai năm đại dịch Covid-19. Món hàng kinh doanh của gia đình bà là hoa quả và vận tải, thì cả hai lĩnh vực này đều dừng hẳn vì cửa khẩu đóng cửa và giao thương nội địa hạn chế. Hai ông bà và 5 người trong gia đình con trai sống bằng những đồng tiền bà gom góp, nhặt nhạnh bao năm qua, rồi cũng cạn dần. Đúng lúc này, con trai bà nói với vợ nó rằng nó sẽ vào miền Nam làm ăn với bạn, vì nó có cậu bạn kinh doanh nhà nghỉ, quán nhậu khá tốt ở trong đó. Con dâu sợ chồng đi xa sẽ hư hỏng, gái gú, nên van lạy bà cản đường, đừng cho con trai bà đi. Bà thương con dâu, thương con trai, thương các cháu và thương mình, nhưng chưa biết nên làm gì, kệ cho con trai đi hay giữ con ở lại, mà nếu giữ thì bằng cách nào? Bà băn khoăn mới tìm đến các chuyên viên tư vấn để có được quyết định đúng đắn nhất.

Các chuyên viên tư vấn nói với người phụ nữ rằng đáng ra ông bà đã phải buông con ra từ nhiều chục năm trước, để đời dạy con bà trưởng thành, trở thành người đàn ông, người trụ cột gia đình, chứ không phải chỉ mãi là cậu bé ăn bám bố mẹ và lâu lâu lại “sản xuất” ra một đứa trẻ. Đường cùng tất biến, bí quá hóa liều, trong cái rủi có cái may, con trai bà lần đầu tiên đã nghĩ đến chuyện đi xa và làm ăn, đó là điều mừng. Chuyện anh ta có thành công hay không, không ai dám chắc, nhưng kể cả thất bại, anh ấy cũng có nhiều bài học thực tế, khiến anh ấy khôn lớn hơn. Người hư thì ở đâu cũng hư được, mà bao năm nay trong vòng tay bố mẹ và vợ, anh ta cũng “chưa ngoan”, nên không sợ anh ấy vào Nam sẽ hư. Con trai bà chỉ nói với vợ, không nói với bố mẹ, tự ý lặng lẽ ra đi, ông bà cũng coi như không biết. Nếu anh ta hỏi vay hay xin tiền, hãy cho anh ta chút tiền đủ để sinh sống ít ngày, không đưa món tiền lớn để đầu tư làm ăn. Việc của ông bà là cố gắng giữ gìn sức khỏe, phát triển kinh doanh sau mùa dịch, hỗ trợ chăm sóc các cháu, hướng dẫn cho con dâu làm việc nhà và tham gia buôn bán cùng với ông bà…
Người phụ nữ có vẻ “không vui”, nhưng vẫn cảm thấy điều các chuyên viên tư vấn nói là đúng, nên nói: “Vâng, cảm ơn các bác, có lẽ phải thế thôi, tôi kiệt sức rồi”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.