DANH BẤT HƯ TRUYỀN CHÙA KHAI NGUYÊN

THÁI DŨNG (Tổng hợp, biên soạn)
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Chùa Khai Nguyên từ lâu đã được phật tử và du khách thập phương hết lời ca tụng, ngợi khen là ngôi chùa đẹp đẽ và bề thế khang trang hiếm nơi nào có được. Tiếng thơm về ngôi chùa Xứ Đoài này tôi được nghe đã từ lâu song mãi đầu xuân năm ngoái mới cùng nhóm bạn đến lễ bái và vãn cảnh chùa. Được mục kích sở thị nơi đây mới thấy quả là danh bất hư truyền. 

Chùa có tên hiệu là Tản Viên Sơn Quốc Tự nằm tại thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngôi chùa đã có từ rất lâu đời, cảnh quan thoáng rộng, đẹp đẽ. Mỗi hạng mục ngôi chùa như là những tác phẩm của bàn tay những nghệ nhân tài hoa, khéo léo sáng tạo, xây dựng nên.

DANH BẤT HƯ TRUYỀN CHÙA KHAI NGUYÊN - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chùa Khai Nguyên có niên đại lịch sử từ thời nhà Lý, nửa đầu thế kỉ XI. Trải qua sự chảy trôi, tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa được di chuyển vị trí nhiều lần. Từ năm 2003, chùa được các Phật tử gần xa quyên góp, trùng tu với quy mô lớn. Sau gần hai thập kỷ, đến nay, tuy chưa hoàn thiện hoàn toàn nhưng ngôi chùa đã hiện diện với một quy mô hoành tráng cùng lối kiến trúc mang nét kim – cổ giao hòa. Đó là lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, các gian thờ chính được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ”, cuối là Tăng đường cùng tả vu, hữu vu, tháp Báo Ân, gác chuông, gác trống… Chùa được xây dựng ngay tại vị trí sơ khai thuở xưa và giữ nhiều nét như ban đầu. Điều rất quý là chùa không bị phá vỡ không gian và mất đi giá trị lịch sử. 

Nằm giữa một vùng quê yên bình, tươi đẹp: Chùa có một hồ thoáng rộng, quanh năm nước xanh như ngọc nằm trong một khuôn viên hình chữ nhật vuông vắn. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột. Đây là gian thờ Địa Tạng vương Bồ tát, nơi có bộ kinh Địa tạng quý, thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử. Xung quanh hồ, cây cối xanh tốt, hoa thơm khắp 4 mùa, đem lại không khí trong lành, thanh tịnh cho Phật tử và du khách khi bước chân tới nơi đây. Các công trình Chính Điện, Tháp Chuông, Tháp Trống, Nội Viện được xây dựng theo kiến trúc của đền chùa Bắc Bộ.

DANH BẤT HƯ TRUYỀN CHÙA KHAI NGUYÊN - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trong chùa, tượng Phật thờ được bài trí uy nghiêm. Hệ thống tượng Phật, La Hán rất đặc sắc đặt trong Nội điện và các dãy hành lang, còn mở rộng ra cả sân chùa. Bên cạnh bức đại tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á được nhiều người biết đến, chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách bởi hệ thống tượng Phật gồm 1.975 pho lớn nhỏ trong gian Tam bảo, tạo nên hình thái kiến trúc rất phong phú. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một số di vật có giá trị như: Hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1815), một quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870). Đây là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của ngôi chùa Khai Nguyên.

Chùa còn có hang động Địa ngục, ở đây diễn lại con đường xuống địa ngục theo kinh Phật Tịnh Độ Tông. Nơi này khơi gợi cho con người có thể suy ngẫm và nhìn nhận về lương tâm, đạo đức để hành xử thiện lương, một phương cách giáo dục đạo đức cho con người thật hữu hiệu.

Không chỉ là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều Phật tử gần xa, chùa Khai Nguyên còn là điểm nhấn của ngành Du lịch Hà Nội ở hướng Sơn Tây Xứ Đoài bởi những trải nghiệm hấp dẫn khi được liên kết với các điểm đến lân cận như: Chùa Mía, đền Và... Chùa Khai Nguyên quanh năm đón khách thập phương về lễ Phật và chiêm bái nhưng đông vui nhất là vào mùa xuân.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.