Đất của tôi…

Chia sẻ

Trong cơn ác mộng, bà Thêm thấy mình nằm trên đống đất cao, như có bàn tay nào vẫn đang vun cho cao nữa. Và bà chìm dần trong đống đất ấy, trong cái nhìn dửng dưng như không của đứa con trai quý hóa, thằng đích tôn quý tử và cô con dâu “môn đăng hộ đối” mà bà cất công lắm mới rước được về…

Giấc ngủ không hề bình yên của bà đã bị đánh thức. Tiếng cô con dâu lanh lảnh từ ngoài sân vọng vào. “Giọng nó khỏe thật, y như tiếng mình ngày xưa”, bà thầm nghĩ. Bởi cái sân nhà bà to gần bằng cái sân bóng ở xã, mà tiếng chị Huệ, con dâu bà vẫn lọt được vào đến tận phòng bà – căn phòng cuối cùng, như cái ruột thừa, chìa ra, sát bếp.

Trước tiên là chị Huệ chửi chồng ăn hại, sân không quét, gà, lợn không cho ăn. Sau nữa là chị mắng 2 đứa con sáng bảnh ra rồi còn không chịu mở mắt. “Nhà này cái gì cũng đến tay tôi”, chị dậm chân, hậm hực, quẳng cái mũ bảo hiểm vào góc hè. Cái làn to lẫn lộn thịt, cá, bánh cuốn, rau, sống chín chen nhau mà chị xách nhẹ bẫng. Mắng chồng, mắng con nhưng người chạm mặt chị đầu tiên lại là bà mẹ chồng. Bà Thêm vịn tường, run rẩy bước ra phòng khách, vừa đúng lúc chị Huệ ngồi phịch xuống bộ tràng kỷ bằng gỗ lim mát rượi.

- Bà định đi đâu?

- Có đi đâu, tôi dậy vận động cho đỡ ì ạch..

- Liệt rồi còn bày vẽ, bà cứ đi ra đi vào chúng nó va phải lại rách việc. Rồi lại con này hầu!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

...
Tiếng chị Huệ cứ toang toác, vang ra cả ngoài đường. Chuyện nhà chị, vì thế mà cả làng này không chứng kiến cũng thừa hiểu rõ.

Hai mươi năm trước, bà Thêm còn khỏe mạnh, đi lại bình bịch. Cái cơ ngơi rộng đến mấy sào này cũng sừng sững từ thời ấy rồi. Có nhà to nhất làng, nên bà đương nhiên cũng là người giàu nhất. Vì thế, bà quyết tâm phải cưới cho cậu con trai độc nhất của mình một người vợ tương xứng về gia thế. Chị Huệ lọt vào mắt bà. Mặc kệ con bà, chồng bà có đồng ý hay không, bà quyết luôn mấy trăm mâm cỗ, thuê đội làm rạp cưới ở huyện về, làm đám cưới cho con trai to nhất, linh đình nhất. Thấy vợ vung tay hơi quá, chồng bà run run hỏi lại vợ, “nhỡ thừa ra đấy thì phí! Khách khứa có mấy đâu!”. Bà Thêm nạt lại chồng, khiến ông tí thì ngã ngửa: “Thừa cũng phải làm! Để cho thiên hạ biết được nhà mình có của, để chúng nó phải ao ước, phải ngưỡng mộ mình! Không ai ăn thì càng còn, ông rách việc vừa thôi! Cứ chơi với đám người nghèo hơn mình, có ngày nó lừa cho mất hết lúc nào không biết!”.

Đúng như dự đoán, đám cưới thừa thãi đến gần nửa số mâm cỗ. Người ta không dự, nhưng đứng kín 2 bên đường để xem mặt cô dâu. Lúc thấy rồi, nhiều người hỉ hả ra mặt: “Ngữ này là trị được bà Thêm rồi!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Họ hỉ hả vì nhìn tướng mạo chị Huệ, ai cũng mong chị sẽ “thay trời” trị lại sự hống hách đến mức vô lối của bà Thêm. Cái cơ ngơi to vật vã này, chính là bà đã trắng trợn cướp đất của những người họ hàng đằng nhà chồng mình. Không ai làm gì được, vì bà khéo lắm. Giả lả mượn đất của họ hàng để làm ăn, nhưng sau lưng người nhà lại lén lút nhập nhằng giấy tờ, rồi từ lúc nào, những miếng đất ấy vào túi bà hết. Ngay cả hàng xóm cũng bị bà chèn, lấn đất. Hỏi vì sao không ai dám lên tiếng, ấy là vì tiếng chẳng được to, bị nạt nộ nhiều thành ra ú ớ, chẳng ai tin. Bà Thêm chẳng sợ ai, nuôi thêm mấy thằng đầu trộm đuôi cướp làm “vây cánh” cho mình, ai kêu đòi đất nhiều quá, bà sai chúng đi “xử” cho đỡ điếc tai. Những năm ấy cả làng còn đói kém, nên dần dần người ta cũng gạt nước mắt, còn phải kiếm ăn nữa mà… Bà Thêm thành “địa chủ” từ đó. Chồng bà, con bà bị vợ, bị mẹ át vía, ăn không nên đọi, nói không nên lời. Nên dù biết bà Thêm ác với họ hàng, chòm xóm, họ cũng không làm gì được. Nhà cao, cửa rộng mà ra đường mặt cứ cúi gằm xuống…

Từ ngày rước được dâu quý về, bà Thêm lại tỏ ra xởi lởi với xóm giềng, ra đường gặp ai cũng chào hỏi. Gì thì gì, nhà thông gia cũng bề thế, rủng rỉnh, bà phải “làm hình ảnh” cho cân xứng chứ. Bà cũng chiều con dâu lắm, nhất là tẩm bổ hết mình khi chị Huệ đẻ được thằng cu. Bà vỗ ngực cho rằng mình thế là nhất rồi, vừa có tiền có của, lại có cả đích tôn! Giờ thì bà có thể cho mình được sống an nhàn rồi…
Nhưng người đời nói chẳng sai, luật nhân quả không chừa một ai, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Bà Thêm cứ ngỡ cuộc đời mình mỹ mãn, nhưng bà không hay rằng, bi kịch giờ mới bắt đầu. Chị Huệ sau một thời gian làm dâu, vốn cũng có cái tài nghe ngóng, chộp giật nhanh như mẹ chồng, nên đã nắm được bà Thêm có bao nhiêu đất đai, của cải. Và những thứ đó cũng chẳng phải ngẩng cao đầu mà có, nên chị nghĩ nếu có giành lại, thì cũng chả việc gì phải ngại, dù sao cũng mang tiếng là con bà ăn cướp rồi mà!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế là, bà Thêm lừa người ta thế nào, thì con dâu bà “lừa lại” mẹ chồng như thế. Ban đầu còn khéo léo nịnh nọt mẹ chồng cho mảnh đất này để làm ăn, sau này khi bà Thêm tỉnh ra, tỏ vẻ “cứng”, không chấp thuận yêu cầu của con dâu, thì chị Huệ lao vào bài bạc, nợ nần, rồi cho chủ nợ đến nhà, “cứ gặp thẳng bà Thêm mà đòi tiền”, chị dõng dạc thế. Bà Thêm uất quá, ngã lăn ra nền nhà. Trời rét đậm rét hại, bà nằm đó một lúc lâu, thằng cháu nội mới đi chơi điện tử về nhìn thấy, đưa đi cấp cứu. Nhưng cũng từ đó, bà yếu hẳn, chân đi không vững, nói cũng khó khăn. Chị Huệ càng làm tới. Cũng phải, vì chồng con chị cũng đâu ngăn được chị…

Nghiễm nhiên, chị thành bà chủ trong nhà, đất cát vẫn còn nhiều, rộng thênh thang, chị cứ duỗi chân mà chơi đã. Chướng mắt với bà mẹ chồng bệnh tật, chị sai con trai đưa bà xuống ở căn buồng trước đây chỉ để mấy thứ bỏ đi. Bà Thêm trước kia béo tốt, ăn uống đẫy đà, thì nay chỉ được cơm thừa canh cặn, đã vậy còn nghe đủ những tiếng chì chiết của con dâu mỗi khi chị ta không vừa ý điều gì. Cũng không ai đến thăm bà, cũng phải, nhiều người hận bà còn chưa hết…

Giờ đây, mỗi ngày của bà Thêm đều nhập nhòe, mờ mịt bởi đôi mắt đã đục dần. Những lời xỉa xói, nhiếc móc của con dâu – một ngày kia đã làm bà nổi nóng. Hai người phụ nữ giằng co nhau, còn hai người đàn ông – biết nhưng không thể làm gì. Phải đến khi bà Thêm lên cơn co giật, họ mới chạy bổ vào đưa bà đi cấp cứu. Bà Thêm vẫn cố gượng, gào lên từng hồi: “Đất của tôi, của tôi…!”.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.