Dấu hỏi lớn

THÁI THỊ THU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bố chồng vừa nằm xuống chưa được 1 tuần, đại gia đình đã mở cuộc họp. Ở đó, Dung thành đối tượng bị tra hỏi, còn các anh chị em nhà chồng là những “cảnh sát viên”.

- Một lần nữa, tôi đề nghị cô cho tôi biết, tài sản ông cụ để ở đâu? Cô đừng nghĩ ăn không, của chúng tôi được. Ông Trời có mắt, thưa mà khó lọt đó, cô ạ- Anh cả chồng mở màn, bằng lời quy chụp kèm “đe dọa” như thế. 

Tiếp đó, đến lượt chị chồng Dung:

- Bố tôi cả đời tích cóp, không thể chỉ có cuốn sổ tiết kiệm vài trăm triệu đồng như vậy được. Tôi nhớ ngày trước, đã có lần, tôi thấy trong tủ của  ông có cả một hộp nhẫn vàng. Nhưng lúc đó, tôi tôn trọng bố, không muốn bố nghĩ là tôi để ý tới tài sản của bố nên không hỏi cho rõ. Giờ, chỉ còn cô là có thể cho chúng tôi câu trả lời lớn nhất.

Dấu hỏi lớn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Dung vẫn ngồi im, không nói gì cho tới khi vợ chồng cậu em chồng “chốt hạ”:

- Quả thật, việc bố ra đi như thế này đúng là tổn thất lớn. Bố đi mà để lại một dấu hỏi lớn cho chúng tôi. Đó là tài sản bố cất nơi đâu? Tôi đề nghị chị hãy làm rõ trắng đen. Bao nhiêu năm qua, chị được cả nhà tôi cưu mang, giúp đỡ, chị được ở trong nhà của bố miễn phí. Không lẽ, giờ chị còn muốn chiếm đoạt tất cả công sức của bố hay sao. Tôi nhắc lại, bố là bố chung, và chị cũng chỉ là con dâu trong nhà này. Tới đây, khi phân chia nhà, việc chị có còn được ở lại đây nữa hay không phụ thuộc vào thái độ hợp tác hôm nay của chị.

Đến nước này, Dung đã chẳng còn gì để mất. Cô đánh bài ngửa với các anh em chồng đang ngồi vây quay mình:

- Tôi nhắc lại, tôi không biết gì về tài sản của bố. Mọi người cũng đã từng tìm kiếm, lục soát phòng bố rồi đó thôi. Nếu không tin, mọi người có thể thuê máy dò kim loại đến đây mà tìm. Còn giờ, tôi đang quá xúc động, tôi không thể ngồi đây lâu thêm được, tôi về phòng trước. Mọi việc tới đây ra sao, anh chị cô chú cứ việc bàn bạc…

Dấu hỏi lớn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Dung đứng dậy, bỏ về phòng. Sau lưng cô là những tiếng lao xao: “Á à, đồ mất dậy, nó định phủi tay sạch trơn đây”, “Nó lấy hết tiền, vàng của bố rồi nên mới mạnh miệng bảo chúng ta thuê máy móc đến tìm”, “Có khi ngoài vàng, nó còn ôm cả đống của rồi. Bố ốm bao nhiêu ngày như thế, biết nó nhỏ to, tâm sự gì với bố. Giờ, nó còn đủ sức mua nhà riêng rồi không biết chừng…”, “Thôi rồi nó sẽ bị trả giá thôi anh chị ạ. Mà nó trả giá rồi đấy thôi, giờ ôm vàng thì đời cũng tàn thôi...”.

Dung bỏ hết những lời cay nghiệt đó sau lưng, cho tới khi về tới phòng, thả mình xuống giường, cô mới bật khóc nức nở. Cô đau lắm, đau cho cái gọi là tình thân, một “giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tiếng là anh chị em ruột thịt cả, nhưng, từ ngày chồng Dung mất đi, họ đã bao giờ quan tâm xem bố họ, em họ, cháu họ sống như thế nào chưa? Chỉ tới bây giờ, khi nghĩ rằng ngôi nhà này đang chứa cả khối tài sản, họ mới tìm về, đòi hỏi quyền lợi.

Dung nhớ về bố chồng khi còn sống, cô không hiểu sao, một người nhân hậu như ông, lại có thể là bố của một đàn con như vậy. Bố chồng chính là động lực để cô sống sót và vượt khó vươn lên như bây giờ.

Dấu hỏi lớn - ảnh 3
Ảnh minh họa

Ngoài 20 tuổi, Dung được gả về gia đình này. Chồng cô vốn là một người đàn ông xốc vác, chăm chỉ và cũng hiểu chuyện. Hồi đó, bố chồng Dung đã ốm, nằm liệt giường. Sợ thuê người giúp việc sẽ không thể chăm sóc bố chu đáo, anh đề nghị Dung nghỉ việc cơ quan, ở nhà thay anh chăm bố, chăm con. Dung không nghĩ gì cho bản thân, chỉ thấy việc báo hiếu là nên làm nên cô đồng ý. Các anh chị em chồng thấy vậy cũng hùa vào, rối rít cảm ơn vợ chồng Dung. Người thì lấy cớ nhà xa, người bận rộn công việc, người thì lo mưu sinh… nên chỉ thi thoảng mới ghé qua thăm bố, mà mỗi lần cũng chỉ chốc lát rồi lại đi ngay. Chồng Dung làm ăn cũng khấm khá, nên toàn bộ tiền chi tiêu chăm sóc và thuốc thang cho bố, anh cũng tình nguyện bỏ ra mà không yêu cầu anh chị em đóng góp chút nào. Sợ Dung lăn tăn, chị chồng còn ngon ngọt dỗ dành: “Công sức của cô chú chúng tôi biết. Sau này, ngôi nhà của bố cũng sẽ để lại cho cô chú cả. Chúng tôi nếu có phần, thì cũng chỉ lấy chút hương hoa gọi là lộc bố mẹ bất tận hưởng nên cô cứ yên tâm”.

Dung chưa bao giờ nghĩ cô sẽ lấy nhà hay tranh giành tài sản của nhà chồng. Cô chỉ nghĩ hãy cứ làm tròn đạo làm con. Chẳng thế mà, cách đây mấy năm, khi bố chồng Dung thấy sức khỏe ngày một yếu đi, sợ có lúc không còn minh mẫn nên đã đặt vấn đề chuyển quyền sở hữu ngôi nhà sang cho vợ chồng Dung, coi như để vợ chồng cô quản lý nhà thay cho ông. Nhưng, cả hai vợ chồng Dung đều từ chối vì không muốn các anh chị hiểu lầm. Sau này, khi bố không còn nữa, việc định đoạt ngôi nhà ra sao sẽ do toàn thể anh chị em cùng quyết định.

Mọi việc cứ thế trôi đi, có lẽ sẽ ổn thỏa nếu chồng Dung không đột ngột qua đời. Dung phải mất một thời gian dài khủng hoảng, hoang mang vì 3 mẹ con bỗng nhiên mất đi chỗ dựa vững chắc. Các anh chị em chồng chỉ qua thăm hỏi được chút ít, không ai đặt vấn đề sẽ nhận việc trông bố thay Dung. Thế là, Dung một tay vừa chăm bố già yếu, một tay vừa nuôi hai con nhỏ còn trứng nước. Biết Dung vất vả, bố chồng vẫn thường nói lời cảm ơn cô. Ông còn bảo muốn viết di chúc, để lại phần nhiều tài sản cho Dung vì Dung hiện vất vả nhất trong số mấy anh chị em. Thêm lần nữa, Dung lại gạt đi. Cô không muốn mình sẽ nhận nhiều đặc ân hơn từ bố chồng, dù với ông, cô có quyền được như thế.

Dấu hỏi lớn - ảnh 4
Ảnh minh họa

Bố chồng Dung trở bệnh nặng hơn 1 tháng trước. Sau khi nằm ở nhà điều trị mà không khỏi, Dung gọi điện cho các anh chị chồng đưa ông vào viện. Ông chỉ tỉnh được 1 đêm thì ngày hôm sau là hôn mê, cũng chính là đêm Dung ở lại bệnh viện túc trực chăm bố. Đó là lý do các anh chị em chồng nghi ngờ, đêm đó, Dung đã lần hỏi được nơi cất giấu tài sản của bố. Ngay khi ông vừa nằm xuống, chị em chồng đã đặt vấn đề hỏi Dung về tài sản bố để lại nhưng Dung quả thật không biết gì. Cô chỉ biết bố chồng có một cuốn sổ tiết kiệm để ngay trong tủ quần áo. Chị chồng Dung không tin, cho rằng cô nói dối nên đã cho người đến phá cửa phòng bố, phá khóa các ngăn kéo tủ để lục tìm. Song, ngoài những bức thư, ảnh kỷ niệm thì chẳng còn gì...

Từ đó, Dung bị ấn cho cái tiếng là chiếm đoạt tài sản của bố chồng một cách oan ức. Tất cả chỉ nhìn thấy cô tham lam, còn những tháng ngày qua, khi cô vất vả chăm bố mà không nề hà tính toán thì không một ai còn nhớ gì…

Dung quyết định sẽ ra đi, dù biết rằng cô làm vậy, ở nơi xa, bố chồng cô sẽ buồn lắm. Đã nhiều lần ông nói, ông thương Dung và các cháu nhất vì Dung sớm mất chồng, cháu sớm mồ côi bố. Ngay cả sau này khi ông qua đời thì mẹ con Dung hãy cứ an tâm ở lại ngôi nhà này. Dung im lặng để bố yên tâm, nhưng đến giờ thì Dung biết mình cần phải làm gì. 

Tối đó, Dung cùng các con sắp xếp hành lý để về ngoại. Bao nhiêu  năm làm dâu, cuối cùng, Dung cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Tài sản của bố như thế nào, với anh chị em nhà chồng Dung đang là một dấu hỏi lớn. Còn với Dung, dấu hỏi vương vấn duy nhất trong lòng cô lúc này chỉ là tình ruột thịt chỉ nặng như mấy chiếc nhẫn vàng thôi sao?

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.