Dâu hư bởi con trai hỗn

Chia sẻ

Mới sáng bảnh mắt, bà giáo Hải vừa đi như chạy dọc đường làng vừa khóc. Dân quanh xóm đi chợ thấy bà giáo như thế thì rất ngạc nhiên, níu bà lại hỏi có chuyện gì? Bà Hải xua xua tay, bước thấp bước cao chạy tiếp đến nhà con gái. Mọi người chẹp miệng “Một gia đình gia giáo như vậy mà chỉ vì cô con dâu chả ra gì, nên khổ lây cả họ!”.

Giới thiệu đồng nghiệp cho con trai

Gia đình bà Hải ở làng này ai cũng quý. Ông làm cán bộ trên huyện, bà là giáo viên THCS, con cái học hành tử tế cả. Ông bà sống chan hòa, nhường nhịn, thương người, ai có việc gì khó thì đều được ông bà sẵn lòng giúp đỡ. Nhiều người trong làng này vốn là học trò của bà, nhiều người từ làng này học bà mà nay trở thành ông nọ bà kia trong tỉnh và trên trung ương. Cho nên ai gặp bà giáo thì dù là lão nông chi điền hay ông comple từ Thủ đô về, cũng đều kính trọng chào cô giáo cũ, còn bà giáo thì rất hồ hởi vui tươi hỏi thăm các trò cũ, tình cảm rất chân thành. Thế mà mấy năm trở lại đây, nhà bà giáo gặp quá nhiều tai ương...

Khi còn là giáo viên, bà cũng rất được đồng nghiệp yêu kính. Chính bởi tính bà đôn hậu, thương người, thành ra bà lại phải “gánh cái cục nợ đời” chính là Hoài, cô con dâu, là đồng nghiệp học trò của bà. Khi đó Hoài mới ra trường, về làm giáo viên Địa trong tổ Xã hội do bà Hải làm tổ trưởng. Hoài ít tuổi hơn các con bà, hoàn cảnh gia đình Hoài đáng thương, bố mất sớm, mẹ tần tảo làm lụng nuôi con ăn học, nên bà rất chân thành bảo ban, giúp đỡ. Trong tổ bộ môn có nhiều GV chê Hoài là giáo viên trẻ mà lười không chịu rèn nghề, bản tính cũng “ghê gớm ra phết”, nhưng bà Hải thương nên bênh “Các cô nhiều tuổi đâm khó tính. Trẻ thì nó phải hồn nhiên, nghĩ gì nói nấy, cũng nên thông cảm”. Hoài thấy được bà Hải bênh nên càng giả vờ “nước mắt cá sấu” với bà.

Hoài chăm chỉ đến nhà bà, bởi cô có “mục tiêu” khi phát hiện ra Lân con trai bà hơn cô vài tuổi, học đại học xong vừa về làm trong huyện cùng với bố. Hoài đã ngắm và bắn rụng trái tim của Lân. Bà Hải ban đầu cũng không vui lắm, nhất là khi các cô giáo trong bộ môn thì thào lo cho bà nếu để “cáo thò chân vào nhà”, nhưng Hoài rất khôn khéo đã “nịnh đầm” bà Hải, đi đâu, gặp ai cô cũng tự nhận là nhờ bà giới thiệu cho con trai nên nay cô mới có hạnh phúc được “làm dâu nhà mẹ hiền”. Cứ thế, Hoài nhanh chóng biến mọi thứ thành sự thật. Đám cưới nhanh chóng diễn ra, không kịp cho vợ chồng bà Hải kịp suy tính, bàn bạc gì nữa.

Hoài về làm dâu, nhanh chóng sinh quý tử. Vợ chồng bà Hải cũng có chút vui mừng, thôi thì con dâu nó không còn bố từ bé nên không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, nhưng nó cũng là giáo viên, lại sinh cháu cho mình, rồi dần mình uốn nó theo khuôn phép. Nhưng ông bà mải vui với cháu nội, quên mất trong nhà có “con cáo”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một ngày đẹp trời, vợ chồng bà Hải kinh ngạc thấy Hoài lái ô tô vào thẳng trong sân nhà. Chiếc xe mới coóng. Bà ngạc nhiên bế cu tý chạy ra xem. Hoài cười tươi khoe:

- 2 vợ chồng con vừa mua luôn 2 chiếc, chỉ khác màu sơn thôi mẹ! Từ nay đi làm không phải lo mưa nắng.

- Tiền đâu ra nhiều thế? Các con vay ngân hàng rồi lấy gì mà trả? - bà Hải kinh ngạc pha chút lo lắng.

- Con chả vay ai cả. Tiền đâu thì mẹ hỏi anh Lân.

Nóng ruột chờ Lân đi làm về, cũng lái cái ô tô mới coóng vào sân, bà Hải te tái hỏi con. Lân gãi gãi đầu:

- Mẹ không phải lo! Con có tiền thì mua. Không phải vay mượn là được chứ gì!

Bà Hải lo thắt tim gan, đành chờ chồng đi làm về. Ông vẫn đi cái xe máy cũ kỹ. Khi vào nhà, thấy 2 cái xe ô tô, ông không đưa được xe máy vào sân, đành để đầu ngõ, ông kinh ngạc gọi vợ:

- Bà Hải, có khách đâu tới mà nhiều ô tô thế này?

- Thì ông cứ vào nhà đi, ông hỏi con ông xem. Ô tô 2 vợ chồng nó mua 2 chiếc!

- Hả? Mua-hai-chiếc? Bà nói gì lạ vậy?

- Thì tôi cũng đâu có biết gì! 2 đứa đánh xe về, tôi hỏi, chúng nói có tiền thì mua, không vay ai cả. Tiền ở đâu ra? Tôi đang muốn hỏi ông đây!

- Tôi thì làm gì có tiền? Bà vừa nghỉ hưu, tôi cũng chuẩn bị nghỉ. Tiền đâu ra!

Ông Hải vừa nói vừa gật gật cái đầu suy nghĩ. Rồi ông “à” lên một tiếng. Vứt cái cặp cũ ra ghế, ông vội gọi “Lân! Ra bố gặp”.

Thì ra mấy năm trước ông có mảnh đất được mua tiêu chuẩn cán bộ huyện chưa từng được cấp nhà, lúc đó ông cho Lân đứng tên vì ông nghĩ đơn giản là đằng nào rồi cũng cho con. Nhà có 3 con thì con gái cả là kỹ sư làm ở phòng Nông nghiệp huyện, cũng đã yên bề nhà chồng lo, Lân là trai lớn, ông tính cho nó mảnh đất nó lập gia đình thì ở riêng, còn cậu út thì ở với vợ chồng ông và ngôi nhà này là nơi thờ tự. Nay ông hỏi Lân:

- Giấy tờ đất của bố đâu?

Lân đút tay túi quần, thủng thẳng:

- Bố bảo cho con mảnh đất mà! Con vừa bán được gần 2 tỷ. Con mua 2 cái xe vừa đủ luôn.

- Hả? Con Hoài nó xúi mày hả? Sao mày không hỏi bố mẹ một câu? Bố cho để mày lấy vợ có tiền tích lũy vào làm nhà mà ở. Mày đem bán thành ô tô, tiền đâu mà đổ xăng? Mà sửa xe? Xe hỏng thì mày quăng, thế thì vợ chồng con cái mày không có nhà mà ở! Mày đem trả 2 cái xe, chuộc đất về cho bố. Nếu bị người ta phạt gì, bố đền!

-Nhà thì con vẫn ở đây! Việc gì con phải lo làm nhà. Bố vớ vẩn thật. Làm sao mà trả xe với chuộc đất! Con bán mua xong hết cả rồi. Bố cứ kệ con.

Bà Hải hiểu ra sự tình, bà van vỉ Hoài:

- Con ơi, con nên nghe lời bố, trả xe chuộc lại đất về. Gia đình cần nhất là có nhà, từ đó mới nuôi con cái khôn lớn học hành!

- Đúng là bà già cổ hủ! Thiên hạ đi ô tô ầm ầm, tránh được mưa nắng, bảo vệ sức khỏe! Mấy chục năm làm giáo viên mà kém hiểu biết thế! Thôi, bà đừng có can thiệp vào chuyện vợ chồng con nữa – rồi Hoài lẩm bẩm: Mất hết cả hứng xe mới!

Bất hạnh vì con dâu như quỷ dữ

Không chỉ chuyện tự ý bán đất tậu xe hơi, chuyện đau lòng trong nhà bà Hải cứ ngày càng nhiều thêm bởi cô con dâu “cáo”.

Sau khi ông Hải nghỉ hưu, Lân bàn:

- Nhà mình đất rộng, bố mẹ tách sổ đỏ cho con một phần đất ở đây, con tính lâu dài xây thêm cái nhà, vợ chồng con tách ra. Thằng út sau này nó có đem vợ con về thì ở chung với bố mẹ, nếu không thì nhà cũ này thành khu nhà thờ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Hải lắc đầu:

- Đất phần con đã có rồi, con đem bán mua ô tô. Giờ con phải tự lo chỗ ở. Nhà đất này bố mẹ tính cho chị gái và em út.

Thấy thái độ ông Hải cương quyết thế, Hoài tuyên bố:

- Từ mai ông bà tự lo ăn riêng nhé! Tiền điện trong nhà này do con chi trả nên ông bà đóng tiền điện cho con 1 triệu/ 1 tháng.

Thế là từ đó, những bữa cơm đông vui có ông bà ăn cùng các cháu nội, cười nói rổn rảng đã không còn nữa. Bà Hải vẫn nấu những món ngon mà chồng thích, nhưng ông Hải ăn không thấy ngon nữa. Đã thế, nhưng nhà chung, bếp chung, đi ra đi vào 2 bên cùng nấu nướng cũng thật bất tiện. Con gái và con rể ở gần, cũng hiểu nỗi niềm của ông bà, nên thường mời ông bà qua ăn cơm bên đó với các cháu ngoại. Mấy đứa cháu ngoại thì ríu rít yêu ông bà lắm, nên ông bà cũng có chút niềm vui. Thế rồi không may, ông Hải mắc bệnh hiểm nghèo. Biết sức khỏe mình, ông Hải bàn với vợ kín đáo lập di chúc để lại nhà cho con út ở và thờ tự tổ tiên, chia cho con gái một phần đất vườn mà bà vẫn trồng rau sạch.

Khi ông Hải bệnh nặng nằm trong bệnh viện, vợ chồng Hoài vài ba ngày 1 lần có đáo qua gọi là cho phải phép. Những ngày cuối, khi bệnh ông trở nặng, vợ chồng chúng lại mon men xin chia nhà đất, ông Hải không trả lời. Thế là từ hôm ấy, con dâu không đoái hoài đến bệnh viện thăm bố, mà con trai cũng không chăm nom gì nữa, bỏ mặc bố trong bệnh viện cho mẹ. Khi ông Hải mất, bà Hải lòng đau tan nát, cảm thấy sức lực kiệt quệ, bà không chỉ mất đi người bạn đời yêu thương nhau mấy chục năm, mà bà mất đi điểm tựa tinh thần và mất người chia sẻ những nỗi niềm đau khổ hàng ngày. Chắc đoán biết nỗi lòng bà Hải, “cô dâu cáo” cố ý buông những lời lẽ khiến bà đau tận tâm can: “Chết là hết, là biến thành giun thành dế. Thế mà còn đòi giữ, đất giữ nhà!”. Rồi ngay sau đám tang ông Hải, con dâu nhắc mẹ chồng: “Tiền điện từ tháng này chỉ còn một mình bà nên bà nộp 600 nghìn nhé”. Vài hôm sau, khi bà Hải vẫn nằm bẹp trên giường chưa gượng dậy được, “con dâu cáo” gọi: “Bà đưa 600 nghìn tiền điện để đi nộp đây!”. Bà Hải thều thào “Tôi đưa anh Lân tối qua rồi”.

Hoài không một lời thăm hỏi sức khỏe mẹ chồng, không hỏi xem bà có ăn cơm cháo gì không, “cô cáo” hỏi mẹ chồng:

- Bà có biết vì sao con không nhìn mặt con gái bà nữa không? Vì chị ta bảo “Cô là giáo viên mà như thế thì dạy được ai? Chả con nhà ai muốn học cô”.

Bà giáo thấy sao mình bất hạnh thế. Bà gắng gượng dậy, ra bàn thờ Phật gõ mõ tụng kinh, những mong ông siêu thoát tìm niềm vui nơi tiên cảnh, và cũng mượn tiếng mõ để xua bớt nỗi buồn đau trong tim bà. Không ngờ, Lân nghe thấy tiếng mõ, liền nói vọng lên: “Khấn ông có tóc còn chả ăn thua, lại đi khấn ông trọc đầu”. Bà Hải nghe chính từ miệng con trai nói ra khiến bà đau buốt ruột, bà rên: “Con ơi, mày ăn nói phàm phu thế thì trời đánh thánh vật đấy con ơi!”. Hoài đứng cạnh chồng, dẩu mỏ: “Chết là hết! Thành cóc rồi!”. Bà Hải đau đớn: “Bố các con cả đời sống tử tế, lương thiện. Ông ấy mà thành cóc thì là cậu ông trời, ai mà xúc phạm ông ấy thì trời đánh cho!”.

Bà Hải cố kìm không để nước mắt tuôn. Bà chạy vội ra khỏi ngôi nhà thân yêu mà cả đời vợ chồng bà đổ mồ hôi, nhịn ăn nhịn mặc để gây dựng. Bà chạy đến nhà con gái mong “tìm nơi ẩn nấp” xoa dịu trái tim tan nát của bà.

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.