Đau lòng nhiều vụ tai nạn thương tâm từ sự “vô ý” của người lớn

Chia sẻ

Hơn 50% thời gian của trẻ em là ở nhà. Thế nhưng, ngôi nhà sẽ không phải là “ngôi nhà an toàn” đối với con trẻ nếu người lớn đểnh đoảng, sơ ý...

Những vụ rơi từ tầng cao chung cư gây rúng động dư luận

Khoảng 16h30 ngày 28/2, cháu N.P.H, 3 tuổi, bò từ trong nhà, trèo ra lan can rồi treo mình lơ lửng ở tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Q. Thanh Xuân, HN). Nhiều người dân ở tòa nhà bên cạnh hoảng sợ hô hoán mọi người ở quanh khu vực tầng 12A đến ứng cứu.

Nghe tiếng khóc thét của trẻ và tiếng hô hoán, kêu cứu của mọi người, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H. Đông Anh, HN) đang lái xe tải chờ hàng đứng dưới sảnh lúc đó đã không quản ngại nguy hiểm, nhanh chóng trèo lên mái tôn cao gần 3m của sảnh tòa nhà và kịp thời ôm được bé H. Cháu bé ngay lập tức được đưa đi cấp cứu. Các bác sỹ khám, theo dõi và chẩn đoán cháu chỉ bị trật khớp háng. Hiện tại, cháu H đã được ra viện và ổn định sức khoẻ.

Sự việc cháu bé rơi từ độ cao của tầng 13 xuống đất nhưng chỉ bị chấn thương nhẹ là điều kỳ diệu và may mắn không chỉ với cháu H mà còn với gia đình cháu bé. Một vụ rơi chung cư khác mà cháu bé may mắn sống sót và không ảnh hưởng sức khoẻ mới xảy ra tại một toà chung cư trên phường Quang Trung (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cũng là điều kì diệu và hi hữu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cụ thể, khoảng đầu tháng 12/2020, một bé trai 3 tuổi bị rơi từ tầng 8 xuống và trúng mái tôn bên dưới nên thoát chết. Theo gia đình cháu bé, gia đình có làm hàng rào chắn ban công bằng cửa kính, nhưng không lắp song cửa. Thời điểm xảy ra vụ việc, bé trai ở với mẹ, tuy nhiên, người mẹ đi xuống tầng 1 có việc nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp trẻ em rơi từ tầng cao của các nhà chung cư. Đã có rất nhiều vụ trẻ em rơi từ tầng cao toà nhà chung cư xuống đất và tử vong. Cuối tháng 8/2020, một bé gái 6 tuổi tử vong do rơi từ tầng 12 toà chung cư ở phường Trung Hoà (Q. Cầu Giấy, HN) xuống đất. Khoảng tháng 8/2019, khi bố mẹ không có ở nhà, một bé gái 4 tuổi sống tại tầng 25 của toà chung cư Star Tower (P. Khương Trung, Q. Thanh Xuân, HN) đã rơi từ ban công xuống đất và tử vong trên mái che tầng 1.

Ngày 24/4/2019, tại chung cư Ecohome 1 (P. Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, HN), một bé gái 4 tuổi đã rơi từ tầng 12 của tòa nhà xuống đất. Nguyên nhân được xác định là do dây thép chắn cửa sổ bị long và cháu bé trong lúc chơi đùa đã trèo lên và ngã lộn nhào xuống đất. Trước đó chưa đến 1 tuần, một bé trai 4 tuổi khác (ở chung cư VinaHud – Cửu Long (Q. Hai Bà Trưng, HN) ở nhà một mình cũng đã trèo lên bộ bàn ghế, leo ra cửa sổ không có rào chắn an toàn cũng đã ngã xuống đất và tử vong. Sự ra đi của các cháu bé khiến ai cũng xót xa, đau đớn, nhưng một lần nữa cảnh báo về tình trạng cha mẹ không lắp đặt dây thép chắn an toàn cho các cửa sổ, ban công khi trong nhà có trẻ nhỏ.

Những nguy hiểm rình rập trẻ trong nhà

Theo số liệu thống kê của Cục trẻ em, năm 2018 có 260.000 trẻ em bị thương tích cả tử vong và không tử vong. Nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích trẻ em là do ngã, tai nạn giao thông, dị vật, ngộ độc thực phẩm, vật sắc nhọn gây nên, đuối nước, điện giật, bỏng, bom mìn... Trong đó, trẻ ngã chiếm 29,03%, trẻ bị tai nạn giao thông chiếm 26,1%. Các nguy cơ như điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông... có số vụ tai nạn thương tích thấp nhưng lại có nguy cơ tử vong rất cao, chiếm hơn 80% số trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây nên.

Nguyên nhân gây tai nạn thương tích của trẻ là do sự thiếu kiến thức, thiếu ý thức chăm sóc trẻ của người lớn; trẻ em còn non nớt, nên thiếu hiểu biết và kỹ năng an toàn; môi trường sống của trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ; cha mẹ không giám sát, trông nom trẻ một cách chu đáo, cẩn trọng. Ngoài ra, hiện nay, một số chương trình dạy trẻ phòng chống tai nạn thương tích lại sai như cách dạy trẻ sử dụng bình cứu hỏa quá sớm, tôn vinh quá nhiều những trường hợp trẻ cứu bạn chết đuối dẫn tới việc trẻ “học theo”, trong khi đó, khi trẻ đối mặt với hỏa hoạn, cháy nổ, hoặc khi thấy bạn đuối nước cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm và gọi người lớn hỗ trợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một vụ bỏng nghiêm trọng xảy ra vào cuối tháng 2/2020, bà N.T.K (ở H. Hoóc Môn, TP. HCM) dùng ấm siêu tốc để nấu nước tắm cho cháu ngoại 4 tuổi. Khi nước sôi, bà K vào phòng lấy quần áo, khăn tắm thì nghe tiếng thét đau đớn của cháu khi bị cả ấm điện siêu tốc đổ vào người. Ngay lập tức, cháu bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Mặc dù đã qua cơn nguy kịch, nhưng sau khi lành bệnh, cháu bé phải chịu những vết sẹo chằng chịt, co rút ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ và chất lượng sống sau này.

Ngày 10/10/2020, cháu bé H.M (3 tuổi, trú tại tỉnh Phú Thọ) đã may mắn được các bác sỹ gắp một dị vật là 1/2 chiếc kim khâu dài 17mm trong phần mềm vùng cơ lưng trái, đốt sống 11. Theo TS.BS Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, bệnh viện Nhi Trung ương, tai nạn kim khâu xuyên vào cơ thể là tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, nhưng đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ - nhóm đối tượng chưa có ý thức bảo vệ bản thân, nên sự an toàn phần lớn phụ thuộc vào sự chăm sóc, để mắt của người lớn. Kim khâu là vật nhọn có thể dễ dàng xuyên qua da vào cơ thể mà không gây đau đớn nhiều. Trong khi vào cơ thể, tuỳ theo sự vận động của người bệnh, kim có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau, gây nguy hiểm cho tính mạng và việc phẫu thuật lấy kim trở nên rất khó khăn.

Ngày 17/3/2020, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 gắp dị vật thực quản thành công cho một bé gái 4,5 tuổi. Theo đó, bé ngậm đồng xu của máy chơi game trong lúc chơi đùa thì bất ngờ nuốt luôn. Sau khi nuốt đồng xu bé nôn ói nhiều, ăn uống không được, chảy nước bọt liên tục nên người nhà đứa bé vào bệnh viện cấp cứu. May mắn là sau khi đã gắp dị vật ra, soi kiểm tra thấy lòng thực quản không tổn thương niêm mạc…

Không phải tất cả các trường hợp tai nạn đều được may mắn cứu chữa kịp thời như các trường hợp nói trên. Chưa kể đến nhiều trường hợp sau khi cứu chữa, cũng để lại nhiều tổn thương lẫn di chứng nặng nề cho trẻ. Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, pháp luật đã có nhiều quy định về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có Luật Trẻ em năm 2014, Quyết định 234/QĐ-TTg về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em từ năm 2016-2020 đã đưa ra các tiêu chí và quy định về xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ. “Thời gian ở nhà chiếm 50% quỹ thời gian của trẻ. Thực tế, trong ngôi nhà chúng ta đang ở có rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Một phích nước, một ổ cắm điện... nếu người lớn sơ sảy không để mắt, quan tâm đều có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ như bỏng, điện giật, ngã... Vì vậy, bên cạnh việc trang trí cho ngôi nhà đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi, cha mẹ cần làm thế nào để ngôi nhà trở thành nơi an toàn nhất cho con trẻ” – bà Hoa khuyến nghị.

Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù trong môi trường gia đình, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn. Do đó, trong việc phòng chống tai nạn thương tích, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.