Hội LHPN Hà Nội:

Đẩy mạnh tuyên truyền, phòng chống ma túy từ trong gia đình

Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tính đến ngày 10/6/2022, toàn thành phố có 2.125 người nghiện ma tuý là chồng, con cán bộ hội viên phụ nữ, trong đó có 57 nữ nghiện. Hội LHPN TP Hà Nội và các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy gắn với các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội; vận động người nghiện đi cai và giúp đỡ, quản lý sau cai nghiện, tố giác tội phạm ma túy trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy.

Nhiều mô hình phòng chống ma túy hiệu quả từ cộng đồng

Nhiều năm qua, mô hình CLB B93 phường Liễu Giai (thuộc Hội LHPN quận Ba Đình) được duy trì với mục đích quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Ông N.V.T (80 tuổi) nghẹn ngào kể, con trai ông - N.Q.D nghiện ma túy hơn 10 năm, đã từng hai lần cai nghiện tại trung tâm nhưng không khỏi.

Khi tham gia CLB B93, D đã được mọi người trong CLB tiếp thêm nghị lực, vượt lên sự bi quan, kỳ thị, ghét bỏ bản thân để làm lại cuộc đời. Biết anh có nghề sửa chữa điện nước, mọi người đã vận động các hộ dân quanh khu tập thể A5 phường Liễu Giai, hễ có vấn đề gì về điện, nước thì gọi để anh vừa có thêm thu nhập, vừa xóa bỏ sự xa lánh, hòa nhập cộng đồng.

Hay như anh N.Đ.P, trở về sau cai nghiện, thấy mẹ và vợ vất vả vì mình, anh đã giữ gìn không tái nghiện và cùng vợ mở cửa hàng ăn sáng. Không ai mong muốn chồng, con, em mình sa đà vào tệ nạn, nhưng khi sự rủi ro ấy “rơi” vào nhà mình, thì những người phụ nữ, là vợ, là mẹ của người nghiện, đều dang rộng vòng tay giúp đỡ, chở che, động viên họ cai nghiện, làm lại cuộc đời.

Mô hình cai nghiện của Hội LHPN phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình thực hiện hiệu quả nhiều năm nay, được Công an Thành phố Hà Nội và Hội LHPN TP Hà Nội đánh giá cao. Mô hình đã trực tiếp giúp đỡ 5 hội viên kéo dài thời gian sau cai nghiện và có việc làm tương đối ổn định.

Như anh P.T.S, sau 6 năm ở trung tâm cai nghiện về đã lấy vợ và có con, anh N.M.C tự cai tại nhà thành công đã được 9 năm. Cả anh S và anh C đều được Hội đề xuất UBND phường hỗ trợ địa điểm cắt tóc ở ngõ Nguyễn Công Hoan. Trường hợp 2 em N.M.V và N.X.D cũng được tạo điều kiện cho vay vốn, đề xuất UBND phường sửa nhà theo diện hộ nghèo, tặng quà và động viên con gái của V trong học tập…

Hội LHPN phường Quang Trung, Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, trong đó có nhiệm vụ phòng chống tội phạm về ma túy và tệ nạn xã hội. Đối với người nghiện là con hội viên phụ nữ, cán bộ Hội không ngại khó, ngại khổ, bỏ thời gian, công sức để cùng với cảnh sát khu vực tiếp cận đối tượng nghiện, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương để tuyên truyền, động viên, giúp đỡ, bảo lãnh cho vay vốn làm ăn.

Điển hình, Hội đã bảo lãnh gia đình đối tượng nghiện N.P.H.A vay 20 triệu đồng vốn ngân hàng Chính sách để phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Hội LHPN phường Quang Trung đã tăng cường công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức cho các gia đình có con trong độ tuổi đi học, giúp cha mẹ nhận thức việc quan tâm đến con nhiều hơn, giáo dục và làm bạn cùng con, giúp con em phát triển toàn diện. Nhờ đó, nhiều năm nay, trên địa bàn phường Quang Trung không phát sinh thêm người nghiện mới là con em hội viên phụ nữ…

Đẩy mạnh tuyên truyền, phòng chống ma túy từ trong gia đình - ảnh 1
Thiếu tá Ngô Quốc Khánh trình bày về tác hại của các loại ma túy cho các cán bộ, hội viên Hội LHPN TP Hà Nội

Không những thế, các CLB phòng, chống tệ nạn xã hội do Hội LHPN các quận, huyện thành lập như CLB phòng chống tệ nạn xã hội phường Xuân Đỉnh, Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), CLB B93 phường Ngọc Thụy, Đức Giang (quận Long Biên), CLB Đồng cảm phường Minh Khai, Bạch Mai, Đồng Tâm, Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng)... đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ma túy tại cộng đồng và gia đình cho các cán bộ, hội viên phụ nữ, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các cuộc họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt định kỳ, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia…

Mô hình “Nhóm liên gia phòng chống ma túy” tại Chi hội 4 phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), Chi hội 2 thị trấn Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) và Tổ 6 phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) được duy trì, tiếp cận ít nhất 3 lần/tháng, mỗi lần từ 2 đến 3 gia đình có người thân mắc nghiện, gia đình có nguy cơ cao trên địa bàn nhằm tư vấn về công tác phòng, chống ma túy…

Tăng cường giám sát, quản lý và trợ giúp người nghiện tại cộng đồng

Tại hội nghị Tuyên truyền công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, quản lý người nghiện sau cai và người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng” do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức ngày 16/6 mới đây, Thiếu tá Ngô Quốc Khánh, báo cáo viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Thành phố Hà Nội cho biết, tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ, thanh thiếu niên đang có dấu hiệu khó kiểm soát.

Thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp tại các quán bar, nhà hàng, karaoke đang diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy. Ma túy tổng hợp có giá thành rẻ, dễ cất giấu và sử dụng, người trẻ dễ mua khi được bán tràn lan, công khai trên mạng xã hội dưới dạng bột, nước, thậm chí được giấu trong thuốc lá, bánh ngọt, kẹo…

Ma túy tổng hợp trở nên kích thích hơn khi sử dụng kèm rượu, bia trong môi trường âm nhạc mạnh. Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe của bản thân người nghiện, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại nhiều hệ lụy cho giới trẻ.

“Ma túy là tệ nạn bủa vây xung quanh chúng ta, là tệ nạn không dễ nhận diện được. Các đối tượng sẵn sàng lôi kéo, dụ dỗ con cháu chúng ta. Nhiều trẻ em gái bị dụ dỗ, bị phụ thuộc vào ma túy trở thành “nô lệ” tình dục trong các cuộc vui chơi tập thể, trẻ em nam thì trở thành tội phạm. Do đó, cha mẹ cần để ý các mối quan hệ của con em mình, đồng thời giám sát để phát hiện những bất thường của con để có can thiệp kịp thời” – Thiếu tá Khánh nói. 

Để ngăn chặn tệ nạn ma túy, công an đã và đang tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tế và khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định cũ như: Tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; khuyến khích tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy…

Đẩy mạnh tuyên truyền, phòng chống ma túy từ trong gia đình - ảnh 2
Ma túy gây bao nỗi đau nhà tan, cửa nát (Ảnh minh họa)

 Phòng chống ma túy không chỉ là trách nhiệm của Công an mà còn là của Hội Phụ nữ và các cấp ngành. Do đó, Hội LHPN TP Hà Nội và các cấp Hội cơ sở đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn tệ nạn ma túy, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền vận động người nghiện sử dụng các biện pháp cai nghiện, điều trị bằng thuốc thay thế; tham gia cảm hóa, giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng…

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, các cán bộ phụ nữ cơ sở duy trì công tác tiếp cận 60 lượt người nghiện là chồng con cán bộ, hội viên phụ nữ, vận động 6 người nghiện đi cai ở các trung tâm cai nghiện của thành phố; cử 120 cán bộ, hội viên phát huy vai trò tham gia tình nguyện viên Đội hoạt động tình nguyện xã hội cùng cán bộ, hội viên nòng cốt tổ chức tiếp cận, tuyên truyền đến các hộ gia đình, tổ chức cho 28 người nghiện ký cam kết “Tự nguyện cai tại nhà và không tái nghiện”, 29.485 gia đình hội viên ký cam kết “Xây dựng gia đình không có tệ nạn ma túy, mại dâm và tích cực tham gia phòng chống ma túy, mại dâm”.

Các cơ sở Hội tổ chức thăm, động viên và tặng quà 108 người nghiện và gia đình, tín chấp giúp 35 người nghiện và gia đình vay 920 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình; giới thiệu việc làm cho 5 người nghiện cai tốt làm nghề bảo vệ, công nhân, xe ôm...; tham gia các tổ canh gác, trực chốt những địa bàn là điểm nóng ma túy để góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn… 

Thời gian tới, Hội LHPN Thành phố sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ công an tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn về tình hình tội phạm ma túy, các loại ma túy mới và cách phòng ngừa cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc, cán bộ hội cơ sở thuộc địa bàn trọng điểm về ma túy, thành viên các CLB phòng, chống TNXH, CLB B93…; giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật nâng cao nhận thức trong phòng, chống ma túy gắn với tuyên truyền xây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch, văn minh hạnh phúc; rà soát, giúp đỡ chồng, con hội viên nghiện ma túy, biểu dương các gia đình nuôi dạy con ngoan, thành đạt; tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên có nguy cơ cao; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, góp phần cùng cơ quan chức năng đấu tranh làm giảm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn…

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.