Để điều tốt “tỏa hương”

Chia sẻ

Cái tên Nguyễn Ngọc Mạnh đã chẳng còn xa lạ - nghĩa cử cứu em nhỏ rơi từ tầng 13 của anh được tôn vinh như một điều tử tế hiếm có. Hai cảnh sát giao thông ở TP.HCM mở đường để taxi chở sản phụ sắp sinh đến bệnh viện kịp thời, cũng đã được biểu dương và nhận về những ánh nhìn cảm phục.

Khi cả xã hội còn “quá bất ngờ” thì người trong cuộc chỉ đơn giản cho rằng đó là những việc làm hết sức bình thường. Vậy, làm điều tốt có thật sự khó không?

“Giá” của một việc làm tốt là… một viên kẹo

Đã hơn 3 năm, thầy Nguyễn Văn Quyết, Tổng Phụ trách đội trường tiểu học Dịch Vọng B trích tiền lương để mua những viên kẹo nhỏ làm quà cho học sinh của mình, mỗi khi các em làm được điều tốt. Mỗi viên kẹo sẽ là một lần em học sinh giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn, một lần bảo vệ môi trường, hay một lần nhặt được của rơi, trả lại người làm mất. Phong trào được thầy phát động trong toàn trường mang tên “Những viên kẹo ngọt ngào dành cho những việc làm tốt”. “Các em rất hứng thú với phong trào này. Bởi việc làm, dù rất nhỏ như nhặt được chiếc bút, chiếc thước kẻ hay lớn lao như chiếc điện thoại, đồng hồ đắt tiền, số tiền lớn hàng triệu đều sẽ được biểu dương”, thầy Quyết nói.

Bất kỳ ai cũng xúc động trước câu chuyện cứu bé gái thoát chết trong gang tấc của anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Tấm ảnh chế này đã ngợi ca anh như một “siêu nhân đời thựcBất kỳ ai cũng xúc động trước câu chuyện cứu bé gái thoát chết trong gang tấc của anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Tấm ảnh chế này đã ngợi ca anh như một “siêu nhân đời thực

Vì thế, phòng Đội của trường Dịch Vọng B trở thành ngôi nhà chung, hàng ngày đón các em đến “báo cáo” mình làm việc tốt. Trước đây, có những em mang đồ mình nhặt được đến, mong được thầy tặng kẹo. Nhưng sau đó, trở thành nếp quen, các em cảm thấy những hành động đó là điều cần phải làm, vì nó sẽ giúp mình trở thành một học sinh tốt. Và thế là không ai bảo ai, các em “đua” nhau làm việc tốt, không chỉ giới hạn trong trường học, mà còn trong cả cuộc sống thường ngày.

“Tôi có làm một tấm bảng tuyên dương, đặt ở phòng Đội. Khi các em làm được việc tốt, sẽ được chụp ảnh cùng thầy Tổng phụ trách trước tấm bảng ấy. Ngay sau đó, tấm ảnh sẽ được chuyển đến nhóm zalo của lớp và của trường, các cô giáo sẽ chuyển những hình ảnh đẹp đó đến phụ huynh, tiếp tục tuyên dương trong nhóm phụ huynh học sinh của lớp.

Ngoài ra, em nào có việc làm tốt nổi trội thì được tuyên dương trong lễ chào cờ đầu tuần. Học sinh rất vui, còn bố mẹ các em thì thật sự tự hào và ủng hộ hoạt động này của nhà trường. “Giáo dục nhân cách là việc làm rất quan trọng trong mỗi nhà trường. Nhưng ý nghĩa hơn cả là cách mà người lớn, cụ thể là thầy cô và gia đình khích lệ, gieo cho các em sự tự tin, nỗ lực làm điều tốt”.

Đặc biệt, hoạt động này đến nay không chỉ có riêng học sinh tham gia mà còn “đón nhận” việc tốt của phụ huynh. Có người mẹ sau khi con được tuyên dương, biết đến phong trào của trường, đã liên hệ ngay để nhờ nhà trường tìm giúp chủ nhân chiếc ví mà chị nhặt được, với tài sản rất giá trị bên trong. Có những người bà làm việc tốt cùng cháu, cả hai bà cháu đều được chụp ảnh và biểu dương. “Điều đó chứng tỏ, việc làm của các em học sinh, dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng đã có sức mạnh lan tỏa rất lớn”.

Được chụp ảnh tại bảng tuyên dương là sự khẳng định các em nhỏ trường Dịch Vọng B đã làm được điều tốt (ảnh: Quyết Nguyễn)Được chụp ảnh tại bảng tuyên dương là sự khẳng định các em nhỏ trường Dịch Vọng B đã làm được điều tốt (ảnh: Quyết Nguyễn)

Những tấm ảnh đẹp ấy được thầy Quyết lưu thành album “Trường Tiểu học Dịch Vọng B, nơi chắp cánh cho những việc làm tử tế” và post lên facebook cá nhân của mình. Đó là cách thầy lan tỏa những việc tốt của học sinh tới nhiều người. “Muốn có anh Mạnh, người chiến sỹ công an hay những người làm những điều tốt đẹp, tử tế, lan tỏa trong cộng đồng, thì ngay từ bé, các em phải nhận được sự động viên, chỉ dạy của người lớn, để thôi thúc cho các em tinh thần, sự dám làm việc tốt, như lời Bác Hồ dặn “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Học giỏi rất quan trọng, nhưng định hình nhân cách và trở thành người tử tế còn quan trọng hơn. Còn với người lớn, phải là những tấm gương, không chỉ bằng lời nói, việc làm, mà cả sự khích lệ, chăm bẵm, cày xới để mảnh đất được màu mỡ, gieo những hạt mầm của lòng tốt được khỏe mạnh, tỏa hương” - thầy Quyết nói.

Làm người tốt, khó hay dễ?

Đó là cách để gieo mầm điều tốt. Nhưng một thực tế, là giữa việc được ghi nhận điều tốt, và những “tai bay vạ gió” gặp phải khi ta “xả thân” cứu người, là ranh giới rất mong manh.

Bởi vậy, câu hỏi “làm người tốt, khó hay dễ” rất khó trả lời. Theo chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, câu trả lời nằm ở phía cộng đồng. Chúng ta đang đối diện với tình trạng đạo đức ngày một xuống cấp, kéo theo thái độ tiêu cực của nhiều người với cuộc sống và nghi hoặc lẫn nhau. Xã hội ngày càng ngập tràn sự vô cảm của người với người, có khi thấy chết mà chẳng dám cứu, vì sợ bị liên đới, sợ bị dèm pha là vụ lợi… “Phải chăng vì thế mà ta nghĩ rằng người tốt, việc tốt ngày một ít đi. Nên khi có những người, những việc làm như Nguyễn Ngọc Mạnh vừa rồi, ta thấy nó quá tốt đẹp, kỳ vĩ, một điều hiếm hoi mà rất lâu xã hội mới có được?”.

Nghe tài xế trình bày có bà bầu đẻ rớt trên ô tô, Đại úy Nguyễn Trung Hiếu (bên trái) và Đại úy Đỗ Huỳnh Trung Quân - Đội CSGT trật tự Công an quận 5, TP HCM lập tức mở đèn, hú còi mở đường để tài xế đưa sản phụ cùng cháu bé đến bệnh viện kịp thời. Nghĩa cử của các anh vừa được Công an quận 5 trao khen thưởngNghe tài xế trình bày có bà bầu đẻ rớt trên ô tô, Đại úy Nguyễn Trung Hiếu (bên trái) và Đại úy Đỗ Huỳnh Trung Quân - Đội CSGT trật tự Công an quận 5, TP HCM lập tức mở đèn, hú còi mở đường để tài xế đưa sản phụ cùng cháu bé đến bệnh viện kịp thời. Nghĩa cử của các anh vừa được Công an quận 5 trao khen thưởng

“Tựu chung, hành động hay không – xuất phát từ cách mà người ta nghĩ về xã hội. Nếu anh thấy xã hội vẫn còn những điều tích cực, anh sẽ có động lực làm việc tốt. Nhưng nếu anh thấy xung quanh chỉ toàn là xấu xa, thì anh sẽ chấp nhận “mắt không thấy, tai không nghe, tay không làm”, im lặng trước mọi điều, và mãi mãi nghĩ rằng điều tốt là xa xỉ”.

Bởi vậy, theo chuyên gia này, làm người tốt – sẽ rất dễ với những người có tấm lòng, biết nghĩ về cái chung, không vị kỷ, không vô cảm. Không tính toán, so đo rằng mình làm để đánh bóng tên tuổi, để thiên hạ phải biết đến mình. Lật lại vấn đề, làm sao để vừa làm được việc tử tế, lại vừa vượt qua được sự đánh giá, soi mói của những “anh hùng bàn phím”, những người chỉ biết phán xét “Phải có nguyên do, mục đích gì thì mới làm thế?”. Chuyên gia này trả lời, vậy thì phải biết tính toán. Nghĩa là, phải có kiến thức, kỹ năng để xử lý hành động thật chín chắn, hiệu quả, để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. “Giống như Nguyễn Ngọc Mạnh, em ấy không phải chỉ lao vào một cách vô thức để cứu em nhỏ. Em ấy có đủ kỹ năng và bản lĩnh để tính toán làm sao vừa cứu được cháu nhỏ, vừa đảm bảo được an toàn cho chính mình. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ thấy những việc tốt ấy chẳng phải điều gì thần kỳ, mà rất đỗi đời thường, bất cứ ai cũng đều có thể”.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.