Để Lễ hội mùa xuân trở thành nét đẹp văn hoá, văn minh

PGS. TS Bùi Hoài Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đầu xuân, người dân nô nức trẩy hội, đi lễ không chỉ là du xuân mà còn là dịp nguyện cầu cho bản thân, gia đình những điều tốt đẹp trong năm mới. Tuy nhiên, đi lễ, trẩy hội sao cho văn minh, hạn chế được các hành vi mê tín dị đoan vẫn là chuyện cần bàn.

Khi lễ hội bị thương mại hoá thái quá

Trong mùa lễ hội, xu hướng người dân đổ xô đi lễ để cầu tài, cầu lộc hay các hiện tượng mê tín khác nảy sinh cùng lễ hội là những vấn đề đang tồn tại rõ nét, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của lễ hội. Phải nói rằng, đầu năm là dịp rất phù hợp để con người đi cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân và gia đình.

Về mặt bản chất, hành động này rất tốt để tạo động lực tinh thần cho mỗi người, khi chúng ta tin rằng, chúng ta đã có sự ủng hộ tinh thần từ tổ tiên, thánh thần, trời phật... Hơn thế, đến với các thiết chế tâm linh cũng giúp chúng ta hướng thiện, “biết sợ” khi làm việc xấu.

Tuy nhiên, xã hội hiện nay cũng có nhiều bấp bênh, may rủi, không dự đoán được, từ việc chưa chặt chẽ trong luật pháp, làm ăn kinh tế, hay những sự kiện rất đáng chú ý gần đây như các vụ án liên quan đến tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thăng chức, lên quyền mà không hoàn toàn do năng lực bản thân... khiến cho nhiều người tin vào quyền lực của thế giới siêu nhiên.

Chúng ta có thể nhìn thấy hệ quả của việc ấy ở các lễ hội như lễ hội khai ấn đền Trần, việc người dân ùn ùn đến với các đền Hoàng Bảy - Bảo Hà, đền Hoàng Mười - Chợ Củi... những đền phủ được đồn là linh thiêng, đem lại may mắn về con đường công danh, làm ăn. Sự phát triển của mạng xã hội lại làm lan truyền nhiều hơn những thông tin mê tín dị đoan này.

Tất cả khiến cho nhiều lễ hội phải tự quảng bá bằng cách làm tăng tính tâm linh, linh thiêng để thu hút thêm người dân. Mê tín dị đoan từ đó nảy nở, phát sinh nhiều hơn, ảnh hưởng không tốt đến đến xã hội và văn hóa.

Để Lễ hội mùa xuân trở thành nét đẹp văn hoá, văn minh - ảnh 1
Người dân chen nhau đi lễ ở đền Bảo Hà dịp đầu xuân Giáp Thìn. M.V

Thực tế, việc thương mại hóa trong các lễ hội là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Khi những lợi ích vật chất trở thành một trong những mục đích chính của việc tổ chức lễ hội thì sẽ thấy có nhiều hành vi lợi dụng lễ hội để thương mại hóa thái quá, trục lợi. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải giải quyết để trả lại vẻ đẹp vốn có cho lễ hội truyền thống.

Nỗ lực đảm bảo văn minh cho lễ hội

Đầu tháng 8/2023, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống giúp chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Bộ tiêu chí vừa là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý Nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương, đồng thời hiện thực hóa hơn nữa hoạt động quản lý này, để lễ hội truyền thống thực sự trở thành không gian thuận lợi thực hành các sinh hoạt và giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ bản sắc văn hóa.

Xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra các lợi ích xã hội và kinh tế đa chiều. Môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống cung cấp một nền tảng để duy trì và phát triển các sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa giúp giữ gìn các phong tục, tập quán, nghi lễ, truyền thống văn hóa địa phương, vừa giúp người tham gia hiểu và trân trọng những giá trị này.

Khi lễ hội có môi trường văn hoá văn minh, lành mạnh sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương và tăng cường nguồn thu nhập cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt sẽ tạo nên hình ảnh tích cực của đất nước trên trường quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa và du lịch.

Để Lễ hội mùa xuân trở thành nét đẹp văn hoá, văn minh - ảnh 2
Đi lễ, trảy hội sao cho văn minh, lành mạnh.

Vì vậy, chúng ta cần nhiều hơn các biện pháp để đảm bảo các lễ hội truyền thống được tổ chức một cách văn minh, an toàn. Chúng ta cần: Tăng cường hoạt động giáo dục và tuyên truyền về ý nghĩa của lễ hội, các giá trị truyền thống và tôn trọng văn hóa dân tộc; ban hành các quy định rõ ràng hơn nữa về tổ chức lễ hội và việc giữ gìn trật tự công cộng, mặc dù Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống của Bộ TTVHDL khá thiết thực nhưng vẫn cần có những triển khai chi tiết và cụ thể hơn ở các địa phương; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ địa phương, tổ chức xã hội và ban tổ chức sự kiện để quản lý lễ hội một cách hiệu quả.

Việc sử dụng công nghệ trong bối cảnh thời 4.0 với các lễ hội là cần thiết, nhằm quản lý sự kiện và truyền thông với cộng đồng, giúp quản lý thông tin và giám sát tình hình một cách hiệu quả hơn; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và duy trì lễ hội, tạo điều kiện cho mọi người cảm thấy họ là phần của quá trình và có trách nhiệm trong việc bảo vệ lễ hội và những giá trị của nó.

Những giải pháp này cần được triển khai cùng nhau, với sự hợp tác từ nhiều bên liên quan, để đảm bảo rằng các lễ hội truyền thống không chỉ giữ được tính giá trị, bản sắc văn hóa mà còn trở thành những sự kiện an toàn và tích cực cho cộng đồng. Khi hoạt động lễ hội hấp dẫn sẽ trở thành nguồn lực lớn trong phát triển công nghiệp văn hoá.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.