Để trẻ có một mùa Trung thu ý nghĩa

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trung thu là dịp để mọi gia đình đoàn tụ, trẻ con được phá cỗ, ngắm trăng. Đây cũng là dịp để mỗi gia đình và toàn xã hội quan tâm đến trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước. Vì vậy, nhiều bố mẹ cố gắng tạo cho các con và gia đình một Trung thu ấm áp, vui vẻ với những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ.

Rộn ràng tổ chức Trung thu cho con

Ngay từ đầu tháng 8 Âm lịch năm nay, lớp con chị Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã rục rịch lên kế hoạch tổ chức ngày hội Trung thu cho con ở trường. Chị cùng các thành viên trong ban phụ huynh lớp lên ý tưởng kịch bản chương trình, tổ chức mâm cỗ, trò chơi cho con. Người thì xung phong vào vai chú Cuội, chị Hằng, người phụ trách kể chuyện, người lên câu hỏi cho cuộc thi “Rung chuông vàng” có thưởng… Cứ như vậy, các bố mẹ “xắn tay áo” vào tổ chức để các con “hưởng thụ” một ngày Trung thu vui vẻ.

“Chi phí cho ngày hội Trung thu của con được trích từ quỹ lớp, khoảng 3-4 triệu đồng” - chị Trang trình bày.

Không những thế, để cho con cảm nhận được một mùa Trung thu ý nghĩa, chị Trang còn tập hợp một số phụ huynh khác, tự tạo ra một “sân chơi Trung thu” bổ ích. Mỗi bé tham gia chỉ đóng 50.000 đồng đến 100.000 đồng mua nguyên liệu. Các mẹ cùng con trải nghiệm làm bánh nướng, bánh dẻo tại nhà; các con tự cắt dán đèn ông sao từ giấy và lon nhựa tái chế để bảo vệ môi trường… Các con còn được nghe kể về câu chuyện chú Cuội chị Hằng mùa Trung thu, được tham gia phá cỗ và múa lân…

Mặc dù lịch làm việc bận rộn, song chị Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn cố gắng dành một ngày nghỉ cuối tuần để đưa con đi tham gia ngày hội làm đèn lồng giấy kính do một trung tâm sáng tạo dành cho trẻ em tổ chức. Các con được hướng dẫn chi tiết cách tạo ra một chiếc đèn lồng giấy bóng kính lung linh sắc màu; thỏa sức sáng tạo, kích thích khả năng nghệ thuật khi tự tay cắt dán và tô màu theo cách riêng biệt. Bé Nhật Minh cho biết, em rất thích chương trình này vì rất thú vị.

Để trẻ có một mùa Trung thu ý nghĩa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hàng năm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi thường tổ chức các buổi hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu thủ công rất bổ ích. Rất nhiều phụ huynh cũng đã cho con tham gia các chương trình làm mặt nạ bằng giấy bồi cùng một số người bạn để trẻ vừa chơi vừa học cách trân trọng công sức làm ra một sản phẩm hoàn thiện từ A đến Z là như thế nào…

Còn chị Hương, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thì năm nào cũng vậy, vào dịp Trung thu, vợ chồng chị đều dành hai ngày cuối tuần để về quê tổ chức Trung thu tại nhà. Chị cho biết, quê chị chỉ cách nơi hai vợ chồng công tác khoảng 40km, nên dịp Trung thu cũng như ngày nghỉ lễ khác, anh chị đều đưa các con về quê. “Trung thu là tết đoàn viên, tôi mua một hộp bánh Trung thu truyền thống về biếu bố mẹ. Trong buổi sum họp gia đình, cả nhà quây quần bên bàn uống nước, cắt miếng bánh nướng, dạy con về đạo hiếu và kể cho con nghe sự tích về ngày Trung thu” - chị Hương cho biết.

Hãy cho trẻ sống đúng với tuổi thơ

Tổ chức Trung thu không chỉ là một ngày được ăn chiếc bánh ngọt, được cùng chơi đèn ông sao mà là giúp con cảm nhận được giá trị của trung thu truyền thống. Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của người dân được cải thiện, các gia đình, đoàn thể, cộng đồng đã có nhiều điều kiện hơn trong việc lo cho các cháu một cái Tết Trung thu thực sự đủ đầy.

Chị Trang lo ngại: “Trước đây, những chiếc đèn lồng làm từ vỏ bưởi, mặt nạ tự chế, trò chơi rước đèn… được trẻ em vô cùng yêu thích và ngóng đợi thì nay, cha mẹ đang “bày sẵn mâm cỗ” để con chỉ việc hưởng thụ. Các cuộc thi tổ chức Trung thu giữa các lớp, các con phải làm theo sự sắp xếp của thầy cô giáo khiến các con không còn đam mê, háo hức như trước”.

Trung thu ngày nay, nhiều trẻ chẳng còn ngóng trăng tròn, bày mâm cỗ bánh kẹo trước nhà để phá cổ, không còn ngày lễ rước đèn với những ánh sáng xanh đỏ lấp hánh, háo hức chờ đợi tiếng trống múa lân đi qua để nhập đàn. Trung thu giờ đây, nhiều người lớn cũng coi là ngày bình thường như bao ngày khác. Những chiếc bánh Trung thu cũng không còn là của quý để phải tranh giành như xưa nữa. Bánh Trung thu ngày nay cũng sang-xịn-mịn với đủ loại biến tấu từ nhân bào ngư vi cá đến dát vàng với những thiết kế lót nhung cầu kỳ, để phục vụ mục đích “ngoại giao”, gắn kết quan hệ hơn là thưởng thức chiếc bánh cổ truyền mộc mạc.

Không chỉ dừng lại ở các món ăn và đồ chơi đặc trưng đó, sự hiện diện của con cháu trong gia đình bên cạnh ông bà, bố mẹ mới là điều kiện đủ để có một ngày Tết Trung thu ý nghĩa thực sự. Tuy nhiên, thời đại đã thay đổi thói quen ấy thành bữa ăn ngoài nhà hàng và cuộc dạo quanh ngắm phố phường lên đèn lung linh của các bạn trẻ hay những gia đình không có nhiều thời gian để chuẩn bị bày cỗ tại nhà.

Để trẻ có một mùa Trung thu ý nghĩa - ảnh 2
Ảnh minh họa

Những đứa trẻ ở thành phố, con các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả có thể tuỳ thích lựa chọn trong thế giới đồ chơi đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc loại đồ chơi mình ưa thích. Một số bậc phụ huynh đã chiều theo ý thích của con, không ngần ngại khi mua cả những loại đồ chơi mang tính bạo lực, không phù hợp với việc hình thành nhân cách của trẻ như dao, kiếm, súng…

Trẻ con được thoả thích phá cỗ với đầy đủ hoa quả, nước ngọt, bánh kẹo. Con nhà khá giả hơn còn được bố mẹ cho đi du lịch xa như là một món quà đặc biệt nhân dịp Tết Trung thu…

Tuy vậy, không gian trò chơi truyền thống vẫn thu hút đối với những bạn trẻ lớn lên trong thế hệ mới hoặc đối với những người đã trải qua biết bao mùa Trung Thu cũ. Ở đâu đó góc phố, các trung tâm thương mại, các sự kiện sân khấu hay tại chính văn phòng vào những ngày Trung thu sẽ xuất hiện lại hình ảnh các trò chơi dân gian này. Dù có chút sai khác so với phiên bản trò chơi gốc, nhưng những hình ảnh tái hiện hay các hoạt cảnh trò chơi Trung thu luôn nhắc nhở mỗi người về một dịp tuyệt vời để cùng nhau vui chơi, gắn kết.

Nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ, Trung thu thời nay đã dần mai một và chẳng còn hấp dẫn với lũ trẻ. Lý do là tại cha mẹ đã quá lâu rồi coi Trung thu là thứ cũ kỹ chỉ còn lại trong ký ức.

Anh Tú cho rằng, chính cha mẹ đã để Trung thu phai nhạt trong chính cuộc đời hối hả của mình. Đó là những bộn bề dự án, công việc mà cha mẹ đang làm. Còn lũ trẻ chỉ có bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao, đầu sư tử, chó bưởi, giỏ thị… “Những thứ đó cũng vẫn còn hấp dẫn tụi trẻ lắm nếu như nó đi cùng những kết nối về tuổi thơ của cha mẹ. Nếu như những món đồ Trung thu đó có những câu chuyện kể thay vì chỉ là thứ trang trí, trưng bày. Và hơn cả, nó phải gắn cùng ý nghĩa thực sự của Trung thu: Đoàn viên. Trung thu là dịp để sum vầy nên Trung thu mới trở thành cái Tết thứ hai” – nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ cảm xúc.

Trung thu ngày nay, phố Hàng Mã vẫn vô cùng náo nhiệt. Vẫn còn đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ nhưng giá trị trong mỗi món đồ chơi đã chẳng còn được nâng niu như thế. Chị Bích Hà, một chủ cửa hàng trên phố Hàng Buồm cho biết, giờ trẻ con được mua đồ chơi thường xuyên nên không còn háo hức với đồ chơi Trung thu như trước đây. Phố Hàng Mã bây giờ vẫn đông, nhưng toàn thanh niên rủ nhau đi chơi, đi chụp ảnh. Hình ảnh bố mẹ bồng con đi Hàng Mã, chọn từng món đồ chơi cũng khác xưa nhiều lắm…

Các hoạt động cổ truyền rồi cũng sẽ phải thay đổi để thích nghi dần với xu thế phát triển, nhưng rằm tháng Tám vẫn là ngày lễ được trân trọng và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nếu cha mẹ chịu khó và biết cách kéo các thành viên trong gia đình, cộng đồng cùng tham gia, chị em vẫn có thể tạo nên một mùa Trung thu ý nghĩa, truyền thống cùng gia đình, như một số chị em vẫn làm: Tổ chức các hoạt động để chơi đùa cùng nhau; chia sẻ hình ảnh tự làm lồng đèn ngôi sao, hình ngôi nhà, bằng giấy, lon bia; học cách làm bánh để tự tay làm bánh trung thu tại nhà…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

(PNTĐ) - Nữ cựu chiến binh Trần Thị Kim Dung, chi hội trưởng Cựu chiến binh Tổ dân phố Kim Bài - thị trấn Kim Bài là một trong những tấm gương sáng trên địa bàn huyện Thanh Oai trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống, bà là tấm gương bình dị, luôn tận tâm, trách nhiệm, vì công việc chung, vì cộng đồng. Trong gia đình, bà là người mẹ hiền, người vợ đảm đang.
Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

(PNTĐ) - Tình trạng bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Việc "lên tiếng” và giải quyết các vụ việc này cần phải được coi trọng hơn nữa, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và can thiệp nhanh chóng.
Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.