Đêm Hà Nội nhớ

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Xa một tuần có lâu quá không anh
Sao em thấy ngày cứ dài đến thế,
Đêm Hà Nội thơm nghẹn lòng hoa sữa
Ngôi sao em ngân ngấn khóc chân trời.

Ngày xa anh em bỗng hóa đơn côi
Gió cũng chẳng vô tình ngang cửa nữa,
Một chiếc lá rơi cũng làm em nhớ
Áp mặt lên trăng mới biết trăng gầy.

Hà Nội bồng bềnh trôi theo heo may
Ánh trăng nhắc về một thời mê đắm
Thơ em xuống dòng
Buồn nghiêng dấu lặng
Nỗi nhớ về anh lấp mãi không đầy…

                                    Bùi Sim Sim

Đêm Hà Nội nhớ - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH
Đây có lẽ là một trong số không nhiều các bài thơ tình được viết chân thực đến thế. Chân thực như một trang nhật ký bởi từ địa danh, từ tâm trạng đến thời điểm. Hà Nội cũng chính là đất lành để bao nhà thơ tình thành danh. Nhà thơ Nguyễn Bính đã viết: “Có trong đôi mắt xinh xinh/Ánh hồ Gươm biếc in hình ảnh tôi” (Đôi mắt); nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng từng viết: “Những năm thương Hà Nội trăm lần hơn. Ngày ấy mắt còn trong trẻo trước tai ương. Em còn trẻ chúng mình sôi nổi lắm. Thích gặp nhau giữa đám đông bè bạn” (Viết lại một bài thơ Hà Nội). Với Bùi Sim Sim lại có một Hà Nội thật khác, Hà Nội của lời thầm thì trong tâm tưởng của một người đang yêu:

Xa một tuần có lâu quá không anh
Sao em thấy ngày cứ dài đến thế,
Đêm Hà Nội thơm nghẹn lòng hoa sữa
Ngôi sao em ngân ngấn khóc chân trời.

Một tuần, một tháng hay một năm có lẽ là quá gấp gáp, ngắn ngủi với nhịp sống mau lẹ, với guồng quay mưu sinh của nơi này. Ấy thế mà, với người đang yêu, đang nhớ sao nó dài đến thế, thời gian được đo bằng những “đại lượng” thật đặc biệt như “nghẹn lòng hoa sữa” hay “ngân ngấn khóc”. Giọt nước mắt của cô gái đang yêu, đang nhớ cứ đằng đẵng như thế mà chưa nhìn thấy le lói hy vọng nào.

Ở khổ thơ thứ hai, cảnh vật đã mang màu sắc cô đơn rõ nét hơn:

Ngày xa anh em bỗng hóa đơn côi
Gió cũng chẳng vô tình ngang cửa nữa,
Một chiếc lá rơi cũng làm em nhớ
Áp mặt lên trăng mới biết trăng gầy.

Dẫu cả khổ thơ chỉ có hai chữ “đơn côi” mà cô gái tự thốt lên nhưng cái sự “chẳng vô tình” của gió nhưng những “chiếc lá rơi”, “trăng gầy” cũng đều toát lên sự trống vắng, rơi rụng, hư hao ấy. Cái tài của người làm thơ là nói xa xôi mà ý tứ vẫn xuyên suốt cả bài thơ một cách khéo léo như thế. Khổ thơ cuối với năm câu và cách xuống dòng đầy bất ngờ:

Hà Nội bồng bềnh trôi theo heo may
Ánh trăng nhắc về một thời mê đắm
Thơ em xuống dòng
Buồn nghiêng dấu lặng
Nỗi nhớ về anh lấp mãi không đầy…

Hà Nội và trăng như hai “gam màu” chủ đạo, một “gam màu” sống động “bồng bềnh”, một “gam màu’ tĩnh lặng của trăng ký ức (ánh trăng nhắc). Đặc biệt ở câu thơ có dấu chấm cảm như mái đầu nghiêng nhớ, như ánh trăng chênh chếch bên thềm: “Thơ em xuống dòng/ buồn nghiêng dấu lặng”. Hẳn là, đã mấy ai tự ngắm thơ mình từ “hình vị”, từ vỏ chữ nghĩa đã nhận ra tâm trạng bên trong như nhà thơ Bùi Sim Sim chưa? Chắc chắn đây là một cách tân, một sự bất ngờ chỉ thi nhân mới tạo nên được bằng chính tâm trạng của một cô gái hồn nhiên, chân thật và yêu thương tha thiết. 

Đã có bao người giữa đêm Hà Nội mang trong mình nỗi nhớ như thế. Đọc thơ Bùi Sim Sim như thấy lại những tháng năm tuổi trẻ của những thế hệ sinh viên, của biết bao cô gái đã đem một nỗi nhớ đẹp như thế vào thi ca… 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.