Đêm sông Hồng

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bài thơ tinh tế, ý nhị đến mức phải đọc đến khổ cuối ta mới biết là đang viết về sông Hồng. Dòng sông thiêng được mỹ lệ hóa bằng cái tên Hồng Hà như tên gọi của một cô gái. Bởi thế mà bao rung cảm, bao ngọt ngào hạnh phúc cứ dẫn dụ chúng ta vào một thế giới của tình yêu.

                      (Tặng Em)

Nhớ nụ hôn đầu tiên

Thiên nhiên chạm mùa em

Nhớ chìm trong da diết

Dịu dàng ru nỗi niềm

 Khi ta là của nhau

Kiếp tình mãi dài lâu

Người như sông ôm núi

Trái tim tươi thắm màu

 Ngày ghé tai thầm thì

Đêm chạm lưỡi ngọt mềm

Tâm hồn ôm da thịt

Tơ lụa ngày bọc đêm

 Ngũ hành thổ sinh kim

Kim sinh niềm yêu mến

Anh gọi một tiếng Em

Dịu dàng dòng sông đến

 Hồng Hà ơi, hiển hiện

Đêm trăng nước dâng trời

Câu thơ bay trên sóng

Sải cánh cùng xa khơi…

                            Nguyễn Trọng Tạo

Đêm sông Hồng - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Nhớ nụ hôn đầu tiên

Thiên nhiên chạm mùa em

Nhớ chìm trong da diết

Dịu dàng ru nỗi niềm

Thật khó để xác định nụ hôn ấy là gì nhưng thiên nhiên và “mùa em” rất đa nghĩa nên nhiều sức gợi. Vừa là thi sĩ, vừa là nhạc sĩ, điều ấy giúp thơ ông có nhạc tính bay bổng:

Khi ta là của nhau

Kiếp tình mãi dài lâu

Người như sông ôm núi

Trái tim tươi thắm màu

Người và thiên nhiên như hòa làm một trong sự thắm thiết, dịu dàng nhưng lại vẫn thấy rõ một sự chuyến hóa. Người mang tâm tính bền vững của thiên nhiên ở sự “dài lâu” như núi sông. Ngược lại, sông cũng mang trái tim đỏ ối với mạch đập của tâm hồn con người: “Trái tim tươi thắm màu”. Nhưng, có lẽ đặc biệt nhất phải là khổ thơ thứ ba:

Ngày ghé tai thầm thì

Đêm chạm lưỡi ngọt mềm

Tâm hồn ôm da thịt

Tơ lụa ngày bọc đêm

Đến đây, ta nhận ra sự âu yếm thiết tha mặn nồng của đôi lứa qua cặp phạm trù thời gian (ngày-đêm), qua trường liên tưởng của giác quan: Thính giác (ghé tai thầm thì), xúc giác (chạm lưỡi ngọt mềm) và sự lay động, sự rung động của trực giác (tâm hồn ôm da thịt) và sau cùng là sự quấn quýt, bao bọc, che chở nồng nàn: “Tơ lụa ngày bọc đêm” - gợi siêu cảm giác.

 Không chỉ là một thi sĩ với sở trường viết về thơ tình yêu, Nguyễn Trọng Tạo còn có sự triết lý trong từng câu chữ để tạo ra cấu tứ vững vàng cho bài thơ. Tình sông núi trong sự sâu thẳm của đêm được liên tưởng đến ngũ hành:

Ngũ hành thổ sinh kim

Kim sinh niềm yêu mến

Anh gọi một tiếng Em

Dịu dàng dòng sông đến

Nhưng, điều đặc biệt ở đây là quy luật ấy không đóng kín trong năm thành tố mà biến số bất ngờ như sự nảy sinh kì diệu của tình cảm con người. Khi anh cất tiếng gọi yêu thương, dòng sông em đã trả lời. Tiếng gọi ấy vừa gần gũi như tình cảm giữa chàng trai và cô gái vừa màu nhiệm như phong thủy trốn này bởi sông núi ấp ôm. Và, như đã nói ở trên đến khổ thơ cuối dòng sông Hồng mới hiện ra với đúng tên gọi, dáng vẻ sau những gì bí ẩn, huyền diệu nhất:

Hồng Hà ơi, hiển hiện

Đêm trăng nước dâng trời

Câu thơ bay trên sóng

Sải cánh cùng xa khơi…

Đến đây, chúng ta đã có được một cái nhìn bao quát nhất, đầy đủ nhất về vẻ đẹp của dòng sông, về sự gắn kết của núi sông và hòa quyện với tâm hồn trong niềm tương giao đằm thắm, tha thiết. Ở hai câu kết: “Câu thơ bay trên sóng/ Sải cánh cùng xa khơi”, ta thấy như dòng sông đã tìm ra đến biển để để lớn lao, để trở thành vĩnh cửu trong cuộc đời này…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.