Đêm trăng suông

Đỗ Thu Yên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.

 Diệu Linh nhận ra anh, không giấu nổi sự vui mừng, cô thấy anh thay đổi nhiều quá! Gầy và già hơn so với tuổi. Nam ghé vào tai cô: “Nhà anh gần đây, xong tiết mục của chi hội anh, mời em vào nhà anh chơi cho biết nhà”- Diệp Linh gập đầu. 

Diệu Linh thầm nói với chị Duyên, người tiểu đội trưởng của mình, cũng là người yêu của anh Nam. Chị Duyên có gương mặt trái xoan và đôi mắt to thật đẹp, chị là ước mơ của bao chàng lính trẻ, nhưng chị yêu anh Nam, một lần anh Nam bị thương và nằm điều trị tại trạm quân y. Chàng pháo thủ có nước da đen và rắn rỏi của vùng sông nước, đặc biệt là ăn nói rất có duyên và hát rất hay. Hồi ấy vào mùa mưa, thương binh rất khan về lương thực. Những bao gạo được thả xuống suối, nhưng bọn giặc rất ác, chúng bắn những bao gạo, gạo trắng cả lòng suối, Duyên ngồi cạnh Nam, cô khóc ấm ức và nắm lấy tay Nam, “Bọn nó ác quá anh ạ”. Nam siết chặt tay Duyên, tối hôm đó, bằng kinh nghiệm của chàng trai vùng sông nước, anh đã đưa được mấy bao gạo lên bờ. Duyên tải những hạt gạo ướt sũng nước quanh bếp Hoàng Cầm. Họ ngồi bên nhau, thỉnh thoảng Duyên lại đảo đi đảo lại cho những hạt gạo se hơn. Thấy Nam ngồi trầm ngâm, Duyên hỏi: ”Anh đang nghĩ gì vậy?”. Nam trả lời Duyên rất nhanh, dường như những suy nghĩ đang có sẵn! “Sau này hết chiến tranh, anh sẽ đưa em về làng ven sông, em sẽ nấu ăn trong căn bếp, với những bữa ăn ấm áp và căn nhà sẽ có tiếng trẻ con”. Má Duyên bỗng nóng ran, may mà anh không nhìn thấy. Rồi họ nói đến sự chia tay, vết thương anh khá ổn, anh phải trở về đơn vị.

Từ đó mỗi khi nhận được thư của anh Nam, chị thường đọc to trong căn hầm con gái, thư của hai người lính yêu nhau chỉ toàn kể chuyện chiến công và hẹn ngày gặp lại, có gì phải giấu. Một lần chị cũng đọc say sưa, nhưng bỗng chị im bặt, đôi má chị bừng đỏ, chị ngập ngừng và không đọc nữa. Mấy đứa tinh nghịch giằng bằng được lá thư của chị. Một đứa đọc to. Hóa ra anh ấy gửi tặng chị một cái hôn...

 “Chị Duyên ơi! Em đang ở làng ven sông, nơi chị ao ước được trở về sau chiến tranh”.

Đêm trăng suông - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Diệu Linh nhớ một đêm trăng suông như đêm nay, khi anh Thắng gọi Diệu Linh ra tuyến gấp, địch lại thả đợt bom, không biết Duyên và các đồng chí đi cấp cứu thương binh ra sao. Địch thả bom đúng tim đường. Anh Quyết bị thương ở chân, anh vừa gọi mọi người vừa cố lết đến chỗ chị Duyên nằm bên một chị thanh niên xung phong. Chị giục Diệu Linh “Em ơi! Nhanh tay lên, chị ấy bị thương nặng, đang lúc dìu chị thì bọn nó lại thả bom tiếp”. Duyên nằm thiêm thiếp trên nền đất đỏ đã thấm máu, gương mặt trái xoan nhợt nhạt trong ánh trăng suông. Bỗng Duyên nhăn mặt, lại cố ngăn bàn tay đang băng bó vết thương ở bụng của mình. Chị cố nói cho Diệu Linh hiểu là không kịp nữa rồi! Diệu Linh ghé vai để Duyên ngả đầu vào vai mình.

Diệu Linh vẫn như nghe tiếng thều thào của chị Duyên, “hãy gửi lời chào anh Nam hộ chị”. Rồi chị lả dần, lả dần trên vai, Diệu Linh gọi chị thất thanh rồi ôm chặt lấy tấm thân còn hơi ấm của chị, trái tim Diệu Linh như thắt lại, sự đau đớn, tiếc nuối, sự căm hận xâm chiếm tâm hồn cô.  Thắng đang bố trí cho anh em võng mấy đồng chí thương binh về trạm xá của binh trạm. Nghe tiếng gọi thất thanh của Diệu Linh, anh vội chạy đến, anh quỳ xuống vuốt mắt cho Duyên rồi bế thi thể của Duyên đứng dậy, vừa đi như chạy vừa nói với Diệu Linh, theo anh, đưa cô ấy về trạm. Mới hôm qua, khi hai chị em đi hộ tống thương binh về, chị Duyên kéo Diệu Linh ngồi xuống phiến đá bên dòng suối cạn. Tiếng chị Duyên thủ thỉ bên tai: “Chưa bao giờ chị ao ước hết chiến tranh như lúc này em ạ. Chị đã hứa với anh Nam, hết chiến tranh chị sẽ về làng ven sông của anh ấy!”. Nước mắt Diệu Linh chảy dài trên má, chiến tranh đã cướp mất những ước mơ thật bình dị của chị. Đã cướp đi người chị hiền hậu mà cô rất yêu quý.

Nam rảo bước đi về phía trạm quân y, lòng anh thấy vui vì sắp được gặp Duyên, người con gái mà anh yêu thương và xa cô khá lâu. Anh đến căn hầm tiểu đội con gái, mấy chị em đang ngồi ở cửa hầm. Trong ánh trăng suông huyền ảo, anh nhận ra Diệu Linh. Tất cả mấy chị em đứng lên, nhưng không thấy ai nói gì. Anh thấy rất lạ và tiến lại cửa căn hầm, Diệu Linh nói rất nhỏ, giọng đầy cảm xúc: “Mời anh vào trong nhà của bọn em. Diệu Linh và các chị em không ai muốn nói sự thật cho Nam, mọi người cố giấu vẻ xúc động. Linh tính của một người lính, anh đoán được sự chẳng lành về Duyên. Đôi mắt anh dừng lại ở một góc hầm, trong ánh đèn leo lét, dưới lọ hoa rừng là di ảnh của Duyên, đôi chân anh như  khụy xuống, anh giơ tay run run vuốt lên từng nét trên khuôn mặt của Duyên. Trấn tĩnh lại anh hỏi mọi người: “Các đồng chí, Duyên hy sinh trong trường hợp nào?”. Diệu Linh trả lời anh một cách không lưu loát, giọng đầy nước mắt “Chị ấy hy sinh khi cấp cứu thương binh ngoài tuyến anh ạ. Phút cuối cùng chị Duyên gửi lời chào anh. Mai chúng em đưa anh thăm mộ của chị Duyên”. Nam xúc động trả lời Diệu Linh. “Đơn vị tôi hành quân qua đây, tôi phải đi ngay đêm nay, hãy đưa tôi thăm mộ Duyên”.

Trong ánh trăng suông bàng bạc phủ xuống núi rừng Trường Sơn mênh mang, ngôi mộ của Duyên nằm giữa những ngôi mộ của những người đồng đội, những bông hoa rừng tỏa hương thơm dìu dịu. Nam ngồi rất lâu bên mộ Duyên, bàn tay anh như muốn bới khoảnh đất sâu hơn, như muốn gần Duyên hơn để nói với cô rằng anh đã đến bên cô. Anh thầm nói với cô: “Hãy yên nghỉ Duyên ơi! Anh sẽ nhớ nơi này và hết chiến tranh anh sẽ đưa em về làng ven sông của anh”.

Đêm trăng suông - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Diệu Linh như chìm vào những kỷ niệm, đôi mắt ngấn lệ thì Nam và cô bạn của cô tìm đến. Hai người theo bước chân của Nam. Ngôi nhà của Nam ngay bên bờ sông, ngôi nhà hai tầng ở ngay ven đường. Qua con đường là đến bờ đê. Ngôi nhà vắng vẻ, nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp. Nam mải pha trà, Diệu Linh nhìn thấy tấm ảnh của chị Duyên bên góc bàn thờ, cô đến thắp hương và thủ thỉ với người đã khuất: “Chị Duyên ơi! Em đã gặp lại anh Nam, ngôi nhà ven sông vẫn có bóng chị. Em sẽ đến thăm chị thường xuyên”. Diệu Linh cố giấu nỗi xúc động. Nhất là biết anh Nam vẫn sống một mình.

Nam cũng đến thắp một nén hương cho Duyên, để Diệu Linh trấn tĩnh lại. Anh kể sau khi hết chiến tranh một năm, anh đã xin phép gia đình của Duyên đưa cô về quê anh, anh để mộ duyên ở mảnh vườn rất rộng gần với cánh đồng. Sau này anh làm xưởng đóng gạch. Mộ của Duyên đã xây trong một khuôn viên nhỏ. Diệu Linh đã thông báo cho một số anh em cựu chiến binh Trường Sơn và thỉnh thoảng kéo anh đi thăm đồng đội. Ngôi nhà của anh cũng là nơi họp mặt anh em đồng đội. Và trong một buổi gặp mặt, Diệu linh đã đưa ra một ý nghĩ táo bạo . Cô sẽ cùng anh em đồng đội thành lập công ty xây dựng sản xuất gạch và đá mang tên công ty Duyên - Nam và do Nam làm giám đốc. Công nhân là con em của các cựu chiến binh có nhu cầu về công ăn việc làm. Lúc đầu Nam không đồng ý, nhưng quả thật từ hồi gặp lại Diệu Linh và đồng đội Trường Sơn, anh thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Anh không biết rằng đó cũng là ý tưởng của Diệu Linh. Cô muốn cuộc sống của Nam ấm áp hơn. Con trai của Diệu Linh giúp Nam về công nghệ thông tin, vi tính, chàng trai cũng rất quý bác Nam. Một lần Hùng hỏi bác Nam: “Bác Nam đẹp trai lại rất có tài, bác không lấy vợ vì bác Duyên phải không?”.

Nam hơi bị động vì câu hỏi của Hùng, nhưng cũng trả lời chàng trai: “Cũng không hẳn thế cháu à, nhưng tình yêu cũng khó lý giải, khi nào cháu yêu, cháu sẽ hiểu. Hơn nữa mấy anh em trong đơn vị của bác sinh con bị nhiễm chất độc da cam, nên bác nghĩ mình cũng vậy! Chiến tranh tàn khốc thế đấy!”. Hùng thấy lòng mình se lại, càng thêm kính trọng bác Nam và tình cảm mà mẹ của mình dành cho những người đồng đội. Đêm nay Hùng lại ngủ lại nhà bác Nam, công việc của công ty vẫn còn nhiều vì có thêm những hợp đồng mới! Đêm đã về khuya, Nam pha ấm trà và bảo Hùng ra uống trà đã. Hai bác cháu ngồi bên nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình. Hùng ngày càng gắn bó với ngôi nhà của bác Nam, anh trân quý những con người bước ra từ cuộc chiến tranh sinh tử, anh thấy mình thật hạnh phúc và trân quý cuộc sống này biết bao. Hùng nhận được email của mẹ, giao cho anh nhiệm vụ tổ chức buổi gặp mặt đồng đội nhân ngày giỗ của bác Duyên. Hùng quay sang bác Nam, anh cho bác xem thư của mẹ. Nam cũng lên kế hoạch và trao đổi với Hùng một cách chi tiết. Đôi mắt Nam ánh lên niềm vui, anh ngồi lặng lẽ nhìn về khoảng không xa xăm. Trăng suông đêm nay dường như sáng hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)
Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

(PNTĐ) - Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.