Đèo bòng

Linh Lê
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mấy cô bạn thân thường bảo chị: “Chồng mày thì được chứ em chồng thì quá chán. Mày sau này là nặng nợ với nhà đó lắm đấy”. Cũng vì thế mà chị đã có sẵn ác cảm với em chồng, lúc nào cũng chỉ muốn “né” càng xa càng tốt.

Chẳng là, vợ chồng em chồng của chị nghèo lắm. Chồng chạy xe ôm, vợ thì chạy chợ. Đã thế, hai vợ chồng còn đẻ sòn sòn 5 năm 3 đứa. Chị cũng thấy lạ vì cùng một bố mẹ sinh ra, nuôi lớn, dạy dỗ mà hai anh em chồng chị lại khác nhau đến vậy. Chồng chị thật may mắn học hành tử tế, thành đạt, hiện còn làm trưởng phòng công ty. Bề ngoài anh điển trai, cao ráo, trắng trẻo, ăn nói thì chừng mực (vì vậy mà chị mới quyết định yêu và chọn anh làm chồng). Trong khi đó, cô em chồng thì lúc nào cũng lấm lem, áo quần tuềnh toàng.

Hồi mẹ chồng chị còn sống, bà thương con gái có phần nhỉnh hơn con trai. Chị hiểu, đó là tấm lòng của người mẹ muốn bù đắp cho con nào còn khó khăn. Bà cho vợ chồng chị 1 phần thì phải dấm dúi cho con gái 2, 3 phần. Đã thế, bà còn luôn dặn dò vợ chồng chị làm anh chị thì phải nhớ giúp đỡ, yêu thương, đùm bọc các em.

Đèo bòng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị không quá hẹp hòi và tự thấy mình cũng hiểu đạo lý tình thân, nhưng, chị cũng nghĩ anh em “kiến giả nhất phận”, một khi đã có gia đình riêng thì sẽ phải tự chủ động lo thân. Anh chị có cho thì cũng chỉ là đồng quà, tấm bánh chứ tiền của vợ chồng chị làm ra đâu phải vỏ hến mà dễ dàng “xúc” đi được. Tuy nhiên, chị biết chồng mình thi thoảng vẫn giấu chị giúp đỡ cho vợ chồng em gái. Ấy là chưa kể tới những lần anh hỗ trợ công khai, như mùa hè, anh chủ động mua rồi lắp cho nhà em cái điều hòa vì thấy: “Bọn trẻ con bị nóng quá, tội chúng”. Cái xe máy cũ, chị vừa thay ra để “lên đời” xe mới, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy anh gọi em gái đến lấy xe cũ về. Anh giải thích xe không đi thường xuyên để lâu cũng hỏng nên để các em dùng, dù sao hai vợ chồng em cũng mới chỉ có 1 cái xe. Rồi cái quạt điện, bộ bát đĩa, nồi niêu mới... chị cất vào tủ để dành lúc nào cần thay mới nhưng hễ anh dọn nhà phát hiện ra là lại hí hứng cho em luôn vì theo anh “tích lắm chật nhà”. Chị phàn nàn thì chồng chị bảo: “Mình có thì mình giúp các em thôi chứ quả tình các em không xin hay nhờ gì của nhà mình em ạ”. Tất nhiên chị chẳng tin điều đó, còn cho là chồng chỉ thanh minh cho em.

Từ lúc nào, chị dần mất thiện cảm với em chồng. Tất nhiên, bề ngoài chị vẫn cười nói vui vẻ với các em, song trong lòng chị lại nghĩ khác. Mỗi lần các em tới chơi, chị luôn cho rằng có lẽ các em đang sắp nhờ vả gì vợ chồng chị, giống như cách đã dựa dẫm vào mẹ chồng chị ngày trước. Rồi cả cái tướng mạo “nhìn đã thấy nghèo” của các em khiến chị càng có phần hơi khinh khi. Chẳng thế mà trong câu chuyện với các em, chị chỉ hỏi thăm cho có, hay là trả lời các em lấy lệ rồi lấy cớ bận để không phải ngồi tiếp lâu. Chị luôn xếp việc giữ quan hệ với em chồng ở cuối danh sách những việc cần ưu tiên.

Chuyện cô em chồng còn theo lời kể của chị bay sang cả tai bố mẹ chị đang ở quê. Bố mẹ chị tức thay cho cả phần con gái rồi giận lây con rể. Ông bà cho rằng, con rể chỉ biết nghĩ cho người nhà mà không quan tâm tới cảm giác của vợ. Con ông bà thì vất vả cực nhọc lo cho gia đình chưa đủ, giờ còn phải đèo bòng thêm cả nhà em chồng. Chị thì thầm với mẹ: “Có của nả gì mẹ cho con gửi về nhà nhờ mẹ giữ cho yên tâm. Để bố bọn trẻ biết được lại nghĩ nhà có điều kiện sẽ phóng tay cho các em mất thôi”.

Đèo bòng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cuối tháng đó, khi đi khám sức khỏe, chị phát hiện bị u xơ tử cung. Cái u có kích thước đã to nên chị chủ động xin bác sĩ cho phẫu thuật cắt bỏ luôn tử cung vì chị sợ để lại sẽ dễ gây ra các biến chứng khác. Ca mổ kéo dài không lâu, nhưng chị phải nằm lại bệnh viện ít ngày. Bố mẹ chị đều cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền nên không ai vào viện trông chị được. Chồng chị thì phải chăm sóc 2 con nhỏ, nếu vào viện với chị để con ở nhà chị cũng không an tâm. Chồng chị đưa ra ý kiến nhờ em gái vào chăm giúp nhưng chị gạt đi. Chị vốn không thích em chồng, nghĩ bình thường chị em đã khó gần, nay lại còn ở cùng nhau những mấy ngày khi chị đau ốm thì càng khó hòa hợp. Chị quyết định thuê giúp việc bên ngoài. Tuy nhiên, kiếm người đã khó, mà tiền công họ đòi cho một ngày trông bệnh nhân lại khá cao. Một đợt nằm viện của chị tính ta phải mất thêm dăm triệu bạc, chị tiếc hùi hụi nhưng chẳng biết làm sao.

Biết tin chị vậy, vợ chồng em chồng vào thăm. Thật bất ngờ, trước mặt anh chị, cô em chồng chủ động đề nghị để cô vào trông chị ít bữa. “Mấy việc chăm người bệnh, sinh hoạt trong bệnh viện này em làm được, em không sợ khó, sợ khổ chỉ sợ anh chị không tín nhiệm em thôi. Mà em sẽ ăn ở trong bệnh viện luôn, không ai cần thay ca cho em cả”. Chị chưa kịp nói gì thì đã thấy chồng  khẽ bấm vào tay chị để ra dấu hiệu rồi nói: “Được thế thì tốt quá, anh chị cũng đang bí người thật. Hơn nữa, chăm người bệnh thì không gì tốt bằng người nhà. Vậy hôm nay anh trông chị rồi thì từ mai, nhờ cô vào viện thay ca để anh về nhà còn lo cho các cháu”.

Chị bị đặt vào thế đã rồi và cũng không biết lấy lý do gì để từ chối. Rồi cũng nghĩ tới việc tiết kiệm được một khoản tiền thuê người ngoài, chị lại tự an ủi mình là thôi, giờ ốm đau có người hỗ trợ đã là tốt rồi.

Đèo bòng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mấy ngày sau đó, ở trong viện, cô em chồng một tay lo cho chị từng bữa ăn, rồi còn giúp chị sinh hoạt cá nhân tại giường mà chẳng chút ngại ngần. Đêm, chị khẽ hơi cựa người là cô đã nhỏm dậy hỏi chị thấy trong người thế nào. Hết chăm chị dâu, trong phòng bệnh có bệnh nhân nào cần hỗ trợ, cô cũng không nề hà. Mà đúng như cô nói, cô cứ tay năm tay mười, chả thấy sợ bẩn, sợ khổ, sợ phải thức đêm gì cả. Nhờ có cô em mà chồng chị gần như “thất nghiệp” trông vợ. Anh chỉ vào thăm chị chốc lát rồi còn ngồi chơi như khách vì hễ động chân động tay vào việc gì là cô em lại gạt đi, bảo: “Thôi, anh để em lo cho chị, phụ nữ chăm cho nhau tiện hơn”.

Từ lúc có ác cảm, trong những ngày ở viện, nằm trên giường thầm quan sát em chồng, chị thấy thực ra em cũng không xấu tính hay chỉ biết nhăm nhăm nhờ vả anh chị gì cả. Đồ bổ mọi người đến thăm, tặng chị, cô đều lấy để chị ăn hoặc chị không dùng hết thì gói ghém để gửi về cho các cháu. Ngay cả lúc chị khỏe, chuẩn bị ra viện, hai chị em ngồi tâm sự nhiều điều, chị hỏi về cuộc sống của hai vợ chồng cũng chỉ thấy cô kể là chúng em ổn chứ tuyệt nhiên không thấy xin hay nhờ vả gì anh chị. Chị bỗng nhớ lại lời của chồng nói hồi trước: “Mình có thì mình cho các em thôi chứ đừng nghĩ các em xin hay lấy gì của nhà mình em ạ”.

Đang suy nghĩ đến đấy thì chợt có vị khách thăm bệnh ở giường bên. Thấy em chồng chị tóc vấn ngược, đi đôi dép lê tất cả mua đồ về cho chị bèn khen: “Cô tìm được chị giúp việc này nhanh nhẹn quá”. Cô em chồng chỉ cười không nói gì, nhưng tự nhiên chị lại bật thành lời mà không chút xấu hổ: “Dạ không, đây là em cháu. Chúng cháu là chị em một nhà. Cô ấy không phải giúp việc đâu ạ”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gắn kết gia đình từ những chiếc bánh

Gắn kết gia đình từ những chiếc bánh

(PNTĐ) - Hôm vừa rồi, tiệm bánh của chị Hòa có cô bé đến mua bánh. Thấy chị đeo tạp dề, gắp bánh, xếp vào hộp cứ thoăn thoắt, bánh lại đẹp mê li, cô bé xuýt xoa, “em cũng muốn có tiệm bánh giống chị”. Mẹ chị Hòa đang phụ con gái mới quay qua bảo: “Ngày xưa, nó thấy bố mẹ không bao giờ mua bánh cho, nên bây giờ bỏ cả cái bằng thạc sỹ để làm bánh đấy cháu ạ!”.
Bệnh thiếu máu, thiếu sắt

Bệnh thiếu máu, thiếu sắt

(PNTĐ) - Theo thống kê, thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,62 tỷ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở các nước đang phát triển và ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai.
Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội

Những phụ nữ với tình yêu nguồn cội

(PNTĐ) - Truyền thống yêu nước nồng nàn, trí thông minh, sáng tạo, lòng nhân ái và đức hy sinh cao cả chính là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng. Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí lao động, công tác nào, cũng đều không khó để bắt gặp được những người phụ nữ luôn phát huy cao giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó.
Trẻ em gái cần được yêu thương, chăm sóc

Trẻ em gái cần được yêu thương, chăm sóc

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em gái để tạo dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, giúp các em phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, tự tin khẳng định vị trí của mình trong xã hội.