Đi du lịch, vợ thành.... Osin

Chia sẻ

Cả năm làm ăn vất vả, chắt chiu, tích cóp để dành tiền đến hè cả nhà đi nghỉ mát cùng nhau, mục đích tạo cơ hội cho các thành viên gần gũi, gắn bó, yêu thương nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, trong những chuyến đi ấy, không ít người vợ trở thành... osin bất đắc dĩ.

“Năm sau, tôi đi nghỉ mát… một mình”

Đó là tuyên bố của chị Ngân khi kết thúc chuyến đi nghỉ mát 4 ngày cùng gia đình ở Hải Phòng. Năm nay, dù khó khăn vì công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, nhưng chị vẫn cố gắng sắp xếp một chuyến đi cho gia đình để “thưởng” cho con trai hoàn thành tốt kỳ thi vào lớp 10. Dự định ban đầu của chị là chỉ đi riêng 4 người trong nhà thôi. Nhưng, chồng chị lại “mời” thêm mấy người bên gia đình nội. Lý do anh đưa ra là “cô chú ấy buôn bán nhỏ quanh năm chẳng bao giờ dám bỏ tiền ra đi du lịch. Ông bà nội cũng dần yếu, tranh thủ mời bố mẹ đi được năm nào hay năm đó. Nay mai bố mẹ yếu hẳn thì có muốn cũng chẳng đi được. Em cứ yên tâm, anh lo phần tài chính phụ thêm”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước lý lẽ của chồng, chị chẳng nỡ từ chối. Vậy là chuyến đi nghỉ của gia đình chị trở nên đông người ngoài ý muốn. Em dâu lấy cớ bận trông coi cửa hàng không đi chỉ để ba bố con “ăn theo nhà bác”, ông bà nội được vui vầy với con cháu tất nhiên chẳng chối từ. Chị tất bật chuẩn bị đặt phòng, ăn uống cho gần 10 người gồm người lớn lẫn trẻ con. Đến ngày lên đường, chị cứ nghĩ mình sẽ có những ngày nghỉ vui vẻ, xả stress do công việc dồn ứ bấy lâu nay. Nhưng vừa đến nơi, nhận phòng cho mọi người xong, chị bỗng nhận ra vai trò “to lớn” của mình trong chuyến đi này. Nhìn lại, cả nhà toàn trẻ nhỏ và đàn ông lộc ngộc, mỗi mình chị và mẹ chồng là phụ nữ. Bà tuổi cao nên chẳng đỡ đần được gì trong việc lo ăn uống, ngủ nghỉ cho cả gia đình trong chuyến đi. Riêng chuyện ăn uống của mấy đứa trẻ cũng phức tạp, đứa nhỏ phải xúc, bón, hết cháo lại đến cơm. Chồng chị và em trai thì cứ chén rượu, cốc bia vào là lơ mơ lăn quay ra ngủ, để mặc chị lo cho đám trẻ ăn uống, ra biển bơi, rồi quay về tắm rửa, giặt giũ phơi phóng đồ bơi cho cả nhà ngày hai lần.

Bố mẹ chồng là người lớn nhưng cũng cần con dâu chăm sóc vì ở khách sạn không biết đường đi lối lại thế nào. Chuyện theo chân đám trẻ để trông đỡ cháu cho con dâu cũng chẳng làm được, vì họ chẳng còn sức để chạy theo bọn trẻ loáng một cái đã không thấy đâu.

Chị Ngân bảo, mang tiếng đi biển nhưng cả bốn ngày mà chị không được bữa tắm biển nào vì cứ mải trông con, trông cháu, lo phục vụ cơm nước cho cả nhà. Bữa sáng vừa xong, lại phải quay sang đặt thực đơn cho bữa trưa, rồi đến chiều lại tất tả lo cho bữa tối. Ngồi ăn cũng chẳng nên bữa vì phải bón cho đứa này, lại xúc cho đứa kia. Mỗi thằng con lớn lại mải chơi, không đỡ mẹ trông em được chút nào. Nhiều lần, chị cáu bẳn chồng vì quá mệt mỏi, nhưng anh cứ trong tình trạng say lơ mơ bữa nào cũng bia rượu ngập tràn vì gặp mấy người bạn ở nơi du lịch. Cánh đàn ông hết tụ tập hò dô ở bàn nhậu lại kéo nhau đi cà phê, hát karaoke đến nửa đêm, gần sáng mới về phòng lăn ra ngủ. Cậu em chồng đưa con đi cùng nhưng từ đầu đến cuối đều phó mặc hết cho chị dâu lo hộ. Tính lại, chị đi nghỉ mát mà chẳng khác gì osin. Trở về, chị tuyên bố năm sau, nếu có đi nghỉ mát thì sẽ đi… một mình.

Muốn sướng cũng chẳng được

Nếu như chị Ngân bị đẩy vào tình thế làm osin bất đắc dĩ thì chị Thúy lại tự đưa mình vào nỗi vất vả. Nhà chị có “truyền thống” đi nghỉ mát là phải quây quần tất cả anh em trong gia đình nội, hoặc ngoại. Để công bằng, chị phân chia năm nay đi nghỉ cùng với đại gia đình nhà nội thì năm sau sẽ đi với đại gia đình nhà ngoại. Do đi đông người nên chị có chủ trương phải tiết kiệm đỡ được phần nào hay phần đó. Trong số cánh phụ nữ ở nhà nội, nhà ngoại, chị Thúy là người hay lo lắng nhất. Cứ mỗi chuyến đi là chị chuẩn bị trước cả tuần, nào là chuẩn bị mua thịt để giã ruốc, làm thêm lọ muối vừng, lạc rang. Bánh trái, hoa quả cứ phải chuẩn bị từ nhà mang đi. Vì xuống các điểm du lịch đều mua đắt đỏ, ở nhà mua rẻ hơn tội gì không mang đi. Đến ngày đi, chị còn bàn chị em dâu, em gái mua nếp về đồ xôi để cả nhà ăn sáng dọc đường.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Những lần thấy vợ lích kích chuẩn bị đồ ăn, đồ uống, chồng bảo chị không phải vất vả như thế. Cả năm có một lần đi du lịch, cứ thoải mái ăn ngủ, nghỉ, anh sẽ cố gắng đưa thêm tiền cho chị chi tiêu. Nhưng tính tiết kiệm, tiếc tiền bởi phải mua với giá đắt gấp 5, 6 lần nên chị cứ cố gắng làm. Chuyến đi nào, chị cũng đóng thùng to, thùng nhỏ, bắt cả nhà khuân vác rất vất vả. Đến bữa, ngoài mấy món đặc sản của nhà hàng ra, chị lại mang ra ít món phụ mình chuẩn bị sẵn để ăn thêm. Thuê nhà nghỉ nào, chị cũng lựa chọn nơi có thể tận dụng để nấu ăn được. Do đó, mang tiếng đi nghỉ nhưng chị cứ luôn tay luôn chân phục vụ cả nhà từ đầu đến cuối. Mệt nhưng tiết kiệm được nên chị cũng cam lòng.

Giúp việc cũng… chào thua bà chủ

Cô giúp việc nhà chị Tuyết đến giờ vẫn nhớ những lần đi nghỉ mát của gia đình chủ nhà của mình. Cô bảo trên đời này nếu người phụ nữ nào chỉ thích khổ không thích sướng thì phải là chị Tuyết. Nhà kinh tế không đến nỗi nhưng chẳng lần nghỉ mát nào chị thấy bà chủ thảnh thơi hưởng thụ đúng nghĩa. Ngược lại, còn tất bật, vất vả hơn. Năm đầu tiên, cô vào làm giúp việc ở nhà chị Tuyết, đúng dịp gia đình chuẩn bị đi nghỉ mát. Người ta thì quần là áo lượt, thoái mái xách va ly quần áo đẹp lên đường, chị Tuyết ngược lại hoàn toàn. Chị mua đồ về bắt giúp việc sơ chế trước để cả nhà mang đi ăn, bảo đi biển chủ yếu là để tắm, ăn hải sản một, hai bữa thì ngán nên vẫn phải chuẩn bị vài món ăn khô mang theo. Hoa quả ở Thủ đô vừa ngon lại vừa tươi, lại rẻ mang đi được thì cứ mang, xuống dưới điểm du lịch khó mua, đắt đỏ.

Những lần nghỉ mát sau, chị Tuyết đưa cả giúp việc đi cùng để hỗ trợ mình trong việc phục vụ cả nhà chuyện ăn uống. Phương châm của chị là thuê nhà nghỉ kiểu homestay, có thể nấu ăn được, rồi hàng ngày mua đồ biển, đồ rừng về tự nấu nướng cho cả nhà ăn thay vì ra nhà hàng đông đúc, bị chém đắt. 5 năm nay, cô giúp việc năm nào cũng được bà chủ cho đi nghỉ mát cùng. Và cũng giống như bà chủ, cô chẳng được nghỉ ngơi mấy, chỉ mải miết với việc phục vụ cả nhà.
Với nhiều gia đình, những chuyến đi nghỉ mát, du lịch là dịp để cả nhà nghỉ ngơi sau một năm làm việc, học hành vất vả. Nhưng do nhiều lý do, nhiều người phụ nữ không còn được hưởng thụ điều đó mà càng vất vả gấp nhiều lần. Nguyên nhân là do sự không chia sẻ của đàn ông và sự tự làm khổ mình của phụ nữ.

NGUYỄN HUYỀN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.