Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ ở cần kiệm

Nguyễn Thị Thiện
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một địa phương có truyền thống yêu nước, sớm có phong trào cách mạng. Nơi đây, Bác Hồ đã có 19 ngày đêm ở và làm việc để lãnh đạo cách mạng. Hiện nay, Nhà lưu niệm Bác Hồ thuộc xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm, cách trung tâm Thủ đô chừng 30km về phía Tây.

Tháng 3/1945, nơi đây đã hình thành tổ chức Việt Minh và hoạt động mạnh mẽ. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cần Kiệm đã giành được chính quyền vào ngày 18/8, trước Thủ đô Hà Nội 1 ngày. Phong trào hoạt động và tinh thần cách mạng đã phát triển sâu rộng trong quần chúng từ lâu. Địa hình của xã được tạo nên bởi 36 quả đồi kết nối thành. Do đặc điểm vùng đồi núi bán sơn địa, cây cối âm u, đặc biệt xóm Lài Cài đường đi chỉ là những bờ ruộng nhỏ nên thuận lợi cho việc giữ bí mật.

 Tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa xã Cần Kiệm có gia đình cụ Nguyễn Đình Khuê, một cơ sở kháng chiến tin cậy. Con trai cả cụ là Nguyễn Đình Kỳ là Bí thư Đảng bộ xã – về sau đồng chí đã chiến đấu, hy sinh anh dũng, là liệt sĩ chống Pháp. Bấy giờ là cuối tháng 12/ 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đầy rẫy khó khăn. Thời ấy chưa có đường lớn, lối đi đến xóm Lài Cài chỉ là bờ ruộng, thuận lợi cho việc đảm bảo bí mật nên căn nhà mới làm của cụ Khuê được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm nơi ở. Người đã sống và làm việc tại đây trong 19 ngày đêm (từ 13/1- 2/2/1947, tức là từ 22 tháng Chạp năm Bính Tuất (1946) đến ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Hợi (1947). Tại đây, Bác Hồ và một số cán bộ Trung ương đã đón một cái Tết kháng chiến đúng nghĩa.

Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ ở cần kiệm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy chỉ ở nhà cụ Khuê trong thời gian ngắn nhưng Bác Hồ đã làm nhiều việc đại sự: Soạn thảo tài liệu chỉ đạo kháng chiến như: Phép dùng binh của Tôn Tử, Chiến thuật du kích, Người chính trị viên. Người viết Thư gửi các chiến sĩ quyết tử Thủ đô, Thư gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam về việc chuẩn bị họp Hội đồng Chính phủ... Tối 30 Tết, Bác Hồ đi họp Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai, nhân đó Người chúc mừng năm mới các thành viên trong Chính phủ. Họp xong, Bác xuống chùa Trầm (huyện Chương Mỹ), nơi đặt trụ sở dã chiến của Đài Tiếng nói Việt Nam, đọc Thơ chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước, cũng là lời kêu gọi đoàn kết kháng chiến: “…Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.

Thời gian Bác Hồ về sống và làm việc nơi đây đã lùi xa ba phần tư thế kỷ nhưng ngôi Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng. Tôi đã đưa đoàn giáo viên và học sinh trường THPT Thạch Thất đến đây thắp hương tưởng niệm và báo công lên Bác. Gian giữa của nhà lưu niệm là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân địa phương hay du khách đến thăm có thể thắp hương tưởng niệm Bác. Các gian còn lại trưng bày những tài liệu, bút tích và kỷ vật lúc sống Bác đã từng sử dụng như: Chiếc bàn mộc, giường tre, chậu thau, vại sành. Vì đây là đỉnh quả đồi nên lấy nước lên khá vất vả. Bác dùng chiếc vại sành để chứa nước đã rửa mặt dùng tưới rau trong vườn.

Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ ở cần kiệm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một trong những hiện vật rất quý là bản viết chữ Hán “Cung chúc tân xuân” do chính tay Bác viết và tặng gia đình cụ Khuê đúng Mồng Một Tết năm 1947.

 Đến nơi đây, không ai là không xúc động và trào dâng niềm thương yêu, kính phục và biết ơn Hồ Chí Minh. Bởi Bác Hồ của chúng ta giản dị và vĩ đại quá. Những kỷ vật người để lại rất thiêng liêng và bình dị vô ngần…

Ngày 13/5/1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp bằng công nhận Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm là Di tích lịch sử cách mạng. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ Thủ đô. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.