Điểm đến không gian xanh ở Thủ đô

Bài và ảnh Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội cổ kính và thơ mộng có nhiều điều hấp dẫn du khách gần xa đến khám phá và trải nghiệm. Nổi bật trên nhiều tuyến đường có nhiều loại cây được trồng mới; trong các công viên, vườn hoa, các di tích, danh thắng luôn xanh, sạch, đẹp với các loại cây xanh, cây cổ thụ được bảo tồn, tỏa bóng mát; những vườn hoa đủ sắc màu, các cây cảnh được cắt tỉa, tạo nên hình ảnh về Hà Nội xanh đối với du khách.

Không gian xanh của những con đường, vườn hoa, công viên

Du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội đều có chung cảm nhận Hà Nội đã có nhiều đổi thay, nhưng vẫn bảo tồn nét đẹp và những giá trị văn hóa truyền thống của người Tràng An, chú trọng phát triển không gian xanh, trồng nhiều cây xanh, bảo tồn nhiều cây cổ thụ. Nổi bật nhất trên nhiều tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Lò Đúc, Phan Đình Phùng… vẫn bảo tồn, lưu giữ không gian xanh của những hàng cây cổ thụ như: Sấu, cơm nguội, phượng, hoa sữa, sao đen… in đậm dấu ấn về Hà Nội và đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, đi vào tiềm thức và nỗi nhớ của biết bao người.

 Cùng với những tuyến phố cũ, trên nhiều tuyến phố mới ở các quận nội, ngoại thành đều đã được phủ một màu xanh trải dài của các loại cây xanh. Giữa hai làn đường của nhiều tuyến đường có trồng các loại hoa, cây cảnh.

 Dấu ấn đối với du khách khi đến Hà Nội đó là không gian xanh trong những công viên. Theo thống kê sơ bộ đến nay ở khu vực nội thành Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa, điểm nổi bật của các công viên là không gian thoáng, không khí trong lành có hồ nước, nhiều cây xanh. Tuy nhiên, mỗi công viên có một nét riêng, độc đáo.

Điểm đến không gian xanh ở Thủ đô - ảnh 1
Du khách trong không gian xanh bên Hồ Hoàn Kiếm.

Ấn tượng nhất đó là Công viên Bách Thảo như lá phổi xanh của Hà Nội, nơi những người yêu thiên nhiên được đắm mình trong màu xanh của cây và những âm thanh của rừng. Công viên Bách Thảo được xây dựng từ năm 1890 bởi thực dân Pháp với mục đích duy trì, bảo tồn và phát triển các nguồn cây quý của Việt Nam. Nơi đây, có mặt nhiều loại cây gỗ quý hiếm đặc trưng cho các cánh rừng ẩm nhiệt đới phương Nam, ngoài ra còn có các loài cây nhập nội từ nhiều châu lục như châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương. Vào vườn Bách Thảo khách tham quan có thể chiêm ngưỡng các loài cây thân gỗ có đường kính 2, 3 người ôm, các loại cây thân cột khổng lồ của họ cau dừa, các loại cây gỗ có bộ rễ phụ buông dài của nhóm si, đa, đề; các loại cây leo thân gỗ, các loại giò phong lan khoe sắc và cây cảnh sặc sỡ.

Ngoài các loại cây xanh, cây cổ thụ, các loại thực vật đa dạng, phong phú, trong Công viên Bách Thảo còn nuôi một số động vật như sóc, khỉ đuôi dài. Công viên này còn tạo điểm nhấn với hồ Vị Danh rộng, rất sạch với màu nước xanh lục đặc trưng. 

Với diện tích trên 50ha Công viên Thống Nhất là công viên lớn nhất Hà Nội, nơi đây không chỉ là điểm vui chơi, thư giãn của người dân Thủ đô, du khách, mà nó còn ẩn chứa ý nghĩa tượng trưng về một giai đoạn lịch sử dân tộc. Trong Công viên có hồ Bảy Mẫu, ven hồ và trong công viên có trồng nhiều loại cây xanh, các khu vui chơi dành cho trẻ em, nơi tập luyện thể thao dành cho mọi lứa tuổi.

Điểm đến không gian xanh ở Thủ đô - ảnh 2
Du khách trong không gian xanh bên Hồ Hoàn Kiếm.

Nằm cách trung tâm Hà Nội trên 10 km, Công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai với tổng diện tích 323ha, nằm trong dự án Gamuda City với không gian xanh trải dài với phần lớn là diện tích là hồ nước và cây xanh với gần 10.000 cây. Công viên Yên Sở trồng 124 loài cây được phân làm 38 loài cây gỗ lớn, 86 loài cây bụi và cây trồng chậu nhỏ, trải thảm. Trong đó có nhiều cây gỗ quý như gõ đỏ, giáng hương, nhiều loài cây hoa đẹp như muồng hoàng yến, muồng đen, muồng hoa vàng, phượng vỹ, lim xẹt… Với khung cảnh màu xanh mát mắt đến cảm giác trong lành, Công viên Yên Sở được thiết kế, xây dựng mang đến một trải nghiệm mới với những giá trị truyền thống kết hợp với đương đại. Có thể kể đến những công trình như nhà triển lãm nghệ thuật, nhà thuyền, rạp hát ngoài trời, vườn mê cung, làng văn hóa và rất nhiều cảnh quan khác.

Cây xanh, không gian xanh ở danh thắng, di tích

Hồ Hoàn Kiếm luôn là điểm đến, dừng chân của du khách khi đến thăm Thủ đô Hà Nội. Xung quanh Hồ Hoàn Kiếm có rất nhiều cây xanh, cây cổ thụ từ cây gạo, lộc vừng, tếch đến liễu, phượng, si , sấu, cây sanh, sung, me, vông, kim giao… luôn khoe sắc quanh năm. Ngoài ra, trên đường đi dọc ven hồ còn có nhiều vườn hoa, trồng các loài hoa, rồi các loại cây cảnh được chăm sóc, tô điểm, tạo nên vẻ đẹp, quyến rũ cho Hồ Hoàn Kiếm. Mỗi loài cây, mỗi loài hoa tô điểm cho Hồ Hoàn Kiếm luôn xanh, tạo nên một không gian xanh. Không chỉ đơn thuần chỉ để trang trí, mỗi loài cây, loài hoa hiện diện nơi này đều có một lịch sử, một câu chuyện riêng, một ý nghĩa riêng cùng năm tháng tồn tại ở Hồ Hoàn Kiếm.

Du khách khi đến với di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đều hết sức ấn tượng về cây xanh, không gian xanh đậm chất văn hóa truyền thống của Việt Nam. Phân bổ đều khắp di tích là những cây cổ thụ như: Cây đa, cây đề, cây si, cây nhãn, cây sấu, cây muỗm (xoài)… Lâu niên nhất là những gốc đa, gốc đề đã gần 300 năm. Cây cổ thụ chiếm đa số ở đây là cây Muỗm (họ nhà xoài). Ngoài cây cổ thụ, trên đường vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có hồ nước, những cây cảnh, tiểu cảnh, cây thế… góp phần tạo nên nét đẹp của quần thể kiến trúc truyền thống đặc trưng của người Việt đó là có sự hài hòa giữa cây cối, hồ nước và nhà cửa.

Dấu ấn không gian xanh trong di tích đó là quần thể cây Di sản ở đền Và (thị xã Sơn Tây) có từ lâu đời, gắn với di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh. Ở di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên rất độc đáo. Đó là khu rừng lim cổ thụ gồm 166 cây nằm trên diện tích 17ha, tỏa bóng rợp quanh năm, trong đó có 85 cây đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đa phần lim ở đây cao trên 10m, có những gốc lim to, đường kính 1m, phải 2-3 người ôm.

Điểm đến không gian xanh ở Thủ đô - ảnh 3
không gian xanh trong Công viên Bách Thảo.

Những trải nghiệm thú vị đối với du khách

Không gian xanh ở những công viên, vườn hoa, các danh thắng, di tích luôn là điểm đến khám phá, trải nghiệm của đông đảo, du khách và người dân. Các công viên là điểm dã ngoại cuối tuần đầy ý nghĩa với các bạn trẻ, tổ chức các hoạt động Team building. Đến đây vừa được luyện tập thể dục, thể thao, thư giãn, tận hưởng không khí trong lành, cùng giao lưu, trò chuyện, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống. Đồng thời, du khách nhất là các bạn trẻ còn được tham gia các hoạt động thể thao, đá bóng, đạp xe, câu cá, tham gia các trò chơi, cắm trại, nấu ăn, dã ngoại, chụp ảnh, học tập, nâng cao kiến thức về các loại cây xanh, chung tay bảo vệ môi trường, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa về các di tích, đền thờ trong các công viên cũng như các di tích, danh thắng.

Trước đây, khi đến các Công viên người dân và du khách phải mua vé. Gần đây, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khắc phục việc thiếu không gian công cộng, không gian xanh. Trong đó, có việc quyết định dỡ bỏ tường rào một số công viên, tạo thành Công viên mở dành cho nhân dân và du khách gần xa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Khẩn trương “vào việc” ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Khẩn trương “vào việc” ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới

(PNTĐ) - Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2025, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội bám sát thực hiện chủ đề năm của Hội LHPN Hà Nội “Phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thủ đô tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ.
Định vị thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô

Định vị thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Việc đổi mới liên tục trong xây dựng sản phẩm, cách thức trưng bày, quảng bá di tích hay tổ chức các tuyến du lịch đưa vào khai thác đã thể hiện quyết tâm của Thành phố, của Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị, địa phương ở Thủ đô trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô. Từ đó, đưa thương hiệu du lịch Thủ đô ngày càng vươn xa.
Những “nữ tướng” dám làm việc khó được dân tin yêu

Những “nữ tướng” dám làm việc khó được dân tin yêu

(PNTĐ) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Học tập, làm theo Bác để xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên thật sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng ấy, có những “nữ tướng” là cán bộ chủ chốt, là lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã mạnh dạn làm việc khó vì lợi ích của dân và được nhân dân tin yêu.
Người phụ nữ góp phần “thắp sáng” tương lai AI Việt

Người phụ nữ góp phần “thắp sáng” tương lai AI Việt

(PNTĐ) - Nguyễn Nhật Minh - cái tên đang dần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu. Với bề dày thành tích học thuật đáng nể và kinh nghiệm quốc tế phong phú, cô không chỉ là một chuyên gia trẻ đầy triển vọng mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.