Điện ảnh Việt Nam, những trăn trở hôm nay

Mộc Thanh, ảnh: Nam Nguyễn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau 70 năm ra đời nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023), ngành điện ảnh bước vào giai đoạn mới, được kỳ vọng sẽ từng bước vượt qua những thách thức, xác lập vị thế trong lòng công chúng và trên thị trường quốc tế. Thuận lợi có nhiều, nhưng cũng còn đó không ít những trăn trở, băn khoăn…

Để công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Trong dòng chảy của điện ảnh thế giới, các nhà làm phim Việt Nam đương đại cũng nỗ lực không ngừng để đem những bộ phim của điện ảnh Việt Nam tham dự, trình chiếu, tranh giải và vinh dự ghi dấu ấn tại các LHP trong khu vực và quốc tế…

PGS.TS Đỗ Lệnh Hồng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, muốn có một tác phẩm điện ảnh tốt, dù là phim giải trí hay nghệ thuật cũng cần phải có tiền đầu tư đúng nghĩa, thậm chí là đầu tư tốn kém. Nghị quyết số 23 – NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã từng chỉ rõ "sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức".

Chủ tịch Hội bày tỏ băn khoăn, để nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững và có đủ nội lực, điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho những kịch bản tốt theo đuổi dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn, và cũng để trả lời câu hỏi: Làm gì để có tác phẩm đạt giá trị cao?

Cũng theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, trong diện mạo của điện ảnh Việt Nam hôm nay, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim thương mại, giải trí hướng tới doanh thu. Khi đã coi điện ảnh là ngành nghệ thuật - kinh tế sáng tạo đặc biệt, hướng tới xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh, khi đã xem tác phẩm điện ảnh là sản phẩm hàng hóa đặc biệt để xuất, nhập khẩu, lan tỏa giá trị toàn cầu, thực sự hòa nhập với điện ảnh thế giới - thì càng nên ghi nhận, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích cực đóng góp của các nhà làm phim tư nhân. Dù phim đông khách chưa hẳn là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao để có thể dẫn hướng cho sự phát triển của một nền điện ảnh, nhưng cũng nên trân trọng và có nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của dòng phim này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên khuyến khích dòng phim của những nhà làm phim độc lập, với nhiều khám phá, tìm tòi, khát khao thể hiện ý tưởng, gửi gắm những thông điệp mang cá tính riêng, hướng tới các LHP quốc tế.

Điện ảnh Việt Nam, những trăn trở hôm nay - ảnh 1
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ VHTTDL và các đại biểu, nghệ sĩ điện ảnh tại lễ Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh CMVN.

Một trong những gương mặt nghệ sĩ gạo cội NSND Trà Giang chia sẻ: Tôi bước vào ngành điện ảnh đã được 60 năm, đó là 60 năm không ngừng phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ: Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa…”. Mang theo tâm niệm và những trông đợi vào thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đương đại, NSND Trà Giang tin tưởng: “Lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ thực sự rất tài năng, được học hành và đào tạo bài bản, phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại. Điều đó hơn hẳn thế hệ chúng tôi ngày xưa, khi các nghệ sĩ phải làm việc rất vất vả để tạo nên những tác phẩm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân…”.

Ở tuổi 81, NSND Trà Giang vẫn cố gắng có mặt tại hầu như mọi sự kiện lớn của nền điện ảnh Việt Nam, đặc biệt ở dấu mốc kỷ niệm 70 năm ra đời nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, nữ nghệ sĩ gạo cội vẫn không thôi trăn trở. Bà mong muốn thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đương đại sẽ tiếp nối dòng chảy của nền điện ảnh dân tộc, cố gắng đưa vào những bộ phim của mình những giá trị hồn cốt của văn hóa, cuộc sống, tâm hồn Việt Nam.

Chờ đợi những tác phẩm xứng tầm thời đại

  PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ, cá nhân ông có sự gắn bó sâu đậm và dài lâu với điện ảnh, đã nhiều năm cộng tác với điện ảnh với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác. “Tôi vinh dự được làm việc với các đạo diễn, biên kịch, quay phim, họa sĩ, kỹ sư âm thanh, diễn viên có tài và đáng kính như Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Bạch Diệp, Đặng Nhật Minh, Bành Châu, Lê Đức Tiến, Đỗ Minh Tuấn, Hữu Mười, Lưu Trọng Ninh, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hữu Tuấn... Điện ảnh Việt Nam đã đưa tôi vào thế giới nghệ thuật thứ 7 và trở thành thành viên nhỏ của gia đình điện ảnh nước nhà với 6 giải thưởng âm nhạc trong các kỳ LHP quốc gia”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm nay, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021); tổng kết 15 năm Nghị quyết 23 về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới"; 10 năm Nghị quyết 33 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Năm 2025, văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ bước trọn chặng đường nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất. Hướng tới sự kiện quan trọng này, giới văn học nghệ thuật cả nước đang phấn đấu có được những tác phẩm chất lượng cao, có ảnh hưởng xã hội tích cực, sức sống lâu bền với thời gian. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tin tưởng, điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.

Điện ảnh Việt Nam, những trăn trở hôm nay - ảnh 2
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa chúc mừng NSND Trà Giang

Chắt chiu những cảm xúc, chân thành những kỳ vọng, cầu nối giữa các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh của một thời xa vắng với nền điện ảnh hôm nay được tạo dựng, cố kết chính từ niềm tự hào và những điều còn trăn trở. NSND Ngọc Lan giãi bày, ngày nay, thế hệ trẻ có điều kiện làm phim dễ dàng hơn, máy móc hiện đại hơn. Bà mong mỏi thế hệ các diễn viên, đạo diễn trẻ say nghề, cống hiến nhiều hơn nữa để điện ảnh Việt Nam có những tác phẩm thực sự chất lượng.

Là cái tên gắn với hàng loạt bộ phim nổi tiếng như Lửa trung tuyến, Một ngày đầu thu, Biển lửa, Lửa rừng, Biển gọi, Một chiến công, Quê nhà, Mảnh trăng cuối rừng, Thị trấn yên tĩnh, Giông tố…, ở tuổi ngoài 80, NSND Ngọc Lan vẫn không ngừng cống hiến, với những vai diễn trong các bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích. “Nghề diễn viên cũng là một trong những nghề vất vả nhất, lên rừng xuống biển, bất kỳ đâu cũng phải đi. Đóng phim ngày xưa còn cơ cực hơn nhiều. Thế nhưng thế hệ chúng tôi không ai so tính, khổ sở cũng chịu, miễn là được hăng say với nghề…”, NSND Ngọc Lan mong muốn truyền lửa nghề đến với thế hệ hôm nay.

Những kỷ niệm cùng các vai diễn để đời với diễn viên Quyền Linh mãi là những ký ức khó quên. “Cái thời đó chúng tôi làm phim hoành tráng lắm, một phim có khi làm 1-2 năm mới hoàn thành. Bây giờ một thời đại mới, xu hướng mới, một thế hệ làm phim mới cập nhật các xu hướng hiện đại, đó là một bước phát triển lớn. Tuy vậy, anh em nghệ sĩ vẫn mong cơ quan chức năng đầu tư, quan tâm nhiều hơn đến điện ảnh nước nhà…”, diễn viên điện ảnh Quyền Linh bộc bạch. Nỗi niềm trăn trở được nam nghệ sĩ giãi bày: “Không khí vào rạp xem phim bây giờ mang tính thương mại nhiều quá, rạp chiếu của nhà nước gần như không còn. Đó là thiệt thòi rất lớn của các anh em làm điện ảnh. Vì làm phim phải lo chỗ chiếu đã mà rạp thì gần như xã hội hóa hết. Ngoài việc làm nghệ thuật, họ phải lo về kinh tế vì cạnh tranh rạp chiếu, suất chiếu, rồi tỉ lệ ăn chia rất căng thẳng…”.

Với những người làm điện ảnh, khi không còn hãng phim lớn như Hãng phim truyện Việt Nam hay Hãng phim Giải Phóng, đó là một nỗi buồn lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc không còn những bộ phim hoành tráng nữa. Các hãng phim tư nhân làm rất tốt việc của họ là cập nhật những cái mới nhất, hiện đại nhất, đưa phim ảnh đến với khán giả, làm phim đúng nhu cầu của khán giả nhưng cái thiếu lại là giá trị truyền thống, thiếu những "cây đa cây đề", những tên tuổi uy tín làm điện ảnh. Theo nghệ sĩ Quyền Linh, nếu có được sự kết hợp giữa những người làm điện ảnh xưa với thế hệ nghệ sĩ trẻ thì điện ảnh Việt Nam hôm nay sẽ phát triển thực sự mạnh mẽ hơn.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ra đời nền điện ảnh cách mạng Việt Nam diễn ra hôm 15.3, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng ta chờ đợi trong thời gian tới, các nhà làm điện ảnh bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ làm nên nhiều tác phẩm lớn hơn nữa, xứng đáng hơn nữa với sự nghiệp đổi mới, góp phần xây dựng và phát huy những giá trị về sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định...”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.