Điều ân hận nhất

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Thùy dạo này hay nghĩ quẩn. Thỉnh thoảng lại gục đầu vào chăn gối lủi thủi khóc một mình ở nhà chồng. Chuyện chẳng có gì to tát cả, em chồng tai nạn phải nằm viện dài ngày. Nhẽ ra được về nhà ngoại chơi ít bữa thì phải ở lại quán xuyến chuyện nhà chồng. Đời đúng thật chẳng khi nào hết lo. Lúc còn trẻ thì lo gánh vác gia đình mình đến mệt nhoài. Những tưởng lấy chồng sẽ có bờ vai nương tựa cho bớt nhọc nhằn, ai ngờ chỉ càng thêm chất đá lên lưng. Bố chồng mất sớm. Chồng lại là con cả nên việc gì cũng thấy gọi tên. 

Thùy làm biên kịch tự do. Kiếm tiền hẳn nhiên hơn ông chồng công nhân. Nhưng khốn nỗi ở cái xứ này cứ thấy ai đó không ngồi trong một cơ quan nhất định nào đó là y rằng liệt vào tốp vô công rồi nghề. Hễ có việc gì là lại gọi Thùy về. Họ hàng luôn miệng bảo “nó làm tự do, rảnh rỗi mà”. Đã có lúc Thùy nghĩ phải chăng vì lấy một ông chồng công nhân quèn nên mình cũng bị coi thường. Thùy từng là niềm tự hào của gia đình dòng họ. Ra ngoài xã hội cũng được mọi người tôn trọng. Vậy mà về nhà chồng nhìn trong mắt ai cũng thấy mình kém cỏi như một kẻ ăn bám. Trước đây khi còn ở nhà bố mẹ đẻ, mỗi khi Thùy ngồi vào bàn làm việc là không ai dám làm phiền.

Điều ân hận nhất - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mọi người luôn muốn dành sự im lặng tuyệt đối để Thùy tập trung làm tốt công việc. Nhưng về đây chẳng ai để ý đến việc Thùy làm gì? Đặc điểm công việc của Thùy ra sao? Rảnh rỗi là: Trông nhà đi, lau nhà đi, xuống bếp nấu cơm đi… Chồng Thùy lại rất thích bắt vợ về quê với đủ loại lý do. Về chơi cho mẹ bớt buồn, về cho quen đất lề quê thói.Vừa bầu bí, vừa vất vả kiếm tiền lại vừa lo làm vui lòng nhà chồng, Thùy thấy ấm ức trong lòng. Hoặc là bỏ chồng, hoặc là phải kiếm lấy một công việc nào đó dù lương ba cọc ba đồng cũng được. Để sau ba ngày Tết, Thùy có cớ mà đi sớm và không phải việc gì cũng bị dúi vào tay. 

Nhưng tất cả bấy nhiêu dường như chưa phải là động lực để Thùy nghĩ đến việc bỏ chồng. Chồng Thùy là người đàn ông hiền lành, chu đáo trong mắt mọi người. Giống như về nhà mẹ thấy viên gạch lát nền khấp khểnh là anh nghĩ ngay đến việc cóp tiền thay béng chúng đi cho đẹp; thấy chuồng lợn bị bung là gọi ngay xe vật liệu hì hụi làm lại cho lành; thấy cái tivi nhiễu sóng là nghĩ ngay đến việc mua loại chảo nào cho tốt; thấy gia đình có công việc là xắn tay áo, là lo tiền nong, công nợ.

Điều ân hận nhất - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng lại thờ ơ trước cuộc sống vợ con ở trọ tạm bợ ở một nơi quá nóng nực và chật chội. Một nơi mà toàn gái làng chơi và dân lao động tứ xứ đổ về đủ loại thành phần hỗn tạp; để vợ phải làm việc trong tiếng ồn ã, gào rú suốt đêm ngày. Đã nhiều đêm nằm khum người ôm lấy bào thai trong bụng mình, Thùy xót xa thương con.

Thấy con lớn trong bụng từng tuần tuổi, Thùy hạnh phúc biết bao. Nhưng cứ nghĩ đến việc hàng ngày con phải nghe tiếng container chạy ầm ầm đến rung cả giường, tiếng máy xẻ gỗ kêu u u buốt óc là Thùy ứa nước mắt. Nhiều khi còn cố che chở cho con bằng một lớp chăn mỏng quấn ngang bụng, với hy vọng tiếng ồn đến tai con sẽ nhỏ bớt đi nhiều. Chồng Thùy đi làm ca về ngủ gáy ầm nhà. Chẳng thèm quan tâm đến vợ con sống khó chịu thế nào trong căn phòng hầm hập nóng. Cũng chẳng thấy ráo riết gì chuyện kiếm tiền mua đất làm nhà. 

Thùy nhiều lần đốc thúc chuyện phải gắng có nhà riêng dù biết tiền trong tài khoản của hai vợ chồng chẳng được là bao. Chồng đi làm nhiều năm được bao nhiêu tiền đưa hết cho mẹ nuôi hai em ăn học, trả nợ làm nhà, thuốc thang cho bố, mua xe cho em. Đến lúc lấy vợ tính mua đất thì anh em nhà chồng nói “mua làm gì? Tiền đâu mà mua? Đi ở trọ cho rồi. Sau này nghỉ hưu thì về quê mà sống. Nhà này của chúng mày chứ của ai”. Thùy thấy cũng nực cười. Con nhà người ta chơi bời mới sợ, mới phải can ngăn, chứ biết thu vén mà lo việc cửa nhà thì nhẽ ra phải đồng lòng ủng hộ.

Đằng này… Thùy chẳng dại gì không nghĩ cho mình. Vợ chồng Thùy sinh ra cũng không phải để lo toan, vun vén cho người khác mãi. Thùy đẻ con thì phải có trách nhiệm với nó. Thùy không thể cứ lôi con đi ở thuê hết nhà trọ này đến khu trọ khác. Không thể để con quen dần với cuộc sống tạm bợ, bấp bênh. Rồi đời Thùy cũng phải sống cho mình nữa chứ. Nhưng chồng Thùy thì đủng đỉnh lắm.

Lúc nào cũng chỉ thấy nóng vội, gấp gáp lo cho gia đình nội. Mẹ con Thùy phải xếp sau mọi thứ, nên đã nhiều lần cãi nhau chuyện đất đai. Chồng bảo “anh không thể vay mượn ai đâu.

Điều ân hận nhất - ảnh 3
Ảnh minh họa

Có tiền thì mua, không có thì ở vậy”. Lương chồng ba cọc ba đồng, mang lo cho nhà chồng còn chưa đủ. Thử hỏi chờ đến bao giờ mới có tiền để mua đất làm nhà? Nói vậy khác gì bỏ mặc mẹ con Thùy xoay xở. Là đàn ông không lo gánh vác thì thôi, Thùy đành phải đưa vai gánh nỗi cực nhọc này. Có bầu mệt mỏi, ngủ không ngủ được, người đau ê ẩm khắp nơi. Nhưng Thùy vẫn gắng làm việc vất vả để kiếm tiền lo cho con. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp suốt những năm tuổi trẻ cộng thêm cả số của hồi môn bố mẹ cho lúc về nhà chồng, Thùy tính sẽ gắng tự mua nhà cho con. Dĩ nhiên nhà đó là của Thùy. Thùy phải nắm quyền sở hữu. Đời người bạc lắm, biết tin ai? 

Hôm em chồng tai nạn giữa đêm, chồng cuống cuồng bảo “em thu dọn đồ về luôn”. Khi đó Thùy đang bầu bảy tháng, đó là khoảng thời gian cần phải giữ gìn. Thùy nói chồng cứ để sáng mai hãy đi vì dù gì đứa em cũng đã được đưa đi cấp cứu và tình trạng không có gì nguy hiểm. Người nhà cũng đều đã có mặt ở bệnh viện rồi. Gấp gáp về trong đêm cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Chồng thì mới uống rượu với bạn xong, đi xe máy mấy chục cây số trong đêm ai dám chắc không có chuyện gì, mà trời thì rét buốt. Nói hết lý lẽ nhưng chồng không nghe, kiên quyết phải về ngay. Lúc ấy Thùy đã nghĩ mẹ con Thùy chẳng là cái gì trong cuộc đời người đàn ông này. Thà Thùy làm mẹ đơn thân còn thấy lòng nhẹ nhõm hơn. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.