Điều chúng em muốn nói...

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; biện pháp ngăn chặn ma túy xâm nhập vào trường học; bắt nạt trẻ em, “bạo lực trắng”… là những vấn đề “nóng” được trẻ em quan tâm tại các diễn đàn trẻ em năm nay.

Những điều lo lắng

Tại các diễn đàn trẻ em được tổ chức thời gian qua, các em được bày tỏ quan điểm của mình, đối thoại với lãnh đạo các cấp xung quanh chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em”, với 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Trẻ em tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; trẻ em tham gia phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trẻ em với biến đổi khí hậu dịch bệnh, thiên tai; trẻ em tham gia phòng, chống tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật quy định.

Mang lo ngại về vấn đề thuốc lá điện tử xâm nhập học đường, em Đồng Thị Khánh Linh, học sinh lớp 9, trường THCS xã Tân Yên, Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, ở trường em, có khá nhiều bạn đang lén lút sử dụng thuốc lá điện tử, không chỉ các học sinh lớp 9 mà còn cả các em học sinh lớp 6 vì thấy “oai” và “ngầu”. Mặc dù các thầy cô giáo đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, song hiệu quả truyền thông chưa cao, nhiều học sinh vẫn phớt lờ tác hại.

Điều chúng em muốn nói... - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo Khánh Linh, trẻ em ngày càng nhận thức được quyền của mình, trong đó có quyền tham gia các vấn đề liên quan đến trẻ em. Lấy ví dụ về bản thân mình, Khánh Linh đã tự tin nói lên nguyện vọng, mong muốn của mình về học tập, phương pháp giảng dạy ở trường hay vấn đề bắt nạt học đường. “Ở trường, em cũng là một thành viên năng động, tích cực trong các hoạt động đội và được thầy cô quý mến. Chính vì vậy, một số bạn “không ưa” và đã bài xích, thậm chí tìm cách gây gổ, đánh em. Thời gian đó, cuộc sống của em toàn màu đen xám xịt. Em đã chia sẻ với bố mẹ, thầy cô và được sự giúp đỡ của thầy cô và bố mẹ” – Khánh Linh nói. Khánh Linh khuyên các bạn nhỏ khi gặp vấn đề khó khăn như bạo lực học đường… cần mạnh dạn để trao đổi với bố mẹ và cô tổng phụ trách để kịp thời ngăn chặn bạo lực tiếp diễn, đừng vì sợ hãi, kìm nén, giấu giếm khiến bạo lực leo thang.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Can thiệp trẻ tự kỷ, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, với các trẻ khuyết tật, khi tham gia diễn đàn trẻ em, các em có môi trường để giao lưu học hỏi và hoà nhập với các bạn bên ngoài. Các em cũng học được những kỹ năng cơ bản khi tham gia hoạt động tập thể. Các em tiếp cận thông điệp và khuyến nghị liên quan đến bản thân mình.

“Ở Trung tâm, quyền của các em được bảo vệ tối đa. Các em được vui chơi, học tập và khám chữa bệnh miễn phí.  Những mong muốn chính đáng của các em đều được đáp ứng. Trung tâm luôn lắng nghe ý kiến của các em để hỗ trợ tốt nhất cho các em trong quá trình nuôi dạy và chăm sóc trẻ” – cô giáo Thu Hà cho biết.

Điều chúng em muốn nói... - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trẻ em lo lắng về bạo lực học đường, xâm hại tình dục

Tại diễn đàn trẻ em quận Tây Hồ năm 2023 diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, trẻ em phường Bưởi bày tỏ vô cùng lo lắng về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Vì thế, các em đã gửi tới đại biểu tham dự diễn đàn câu hỏi: Cơ quan quản lý có biện pháp gì để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục? Các trẻ em phường Thụy Khuê quan tâm đến bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, đáng báo động, để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần.

Thậm chí trong nhiều báo cáo của các cơ quan chức năng đã dùng từ “vấn nạn học đường”, bởi nó xảy ra rất nhiều. Chỉ tính riêng trong năm 2022, khi dịch Covid-19 chưa hết, trên cả nước xảy ra 1.600 vụ bạo lực học đường, nghĩa là mỗi ngày có 4-5 vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Báu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục rất cần sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội. Để ngăn chặn tệ nạn này, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng cụm dân cư; có sự kết nối giữa gia đình và khu dân cư để bảo vệ trẻ em.

Các nhà trường cần xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh; học sinh được bày tỏ ý kiến của mình với thầy cô, cha mẹ, bạn bè.

Về phía gia đình, cha mẹ cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình để bảo vệ con khỏi bị xâm hại tình dục. Cha mẹ thường xuyên chia sẻ để kịp thời nhận ra những thay đổi của con; trang bị cho con cách phòng ngừa những hành vi xấu.

Điều chúng em muốn nói... - ảnh 3
Ảnh minh họa

Về vấn đề bạo lực học đường, đại diện Công an quận Tây Hồ tham dự diễn đàn trẻ em quận Tây Hồ cho biết, để phòng tránh bạo lực học đường, Điều 12 Luật Giáo dục đã quy định cơ sở giáo dục có trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường, xử lý kịp thời những vi phạm bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường.

Đối với những vụ bạo lực học đường ở mức độ nhẹ, đơn giản chưa vi phạm pháp luật, nhà trường có trách nhiệm xử lý. Với những vụ việc vượt quá chức năng, nhà trường phối hợp với cơ quan công an, y tế để giải quyết

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Pháp luật nghiêm cấm những hành vi gây tổn hại cho trẻ em, xâm hại đến trẻ em. Tất cả những người gây tổn hại cho trẻ em và thủ phạm xâm hại trẻ em thì đều bị pháp luật ngăn chặn và nghiêm trị. Mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều bị xử lý hình sự, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Về phòng ngừa, gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em, trong đó trẻ cần mạnh dạn lên tiếng, dám tố cáo. Khi nghi ngờ bạn bè bị xâm hại tình dục, bị bạo lực thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của các em là bảo vệ bạn đó bằng cách không tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư; chia sẻ với người tin cậy nhất như cô giáo chủ nhiệm, tổng phụ trách, ban tư vấn nhà trường…

Hiện nay, ở các trường học đang xảy ra tình trạng “bạo lực trắng”. Đây là hành vi kỳ thị giữa học sinh với học sinh, cô lập bạn mình cả trong đời thực cũng như trên không gian mạng, có vẻ vô hại nhưng cực kỳ nghiêm trọng. Ví dụ, có nhóm học sinh đang chơi với nhau trên mạng thì tìm cách đuổi bạn ra; một nhóm đang chơi với nhau vui vẻ ở lớp, ở trường thì tìm cách cô lập bạn, ngăn chặn các mối quan hệ khác. Nếu các em bị “bạo lực trắng”, thì đầu tiên, các em cần tìm người tin tưởng nhất để chia sẻ, thứ hai là lên tiếng nếu thấy có nguy cơ càng cao. Và nếu các em băn khoăn về “bạo lực trắng”, “bắt nạt trắng” trong trường học thì hãy mạnh dạn gọi đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đây là nơi tiếp nhận những thông tin tố cáo, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em. Tổng đài 111 còn có chức năng hỗ trợ trẻ em về những vướng mắc, băn khoăn chưa biết xử lý ra sao, ví dụ như: Nghi ngờ bạn bị xâm hại tình dục, bị bắt nạt, xuất hiện cảm giác lạ với bạn khác giới…

Điều 75 Luật Trẻ em quy định phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Cụ thể: Các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em: Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; quyết định, hoạt động của nhà trường, cơ sở giáo dục khác, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; áp dụng biện pháp, cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em của gia đình.

Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua các hình thức sau: Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện; thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động vì trẻ em; hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em được thành lập theo quy định của pháp luật; tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ em; bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức thông tin khác.

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

(PNTĐ) - Là một phụ nữ mang trong mình những đam mê cháy bỏng, cùng kiến thức rộng lớn về các loại cỏ cây hoa lá, Thu Hiền Nguyễn đã phác họa nên “Hoa 10 Giờ” - tiệm hoa tươi phong cách cổ điển đầu tiên tại Việt Nam bằng tất cả niềm đam mê, nỗ lực và một tâm hồn hướng thiện.
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, không ít sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục hay quan hệ tình dục sớm, dẫn đến mang bầu, sinh con ở lứa tuổi còn rất nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hạn chế vấn đề này, cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ.