Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau mỗi câu chuyện không hay trong gia đình, người ta thường nhắc đến kèm hai từ “giá như”. “Giá như hồi ấy không tham công tiếc việc quá”, “Giá như hồi ấy mình nghe chồng/vợ một chút”, hay “giá như hai vợ chồng không cố đẻ thằng con trai”… Ừ thì giá như được xoay chuyển quá khứ theo ý mình, thì chắc hẳn gia đình nào cũng sẽ hạnh phúc.

Trong ấm ngoài êm, đôi khi thật khó

Sau khi sinh con gái đầu, lúc nào Thanh Thúy (29 tuổi, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cũng tự nhủ, đứa thứ hai phải là con trai. Và trong suốt mấy năm sau đó, cô ra sức tẩm bổ cho mình và chồng để “đúc” ra con trai bằng được. Những ngày đầu tiên khi biết có bầu, Thúy bảo, ngày nào cô cũng thắp hương khấn các cụ cho mình sinh được con trai. Trong câu chuyện của Thúy và bạn bè thân thiết, gần như cô chỉ xoay quanh chuyện đó. Nhưng có lẽ trời chưa chiều lòng Thúy, lần thứ hai cô vẫn có bầu con gái. Thúy suy sụp và buồn bã hết sức. Cô luôn tự trách mình không hiểu đã sai sót ở chỗ nào và dằn vặt “chồng là con trưởng mà mình chỉ đẻ được hai “thị mẹt”, thì giờ đây anh ấy biết để mặt mũi đi đâu?”. Mặc dù, từ chồng cho đến bố mẹ chồng đều không ai nhắc đến việc bắt cô phải sinh được con trai nối dõi tông đường cho họ.

Phụ nữ thường đóng vai trò quan trọng hơn trong gìn giữ hạnh phúc gia đình. Một người phụ nữ hạnh phúc sẽ góp phần rất lớn lan tỏa không khí vui vẻ, êm ấm và bình an đến mỗi thành viên. Thế nhưng, không ít chị em tự đặt ra mục tiêu phải được thế này, phải được thế kia mới là hạnh phúc, như Thúy. “Phải sinh con đủ nếp đủ tẻ”, “Phải có chồng vừa làm được trụ cột kinh tế, vừa ga-lăng đẹp trai”, “trong nhà phải có tiền tỉ, có xe ô tô”, “con cái phải giỏi giang hơn người”, “nhà chồng phải luôn cảm thông và chia sẻ”, “vợ chồng phải luôn thống nhất trong nhiều chuyện”… là những tiêu chí mà các chị coi là hạnh phúc.

Điều gì đảm bảo hạnh phúc? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bởi vậy, suốt quãng đời hôn nhân của mình, chị Hòa (28 tuổi, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) hay cảm thấy bất an. Chị kể, mình nhanh nhạy hơn chồng, buôn bán thuận lợi nên kiếm được đủ tiền mua đất xây nhà. Suốt mấy năm qua, trong khi chị ổn định với mức lương cao thì chồng lại chỉ “an phận” với đồng lương thấp và tăng rất “lẹt đẹt”. Chưa kể, nhà chồng gần như không hỗ trợ gì. Áp lực trong chị ngày càng lớn khi mỗi tháng, chi phí để bỏ ra lo cho các con, sinh hoạt phí trong nhà ngày càng nhiều, cộng thêm việc trả nợ định kỳ. “Tôi luôn có cảm giác bất an vì không có khoản tiết kiệm, luôn lo sợ gia đình có việc gì đột xuất cần tiền không biết xoay xở ra sao.

Cảm giác bất an đó nhiều khi khiến tôi mất ngủ, lo lắng. Nói ít người tin, từ khi “vỡ kế hoạch”, sinh bé thứ, công việc của tôi bị ảnh hưởng nhiều, tôi cũng không còn cảm xúc khi quan hệ với chồng”, chị tâm sự. Nhưng khi khuyên chị hãy san sẻ áp lực này với chồng để tìm kiếm sự hỗ trợ từ anh thì chị gạt đi, vì “có nói anh cũng đâu có hiểu”.

Thử một lần “biết đủ”

Sau 5 năm lấy nhau, hôn nhân của Anh Tuấn và Thủy Hằng (phường Dương Nội, quận Hà Đông) từng rơi vào nguội lạnh. Sau thời gian ở nhà trông con, Hằng đi làm trở lại và môi trường sôi động tại nơi làm việc cuốn lấy cô. Sự giỏi giang, hiểu biết của sếp nam đã khiến cô nhiều khi lung lay và lấy ra để so sánh với chồng. Tuấn - chồng Hằng cũng mở công ty, cũng làm sếp, nhưng so với sếp Hằng thì cô thấy anh không ga-lăng bằng. “Đã thế, anh ấy còn hay nhậu nhẹt, đi sớm về khuya, ngày lễ không tinh ý tặng quà, chỉ chuyển tiền để vợ thích mua gì thì mua.

Điều gì đảm bảo hạnh phúc? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mình nói gì, đòi hỏi gì anh ấy cũng đồng ý, không hề hỏi han thêm để biết tâm tư của vợ”, Hằng cho biết. Chính vì thế, sau vài lần đi công tác cùng các đồng nghiệp và sếp, Hằng cũng dần lạnh nhạt tình cảm với chồng. May mắn, Tuấn cảm nhận được và muốn nói chuyện thẳng thắn với cô. Cả hai nói chuyện mất mấy đêm và trải lòng thực sự. Rồi cuối cùng họ cũng nhận ra, ai cũng có sai lầm, điểm yếu và nên bao dung với những điều đó, thay vì chỉ trích, làm tổn thương nhau, dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ. “Tham lam quá không giải quyết được vấn đề gì, nhìn lại, chúng mình vẫn thấy, nếu biết đủ và dung hòa những xích mích thì chúng mình vẫn là một nửa của nhau”.

Các nhà tâm lý học hiện đại cho rằng, ngày nay, khi tư tưởng trọng nam khinh nữ đã không còn thịnh hành như ngày xưa, bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu giúp cho vai trò, vị thế của phụ nữ ngày một nâng lên, thì sự hòa hợp giữa người vợ và người chồng thường đến từ những tương phản. Nghĩa là các cặp vợ chồng trẻ không còn mấy tin vào việc “hợp tuổi”, “hợp mệnh” để lấy nhau, mà đến với nhau bởi tìm thấy ở nhau cái mà mình không có. Vì thế, biết đủ còn là tìm hiểu thật kỹ trong giai đoạn tiền hôn nhân. Hai bên cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về nhiều mặt và nhất là nhận dạng được con người đó thuộc kiểu nào, có phải mẫu người mà mình chấp nhận được không?

Điều gì đảm bảo hạnh phúc? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Còn theo TS xã hội học Phạm Thị Thúy, biết đủ không có nghĩa là không dám đối mặt, an phận mà suy rộng ra, đó còn là việc hai vợ chồng không ngại cãi nhau, không ngại có mâu thuẫn, nhưng từ đó cùng nhau tìm ra cách giải quyết chứ không phải chỉ trích, lên án. Cần chấp nhận mâu thuẫn, xem đó là cơ hội đối thoại, nói ra cảm xúc là để giải quyết vấn đề và không ngoài mục đích xây dựng hạnh phúc gia đình. Ai cũng có hạnh phúc, hạnh phúc luôn đến với mọi người, trừ những người không biết cảm nhận và đón lấy nó mà thôi. “Trong quan hệ hôn nhân, thật lòng chấp nhận đối phương là điều kiện tất yếu để cuộc sống hòa hợp. Bởi cuộc sống không tồn tại sự hoàn hảo tuyệt đối, nếu người chồng luôn nhìn khiếm khuyết của vợ để bới móc sẽ không thể có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Ngược lại, nếu người chồng chấp nhận khuyết điểm của vợ và chú ý nhiều hơn đến ưu điểm của vợ niềm vui sẽ ngày một nhân lên”.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023 có chủ đề: “Hạnh phúc cho mọi người” với các khẩu hiệu tuyên truyền chính như: Hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3; Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên. Thông qua các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của ngày Quốc tế Hạnh phúc; khích lệ các tổ chức, cá nhân có hoạt động thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, đồng thời qua đó tăng cường sự phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.