ĐIỀU GIẢN DỊ

Chia sẻ

...Bất giác tôi ngưỡng mộ chị Hoan. Tôi ngưỡng mộ sự mạnh mẽ của chị để chị trở thành chỗ dựa cho anh và thằng Đức. Ngưỡng mộ sự dịu dàng của chị giống như một thứ phép mầu khiến cho khung cảnh tôi nhìn thấy trở nên lung linh, diệu kỳ...

Từ lúc còn bé đã thấy anh Lự theo con bò lực lưỡng ngày ngày đi qua trước cổng nhà tôi. Đôi lần, lũ trẻ con trong xóm ném đá trêu bò, còn bị anh đuổi vòng quanh. Vừa đuổi theo vừa “ú ớ” những câu không rõ nghĩa, nhưng tôi biết là anh đang tức lắm.

Một buổi sáng rất lâu rồi, người ta cũng thấy anh Lự lấy vợ. Cái đám cưới chỉ lèo tèo vài con người trông thật ảm đạm. Cô dâu mắt lé, trên khuôn mặt là một vết chàm chiếm hơn nửa má trái, lẽo đẽo đi sau chú rể Lự đang cười ngây ngô, dãi thểu đến tận cằm. Mà ở hai bên rìa đường, lũ trẻ con vừa chạy theo vừa reo hò, người xem đông hơn xem chiếu bóng. Mãi đến tận sau này, cứ mỗi lần có đám cưới đi qua cổng nhà, tôi lại bất giác nhớ đến cái đám cưới của anh Lự.

Người ta mặc định người đàn bà như chị Hoan là người số khổ.

***
Tiếng “ú..ớ” và những cái xua tay cuống quýt của anh Lự làm ông trưởng thôn mặt đã đỏ gay lại càng thêm đỏ. Đứng bên này chốt trực nhận đồ của shipper, tôi nhìn rõ ông vùa thở hồng hộc vừa gầm khẽ, mà anh Lự thì đã theo con bò ra đến tận cánh đồng làng bên. Tiếng lanh lảnh của bà hội phó cất lên càng khiến ông trưởng thôn thêm tím tái mặt mũi:

- Giải thích làm sao được với cái thằng phải gió này bây giờ?

Đoạn người ta thấy ông lật đật ngồi lên cái xe Wave cũ, lạch bạch rồ ga phóng vào trong làng. Chuyến này, thì kiểu gì nhà anh Lự cũng gặp rắc rối cho mà xem. Từ đợt huyện giáp bên có mấy ca F0, bên này cấm tiệt không ai đi lại sang đó, trừ cấp bách lắm. Trong làng cũng thực hiện nghiêm cấm tụ tập đông người. Bà Huê bán bia, có trộm bán cho mấy khách mà còn bị công an phạt mấy triệu răn đe. Tiếng chẹp miệng của ai đó.

- Chuyến này thì chạy đằng trời, cái nhà chị Hoan đúng là khốn khổ. Đã mất việc lại còn dây với chính quyền.

Vừa đi về, tôi vừa nghĩ đến chị Hoan, rồi lại nghĩ đến thằng Đức con chị, nó là học sinh cũ của tôi. Thằng bé khỏe mạnh, thông minh, nhưng ở cái cảnh đấy, lúc nào nó cũng thu mình. Thi thoảng nó cũng sang nhà tôi chơi với thằng Dũng, đôi khi tôi dúi cho nó khi thì tập vở, lúc thì cái bánh. Mà lần nào cũng phải bày cách nó mới cầm.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

***
Thế mà hôm qua anh Lự bị công an đưa lên ủy ban thật. Người ta còn nhìn thấy xe công an đưa anh về tận nhà. Kiểu gì cũng bị phạt nặng cho xem. Lúc ấy người ta còn nhìn rõ đi cùng có cả ông trưởng khu sáng qua vừa tranh chấp với anh ngoài chốt dịch.

- Chắc là dọa cái nhà chị Hoan sợ đến run người ấy chứ. Ai bảo đắc tội ông trưởng khu. Nghe nói bị mắng còn khóc thút thít kia kìa.

Mấy bà bán hàng bàn luận xôn xao. Có người chẹp miệng thương tình chị Hoan, có người lại nói anh Lự đáng đời, có người buông một câu chửi xéo chính quyền. Mỗi người một ý. Cái chợ vì thế cũng thêm không khí cho những ngày ế ẩm.

Nhìn thấy tôi ngoài cổng, thằng Đức chúi vào một góc. Chị Hoan chỉ lặng lẽ ngồi lau nước mắt. Nhà hết sạch tiền từ cách đây mấy bữa nên chỉ còn mỗi gạo với rau trong vườn. Mà chị đang làm phụ hồ cho người ta ở cái huyện có F0, bây giờ cũng đành ngồi nhà.

Tôi dúi vội vào tay chị một triệu và ít sữa cho thằng bé con, nhưng chị cứ dùng dằng không nhận. Cuối cùng chị bảo:

- Cô cho chị vay, rồi khi nào có tiền chị sẽ trả cô.

Tôi đành “ậm ừ” cho chị nhận. Thương chị mà chẳng biết làm thế nào.

***
Cái tin anh Lự đi viện khiến người ta nhao nhao lên. Vốn là nếu không có chuyện anh bị công an đưa lên ủy ban bữa đó thì không bàn tán nhiều đến thế. Ra đến chợ, góc này nghe thấy mấy bà réo tên ông trưởng khu ra chửi, góc kia thấy người ta kể “anh Lự bị công an đánh nên phải vào viện”. Đủ thứ thông tin và những câu chuyện cứ quay mòng mòng qua miệng của mấy bà hàng rau, không biết đâu là thật giả.

Cũng đến cả tuần anh Lự với chị Hoan ở trên viện, nhà chỉ có mỗi thằng bé con, tôi dỗ mãi nó mới sang bên này ăn cơm. Nhưng hỏi gì nó cũng không biết. Chỉ vừa khóc vừa bảo “bố con đau bụng quá, mẹ phải ra viện với bố. Mẹ cho con một trăm nghìn để mua bánh mì với mì tôm, còn bảo nếu tối sợ thì sang xin cô cho ngủ nhờ. Mẹ không có điện thoại để gọi cho cô”. Rồi nó dúi cho tôi tờ một trăm nghìn, bảo là để cô cho con ăn cơm.

Nhìn thằng bé con gầy gò, mếu máo, trông như con mèo nhỏ ướt lông ngồi vặn vẹo bên cái bàn ăn, ngại ngùng chẳng dám gắp mà thấy lòng quặn thắt. Thương anh Lự, thương chị Hoan, thương con. Hình như ngoài thằng bé, thì ông trời chưa ban cho chị Hoan điều may mắn nào giống như cái tên của chị. Cuộc đời chị giống như sinh ra đã định sẵn là gánh vác hết thảy thay cho bố mẹ anh. Bởi lúc vừa cưới chị xong, thì bố mẹ anh, năm trước, năm sau lần lượt ra đi. Mà mẹ chị, người đàn bà không chồng mà chửa, sau khi gả chị cho anh, cũng rời bỏ chị vì một tai nạn lúc đang kẽo kẹt xe đạp chở lúa từ đồng về nhà. Chị chỉ còn biết gồng mình lên gánh vác, cả lúc chị sinh thằng Đức, ngoài việc anh “ú ớ” đứng trong xó nhà nhìn chằm chằm mấy bà trong xóm đưa chị lên trạm xá, rồi lại “ú ớ” chạy đuổi theo mà đứng ngu ngơ lúc cười, lúc mếu ngoài cổng trạm, thì anh chẳng biết làm gì. Nhưng những ngày sau đó, người ta chỉ thấy anh quanh quẩn ở nhà, không đuổi bò ra đồng như trước. Đó cũng là lần duy nhất người ta thấy anh “ngoan ngoãn” như thế.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

***
- Này, cô giáo dạy tôi cách mở “phê búc” cái coi.

Tôi kinh ngạc nhìn ông trưởng thôn. Trong đầu không ngừng là bộ dạng mặt đỏ tía tai của ông lúc gào lên với anh Lự. Nhưng rồi cũng không nỡ đành hướng dẫn ông cách mở cái “phê búc”. Lúc này là lúc nào, mà ông ta vẫn có lòng dạ mà lên “phê búc” cơ chứ?.

***
Cuối cùng cũng kết thúc đống việc ngập đầu, ngập cổ. Đứng trước ban công, đang lui cui tưới cho mấy cây hoa hồng, định bụng lát ra chợ về thì sang thăm anh Lự, thì tôi lại nhìn thấy chị Hoan loay hoay đổ rác lên xe. Chẳng biết chị nhận việc vệ sinh môi trường từ bao giờ hay là làm hộ ai? Chốc chốc có người đi qua lại quay lại nhìn chị một cái đầy tò mò.

Lúc thấy tôi ra đổ rác, chị vội vã đẩy cái xe đến cách một đoạn, đon đả chạy lại cầm túi rác trên tay tôi, ném lên cái xe đã chất lưng lửng.

- Chị có việc rồi, cô giáo ạ. Bữa nào đi thu xong tiền rác tháng này, chị sẽ trả cô tiền.

Vừa nói, chị vừa vội vã đẩy xe đi, tôi cũng chẳng kịp hỏi.

Bữa cơm chiều vừa xong, vợ chồng tôi sang chơi. Người đàn ông ngây ngô nằm trên giường đang ăn từng muỗng cháo chị Hoan bón cho. Giống như một khung cảnh đẹp trong câu chuyện ngôn tình, thi thoảng tôi vẫn đọc giết thời gian. Bất giác tôi ngưỡng mộ chị Hoan. Tôi ngưỡng mộ sự mạnh mẽ của chị để chị trở thành chỗ dựa cho anh và thằng Đức. Ngưỡng mộ sự dịu dàng của chị giống như một thứ phép mầu khiến cho khung cảnh tôi nhìn thấy trở nên lung linh, diệu kỳ. Mà bản thân tôi tự thấy dường như chính mình cũng chưa một lần trở nên sáng rõ như thế.

Có tiếng ai đó ngoài sân, nhác lại trông thấy bộ đồng phục xanh lá đang dắt tay thằng Đức đi vào nhà. Mà giọng ông trưởng thôn cứ oang oang cất lên trong khoảnh sân nhỏ. Thằng Đức hớn hở ôm mấy tập vở vào nhà, vội vã chào rồi chui tọt vào trong buồng cùng với thằng bé nhà tôi.

- Cô giáo còn chưa kết bạn với tôi trên “phê búc” đấy nhá. Nghe nói cô có nhiều bài viết về làng mình, huyện mình. Cô kết bạn đi để tôi còn chia sẻ cho bà con cùng đọc.

Anh công an nhìn tôi đang ngơ ngác cười, giải thích cái vụ “phê búc” là gợi ý của anh, để ông trưởng thôn lên kêu gọi bà con ủng hộ các gia đình khó khăn, và cùng với xã tuyên truyền phòng chống dịch cho bà con. Nói đoạn, anh đưa cho chị Hoan chiếc phong bì có 4 triệu đồng nói là tiền bà con ủng hộ qua tài khoản và hòm từ thiện ở chợ mấy bữa. Cả thôn có 3 gia đình được trao quà. Mà chị Hoan thì luôn miệng cảm ơn hai người và vợ chồng tôi vì đã giúp đỡ lúc khó khăn. May mà có anh công an đưa anh Lự đi viện, may mà ông trưởng thôn cầm chạy theo xe đưa cho chị mấy triệu, may mà ông thu xếp cho chị nhận việc vệ sinh môi trường. Toàn những cái “may mà” chúng tôi và nhiều người không biết.

Đêm cuối hạ lành lạnh, đoạn đường từ nhà anh Lự về cổng nhà tôi hình như quang đãng dễ chịu hơn hẳn. Có những điều rất tuyệt vời vẫn hiện hữu mà chúng ta không biết được. Những điều tuyệt vời giản đơn và mộc mạc.

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.