Điều không dễ dàng

Bài và ảnh: Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có nhiều gia đình dù gặp không ít rào cản trong cuộc sống nhưng vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Câu chuyện của họ để cho ta thấy giữ lửa hôn nhân là điều không dễ dàng, nhưng có một điều chắc chắn là “chìa khóa” hạnh phúc phụ thuộc vào cách họ vun đắp tình cảm và đồng hành cùng nhau, kể cả khi đang bình yên hay khi giông bão.

Yêu thương nhau hơn sau mỗi thăng trầm

Gia đình ông Hoàng Đình Thắng (SN1954) và bà Lương Thị Tải (SN1956), trú tại Khu tập thể Lữ đoàn 971, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) vừa trở thành một trong 35 gia đình tiêu biểu có thành viên là người khuyết tật của cả nước được tôn vinh trong chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức. Trong niềm vui ấy, ông Thắng chia sẻ: “Những gì chúng tôi có được ngày hôm nay đều là công lao của vợ tôi”.

Hẹn ước từ trước khi ông Thắng lên đường nhập ngũ, sau 2 năm, tranh thủ 20 ngày nghỉ phép, họ mới tổ chức đám cưới. Ở với nhau được đúng 13 ngày, ông Thắng lại phải lên đường vào miền Nam công tác 5 năm. Cưới nhau 7 năm, họ mới được đón niềm hạnh phúc sinh con đầu lòng. Trong số 3 người con, có 1 người bị câm điếc bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam. Hành trình người phụ nữ nuôi nấng các con lớn lên khi người chồng thường xuyên xa nhà là nỗi vất vả, hy sinh khó kể hết bằng lời. Vượt qua mọi khó khăn, bà Tải trở thành hậu phương vững chắc để ông Thắng yên tâm học tập, công tác. “Nhờ có sự động viên, chia sẻ của vợ, từ người lính lái xe, tôi trở thành cán bộ chỉ huy, được phong hàm thượng tá, và giờ là nhìn thấy sự trưởng thành của 6 người con; 8 cháu nội, ngoại ngoan ngoãn, hiếu thảo”, ông Thắng phấn khởi. 

Cuộc sống khó khăn đủ đường, nhưng bù lại, vợ chồng ông luôn động viên nhau, bên nhau bước qua những thăng trầm, chăm sóc con cái, phát triển kinh tế, đặc biệt là tham gia hoạt động từ thiện.

Hiện, ông Thắng là Giám đốc Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng, còn bà Tải là nhân viên của Trung tâm. Sau 18 năm hoạt động, cơ sở đào tạo này đã giúp hàng trăm lượt người có kỹ năng nghề, chủ yếu là nghề may. Sau học nghề, đa số học viên có việc làm, thu nhập ổn định.

Điều không dễ dàng - ảnh 1
Gia đình chị Huyền luôn đồng hành cùng nhau

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng hình ảnh đứa con thơ mới chỉ gần 2 tuổi ngồi ngoài cửa lớp ngóng bố mẹ đến đón luôn khiến chị Vũ Thị Thu Huyền (phường Phú La, quận Hà Đông) xót xa, day dứt. Những ngày điều trị hóa chất, anh chị luôn dẫn bé đến lớp sớm nhất và đón về muộn nhất. Vì thế, anh chị luôn trân trọng từng phút giây gia đình gắn bó, quây quần bên nhau.

Kết hôn, rồi có con, hai vợ chồng đều có việc làm ổn định, chị Huyền từng nghĩ mình là người phụ nữ viên mãn. Thế mà, cuộc đời trớ trêu, gieo cho chị trái đắng mang tên: Ung thư vú. Năm ấy, chị Huyền mới 29 tuổi. Gần 10 năm trời đã đi qua, từng có lúc chị nhụt chí, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi, đã giúp chị vực dậy tất cả, chính là anh Nguyễn Trọng Tiến, chồng chị.

Rất nhiều lần điều trị hóa chất liên tiếp, cũng là không biết bao nhiêu lần chị Huyền ra vào bệnh viện, nhưng khi cánh cửa phòng bệnh mở ra, chị luôn thấy chồng ở đó nở nụ cười chào đón. Vì vậy, chị có thêm động lực, dũng khí để chiến đấu.

Hai vợ chồng đã cùng nhau đi qua những ngày tháng thử thách đó bằng tình yêu thương, bằng niềm tin và hy vọng. Hiện chị Huyền vẫn phải điều trị hóa chất, nhưng chị không còn tuyệt vọng nữa.

Chị thầm biết ơn chồng luôn bên cạnh, bảo vệ che chở và đồng ý vô điều kiện với những việc chị làm. Chị cũng cảm ơn cậu con trai 10 tuổi của mình, luôn quan tâm đến những viên thuốc, không bao giờ thắc mắc về những ngày mẹ không có tóc. 

Sự quan tâm sẽ làm dịu vơi xa cách

Tại Lễ tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức vào ngày 1/11 vừa qua, gia đình anh Hoàng Ngọc Hóa và chị Nông Thị Ve ở xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn vinh dự là 1 trong 21 gia đình trẻ tiêu biểu nhất từ 17 tỉnh, thành phố được tuyên dương, khen thưởng.

Đây là một trong những động lực để anh chị tiếp tục gìn giữ và xây dựng mái ấm gia đình ấm no, hạnh phúc. Và điều đặc biệt hơn cả, hạnh phúc ấy của hai vợ chồng, là 200 cây số yêu thương.

Điều không dễ dàng - ảnh 2
Vợ chồng chị Ve – anh Hóa cùng con làm việc nhà 

Sau 6 năm quen và yêu xa, chàng học viên trường Trung cấp Quân y 1 (nay là trường Cao đẳng Quân y 1 - Học viện Quân y) và cô sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kạn (nay là trường Cao đẳng Bắc Kạn) quyết định nên duyên vợ chồng. Đôi vợ chồng trẻ quấn quýt chưa được bao lâu thì lại phải chia xa.

Anh Hóa nhận quyết định đi công tác ngoài quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đó cũng là lúc chị Ve biết mình mang bầu được 3 tháng. Quãng thời gian xa nhau ấy biết bao vất vả, nhất là khi chị Ve “vượt cạn” mà không có chồng ở bên chăm sóc. “Đến giờ tôi cũng không nhớ rõ anh nhận nhiệm vụ xa nhà, xa đơn vị bao nhiêu lần và đi những nơi đâu, chỉ nhớ Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn…, anh đi hết cả rồi. Nhớ nhất là lần anh đi công tác ở Bắc Giang gần 3 tháng không có sóng liên lạc điện thoại, xong nhiệm vụ anh được nghỉ phép về thăm nhà.

Bước vào cổng, con gái khóc thét lên “Mẹ ơi có người lạ vào nhà”, vừa thương anh, vừa thương con, tôi chỉ biết ôm 2 bố con và nói nhỏ “Ba Hóa của con mà”. Gần đây nhất là tháng 8 năm ngoái, anh cùng đồng đội lên đường vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B, tỉnh Bình Dương”.

Anh đi biền biệt gánh nặng việc nhà, nuôi dạy con cái đều dồn lên đôi vai chị. Dù khó khăn, vợ chồng anh chị vẫn luôn dành tình cảm yêu thương, tin tưởng, động viên nhau, giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc gia đình.

Sau những lần thực hiện nhiệm vụ, những đợt về nghỉ phép hay những ngày cuối tuần không có lịch trực, anh Hóa lại tranh thủ về nhà giúp vợ việc nhà, ruộng vườn, chăm sóc con, cùng con gái ôn lại bài vở, dạy con gấp chăn màn theo nếp sống anh bộ đội Cụ Hồ, dạy con phụ giúp mẹ quét nhà, giặt giũ, nấu cơm…

Hiện nay, anh đang công tác tại Bệnh viện Quân y 91, Cục Hậu cần, Quân khu 1 (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). “Do điều kiện công tác, khoảng cách địa lý, gia đình vẫn phải cách xa nhau, thế nhưng tình yêu thương thì luôn đong đầy vì chúng tôi lúc nào cũng hướng về nhau”, chị Ve tâm sự.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. “Bức tranh” hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình đều không giống nhau. Ai cũng muốn hạnh phúc, được thỏa mãn về nhu cầu vật chất, tình cảm, được tự tin, thoải mái và tràn đầy năng lượng khi chung sống cùng nhau trong một mái nhà.

Nhưng, ba câu chuyện nhỏ kể trên về ba gia đình khác nhau đã cho thấy một điểm chung rằng, hạnh phúc là cả một hành trình. Và trên hành trình đó, mỗi thành viên đều chủ động vun đắp tình cảm và trách nhiệm.

Để khi hỏi về hạnh phúc, người ta sẽ không trả lời rằng đó là được thỏa mãn, mà là được trao đi, và được nhận về. Giữ được hôn nhân hiện tại không hề dễ, nhưng khẳng định là chúng ta có thể làm được nếu chúng ta cùng nỗ lực.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.