Định kiến giới - rào cản để phụ nữ phát triển toàn diện
(PNTĐ) - Định kiến giới từ gia đình/xã hội và trong chính phụ nữ đã khiến phụ nữ phải mang “gánh nặng kép” và gặp nhiều rào cản trong việc khẳng định và phát triển bản thân.
Nhiều phụ nữ tự định kiến giới chính bản thân mình
Tại hội nghị tập huấn “Tổng quan giới - Bình đẳng giới và lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Kỳ, nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể, nhiều phụ nữ vẫn mặc định việc nhà là của nữ giới, còn nam giới thì không phải “động tay” đến bất cứ việc gì trong gia đình. Không những thế, nhiều bà mẹ khi giao việc cho con thường chỉ giao việc nhà cho con gái, còn con trai thì có thể không phải làm gì.
Định kiến giới khiến phụ nữ bị ràng buộc và là rào cản để họ phát triển. Trong các phim ảnh quảng cáo và nhiều gia đình, hình ảnh phụ nữ tất bật nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con, còn chồng thì xem tivi, đọc báo... Hay ở một số gia đình, việc con dâu về nhà chồng không biết làm việc nhà bị gọi là không bình thường, vô giáo dục, không thể chấp nhận được. Trong dịp Tết, phụ nữ vô cùng vất vả khi gánh vác trách nhiệm mua sắm, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm cỗ…, còn nam giới chỉ cần “mặc đẹp để tiếp khách”. Việc phân chia tài sản ở nhiều gia đình cũng thể hiện định kiến giới, khi nhiều gia đình không chia hoặc chia rất ít tài sản cho con gái và dành phần lớn tài sản cho con trai.
Theo một thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), hầu hết phụ nữ dành một quỹ thời gian nhất định vào việc nhà, trong khi tỷ lệ này thấp hơn ở nam giới và có đến 20% nam giới cho biết không dành thời gian để hỗ trợ việc nhà cho vợ/mẹ. Trong số những người tham gia việc nhà, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ/tuần, nam giới là 10,7%. Bà Dung, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội quan niệm, phụ nữ ở nhà nội trợ để chồng yên tâm công tác là bình thường, và “dù vất vả cũng thấy yên lòng”. Hay chị Lương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng từ bỏ công việc thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng để dành trọn vẹn thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng hai con nhỏ…

Bà Kỳ cho biết, trong một chuyến khảo sát tại các hộ gia đình ven đê sông Hồng, khi được hỏi về vai trò của con trai và con gái thì rất nhiều gia đình ở đây nói rằng, dù khổ đến mấy, họ vẫn sẽ cho con trai học đến nơi đến chốn, còn con gái thì chỉ cần biết chữ là được rồi, sau đó ở nhà phụ giúp bố mẹ. Bởi theo họ, con gái không phải là con nhà mình, khi lớn lên lấy chồng rồi thì lo cho nhà chồng.
Các định kiến giới thường là không đúng và không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng người và hạn chế những gì mà xã hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện. Ở Việt Nam, định kiến giới còn thể hiện ở chỗ phụ nữ là phụ thuộc, yếu đuối, thụ động, còn nam giới độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và là người ra quyết định. Chồng có quyền dạy vợ, vợ phải nghe lời chồng, nam là trụ cột và quyết định các việc lớn trong gia đình; phụ nữ nuôi dạy con cái, nội trợ, quản lý chi tiêu, nam giỏi việc xã hội; nữ giỏi việc nhà...
“Định kiến giới thể hiện ở suy nghĩ mang tính cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc, tính cách, hành vi ứng xử mà nữ giới và nam giới có thể thực hiện, những đặc điểm riêng mà mỗi giới cần phải có. Định kiến giới ảnh hưởng tiêu cực đến sự bình đẳng giữa nam và nữ. Trong nhiều gia đình, việc nhà là của phụ nữ, còn nam giới không phải làm việc nhà. Chính những quan niệm này mà nhiều phụ nữ cũng đang từ chối sự chia sẻ thương yêu đáng được trân trọng, đáng được nhận” - bà Kỳ nói.
Xóa bỏ định kiến giới để phụ nữ có cơ hội phát triển
Bà Nguyễn Thị Kỳ cho rằng, bình đẳng giới thực chất là cần đảm bảo tính bình đẳng trên thực tế, thừa nhận sự khác biệt giữa nam và nữ, có các biện pháp đặc biệt để khắc phục những bất lợi mà nữ hoặc nam đang gánh chịu, tăng cường năng lực cho nam/nữ để mở rộng cơ hội lựa chọn cho sự phát triển. Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản pháp luật là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới đối với các văn bản, trách nhiệm và nguồn lực, để giải quyết vấn đề giới trong các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
Theo đó, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam và các cấp Hội là tham gia giúp sức trong việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Đánh giá những kết quả đạt được của Hội LHPN quận Thanh Xuân vào việc thúc đẩy bình đẳng giới, bà Vũ Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân cho biết, Quận Hội đã tham gia đóng góp ý kiến vào các Luật mới và dự thảo Luật sửa đổi. Đối với các chương trình liên quan đến vấn đề bình đẳng giới của Hội, quá trình triển khai có bất cập thì đề xuất báo cáo để quá trình thực hiện được rõ ràng, cụ thể hơn... Hội LHPN quận Long Biên cũng đã tham gia hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật, tham gia đóng góp dự thảo, kế hoạch của quận, đề xuất với chính quyền về Luật Bình đẳng giới, các vụ việc liên quan đến vấn đề giới, liên hệ các tình huống cụ thể có liên quan đến vấn đề giới… cũng như quan tâm đến quy hoạch cán bộ nữ địa phương…
Để xóa bỏ định kiến về giới ở mỗi người dân và cộng đồng, việc nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cả nam và nữ giới là rất quan trọng. Theo đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường: Giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội - những nơi mà định kiến giới đang tồn tại; lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học… Bên cạnh đó, việc đánh thức tiềm năng, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở nam giới cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.
Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như: Giáo dục, y tế, việc làm. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở xác định những vấn đề bất bình đẳng giới cần ưu tiên giải quyết. Hội LHPN Việt Nam đang tích cực thực hiện phản biện xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới trong thời gian tới…