Đình So Phủ Quốc (Hà Nội)

Chia sẻ

Quê tôi ở làng Hương Ngải, xưa thuộc Phủ Quốc (Quốc Oai), hồi nhỏ, không ít lần nghe bố tôi trò chuyện với các đồng niên, đồng canh về đình So. Các cụ còn đọc những câu ca dao và phương ngữ đầy hào hứng:“Cầu Nam - chùa Bắc - đình Đoài”. Và “Đẹp đình So, to đình Cấm”.

Như vậy vẻ đẹp của đình So đã được dân gian công nhận là ngôi đình đẹp nổi tiếng ở xứ Đoài.  

Làng So, trước gọi trang Sơn Lộ, nay là xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, nơi dừng chân của vua chúa khi đi thăm Phủ Quốc xưa. Ai đã đến đình So mà ngắm thật lâu sẽ thấy đình không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn đẹp về phong cảnh, phong thuỷ. Đình nằm gối lên núi rùa, phía trước là đê sông Đáy tạo nên hồ nước hình bán nguyệt như tấm gương khổng lồ. Phía trái là núi Rồng (còn gọi là núi Cả), phía phải là núi Phượng, đình nằm gọn như giữa một cỗ ngai lớn. Theo văn bia Tu sáng Hoa đình bi ký còn dựng tại đình, khắc năm Dương Đức thứ 3 (1674), đình được tu bổ và tôn tạo năm Quý Mão (1663). Quy mô hiện nay của đình kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng cả toà ngang dãy dọc đình có 55 gian, 64 cột lớn nhỏ.

Đình So Phủ Quốc (Hà Nội) - ảnh 1

Theo thần phả: Xuân năm Canh Thìn (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được vàng, từ đấy làm ăn cứ khấm khá dần. Hiềm nỗi hai ông bà ngoài 50 tuổi vẫn chưa có con. Ông nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói đền Hữu Linh ở trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, nên cùng nhau sắm lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông. Thuyền đang đi, trời bỗng tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được ba con trai. Ba người ấy lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn. Quân sĩ kéo từ Hoa Lư thắng trận về đến trang Sơn Lộ thì nghỉ lại và tập hợp trai tráng trong vùng tiếp tục chiến đấu dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đã sắc phong ba ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh được sắc phong mỹ tự và trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.

Lễ hội Đình So mừng ngày Thánh Sinh bên cạnh nhiều nội dung, có cuộc thi lợn anh rất hấp dẫn. Nhằm ngày 8 tháng 2, dân làng tổ chức rước bài vị từ Miếu Ông và Miếu Bà, song thân của các Thánh về đình để hưởng sự thành kính của dân làng. Theo ghi chép trong sách cổ, Hội diễn ra trong 3 ngày nhưng không khí chuẩn bị cho ngày lễ rộn rịp trước đó khá lâu. Trong lễ hội, vui nhất và hồi hộp nhất vẫn là cuộc thi lợn anh. Trước đó, hàng năm mỗi giáp chọn một con lợn đen tuyền, giao cho một nhà - cha mẹ song toàn, gái trai đầy đủ, hiếu hạnh - trong giáp nuôi. Sau khi chọn được lợn mới ra đình xin chân nhang về làm lễ trình ở nhà. Kể từ đó, con lợn ấy được gọi là lợn anh. Không ai được gọi là con lợn, mà cũng không ai được đánh mắng nữa. Lợn anh được nuôi dưỡng theo một chế độ đặc biệt, chuồng trại phải sạch sẽ, thức ăn thanh sạch. Khi lợn anh lớn một chút người ta đem thiến.

Vào ngày trước chính Hội (mồng 7 tháng 2), lợn anh của 28 giáp đều được tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm, ăn thức ăn tinh khiết và đưa vào cũi để rước ra đình. 28 cái cũi đều được cuốn một tràng hoa bưởi, từ từ tiến ra sân đình trong tiếng trống và cổ vũ. Các cũi lợn được xếp thành hai hàng dọc ở sân đình trước sự chứng kiến của Thánh và hội đồng lý dịch cùng đông đảo dân chúng. Làng chọn ra những lợn anh to nhất cân lên xem anh nào, nặng nhất để trao giải thưởng. Lợn anh của giáp nào được giải thì không chỉ người nuôi vui mừng, hãnh diện mà cả giáp ấy đều phấn chấn, tự hào. Giải thưởng gồm hai bậc: giải dân và giải giáp. Giải dân do làng thưởng, còn gọi là giải đất: người nuôi sẽ được cấp 3 sào đất ở cánh bãi để canh tác và lấy hoa lợi mà không phải nộp thuế. Đất ấy người này sẽ được giữ cho đến khi nào có ai đó nuôi được lợn anh có số cân nặng hơn lợn anh được giải, dù chỉ một vài cân. Giải giáp thì do giáp thưởng, và khi giáp mổ con lợn ấy thì nhà chủ nuôi được biếu một cái tràng hoa (là một khoanh cổ lợn).

Trong ký ức người già làng So, những kỷ niệm về hội làng So và cuộc thi lợn anh ngoài đình thật náo nức và đáng nhớ.

THÁI DŨNG
(Biên soạn và tổng hợp).

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.