Định vị thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô
(PNTĐ) - Việc đổi mới liên tục trong xây dựng sản phẩm, cách thức trưng bày, quảng bá di tích hay tổ chức các tuyến du lịch đưa vào khai thác đã thể hiện quyết tâm của Thành phố, của Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị, địa phương ở Thủ đô trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô. Từ đó, đưa thương hiệu du lịch Thủ đô ngày càng vươn xa.
Phát triển du lịch văn hóa
Không có kiến trúc đẹp, tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Việt, song di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất của Thủ đô. Có được điều đó là nhờ sự đổi mới liên tục trong xây dựng sản phẩm, cách thức trưng bày, quảng bá du lịch của Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy: Các chương trình trải nghiệm tại Di tích được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Giao lưu với nhân chứng lịch sử, thi tìm hiểu về Di tích… đã mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực. Mỗi hành trình đến với di tích Nhà tù Hỏa Lò, không đơn thuần là một chuyến tham quan mà là những điểm chạm trên hành trình ngược dòng lịch sử, giúp mỗi người khắc sâu thêm lòng biết ơn và tự hào về truyền thống dân tộc. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, trang Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò không còn chỉ là một kênh thông tin, mà đã trở thành một nền tảng kể chuyện lịch sử đầy cảm xúc và gần gũi.
Đền Ngọc Sơn - một biểu tượng văn hóa tâm linh của Thủ đô trong năm 2024 đã có sự bứt phá khi được “sống dậy” về đêm qua tour đêm mang tên “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí”. Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội xây dựng chương trình trải nghiệm "Ngọc Sơn - Đêm huyền bí" để khai thác, phát huy giá trị di sản tạo nên sản phẩm văn hóa hấp dẫn khách du lịch. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điểm nhấn ở “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” chính là màn biểu diễn thực cảnh tái hiện truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa vàng trước đình Trấn Ba mang tới cái nhìn mới, sự trải nghiệm mới về di tích. Tour đêm tại đền Ngọc Sơn thể hiện sự thành công cho hành trình làm phong phú trải nghiệm du lịch của du khách khi đến với đất Hà Thành.
Nằm trong những hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức tuyến du lịch "Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long". Theo đó, tuyến du lịch tập trung khai thác các điểm đến di tích lịch sử, làng nghề của khu vực Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.
Theo ông Phan Huy Cường, Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Du lịch Hà Nội), tuyến du lịch này được kỳ vọng mang đến làn gió mới cho hoạt động du lịch Thủ đô. Trên hành trình khám phá con đường di sản, du khách sẽ được đến với Đình Nội thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai - di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1985 và được công nhận là Di sản lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991. Tiếp đó là khám phá làng hương có tuổi đời hàng trăm năm tuổi - làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà. Điểm dừng chân cuối của hành trình khám phá là làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Tại các điểm tham quan, du khách sẽ được tìm hiểu lịch sử, kiến trúc đình làng; tìm hiểu các công đoạn làm hương, trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải và trải nghiệm làm ra các sản phẩm độc đáo này.
Tháng 9/2024, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” giới thiệu các tiết mục nghệ thuật đang trong giai đoạn nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm văn hóa truyền thống đáp ứng sự quan tâm của khách du lịch đến văn hóa Việt Nam đã thu hút đông đảo người xem.
Giám đốc sản xuất chương trình, ông Nguyễn Trung Hoàng Nam chia sẻ: Đây là một mảnh ghép nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đưa khán giả bước vào thế giới văn hóa nghệ thuật truyền thống đa dạng và đậm đà bản sắc Việt. Việc xây dựng các sản phẩm này cũng bảo đảm giữ vững giá trị nghệ thuật và bản sắc dân tộc, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa phong phú với các nền văn hóa trên thế giới.
Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa
Thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã tập trung chỉ đạo phát triển các tuyến du lịch văn hóa thu hút du khách hiệu quả, gồm: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là chuỗi sản phẩm quan trọng của Thủ đô Hà Nội; thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận… Chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản. Tiêu biểu như sản phẩm: Múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh... Hà Nội cũng đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm, sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của Thủ đô.
Ngành du lịch Hà Nội đã chủ động trong việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong công tác xây dựng các video clip, giao diện ảnh 360 độ, chuẩn hóa các bài thuyết minh về địa danh, làng nghề, tổ chức các đoàn FAM đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các hoạt động lễ hội du lịch làng nghề truyền thống; lựa chọn các món ẩm thực tiêu biểu ở một số địa phương đưa vào sách cẩm nang du lịch và tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu cho du khách.
Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Điều này góp phần thu hút, tăng lượng khách du lịch đến với Thủ đô. Năm 2024 lượng khách du lịch đến với Thủ đô ước đạt khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó gồm: 5,5 triệu lượt khách quốc tế (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.
Theo ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Mai Việt Travel, việc hình thành các tuyến du lịch mới gắn với khai thác giá trị văn hóa di sản - di tích và làng nghề đã nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của du khách trong và ngoài nước.