Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị

Bài và ảnh: Lan Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mỗi dịp Tết Trung thu đến, khắp các con đường nổi tiếng như Hàng Mã, Hàng Lược và nhiều nơi đều bày bán vô số loại đồ chơi Trung thu từ truyền thống đến hiện đại. Trong đó, đồ chơi Trung thu truyền thống luôn có một sức hút hấp dẫn, là một phần không thể thiếu của tuổi thơ, của Tết đoàn viên.

Đồ chơi Trung thu truyền thống chiếm ưu thế

Dạo quanh phố Hàng Mã nhộn nhịp, đông đúc dịp Trung thu, khách hàng sẽ thích thú mà muốn chọn ngay cho mình những sản phẩm đồ chơi ở nơi đây. Bởi hàng quán nào cũng rực rỡ sắc màu đỏ, vàng lung linh, sản phẩm thì đa dạng, nhiều mẫu mã. Không thể phủ nhận sức hút của những loại đồ chơi hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng so về số lượng và chất lượng, đồ chơi truyền thống năm nay đặc biệt chiếm ưu thế. Nào là lồng đèn, trống, mặt nạ giấy bồi, đầu lân... là những sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống bao đời nay, đều được bày bán trên các sạp hàng lớn, bé.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cửa hàng bán đồ chơi Trung thu trên phố Hàng Mã chia sẻ, đồ chơi Trung thu truyền thống được nhập về bán chiếm đến 70% so với các loại đồ chơi khác. Do mẫu mã sản phẩm ngày càng được chú trọng, làm thủ công khéo léo, tinh tế lại đẹp mắt nên người tiêu dùng nào đến đây cũng đều hỏi mua”.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị - ảnh 1
Các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống đều được làm tỉ mỉ bằng tay.

Đồ chơi Trung thu truyền thống ngày càng được ưa chuộng, từ người lớn đến trẻ em đều thích thú và trân trọng những sản phẩm này. Anh Bùi Văn Quân, 38 tuổi tâm sự, anh đã dẫn con gái đến trực tiếp các cửa hàng bán đồ chơi Trung thu để mua cho con làm quà.

Đến đây, con không chỉ được ngắm nhìn thỏa thích, biết được nhiều sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống hơn mà qua đó, anh còn tìm hiểu trước và giúp con hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa của chúng. Không gì quý giá bằng việc mắt thấy, tai nghe để ghi nhớ sâu sắc.

Bên cạnh đó, năm nay các bạn trẻ cũng bắt “trend”, lên đồ, chụp cho mình những bộ ảnh đẹp với đồ chơi truyền thống để đón Trung thu như những chiếc lồng đèn ông sao, con vật và cả những chiếc đầu lân đậm bản sắc Việt…  Khi chụp ảnh xong, các bạn mang đồ chơi về trang trí nhà cửa, trang trí phòng hay mang đến nơi làm việc, góp phần lan tỏa vẻ đẹp Trung thu truyền thống.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị - ảnh 2
Đồ chơi Trung thu truyền thống đa dạng mẫu mã, đẹp mắt trên phố Hàng Mã.

Đồ chơi Trung thu truyền thống cần được giữ gìn, tiếp nối giá trị

Để có được những sản phẩm đồ chơi Trung thu đó, không thể không nhắc đến những làng nghề, những nghệ nhân miệt mài giữ lửa nghề truyền thống. Nhiều chủ cửa hàng tại Hà Nội cho biết, họ nhập đầu lân, mặt nạ giấy bồi, trống da chủ yếu ở thôn Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); còn nhập những chiếc đèn ông sao ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bởi nơi đây là “thủ phủ” chuyên cung cấp những sản phẩm đó chất lượng và uy tín lâu đời.

Nghề làm đồ chơi Trung thu ở thôn Ông Hảo đã có từ lâu, thuở ban đầu, người dân chủ yếu làm sản phẩm trống các loại. Nhiều năm trở lại đây, họ đã sản xuất đa dạng thêm những mặt hàng như đầu lân, sư tử, mặt nạ hình chú Tễu, ông Địa, các con vật quen thuộc bằng giấy bồi đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay làng Ông Hảo chỉ còn gần chục hộ dân bám nghề truyền thống của địa phương, trong đó có gia đình ông Vũ Huy Đông và bà Vũ Thị Hạnh. Ông Đông cho biết, nhà ông đã 3 đời làm nghề sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống và ông đã gắn bó với công việc này ngót nghét 40 năm.

“Thương hiệu” của gia đình là mặt nạ giấy bồi truyền thống. Quy trình làm mặt nạ không hề đơn giản, gồm các bước: Đúc khuôn, bồi thô, sơn, vẽ. Muốn sản xuất một chiếc mặt nạ có hình dáng bất kỳ cần có khuôn hình tương ứng để bồi giấy lên. Hồi mới làm, ông Đông phải thử tạo khuôn nặn bằng đất, khi thành công rồi ông mới chuyển sang làm khuôn xi măng.

Lớp giấy đầu được bồi lên khuôn là giấy khô, lớp thứ hai là giấy bìa các tông, lớp thứ ba là giấy trắng được kết dính với nhau bằng bột củ sắn an toàn, không có hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Sản phẩm làm ra có đẹp và sắc nét hay không một phần cũng nhờ vào công đoạn bồi giấy này, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, bồi chặt tay và càng mịn càng tốt, khi ấy nét vẽ lên trên bề mặt sẽ thanh thoát và dễ dàng hơn.

Ông Đông tâm sự, cái khó nhất khi làm những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là công đoạn vẽ, những nét vẽ phải thật tỉ mỉ, thể hiện được thần thái và phải “có hồn” của từng nhân vật, con vật. Biết cách sử dụng, chọn lựa màu sắc sơn tươi sáng, sinh động sẽ tạo được sự gần gũi, thân thuộc không chỉ với trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị - ảnh 3
Đồ chơi Trung thu truyền thống đa dạng mẫu mã, đẹp mắt trên phố Hàng Mã.

Trước kia, ông sẽ tự tay bồi giấy trước khi vẽ nhưng hiện tại quy trình bồi giấy được gia đình thuê nhân công để đảm bảo tiến độ, 2 vợ chồng ông cùng con trai chủ yếu sẽ hoàn thiện việc vẽ, sơn và tạo thành phẩm hoàn chỉnh.

Ông Đông mong muốn việc làm này góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con, lan tỏa thêm nghề sản xuất truyền thống, lại giúp sản phẩm nhanh chóng, kịp thời đến tay khách hàng. Bên cạnh đó, những người làm nghề sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống còn mong sao, cộng đồng tiếp tục ưa thích và ủng hộ đồ chơi họ làm ra, để đồ chơi Trung thu truyền thống được giữ gìn, tiếp nối và phát huy giá trị tốt đẹp của nó.

Cũng giống gia đình ông Vũ Huy Đông, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn miệt mài ngày đêm thắp sáng lên những chiếc đèn Trung Thu để gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa của cha ông bao đời. Để làm ra chiếc đèn ông sao chất lượng, người thợ lành nghề cần phải chọn lựa được loại nứa, cưa, chẻ nan và cắt dán, trang trí phù hợp.

Nan tre phải được chẻ từ loại nứa bánh tẻ, đốt dài có đủ độ dẻo để uốn cong thành hình. Nứa được chọn xong, phải chặt thành nhiều đoạn và ngâm với nước vôi để chống mối mọt. Tiếp đến, công đoạn “khó nhằn” nhất, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khỏe và khéo léo để vừa cầm cưa, vừa cầm tre, vừa phải giữ cho chắc kẻo bị dằm cứa đứt tay.

Những thanh nan được nghệ nhân khéo léo sắp xếp với nhau tạo thành khung của chiếc đèn ông sao, sau đó cắt giấy, dán trang trí để hoàn thành sản phẩm. Chiếc đèn ông sao nhìn rất đơn giản nhưng công đoạn tạo ra chúng không hề dễ dàng. Đặc biệt, ý nghĩa của món đồ chơi này là chiếc đèn ông sao 5 cánh – biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên Quốc kỳ Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước, khẳng định chủ quyền dân tộc và ước muốn hoà bình của người Việt Nam ta.

Bà Tuyến cho biết, làm nghề đã khó, nay giữ nghề còn khó hơn, bởi nghề đòi hỏi bản thân phải có sự kiên trì, tỉ mẩn, khéo léo. Và hơn hết, nghề có giữ được hay không còn cần sự chung tay tin dùng, ưa chuộng của mọi người, có như vậy, đồ chơi Trung thu truyền thống mới tiếp tục có chỗ đứng vững vàng và vươn xa hơn trong tương lai.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Khẩn trương “vào việc” ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Khẩn trương “vào việc” ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới

(PNTĐ) - Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2025, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội bám sát thực hiện chủ đề năm của Hội LHPN Hà Nội “Phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thủ đô tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ.
Định vị thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô

Định vị thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Việc đổi mới liên tục trong xây dựng sản phẩm, cách thức trưng bày, quảng bá di tích hay tổ chức các tuyến du lịch đưa vào khai thác đã thể hiện quyết tâm của Thành phố, của Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị, địa phương ở Thủ đô trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô. Từ đó, đưa thương hiệu du lịch Thủ đô ngày càng vươn xa.
Những “nữ tướng” dám làm việc khó được dân tin yêu

Những “nữ tướng” dám làm việc khó được dân tin yêu

(PNTĐ) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Học tập, làm theo Bác để xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên thật sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng ấy, có những “nữ tướng” là cán bộ chủ chốt, là lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã mạnh dạn làm việc khó vì lợi ích của dân và được nhân dân tin yêu.
Người phụ nữ góp phần “thắp sáng” tương lai AI Việt

Người phụ nữ góp phần “thắp sáng” tương lai AI Việt

(PNTĐ) - Nguyễn Nhật Minh - cái tên đang dần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu. Với bề dày thành tích học thuật đáng nể và kinh nghiệm quốc tế phong phú, cô không chỉ là một chuyên gia trẻ đầy triển vọng mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.