“Đồ mẹ đoảng”

Chia sẻ

“Đồ mẹ đoảng, không làm được trò gì, đến việc dạy con tử tế cũng không xong” - chồng chị bước vào nhà, hùng hổ quát chị. Bữa cơm tối hôm đó vậy là tan, chẳng ai buồn động đũa. Nhà có 3 người thì 3 nỗi khổ tâm riêng.

Chị không bao giờ nghĩ con gái mình lại mắc bệnh trầm cảm. 17 tuổi đầu, tương lai nó còn đang rộng mở ở phía trước. Cho đến khi chị thấy con xuống sắc, mất ngủ, chán ăn nên vội đưa con đi khám thì mới phát hiện tâm bệnh con đang mang. Bác sĩ hỏi chị trong nhà có biến cố gì lớn, chị và chồng có thường xuyên cãi vã không, hay là con có bị áp lực gì không? Chị lo lắng quá mà bật khóc không thành tiếng.

Bề ngoài, gia đình chị vẫn ổn như mọi nhà. Nghĩa là vẫn có đủ vợ, chồng và con. Vợ chồng chị vẫn ngày ngày đi làm, kiếm tiền nuôi con. Còn con gái thì hiền lành, học hành tử tế. Nhưng, có ở bên trong mới biết, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình chị lại có vấn đề. Tất cả bắt nguồn từ sự gia trưởng của chồng chị.

Chị phải thừa nhận, anh là người đàn ông đứng đắn, có trách nhiệm với gia đình, chung thủy với vợ. Anh ghét thói bồ bịch nên chị không bao giờ lo anh có người khác bên ngoài rồi về nhà ngược đãi, ruồng rẫy vợ con. Nhưng, nhược điểm của anh là độc đoán, chuyên quyền, luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Anh cũng sạch sẽ, quy củ, nguyên tắc tới mức đáng sợ. Mọi đồ đạc trong nhà đều phải sắp đặt theo ý của anh và không được phép xê dịch. Ngay cả cách anh yêu vợ, thương con cũng vậy, thường bắt đầu từ những điều anh cho là đúng, là tốt mà không cần biết vợ, con có muốn nó hay không. Anh yêu cầu con phải làm điều này, điều kia- tất nhiên lời anh nói không sai- nhưng sự áp đặt khiến con gái của anh chị không thể tiếp nhận được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cứ như vậy, giữa anh và con gái dần dần có một khoảng cách vô hình mà bác sĩ gọi là mất đi sự kết nối. Thay thế cho tình yêu, con gái anh chỉ thấy bố thật sự đáng sợ, khó gần. Nó gần như hạn chế tối đa việc giao tiếp với bố, và chỉ làm mọi việc bố nói như một nghĩa vụ để tránh bị bố rầy la. Nhưng rồi, nỗi sợ hãi ấy đã tích tụ lại, khiến con dần dần bị rối nhiễu tâm lý.

Sau lần gặp bác sĩ tâm lý và được nghe những lời con tâm sự với bác sĩ, chị đã tìm cách trao đổi với chồng và mong anh hợp tác để hỗ trợ con vượt qua khủng hoảng tâm lý này. Thay vì lắng nghe, anh lại nổi khùng, đổ lỗi cho chị đã không làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Anh nói, chính anh mới là người lẽ ra đáng bị trầm cảm vì anh đã phải vất vả đi làm kiếm tiền nuôi cả gia đình. Anh cũng phải chịu nhiều áp lực, cả sự bất công nhưng đều phải nín nhịn. Còn chị, công việc vốn đã nhẹ nhàng, anh không đòi hỏi chị phải xuất chúng, đạt được vị trí gì, anh để chị đi làm chỉ vì chị muốn được kết nối với xã hội. Lấy anh, chị không phải chịu áp lực về mưu sinh, anh chỉ cần chị tập trung chăm lo cho gia đình. Anh muốn gia đình phải được ổn thỏa để anh còn yên tâm bôn ba ngoài xã hội. Vậy mà chị lại làm cho anh thất vọng. Trong lúc tức giận, anh gọi chị là “đồ mẹ đoảng”, vô tích sự và nhiều ngôn từ khủng khiếp hơn nữa.

Đêm đó, anh đuổi chị ra khỏi phòng ngủ. Anh nói, anh nằm bên chị còn cảm thấy mệt mỏi hơn. Vì thế, chị hãy tránh xa anh ra để anh được yên.

Chị bật khóc, cảm thấy mình bị oan uổng. Đúng là lâu nay, chị cũng có lỗi khi chưa quan tâm đầy đủ đến con gái. Đôi khi việc cơ quan, việc nhà… khiến chị bận rộn nên chưa dành nhiều thời gian nói chuyện, tâm sự với con. Chị nghĩ lo cho con đủ 3 bữa cơm, đầy đủ áo ấm, một mái nhà có đủ bố mẹ là được. Con chị vẫn đây, hiện diện bên chị hàng ngày…

Nhưng, anh cũng không công bằng khi đổ hết lỗi cho chị. Nếu anh cũng để tâm đến con hơn, nhẹ nhàng và đừng áp đặt lên con gái, đừng chỉ trao cho con nỗi sợ thì có thể con đã không bị như vậy. Ngay cả lúc này, khi bác sĩ nói anh chị cần thay đổi, thì anh cũng vẫn không chịu hợp tác.

Những ngày sau đó, lẽ ra, anh chị phải tạo được một môi trường vui vẻ để cho con gái bình tâm trở lại, thì không khí gia đình lại trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết. Khi trở về nhà, anh chỉ im lặng, không nói chuyện với cả vợ và con. Giận chị, anh còn giận lây cả con gái. Anh cho rằng nó mè nheo, làm mình làm mẩy, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Nó đòi hỏi mọi người phải quan tâm đến nó mà không chịu hiểu rằng, bố nó cũng sắp kiệt sức rồi. Rằng anh chỉ cần nó tử tế chứ chưa từng gây áp lực lên con. Thế mà nó còn không thông cảm với bố, còn khiến sự lo lắng, mệt mỏi của bố nó bị chồng chất thêm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh không bao giờ chấp nhận việc con mình bị bệnh và bệnh này cần phải được hỗ trợ. Chẳng thế mà khi bác sĩ tâm lý gọi điện tới, chia sẻ về tình hình của con cho anh thì anh còn nổi khùng, quát lại cả bác sĩ. Anh cho rằng, chị và con đang làm mọi việc trở nên thái quá. Điều kiện kinh tế của gia đình chưa đủ giàu, tiền kiếm ra không thể vứt qua cửa sổ theo cách đi thuê người để hỗ trợ tâm lý cho con như vậy. “Mình không tự giải quyết việc của mình, thì người ở ngoài, chỉ bằng dăm ba lời ngon ngọt làm sao giúp mình cho được. Họ chỉ tìm cách lấy tiền của mình thôi”, anh quát.

Vì anh cản trở, nên việc đưa con đi điều trị tâm lý lại phải tạm dừng lại. Càng vậy, con gái chị càng bị khủng hoảng hơn. Nó thường xuyên khóc trong đêm, giấc ngủ thì rối loạn. Nó cũng mất phương hướng, không còn tìm thấy niềm yêu thích và cảm hứng làm bất cứ việc gì. Một lần nữa, vì lo lắng nên chị lại tìm cách nói chuyện, mong anh hiểu ra vấn đề. Rằng trước tiên, anh hãy bình tĩnh, tháo bỏ bầu không khí căng thẳng trong gia đình, hãy giúp con tin rằng anh vẫn luôn yêu thương con. Chị chỉ sợ nếu không có biện pháp kịp thời, nhỡ ra con lại nghĩ quẩn. Đã có không ít trường hợp, bệnh nhân mắc trầm cảm tìm đến cái chết để tự giải thoát.

- Nó mà muốn chết thì cho nó chết. Nhà này không có đứa con yếu đuối như vậy - anh gầm lên. Nó đừng mang cái chết ra để gây sức ép với bố mẹ. Nó đâu, em hãy bảo nó hãy mau tu tỉnh lại, còn không, nó hãy tự chịu trách nhiệm vì hành vi của nó.

Câu nói của anh khiến chị rùng mình sợ hãi. Tóm lại, anh vẫn không chịu hiểu ra vấn đề. Chị không định đổ lỗi, trách cứ cho anh. Chị chỉ đang cố gắng cùng anh tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ.

Giờ một tháng đã qua đi, anh vẫn cứ là người đàn ông gia trưởng, độc đoán. Anh tiếp tục trút giận, đổ lỗi lên đầu hai mẹ con. Chị đứng ở giữa, vừa hứng chịu những lời mắng mỏ của anh, vừa phải chứng kiến chứng trầm cảm vẫn đang ngày ngày dày vò con gái. Ngày hôm qua, chị và bác sĩ tâm lý đã chuyển hướng, chuyển sang điều trị tâm lý online cho con vì anh cấm không cho bác sĩ tới nhà.

Chị biết, chị sẽ phải cứng cỏi, đồng hành, hỗ trợ, cùng con điều trị bệnh. Chị chỉ tiếc là ít nhất trong thời gian này, chị đã không có anh cùng đồng hành.

HUYỀN THƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Ký ức tuổi thơ

Ký ức tuổi thơ

(PNTĐ) - Người ta thường nói về những ký ức tuổi thơ như một thứ gì đó quý giá và ý nghĩa nhất trong tim mỗi người. Tuổi thơ là giai đoạn đầu tiên của đời người, khi ta còn là những đứa trẻ con bé nhỏ, vô lo vô nghĩ.
Hồi sinh

Hồi sinh

(PNTĐ) - Cái tin ông Chiến trở về khiến làng xóm xôn xao bàn tán. Căn nhà ngói ven đê của mẹ con bà Thơm lúc nào cũng tấp nập người đến thăm. Họ đến chia vui với gia đình, nhưng có lẽ cũng vì tò mò.