Độc đáo am Bà Chúa Mỵ Châu

THÁI DŨNG - (th)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Am Mỵ Châu còn được gọi là am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu nằm ở phía Tây đình Ngự Triều Di Quy thuộc quần thể khu Di tích Cổ Loa. Tại đây, có một bức tượng đá kỳ lạ hình dạng người phụ nữ không có đầu, ngồi xếp bằng, hai tay buông dọc xuống gối.

Truyền thuyết vùng Cổ Loa kể rằng: Vào thời xa xưa, dân chài trên sông Hoàng Giang đã kéo được phiến đá hình người không có đầu, cho rằng phiến đá không có gì đặc biệt nên họ lại thả xuống sông. Nhưng kỳ lạ là sau những lần quăng lưới, bức tượng lại lọt vào. Dân làng quan niệm rằng đây là phiến đá thiêng mới như vậy nên đã hò nhau kéo lên bờ và làm lễ xin được rước về. Sau khi chiếc võng dùng để khiêng tượng đá về đến nơi, võng đứt ngay cạnh đình Ngự Triều Di Quy, nơi từng là điện thiết triều của An Dương Vương tại thành Cổ Loa xưa.

Dân làng cho rằng đây chính là nơi bức tượng muốn ngự lại, là di thể hóa đá của công chúa Mỵ Châu đã trôi ngược từ biển về đất Tổ để hầu vua cha nên đã lập am thờ. Nhân dân quanh vùng vẫn truyền tai nhau: Bất cứ ai ốm đau bệnh tật, chỉ cần chắp tay thành kính xin bà phù hộ rồi xoa tay vào lưng bà, vuốt bàn tay đã đón nhận điều linh thiêng lên cơ thể, lập tức mọi bệnh tật đều tan biến… Câu chuyện mang sắc thái huyền bí trên tưởng chừng chỉ có trong chuyện cổ tích nhưng người dân ở xung quanh khu di tích Cổ Loa lại coi là chuyện rất thực trong đời sống tâm linh của họ.

Độc đáo am Bà Chúa Mỵ Châu - ảnh 1

Kiến trúc khu am thờ gồm 2 phần chính: Tiền tế là một ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ 3 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ vì được làm theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ chồng rường, kẻ bẩy”. Tất cả các cấu kiện đều không có chạm khắc hoa văn gì mà chỉ bào soi. Kiểu kiến trúc này có niên đại vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trên thượng lương có dòng chữ Hán ghi rõ niên đại tu bổ: Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuế thứ Quý Sửu (1973).

Hậu cung là 1 tòa nhà xoay dọc, kết cấu chịu lực chính là các bức tường xây bao ba mặt, chỉ để 2 cửa bên thông với tiền tế. Tại tiền tế, trụ đầu hồi nhà có đắp ngõa đôi câu đối: Trung tín nhất tâm chiêu nhật nguyệt; linh quang vạn cổ đẳng càn khôn (tạm dịch: Một lòng trung tín tựa trăng sao; anh linh sáng sủa mãi mãi như trời đất). Gian giữa có ban thờ gọi là “hương án tiền”, phía trên có bức cuốn thư đề 4 chữ Hán: Tốn cung diên túy (cung thờ người con gái) và có 4 đôi câu đối ở khu vực này nói về lòng trung tín của công chúa Mỵ Châu. Đôi câu đối tại cột cái cạnh hương án: Trung tín thệ tâm thân hóa thạch; hưng vong sái lệ vọng trầm châu (lòng trung tín trong tâm đã thề nên thân hóa đá; dòng nước mắt khóc về sự thịnh suy kết thành châu ngọc dưới giếng sâu). Đi tiếp vào phía trong, trước hậu cung có ban thờ “thập nhị cô” – mười hai thị nữ hầu cận của công chúa.

Có đôi câu đối trên trụ 2 bên ban thờ: Thiên tải thượng thị gia phi thùy năng biệt chi quy chảo nỗ cơ truyền ngoại sử; ngũ luân chung phụ giữ phu quả thục dân giã bạng khai tỉnh thủy đội thâm tình (ngàn năm đã qua cái đúng cái sai ai có thể biện minh được, cái móng rùa làm lẫy nỏ thần thì cũng chỉ là truyền thuyết; trong ngũ luân, cha và chồng ai là người thân hơn chỉ có ngọc trai và nước giếng ngọc mới chứng tỏ được thôi).

Hậu cung là nơi có đặt ban thờ Bà Chúa Mỵ Châu. Trên có đặt ngai thờ. Gian trong cùng đặt tượng đá. Đây chính là “tượng đá Mỵ Châu” đã được kể trong truyền thuyết. Có thể kể thêm rằng: Nơi Mỵ Châu bị vua cha chém đầu là đèo Mộ Dạ thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay nhưng theo truyền thuyết thì tượng hóa đá trôi về tận chân thành Ngoại. Tại Nghệ An hiện nay cũng có đền thờ An Dương Vương, cạnh đó là am thờ Mỵ Châu. Địa điểm đó gọi là núi Cuông, nay đền ở trên đỉnh núi gọi là đền Cuông.  Theo quan niệm dân gian, vì công chúa Mỵ Châu đã có một cuộc tình ngang trái nên rất ứng nghiệm với những chuyện tình duyên. Vậy nên ngày nay am Bà Chúa Mỵ Châu được người đời truyền tụng là nơi rất linh ứng cho việc cầu duyên, cầu hạnh phúc gia đình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.