Độc đáo chùa Thánh Chúa - Cầu Giấy, Hà Nội

THÁI DŨNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Hồi còn học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, sinh viên chúng tôi nhiều người thắc mắc, tại sao lại có sự hiện diện của một ngôi chùa cổ kính ngay trong khuôn viên một trường đại học trọng điểm quốc gia? Mãi sau này về hưu, tôi mới có dịp cùng nhóm bạn về lễ Phật, thưởng ngoạn cảnh quan và tìm hiểu kỹ hơn về ngôi chùa ấy.

Ngôi chùa nhân dân thường gọi là chùa Thánh Chúa, tên chữ là Thánh Chúa Tự thuộc địa phận của phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, nằm trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, cách trung tâm thành phố Hà Nội 7km về phía Tây. Chùa được xây dựng dưới thời nhà Lý, đời vua Lý Thánh Tông. Tương truyền năm Quý Mão (1064 ), vua Lý Thánh Tông tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Thật kỳ diệu bởi sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh ra hoàng tử Càn Đức, vua Lý Nhân Tông sau này.

Độc đáo chùa Thánh Chúa - Cầu Giấy, Hà Nội - ảnh 1

Sử cũ còn cho biết: Ngôi chùa gắn với một huyền tích nữa. Vào thời Hậu Lê, vào ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), thái tử bị truất là Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đang đêm trèo vào cung cấm, giết vua Lê Nhân Tông rồi tiếm ngôi báu, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Bà phi Ngô Thị Ngọc Dao và con là hoàng tử Lê Tư Thành đóng giả làm con gái, đã trốn vào chùa Thánh Chúa lánh nạn. Năm sau, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt dẫn bá quan phế truất Nghi Dân, rước Tư Thành – khi ấy 17 tuổi - vào triều và tôn lên làm vua. Triều đại vua Lê Thánh Tông khởi đầu từ ngày mùng 8 tháng 6 Canh Thìn (1460). Dưới sự trị vì của đấng minh quân Lê Thánh Tông, chế độ phong kiến Việt Nam đã phát triển đến cực thịnh. Dân gian nhiều nơi lưu truyền câu ca: “Tục truyền đời Lê Thánh Tông/ Trị vì thiên hạ Tây Động thuận hòa”.

 Sinh thời, cả hai vị vua Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông đều đã cho trùng tu, tôn tạo chùa Thánh Chúa. Trong dân gian cũng lưu truyền câu ca dao: "Nghìn năm nay có mấy chùa như chùa Thánh Chúa, hai vua tôn thờ?” Sau này, chùa được chỉnh trang và nâng cấp nhiều lần. Riêng khoảng trăm năm gần đây có các đợt tu bổ lớn. Ngôi chùa kiến trúc hiện nay được xây cất vào năm 1934, đại trùng tu năm 1945. Ni sư Thích Đàm Văn, trụ trì từ năm 1940, đã tổ chức tu sửa chùa nhiều lần. Cổng chùa được sửa lại năm 1992. Chùa xây mới điện thờ Thái hậu Ỷ Lan năm 2009 và trùng tu ngôi chánh điện năm 2014. Giữa trường Đại học Sư phạm Hà Nội và chùa có tường bao và cổng nghi môn ngăn cách. Sau cổng là một tam quan hoành tráng xây theo kiểu lầu ngũ môn. Gác trên có các cửa tò vò, bên trong treo một đôi chuông, khánh. Bước qua tam quan du khách lọt vào một sân gạch thoáng đãng với nhà bia và hai cây muỗm cổ thụ rất cao, hai bên có vườn rộng trồng nhiều hoa và cửa ngách thông với chùa sau.

Tam bảo chùa nhìn về hướng Tây-Nam, kết cấu theo hình chuôi vồ. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng. Thượng điện sâu 5 gian, thờ Phật. Phía sau là hành lang và nhà Tổ, nhà Tăng; bên ngoài có vườn tháp mộ và một hồ vuông nhỏ. Ngoài ra, trong chùa còn thờ Ỷ Lan, điện của thái hậu gồm 3 gian xây mới gần đây. Trong chùa có bản ngọc phả ghi các truyền thuyết lịch sử liên quan. Hệ thống tượng tròn vẫn giữ được đầy đủ 77 pho tượng gỗ và tượng đất nung. Nhiều pho tượng mang đậm phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII. Tại gian giữa của điện thờ Ỷ Lan còn có tượng bà Thái hậu và hai nữ thị nội. Chính nơi đây đã từng phát lộ nhiều viên gạch vồ lớn, giống như loại dùng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trên gác tam quan có quả chuông đồng đúc năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mạng thứ 9 (1828) và chiếc khánh đồng kiểu cánh dơi, nặng 125kg, mang niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). 

Với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, ngày 21/1/1989, chùa Thánh Chúa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích Kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.