Đọc đời mình trên lá
(PNTĐ) - Nguyễn Minh Khiêm đã mượn hình ảnh chiếc lá để nói đến những thời khắc khác nhau của cuộc đời một con người. Ngay từ khổ một, tác giả đã tìm thấy sự tương đồng giữa “cuộc đời” của lá và cuộc đời của mỗi con người.
Tôi đã đọc đời mình trên lá
người nâng niu lộc biếc mùa xuân
người hóng mát dưới trưa mùa hạ
người gom về đốt lửa sưởi mùa đông
Tôi đã đọc đời mình trên lá
lúc non tơ óng ánh bình minh
lúc rách nát gió vò, bão quật
lúc cao xanh, lúc về đất vô hình
Tôi đã đọc đời mình trên lá
có thể khổng lồ, có thể bé li ti
dẫu tồn tại một giây vẫn tươi niềm kiêu hãnh
đã sinh ra
chẳng sợ thử thách gì.
Nguyễn Minh Khiêm

Lời bình:
Mùa xuân, lá làm đẹp cho đời bằng lộc biếc tràn đầy sức sống; mùa hạ, lá cho “người hóng mát” dưới những tán cây xanh, với những làn gió mát lành; và khi đã đi hết một đời tươi xanh, lá khô đi và rụng xuống, người gom lá về đốt lên giữa mùa đông rét mướt, hơi ấm lan tỏa. Đọc khổ thơ, ta nhận ra ở lá, bóng dáng của con người. Lúc trẻ, con người sống một cuộc đời thanh xuân rực rỡ, làm đẹp cho đời; khi trưởng thành, mỗi người lại là nơi chở che cho người khác - những người thân yêu của mình, có thể cả những người cần sự giúp đỡ trong xã hội; lúc về già hay kể cả khi đã mất đi, nếu ta đã sống một cuộc đời ý nghĩa thì hình ảnh của ta vẫn tạo niềm tin và sức mạnh cho mọi người, ta vẫn là tấm gương để mọi người hướng tới, là ngọn lửa soi sáng để mọi người học tập theo.
Nếu như ở khổ thơ đầu, tác giả phát hiện ra sự tương đồng của đời lá và đời người thì ở khổ tiếp theo, nhà thơ lại nhận ra sự tương đồng giữa những trạng thái của lá với những khoảnh khắc trong cuộc đời mỗi con người:
Tôi đã đọc đời mình trên lá
lúc non tơ óng ánh bình minh
lúc rách nát gió vò, bão quật
lúc cao xanh, lúc về đất vô hình
Trong quãng thời gian tồn tại của mình, lá đã trải qua những trạng thái khác nhau: Lúc non tơ óng ánh trong ánh bình minh; lúc bị gió vò bão quật đến tả tơi, rách nát; lúc trên cành vẫy gọi trời xanh, vui vùng gió, đùa cùng nắng và lúc rụng về đất lặng lẽ, khiêm nhường. Cuộc đời con người cũng như lá vậy, trải qua nhiều trạng thái khác nhau với tuổi thơ vui tươi, yên bình, với bao ước mơ tươi đẹp; khi bước vào đời thì phải đối mặt với muôn vàn thử thách như lá kia từng bị gió vò, bão quật. Và rồi, như một quy luật tất yếu của tự nhiên, dù trải qua bao thăng trầm của thời gian thì con người cuối cùng cũng sẽ trở về với cát bụi, tan biến vào hư không.
Ở khổ thơ cuối, tác giả mượn tư thế của lá để nói đến tâm thế của con người trong cuộc đời:
Tôi đã đọc đời mình trên lá
có thể khổng lồ, có thể bé li ti
dẫu tồn tại một giây vẫn tươi niềm kiêu hãnh
đã sinh ra
chẳng sợ thử thách gì.
Con người cũng như lá kia, có những cá nhân vĩ đại - khổng lồ, cũng có những người bình thường, nhỏ bé - bé tí ti. Nhưng đã là con người, thì dù thế nào, cũng hãy sống hết mình, hãy kiêu hãnh và hiên ngang đối đầu với mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Những thử thách trong cuộc đời chính là những thứ “lửa” để tôi luyện con người thêm dặn dày kinh nghiệm, thêm vững bước, mạnh mẽ hơn.
Nguyễn Minh Khiêm đã rất khéo khi nói về cuộc đời mỗi con người qua hình ảnh chiếc lá. Lá và tôi sóng đôi xuyên suốt cả bài thơ, giúp người đọc dễ dàng hình dung, liên tưởng về cuộc đời con người qua các trạng thái, đặc điểm của lá. Câu thơ Tôi đã đọc đời mình trên lá được nhắc lại đầu mỗi khổ thơ vừa có tác dụng tạo nhịp điệu, vừa góp phần làm rõ tư tưởng, ẩn ý, thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm. Với Đọc đời mình trên lá, tác giả đã khai thác triệt để tác dụng của các cách nói ẩn dụ, nhân hóa, liệt kê,… để tạo hứng thú với bạn đọc cũng như góp phần làm nổi bật nội dung bài thơ.
Có lẽ, cũng như Nguyễn Minh Khiêm, mỗi chúng ta cũng nên đọc đời mình trên lá, để từ đó dẫu tồn tại một giây vẫn tươi niềm kiêu hãnh/ đã sinh ra/ chẳng sợ thử thách gì.