Đón ngày 8/3 theo cách của riêng mình

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 là dịp để thế giới tôn vinh vai trò, vị trí của người phụ nữ cũng như thể hiện tình cảm yêu thương tới họ. “Nằm trong nhóm 1 nửa thế giới”, cứ gần tới dịp 8/3 là tôi lại háo hức đợi chồng và con trai mua hoa, tặng quà cho mình. Tôi cứ nghĩ, mình vậy là thật hạnh phúc.

Chồng tôi không phải tuýp người ga lăng, lãng mạn nhưng được cái thật thà và cũng biết… ghi nhận vợ. Hồi mới cưới, vào ngày 8/3, anh trở về nhà với… chẳng thứ gì trên tay. Khi tôi giận dỗi, anh cuống quýt gãi đầu, gãi tai rồi thỏ thẻ: “Thì anh tặng em cả cuộc đời này rồi đấy thôi. Anh chính là món quà của em”. Nói để thanh minh thanh nga vậy, chứ từ những năm sau, anh đã không dám quên hoa, quà cho vợ.

Rồi có một năm, anh mang về nhà một bó hoa hồng to cùng với cái mặt hơi meo méo: “Hoa ngày 8/3 đắt quá, tốn 1/3 tháng lương của chồng”.

Nghe chồng nói, tôi cũng tiếc đứt ruột, nghĩ bụng có lẽ từ năm sau, tôi sẽ bảo chồng không cần mua hoa hoét nữa, tiền đó tiêu vào việc khác thiết thực hơn. Nhưng, cô bạn thân của tôi khuyên, không được đầu hàng như vậy. “Có những thứ, dù tốn tiền cũng phải làm. Như vụ mua hoa tặng vợ, hoa càng đắt, thì ông ý càng hiểu vợ quan trọng thế nào. Mày chỉ cần một lần bảo ông ý không nên mua hoa, là ông ý biết thóp mày tiếc tiền, từ những năm sau sẽ… vô trách nhiệm ngay”. 

Nhà tôi nằm trong một khu chợ buôn bán khá sầm uất. Hàng xóm với nhà tôi đa phần là hộ mưu sinh bằng buôn bán nhỏ. Người thì chạy chợ, người bán hàng ăn, hàng tạp  hóa… cứ đầu tắt mặt tối quanh năm suốt tháng. Khi ra chỗ các chị mua hàng, không ít lần tôi nghe các chị than thở: “Chả biết bao giờ mới hết nỗi lo cơm áo gạo tiền”.

Vì thế, tôi luôn tự nghĩ, chắc các chị chẳng quan tâm gì tới ngày 8/3 đâu. Người ta chỉ nghĩ tới món ăn tinh thần khi cái bụng đã no, cái thân đã đủ ấm. Nhất là khi trong ngày mùng 8/3, hoa, quà đều đắt đỏ. Các chị bán hàng mỗi ngày, chắt bóp từng đồng bạc lẻ, làm gì có chuyện đồng ý để chồng chi ra vài trăm nghìn chứ chưa nói đến tiền triệu để mua mấy bông hoa về cắm trong nhà rồi chỉ ngắm được mấy ngày. 

Nhưng cho tới một ngày, tôi thấy mình đã phiến diện khi nghĩ như vậy. 

Đón ngày 8/3 theo cách của riêng mình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đó là khi tôi khám phá ra cuộc sống của cặp vợ chồng làm nghề bán rau ở cạnh nhà. Hai vợ chồng rõ vất vả, sáng nào cũng lọ mọ dậy từ sớm, đèo nhau ra chợ đầu mối mua rau rồi về bán lẻ ở chợ. Nhà họ nằm bên cạnh một thửa đất để không, từ lúc mua không thấy gia chủ đến xây nhà ở.

Hàng ngày, họ tận dụng khoảng đất đó để kê sạp rau, túc tắc cũng kiếm đủ tiền nuôi đàn con ăn học. Nhưng rồi vào những dịp đặc biệt như ngày Valentine, 8/3, cặp vợ chồng này cũng rất tức thời, liền chuyển ngay sang bán hoa. Họ biết quanh đây đông dân cư, chỉ cần cứ đôi ba nhà có một người mua hoa tặng vợ/người yêu/đồng nghiệp nữ thì cũng đã đủ để kiếm được một số tiền. Quả nhiên như vậy, ngày 8/3, tôi thấy sạp hoa của hai cô chú khá đắt khách. Họ bán từ 7h sáng tới tận 8, 9 giờ tối, không bỏ sót cả những anh nam giới bận rộn phải mua hoa vét trong ngày. 

Hôm sau, nhà bị hỏng cái bóng đèn mà tôi loay hoay không biết thay, đành chạy sang nhờ “anh chồng bán hoa” giúp một tay. Tôi bước vào nhà họ, ngạc nhiên khi thấy trên bàn lại có một lọ hoa hồng. Tôi hỏi nhưng bụng tự tin cho rằng mình đã biết chắc câu trả lời: “Hoa hôm qua không bán hết hay sao mà giờ lại cắm trong nhà thế này?”. Nghe xong, cô vợ liền chạy ra đon đả: “Ấy không ạ. Là bác ít để ý đấy thôi chứ đây là hoa mới mua dành cho ngày 9/3 của nhà em đấy. Mấy chục năm nay, cả thế giới đón ngày 8/3 còn riêng nhà em đón 9/3 đấy ạ”. Là 9/3 ư, lần đầu tiên tôi nghe thấy có ngày này. Thấy mặt tôi nghện ra, cô vợ liền cười phá lên, giải thích: “Vâng đúng vậy đấy bác. Ngày 8/3 thì hoa đắt, nhà em làm gì có tiền mà mua hoa tặng nhau. Vì thế ngày đó, nhà em chỉ đi bán hoa để kiếm tiền thôi. Nhưng chỉ qua một đêm, sang tới ngày 9/3 thì hoa… lại hạ giá trở lại, lúc đó thì nhà em mới mua hoa. Chồng em vẫn có cơ hội thể hiện tình cảm với vợ, mà em thì lại không bị xót tiền. Với lại vợ chồng thì đâu phải cứ 8/3 mới là ngày 8/3 bác ạ”.

Nghe cô vợ nói xong, tôi thấy thật thú vị. Đúng vậy, ngày 8/3, 9/3 hay bất kỳ ngày nào đi nữa thì cũng chỉ là tên gọi. Cái chính là chúng ta có dịp để thể hiện tình cảm với người phụ nữ của mình theo cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

Đến đây, tôi lại xin kể tiếp câu chuyện thứ hai. Cũng ở chợ nhà tôi, còn có một chị bán dứa. Do đã có thâm niên bán dứa nên chị rất giỏi trong việc chọn dứa ngon và gọt dứa đẹp. Không ai bảo ai, mọi người thường thích tìm đến chị để mua dứa, dù trong chợ có không ít hàng khác cũng bán dứa.

Vì mưu sinh, một mình chị lên thành phố bán dứa. Ở quê, chồng chị làm thợ xây, tuy nhiên dạo gần đây ít việc nên thu nhập tháng có tháng không.

Đón ngày 8/3 theo cách của riêng mình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chị từng kể với tôi rằng vợ chồng chị muốn đi làm, tích lũy đủ tiền để vài năm nữa lo cưới vợ cho con. Còn cái nhà đã cũ, vợ chồng chị định xây mới nhưng không đủ lực nữa, đành đợi tới đời con. Tôi nhìn chị, gương mặt khá thanh tú, có duyên, cười cũng tươi nhưng do vất vả sương gió nên nét xinh bị chìm vào trong. 

Lần đó, tôi đi tìm chị để mua dứa thì chị nghỉ chợ. Tôi cứ tưởng chị bị ốm hay nhà có việc gì nhưng mấy chị bán hàng xung quanh cười bảo: “Bà ý nghỉ bán  hàng để… cùng chồng đi du lịch rồi. Bà này trông vậy mà lãng mạn phết, năm nào cũng có một tuần “vỡ mật”. 

Tôi càng ngạc nhiên hơn vì rõ ràng, vợ chồng chị có một lô việc lớn cần đến tiền, thế mà chị lại nghỉ kiếm tiền rồi bỏ tiền túi để đi du lịch? Đợi qua 1 tuần, khi thấy chị bán hàng trở lại, tôi liền “phỏng vấn” chị. Chị gật đầu thừa nhận ngay là năm nào, hai vợ chồng chị cũng đi du lịch với nhau. 

“Tôi không rành công nghệ, nhưng được cái con trai ở nhà giúp cho. Khi nào nó bảo có vé máy bay giá rẻ, nhà nghỉ rẻ, tour du lịch rẻ là… vợ chồng tôi lên đường. Năm nào có điều kiện thì đi xa bằng máy bay, vài năm gần đây tiền kiếm khó hơn thì đi gần bằng ôtô. Miễn là được “đổi gió” và có không gian để hai vợ chồng ở bên nhau”. Rồi chị còn nói, vợ chồng chị đã đi được gần hết các địa điểm từ Đà Nẵng trở lại phía Bắc và dự tính từ nay đến lúc “chân chậm mắt mờ” phải đi nốt nửa còn lại của đất nước. 

“Kiếm tiền thì kiếm cả đời và chẳng biết bao giờ là đủ. Cái chính là mình phải tự tạo niềm vui cho mình và làm cho mình hạnh phúc. Chứ vì mưu sinh, tôi cứ vắng nhà biền biệt thế này, nếu không biết cách thì tình cảm vợ chồng sẽ có nguy cơ phai nhạt. Tôi đi du lịch với ông ý là để khẳng định vị trí của mình trong lòng chồng và để ông ý không còn cơ hội… xí xớn đến cô nào nữa”. Rồi chị cười khà khà, hai tay vẫn gọt dứa nhanh thoăn thoắt. “Với vợ chồng tôi, cứ thích thì ngày nào cũng là ngày 8/3”.

Câu chuyện của những cặp vợ chồng ấy đã mang lại cho tôi nhiều thông điệp. Đúng là chẳng có một “công thức” nào cho ngày 8/3. Dù cuộc sống này còn nhiều nỗi lo, nhưng chỉ cần chúng ta muốn, thì lúc nào chúng ta cũng có ngày 8/3 theo cách của riêng mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.