Đóng góp cho bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ dù ở bất kỳ lứa tuổi nào

Nguyễn Nguyệt Linh (14 tuổi, Lớp 8G2 Marie Curie Hà Nội)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chúng ta rất dễ bắt gặp những định kiến về giới tính xung quanh chúng ta. Ngay cả trong sách giáo khoa, những hình ảnh về nghề nghiệp của những người phụ nữ thường được gán với những việc được gọi là thiên chức của phụ nữ như nội trợ, chăm nom cho trẻ em, giáo viên...

Chúng ta rất dễ bắt gặp những định kiến về giới tính xung quanh chúng ta. Ngay cả trong sách giáo khoa, những hình ảnh về nghề nghiệp của những người phụ nữ thường được gán với những việc được gọi là thiên chức của phụ nữ như nội trợ, chăm nom cho trẻ em, giáo viên... Nhưng có rất nhiều tấm gương cho thấy mỗi người phụ nữ đều tiềm ẩn trong mình sức mạnh lớn lao và sẵn sàng phá vỡ những hạn chế mà xã hội áp đặt cho giới tính nữ, thể hiện vai trò bình đẳng của phụ nữ trong xã hội. 

Ngôi trường tôi đang học 8 năm qua mang tên một nhà khoa học nữ vĩ đại, bà Marie Curie (1867-1934). Bà được coi là người tiên phong trong việc nghiên cứu về tính phóng xạ (bà là người đặt ra thuật ngữ phóng xạ). Marie còn là phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel, người đầu tiên và là phụ nữ duy nhất vinh dự giành được hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau – Vật lý và Hóa học. Kể từ khi bước chân vào học ở ngôi trường ấy, ngày ngày đi học qua bức tượng bán thân của bà ở cổng trường, tôi đều ý thức được khả năng đóng góp cho xã hội, thể hiện quyền và địa vị của mình ở giới nữ. Khi đã lớn hơn, trong một lần tình cờ bước vào hiệu sách và chọn đọc quyển sách Trở về nơi hoang dã của tác giả Trang Nguyễn (Nguyễn Thị Thu Trang) và sau này là quyển Chang hoang dã – Gấu, tôi có thêm một thần tượng mới chính là nhà bảo tồn động vật hoang dã trẻ tuổi người Việt Nam, nhà hoạt động môi trường đồng thời là một nhà văn này. 

Đóng góp cho bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ dù ở bất kỳ lứa tuổi nào - ảnh 1
Ảnh minh họa

Những công việc mà những phụ nữ như bà Marie Curie và chị Trang đã làm thật to lớn và đóng góp rất nhiều cho xã hội, cũng như thể hiện được vai trò của phụ nữ. Tôi đã luôn trăn trở với suy nghĩ mình chỉ là một em bé gái đang ngồi trên ghế nhà trường, bình thường như bao bạn gái khác, vậy mình có thể làm được gì để góp phần thay đổi thế giới? Làm điều gì đó góp phần “Thay đổi thế giới” liệu có phải là một công việc to tát chỉ những người phi thường mới làm được hay không? Liệu mình có vượt qua được định kiến về giới, thể hiện được bản thân mình hay không? Và rồi, trong một quyển sách mà tôi đọc được, tôi đã thực sự tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi ở trên, tôi đã tìm ra được lý tưởng cho cuộc sống của mình. Quyển sách đó nói với tôi rằng, tất cả chúng ta đều có khả năng tạo ra những thay đổi. Mặc dù thế giới này rất to lớn, và chúng ta không thể nào kiểm soát được hết tất cả những gì diễn ra trên thế giới. Nhưng cho dù việc chúng ta đang cố gắng làm là rất nhỏ, vẫn có thể một ngày nào đó công việc đó sẽ ảnh hưởng được đến nhiều người. Chỉ cần chúng ta nhớ rằng, cho dù chúng ta là ai, chúng ta đang ở đâu, luôn luôn có một cách nào đó để tạo ra sự thay đổi phù hợp với bản thân chúng ta. 

Và từ đó, tôi bắt đầu để ý nhiều thứ nhỏ bé xung quanh mình. Tôi để ý đến từng các bạn động vật nhỏ, từng bé cây mới lớn và có được tình yêu đối với thiên nhiên và ước mơ bảo vệ thiên nhiên đang dần dần bị tàn phá bởi con người. Năm tôi học lớp 5, sau khi đã được tham gia vào nhiều những buổi khai giảng, tôi tự hỏi không biết những quả bóng bay sẽ đi đến đâu và sẽ “kết thúc” như thế nào. Sau khi tìm hiểu từ những thông tin từ một trong những người thầy về môi trường của tôi, thầy Hùng Lekima, tôi mới biết được bóng bay chính là thủ phạm cho những cái chết của những chú chim, chú rùa biển và gây ra những “vụ án” ô nhiễm môi trường biển. Suy nghĩ đến việc những gia đình một loài xấu số nào đó mà ăn phải bóng bay lại bị mất đi một thành viên, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, đã làm tôi rất xót xa. Tôi đã có đủ dũng khí để nói với nhiều người rằng, hãy ngừng thả bóng bay trong ngày khai giảng, hãy ngừng gián tiếp giết chết một sinh linh trên thế giới này. Tôi đã không nghĩ rằng sẽ có nhiều người ủng hộ ý kiến của tôi đến vậy. Hoạt động đầu tiên này đã giúp tôi có thêm nhiều mơ ước được thực hiện thêm những dự án liên quan đến bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã. 

Tôi đã cùng các bạn, các đồng đội yêu quý của tôi, xuất bản được hai quyển sách về rừng, có tên “Một mẩu rừng cho bạn” và “Những người bạn trong khu rừng ngập mặn”. Hành trình đi đến kết quả đó cũng bắt đầu từ những bước chân rất nhỏ, nhưng tôi vững tin cứ đi là sẽ đến. Khi cầm trên tay những quyển sách có những kiến thức về các khu rừng dành cho thiếu nhi này, tôi thực sự cảm thấy xúc động vì những công việc chúng tôi làm đã có kết quả. Toàn bộ tiền bán những quyển sách này đều được ủng hộ cho những dự án trồng rừng. Vậy là chúng tôi, những bạn nhỏ trong độ tuổi từ 8-17 tuổi, tác giả của những quyển sách này đang giúp trồng thêm những cây xanh, để màu xanh được trải rộng trên đất nước Việt Nam. Không quên những mong muốn, những mơ ước ban đầu của mình, chính là bài học mà tôi học được. 

Đóng góp cho bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ dù ở bất kỳ lứa tuổi nào - ảnh 2
Nguyễn Nguyệt Linh ảnh: NVCC

Để góp phần cho sự nghiệp bảo tồn động vật hoang dã của rất nhiều những nhà hoạt động nổi tiếng, tôi đã thành lập Câu lạc bộ Forever An Animal Lover, để quy tụ các bạn nhỏ đang học cấp 2, cùng nhau tìm hiểu các kiến thức về bảo tồn và phúc lợi động vật, cùng thực hiện các hoạt động nhỏ trong lĩnh vực này. 

Những thành công dù nhỏ này đã làm tôi vững tin hơn về khả năng của mình và tin rằng nếu mình có thể làm được thì các bạn gái trong độ tuổi như mình cũng làm được. Chúng ta không cần chờ đến khi trưởng thành mới bắt đầu thực hiện ước mơ của mình các bạn ạ! Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các việc cho dù nhỏ nhưng góp phần thay đổi cuộc sống của chúng ta và những người xung quanh. Và thông qua sự đóng góp cho xã hội đó, chúng ta đang thể hiện được vai trò của mình, thể hiện được địa vị của phụ nữ và đóng góp cho phong trào bình đẳng và tiến bộ phụ nữ. Các bạn có biết một bạn gái rất nổi tiếng, Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển không? Vào năm Greta 15 tuổi, chị ấy đã quyết định thay đổi thực trạng bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu bằng những việc làm nhỏ bé. Mỗi thứ 6, ở trước cổng trường luôn có một cô bé 15 tuổi ôm tấm bảng ghi dòng chữ “Bãi khóa vì khí hậu”.

Phong trào do chị khởi xướng đã thu hút được vô số người cũng như bạn bè cùng chung tay lan tỏa thông điệp này. Vậy đó các bạn, ai cũng có thể làm được điều gì đó để đóng góp cho xã hội cho dù ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hãy trở thành những người phụ nữ nhỏ bé dũng cảm, sẵn sàng góp phần thay đổi cuộc sống, thể hiện địa vị của mình trong xã hội và đóng góp cho phong trào bình đẳng và tiến bộ phụ nữ nhé!

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.
Tình đầu đâu có... xấu

Tình đầu đâu có... xấu

(PNTĐ) - Hôm đó, mẹ vợ anh trở bệnh phải nhập viện gấp. Hai vợ chồng anh lại đang ở xa. Anh liền nhắn tin cho Như “cầu cứu”: “Mẹ vợ anh vào viện em khám chỉ có một mình. Em lo cho bà giúp anh nhé. Nay vợ chồng anh đều không đưa bà đi được”.
Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ không chỉ tự tin, độc lập mà còn xây dựng các chuẩn mực, thước đo để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Họ dám nghĩ, dám làm, dám bước qua ranh giới và rào cản, quyết tâm theo đuổi đam mê, từ đó khẳng đinh tài năng trên từng lĩnh vực mà mình theo đuổi.