Đứa con từ "trên trời" rơi xuống
Sáng Chủ nhật, Quang đang nhâm nhi ly trà sen thơm phức, cái hương thơm của sen Hồ Tây quyện với vị trà Thái, chỉ có dân sành trà mới cảm nhận hết được. Cứ y như cụ Nguyễn Tuân xưa viết rằng uống trà đến mức có cái vỏ trấu lẫn trong ấm trà mà người sành trà cũng phát hiện ra.
Kể ra cái thời Covid này quá khổ, ai cũng khổ, nhưng cũng có cái... sướng, đó là ngày nào cũng được ăn cơm vợ nấu. Chả biết cơm nhà có ngon hơn quán nhậu không, nhưng rõ ràng là an toàn...
Bỗng chuông cửa reo. Quang mở cửa, khách là một cậu thanh niên cao lớn, tuấn tú, nhưng điều khiến anh kinh ngạc là trông cậu trai trẻ... giống y chang cái thời Quang 20 tuổi!
Cậu thanh niên cũng lúng túng khi giáp mặt Quang, cậu hơi cúi đầu, nói lúng búng như tiếng chào. Nhưng Quang cũng lúng túng, thành ra anh gọi vợ: “Em ơi, có khách”. Chị Thanh lúi húi nhặt rau trong bếp chạy ra, chị nhìn chả biết khách là ai, nhưng vẫn đon đả: “Cháu vào nhà uống nước”.
Cả chủ và khách đều lúng túng ngồi cầm chén trà xoay qua xoay lại. Quang có vẻ lấy lại bình tĩnh nhanh hơn, anh hỏi:
- Cháu... tìm... chú có việc gì?
Cậu thanh niên đặt chén trà, mở balo lấy ra một phong thư:
- Thưa... mẹ cháu gửi... ạ!
Quang mở thư. Câu chuyện bí hiểm đưa anh về gần 30 năm trước...
Anh Quang và cô Hà là bạn học phổ thông, anh đỗ ĐH Bách khoa nên ra Hà Nội học, còn Hà đỗ ĐH Sư phạm tỉnh nhà. Thư qua từ lại, 2 người yêu nhau. Tốt nghiệp ĐH họ cưới nhau, Hà trở thành giáo viên ở một huyện trong tỉnh, còn Quang trở thành kỹ sư một nhà máy tại Hà Nội. Thời đó nghèo lắm, ai cũng nghèo, anh Quang chả có tiền mà mua vé tàu, vé xe khách, nhưng khát khao nồng cháy về quê thăm vợ trẻ, anh trở thành kẻ trốn vé tàu siêu đẳng. Nhưng lạ là họ yêu nhau thắm thiết vậy, mà cưới nhau mấy năm rồi vẫn không thấy Hà bầu bí gì. Một hôm mẹ Quang thở dài nói cho anh biết “bí mật đau đớn nhất đời của bà”, đó là hồi bé Quang bị bệnh quai bị biến chứng nặng nên di chứng dẫn đến sẽ không thể có con.
Ảnh minh họa
Tuy biết như vậy, nhưng mẹ anh vẫn cứ hy vọng không phải ai bị quai bị biến chứng cũng không có con cả, biết đâu ông trời thương con trai cả của bà. Nhưng nhiều năm cưới vợ thế mà không có con thì chắc là trời không thương! Quang nghe mẹ nói thế, anh gạt đi, không tin. Nhưng rồi thời gian kéo dài đã 4-5 năm đằng đẵng, vợ anh vẫn không có thai. Quang quyết định giấu vợ đi khám. Kết quả xét nghiệm đúng là đã gây choáng váng cho anh: số lượng “tinh binh” của Quang quá ít và quá yếu, chưa ra đời đã chết ngoẻo hết. Bác sĩ kê thuốc cho anh, còn dặn dò anh phải ăn những loại thức ăn này kia để “khôi phục “binh lực”, phát triển thể lực”. Buồn nản quá, sao một thanh niên cao lớn khỏe mạnh như anh mà lại mắc cái chứng bệnh oái oăm thế này? Anh lại là con trưởng, không có con sao được? Vả lại vợ anh cũng tội, cứ mong ước mãi có chút con để nối dõi tông đường. Quang chán chường ghé quán mua chai cuốc lủi về nốc ừng ực cho quên sự đời.
Mặc dù sau đó Quang tuân thủ dùng thuốc theo đơn bác sĩ và tích cực ăn những món ăn theo gợi ý nhằm tăng cường “tinh binh”. Nhưng chắc không có hiệu quả, vì lại trôi qua hàng năm, mà Hà vẫn chả có bầu bí gì. Thấy tình trạng bức bách của Quang, cũng có bạn bè bàn: “Có khi 2 người không hợp nhau về sinh học gì đó, lấy nhau không có con, biết đâu ông lấy vợ khác lại đẻ sòn sòn. Tôi cũng có ông anh lấy vợ 10 năm không đẻ, nhưng 2 ông bà đó ly hôn rồi lấy vợ lấy chồng khác, lại đều đẻ 2 con. Cuộc sống nó ly kỳ lắm. Ông cứ thử xem”. Quang thấy bạn nói không hẳn là có lý, nhưng anh nghĩ nếu mình ly hôn thì ít nhất Hà cũng có thể lấy chồng và có con, đời một người phụ nữ mà không được làm mẹ thì tội cho người mà anh yêu quá. Thế rồi Quang nói hết sự tình với vợ, bàn với Hà chuyện ly hôn. Hà khóc nức nở không chịu: “Em thà không có con, chứ em không thể mất anh”. Tuy vậy, Quang đã quyết, anh nộp đơn ra Tòa án huyện rồi lặng lẽ nhảy tàu ra Hà Nội. Tòa án gửi giấy mời mấy lần về để hòa giải theo quy định, anh ủy quyền luôn cho chị gái ra Tòa.
Ngạc nhiên là đến lần thứ 3 Tòa gọi thì anh nhận được thư của vợ mừng vui thông báo: “Em có thai! Em ốm nghén quá nên không bay ra Hà Nội khoe với anh được. Anh về để chúng mình đoàn tụ cùng đón con ra đời nhé”. Quang đương nhiên là không tin. Nhưng anh vẫn về quê, cũng là xem sự tình thực hư ra sao, và cũng để giải quyết với Tòa cho xong. Không ngờ vừa nhìn thấy Quang về, chị em gái nhà anh đã xúm xít mách cho anh biết là “Cô Hà có thai với thầy giáo cùng trường. Họ cặp với nhau gần đây, đợt này Hà ốm nghén không đi xe đạp được, nên thầy giáo lại hay chạy xe máy đến đón và đưa từ trường về. Nếu bây giờ Hà khoe có thai với chồng thì cũng có thể cô ấy không muốn bỏ Quang nên quyết “bẫy” thầy giáo kia để có cái thai mà giữ Quang không ly hôn mà thôi. Nhưng loại đàn bà đã “theo giai” lại lừa đảo đem dòng giống khác nhập về họ nhà mình thì sao chấp nhận được. Thế sau này họ mình mất giống vào tay họ khác à?”.
Quang nghe xong thấy ù cả đầu. Và chính vì thông tin đến trước đã cắm đinh trong đầu anh nên chiều tối đó vợ từ trường về, lại ngồi trên xe máy của anh thầy giáo cùng trường thật (thì ra các chị em gái nhà anh nói đúng quá), khiến cho Quang không còn tin bất cứ điều gì vợ nói. Món cá đồng kho khế với nghệ vàng ươm mà Hà om lửa rơm thật nhừ, vốn là món khoái khẩu nhất của Quang, mà hôm nay anh không nuốt nổi. Nhìn Hà gầy yếu xanh xao và nôn ra không ăn được do ốm nghén, Quang vừa thương vừa giận. Nhưng anh bình tĩnh nghĩ, mình đã quyết chia tay cho cô ấy tìm hạnh phúc, có đứa con là hạnh phúc của phụ nữ, bây giờ cô ấy đã có được thì mình càng phải mạnh mẽ lên, quyết tâm dứt khoát đi. Đóng đinh suy nghĩ ấy, Quang quyết tâm ly hôn. Tại Tòa, Hà khóc uất nghẹn, trình bày cái thai là con của Quang, nhưng Quang đã trình cho Tòa xem những giấy tờ của bệnh viện để chứng minh anh không thể có con. Cuối cùng vì Hà không đồng ý và cô đang mang thai nên Tòa không thể xử ly hôn, Tòa động viên Quang nên xem xét lại vì hôn nhân vẫn còn hạnh phúc.
Ảnh minh họa
Hà đã hy vọng với quyết định của Tòa như vậy là cơ hội để cô giải thích và giữ được hôn nhân, giữ được người chồng mà cô yêu tha thiết. Nhưng Hà đã vô cùng đau khổ vì Quang ra thẳng bến tàu đi Hà Nội, không quay về nhà cùng vợ, không cho Hà chút cơ hội nào. Sau đó mọi thư từ Hà gửi đều được Quang trả lại y nguyên, không bóc ra xem. Quang thực ra chỉ muốn dứt khoát để giúp Hà tìm hạnh phúc mới, cho đứa bé ra đời có cha nó. Nhưng Hà hoàn toàn không hiểu, cô quá đau khổ vì người chồng mà cô hết lòng yêu thương, tin tưởng nay đã không tin cô, lại tin lời đồn xấu xa là cô cặp bồ, cô cố xin con để lừa chồng và tông tổ nhà chồng.
Quang không biết rằng đứa con đó thực sự là may mắn của Quang, không biết do ông trời thương hay do bác sĩ kê thuốc, nhưng anh đã quay lưng không tiếp nhận nó. Bao nhiêu lá thư vợ cố giãi bày thì Quang không thèm đọc, anh đã coi khinh cô quá đáng. Được, vậy thì cô sẽ tự sinh con, tự nuôi dạy nó, để sau này nó xứng đáng hơn bố nó khi nối dõi tổ tông. Khi Hà sinh con, cô mừng run cả người vì đó là con trai. Cô hạ mình nhịn nhục, một lần nữa viết thư cho Quang báo tin anh đã có con trai, cầu mong Quang về nhận con vì nó giống anh như tạc. Nhưng Quang vẫn không bóc thư, lại gửi trả về cho Hà. Bố mẹ và các chị em nhà Quang không ai đến thăm hỏi đứa bé, họ cũng không tin rằng đứa bé đó là nòi giống nhà họ. Hà từ yêu sinh ra hận. Cô đã chủ động gửi đơn đến Tòa án huyện xin ly hôn đơn phương.
Sau khi ly hôn vợ, Quang lao vào lo sự nghiệp, anh ra nước ngoài học thạc sĩ, về nước cũng được thăng tiến. Quang cũng mừng khi biết tin Hà cuối cùng cũng đã cưới được anh thầy giáo trẻ kia, họ chung sống hạnh phúc. Anh đã không nghĩ gì đến chuyện lập gia đình vì sợ “bản lĩnh đàn ông” của mình yếu kém. Không ngờ gần đây anh gặp và yêu Thanh, một phụ nữ có một con gái nhỏ, không may chồng mất sớm. Cuối cùng ông trời cũng đã cho anh một người vợ hòa hợp, chấp nhận không có con chung. Quang cũng hết lòng yêu thương con gái riêng của vợ.
Cuộc sống đang yên đang lành, bỗng một ngày, ở đâu xuất hiện một cậu con trai. Quang đọc thư Hà kể: Sau khi cô ly hôn anh, cô đã ở vậy 3 năm nuôi con trai anh, mà cô trân trọng đặt tên là Quang Quý. Cô vẫn mơ một ngày anh chợt nhận ra vợ con anh yêu anh lắm, để trở về chung sống. Nhưng anh cứ đi nước ngoài biền biệt, thư từ Hà gửi anh không thèm đọc. Quang và người nhà anh không biết cô đã vất vả nuôi con một mình, con ốm sốt sài đẹn chỉ có mẹ nó ôm đi bệnh viện, chỉ có mẹ trực khóc thương con bên giường bệnh, không hề có bố nó. Qua 3-4 năm tràn ngập đau khổ như vậy, Hà đã đồng ý lời cầu hôn của thầy giáo đồng nghiệp vốn yêu thương cô và giúp đỡ mẹ con cô vô tư trong trẻo.
Hai người kết hôn sinh thêm 1 cậu con trai nữa, và anh đã yêu thương Quý như con ruột. Anh đã lên đến hiệu trưởng của ngôi trường mà anh và Hà gắn bó mấy chục năm. Nhưng không may, 2 năm trước anh bị bệnh hiểm nghèo, bao nhiêu tiền bạc dành dụm của đồng lương giáo viên miền quê, đã dùng để thuốc thang, anh ra đi trong khánh kiệt. Quý thương mẹ thương em, nên đã bỏ không học đại học, cậu quyết tâm đi xuất khẩu lao động ở Nhật 3-5 năm, kiếm được tiền giúp mẹ lo cho em học đại học rồi cậu sẽ về đi học sau. Ý chí của con quyết liệt như vậy, mẹ cũng không bàn được, nên mẹ đành viết thư này, cho con đi gặp bố ruột, mong bố nhận con và có định hướng giúp cho con...
Quang không ngờ đọc thư của vợ cũ mà một người đàn ông thành đạt như anh nước mắt chảy mặn chát đầu môi. Anh vẫn tưởng mình là người tốt, là kẻ biết hy sinh cho người mình yêu được hạnh phúc, không ngờ hôm nay mới biết rõ anh là một kẻ khốn nạn, anh chỉ nghe và tin vào mấy lời xúc xiểm của “Giặc bên Ngô” mà không biết rằng anh được trời thương ban cho hẳn một đứa con trai và Hà đã hy sinh lặng lẽ nuôi dạy nó. Anh nợ Hà và con trai lời xin lỗi. Anh nợ cả người cha dượng của con trai anh một lời tạ lỗi...
Anh Quang ôm chầm lấy Quý:
- Xin lỗi con! Xin lỗi con! Từ hôm nay tương lai của con do bố chịu trách nhiệm. Bố sẽ về nói chuyện với mẹ con và đưa con về nhận tổ tông!
Quý đứng im trong vòng tay bố, lần đầu tiên cảm nhận hơi ấm nồng nàn và tình yêu thương lớn lao của cha ruột. Nước mắt cậu thi nhau rơi...
TRẦN THÁI HÒA