Báo động tội phạm “trẻ hóa”
(PNTĐ) - Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đáng lo ngại là các vụ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ gây ra tác động tiêu cực đến cá nhân người phạm tội, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình và cộng đồng xung quanh.
Tội phạm vị thành niên ngày một gia tăng
Ngày 12/3, TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên xử phúc thẩm, tuyên y án 4 năm 9 tháng tù đối với Trương Văn Minh, SN 2008, ở quận Long Biên, Hà Nội bị cáo buộc đánh nam sinh N.H.Đ, sinh năm 2010, học sinh Trường THCS Việt Hưng chết não dẫn đến tử vong. Trước đó, TAND quận Long Biên tuyên mức án như đã nêu, đồng thời buộc bị cáo và người đại diện phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 1 tỷ đồng. Đáng nói, trong vụ án này, các học sinh đã có hành vi phạm luật chỉ vì mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt, có thể giải quyết bằng hoà giải.
Cụ thể, sau khi em trai là T.V.K, sinh năm 2012 kể lại việc bị một anh ngồi lên người và tát vào mặt gây thương tích, Trương Văn Minh đã đưa K ra khu vực sân đình Lệ Mật để tìm gặp, hỏi lý do. Tại đây, Minh tiến lại vị trí Đ đang đứng và hỏi: “Tại sao mày đánh em tao, mày đã xin lỗi nó chưa”. Minh dùng tay trái túm cổ áo, tay phải đấm trúng vào gò má trái làm Đ ngã xoay một vòng và ngã đập đầu xuống nền đá. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong vào ngày 21/5/2024, tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nguyên nhân chết của nạn nhân là do suy đa phủ tạng vì hậu quả của tổn thương chảy máu não.

Vụ án chưa kịp lắng xuống thì mới đây, tại tỉnh Hưng Yên đã xảy ra một vụ việc đau lòng. Người cháu ruột chỉ vì thường xuyên bị bà nội mắng vì mải chơi, không chịu học tập và hay đi chơi khuya mà đã nảy sinh ý định giết bà nội. Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Chu Thanh Tú (16 tuổi, ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã thuê Lê Gia Bảo (15 tuổi, trú tại Tây Ninh, là bạn quen biết nhờ chơi game) với giá 5 triệu đồng, chi trả toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống cho Bảo để cùng giết bà. Sau khi thực hiện hành vi giết và phi tang xác bà nội xuống đầm nước sau nhà, hai đối tương này châm lửa đốt nhà để xoá dấu vết. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã tạm giữ hình sự với hai đối tượng Tú và Bảo để điều tra về hành vi giết người. Điều khiến dư luận hoang mang bởi đối tượng gây án mới chỉ 15, 16 tuổi nhưng đã có hành vi máu lạnh, mất nhân tính với chính bà nội của mình.
Trước đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo N.Q.K (SN 2006) mức án 18 năm tù, N.H.Đ (SN 2008) mức án 11 năm tù và N.N.T (SN 2007) mức án 10 năm tù, cùng về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là 2 thiếu niên 16 tuổi. Vụ án xuất phát từ việc va chạm trên đường đi học về, K nhắn tin thách thức hẹn bạn cùng trường đánh nhau. Hôm sau, nam thanh niên này kéo thêm bạn bè, mang hung khí truy sát, khiến 2 nam sinh tử vong.
Một vụ việc khác xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội vào ngày 30/3, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ, triệu tập làm việc với gần 50 đối tượng liên quan, trong đó 21 người bị bắt khẩn cấp với hành vi “Gây rối trật tự công cộng.” Do nhiều đối tượng chưa đủ tuổi vị thành niên, cơ quan công an đang phối hợp với chính quyền địa phương để giáo dục, răn đe và phòng ngừa tái diễn hành vi vi phạm.
Theo đó, xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm, Phạm Thị Lan Anh (quê quán tại tỉnh Thái Bình) với Lê Văn Như Ngọc (trú tại Hà Nội) thách thức, hẹn nhau đến khu vực Nhà máy nước Phúc Đồng, phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) để giải quyết mâu thuẫn. Đối tượng Lan Anh huy động hơn 30 thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, chuẩn bị sẵn 2 thanh kiếm Katana và 1 dao quắm gắn tuýp sắt, di chuyển bằng 20 xe máy tập trung tại vòng xuyến Thanh Am (Long Biên). Đối tượng Như Ngọc cũng tổ chức một nhóm riêng gồm 40 thiếu niên từ 15-18 tuổi đi trên 20 xe máy đến “nghênh chiến” đối thủ. Quá trình di chuyển tìm “đối thủ”, các đối tượng trên điều khiển xe máy thành đoàn xe, hò hét, đi dàn hàng, vừa đi vừa bấm còi, rú ga, lạng lách đánh võng, đi tốc độ cao, gây mất an ninh trật tự.
Đến khoảng 22 giờ, ngày 26/3, cả 2 nhóm chạm mặt nhau tại khu vực vòng xuyến Thanh Am (Long Biên). Cùng thời điểm khi 2 bên đang hò hét, chửi bới và chuẩn bị lao vào ẩu đả thì cũng là lúc hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều mũi tấn công của Công an thành phố Hà Nội có mặt, nhanh chóng áp sát khống chế và bắt giữ.

Số liệu đáng quan ngại
Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên (gọi chung là người chưa thành niên - chưa đủ 18 tuổi) phạm tội ngày càng nhiều, đặc biệt là các tội phạm liên quan đến trật tự trị an, như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, ma túy, gây rối trật tự công cộng… Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ vi phạm. Số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hoá, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Người thành niên phạm tội gì thì hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội đó: Giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật, giao cấu trẻ em, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản… Thủ đoạn không còn đơn giản là sự bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị từ trước. Đáng chú ý, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng các thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm, có cả học sinh thực hiện hành vi phạm pháp như đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích…, thậm chí còn mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn, có nguy cơ gây ra các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Từ năm 2018 đến năm 2023, Công an TP Hà Nội đã phát hiện 858 vụ với 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, chiếm 3,4% tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra. Các số liệu thống kê của Công an TP Hà Nội cũng cho thấy, vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên đã tăng lên cả về số vụ và số lượng đối tượng phạm tội. Nếu như năm 2018, cơ quan chức năng phát hiện 100 vụ, 204 đối tượng thì đến năm 2023, con số này đã là 231 vụ với 1.390 đối tượng (tăng 642% so với năm 2018). Lo ngại hơn, hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Các loại tội phạm chủ yếu là giết người, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, giao cấu với trẻ em, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, sử dụng trái phép ma tuý... Số liệu thống kê cũng cho thấy, độ tuổi vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hoá: Dưới 14 tuổi: 67 đối tượng (2,1%); từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: 796 đối tượng (25,3%); từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: 2.287 đối tượng (72,6%). Như vậy, có thể thấy, có xấp xỉ 30% số đối tượng dưới 16 tuổi phạm tội.
Tại các tỉnh thành, xu hướng trẻ hoá tội phạm cũng được thể hiện rõ qua nhiều vụ xét xử. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra xét xử rất nhiều vụ án liên quan đến trẻ thành niên và vị thành niên. Hay tại Hòa Bình, hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của 6 thanh thiếu niên. Trong cả hai vụ, các nạn nhân đều chở ba trên xe máy và phóng với tốc độ cao, dẫn đến những kết cục thương tâm.
8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra 7 vụ phạm tội về trật tự xã hội do người trong độ tuổi vị thành niên (từ 14 đến dưới 18 tuổi) gây ra. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè (tháng 7- tháng 8/2024) xảy ra 2 vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Tại TP Cần Thơ, trong 10 tháng đầu năm 2024, xảy ra 11 vụ, 131 đối tượng thanh, thiếu niên thực hiện hành vi sử dụng vũ khí, hung khí đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…
Sự trẻ hóa tội phạm không chỉ phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức và giáo dục mà còn đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật và an ninh trật tự. Điều đáng lo ngại hơn là các hành vi phạm tội ngày càng có tổ chức và nguy hiểm hơn. Đây là một thách thức lớn cho công tác phòng chống tội phạm, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều phía. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong đó, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Những số liệu trên cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại về hành vi vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, quản lý và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.