Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian

Mai Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay, đưa chất liệu văn hoá dân gian trong các sáng tạo đang là xu thế và được giới trẻ sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Nổi lên như một kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn cho âm nhạc, thiết kế hội họa, đến phim ảnh, thời trang… chất liệu văn hóa dân gian đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đưa nét đẹp truyền thống dân tộc dần “tái sinh” trở lại.

Đa dạng sự sáng tạo

Hà Nội vốn là “cái nôi” của những không gian sáng tạo, với hàng trăm không gian sáng tạo, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau.

“Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ Tây Đông/ Con gái phú ông/ Tên là Mầu Thị/ Tâm tình ngoại ý/ Mãn nguyệt có thai/ Mời già trẻ gái trai/ Ra đình mà ăn khoán í a...”. Tiếng rao này đậm chất dân gian ở cả khía cạnh âm nhạc và văn hóa, là một hình thức truyền tin rất điển hình trong văn hóa làng xã xưa kia. Đây là một phần nằm trong ca khúc “Thị Mầu” (tác giả Nguyễn Hoàng Phong) do ca sĩ Hòa Minzy thể hiện. Câu hát với giai điệu khá  thu hút trong khi lời ca nói về nhân vật quen thuộc. Ngay việc khai thác nội dung, nhân vật và tác phẩm văn học cũng cho thấy đậm chất liệu dân gian trong ca khúc này. Hòa Minzy cho biết, cô đã có dự định làm âm nhạc mang màu sắc dân gian và kết hợp với các tích cổ của Việt Nam. Vì thế cô không áp lực khi phát hành Thị Mầu trong thời điểm thị trường đang có nhiều sản phẩm mang màu sắc văn hóa Việt Nam.

Với hơn 15 năm nghiên cứu và thực hành kiến trúc thuộc các lĩnh vực thiết kế, kiến trúc sư Lại Thành Tín đã có nhiều công trình lấy cảm hứng từ văn hoá dân gian nổi bật như: “Ngôi nhà nổi bật bởi kiến trúc “lai” Đông - Tây trên phố Ngọc Lâm”, “Ngôi nhà gắn liền với ký ức về người cha ở Hòa Bình”, Nhà hàng Le Gout de Gia, cải tạo biệt thự Pháp cổ 61 Văn Miếu... Anh chia sẻ: Những năm gần đây, những người trẻ có ý thức rất rõ việc đưa văn hoá và truyền thống vào các sáng tạo để hấp dẫn công chúng, trong đó đã có các sản phẩm được ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Văn hoá dân gian có sự liên hệ mật thiết với lịch sử và từng câu chuyện cụ thể. Khi sử dụng chất liệu dân gian vào sáng tạo mới, cần có sự chọn lọc chi tiết để đưa vào sáng tạo cụ thể, làm nổi bật ý tưởng của cá nhân.

Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian - ảnh 1
MV Thị Mầu của Hòa Minzy nhận được nhiều lời khen từ khán giả

Theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) nhưng lại đam mê văn hóa Việt, Nguyễn Thị Quỳnh Nga đã dấn thân vào ngành nghiên cứu văn hóa và phục dựng cổ phục Việt được hơn 3 năm. Không chỉ khôi phục, phỏng dựng cổ phục thời Nguyễn, Nguyễn Thị Quỳnh Nga - người sáng lập của Thủy Trung Nguyệt - một nhà may cổ phục có tiếng ở Hà Nội còn ấp ủ dự định mang những màu sắc trẻ trung, hiện đại kết hợp với cổ phục Việt nhằm phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng. Bên cạnh những hoa văn truyền thống, cô còn cho sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn mới, hợp “gu” với nhiều bạn trẻ hơn. Màu sắc của các bộ cổ phục được làm mới bằng các gam màu pastel nhẹ nhàng. Cho đến nay, sau 3 năm hoạt động Quỳnh Nga đã gặt hái được khá nhiều thành công trên con đường chinh phục các giá trị văn hóa Việt của mình. Hiện, Quỳnh Nga vừa là người sáng lập Thủy Trung Nguyệt vừa là đồng sáng lập Đại Nam Chân Ảnh - hai nhóm nghiên cứu cổ phục Việt thời Nguyễn.

Kho tàng cảm hứng hấp dẫn

Chất liệu văn hóa dân gian là kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn cho các nhà sáng tạo ở các lĩnh vực, từ âm nhạc, thiết kế, hội họa, đến phim ảnh, thời trang... Các sáng tạo từ văn hóa dân gian đi vào cuộc sống, góp phần làm “hồi sinh” nét đẹp truyền thống dân tộc.

Nguyễn Thị Quỳnh Nga - người sáng lập của Thủy Trung Nguyệt chia sẻ: Trang phục vừa phản ánh giá trị vật chất của xã hội đương thời, vừa thể hiện đời sống tinh thần, mang hơi thở của thời đại. Với Việt Nam, ngoài áo dài, chúng ta còn có áo Nhật Bình, tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh... Những tấm áo còn “nằm trong rương”, chờ đợi hé lộ cả một thời kỳ phong kiến. Đó là kho tàng chất liệu tuyệt vời để tạo ra những sáng tạo mang tính thời đại.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang cho rằng, kết hợp sáng tạo trong nghệ thuật không phải đưa nguyên cái có sẵn vào tác phẩm, mà phải chắt lọc, tìm cái tinh túy đưa lên một tầm cao mới để khán giả thấy được cái hay, cái đẹp của cái cũ trên tinh thần cái mới. Ở lĩnh vực nào cũng vậy, luôn cần  người sáng tạo dấn thân cho những sáng tạo mới, dám đi con đường đầy thử thách để tạo nên các không gian mới. Còn ông Nguyễn Việt Nam, nhà sáng lập Tired City về hoạt động hỗ trợ và phát triển nghệ thuật sáng tạo chia sẻ, văn hóa dân gian trong góc nhìn mới, câu chuyện mới, cách thể hiện mới không chỉ tác động khiến công chúng thêm yêu lịch sử, văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra những sản phẩm đặc sắc, định hình văn hóa Việt Nam cách rõ nét nhất trong thời hội nhập.

Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian - ảnh 2
Cổ phục Việt ngày càng được giới trẻ quan tâm

Nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc và nhân bản của Hà Nội là mảnh đất hứa hẹn đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thêm vào đó, hầu hết các giá trị văn hóa truyền thống còn chưa được khai thác, hoặc mới được khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đi vào chiều sâu. Điều đó có nghĩa còn rất nhiều “dư địa” để những người trẻ khai phá, lựa tìm và đầu tư sáng tạo.

Những năm qua, hoạt động khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nói riêng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…”. Đây là định hướng quan trọng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa phát triển. Nhiều đề án về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ ban hành như: Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030…

Sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa ngày càng nhiều và đa dạng. Để thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới, cùng với việc quán triệt sâu sắc hơn quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí của văn hóa, của khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội, cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy khởi nghiệp văn hóa phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các startup đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho các startup đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa thành công, góp phần thúc đẩy, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa trên nền tảng của văn hóa dân gian.

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

(PNTĐ) - Marwa Al-Mamari, một kỹ sư hàng không vũ trụ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), không chỉ đạt được thành tựu cá nhân đáng nể mà còn đang nỗ lực truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ trong khu vực theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEM).
Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

(PNTĐ) - Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết tới là nơi duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, thương hiệu của làng nghề ngày càng được khẳng định.
Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

(PNTĐ) - Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội chuyển biến ngày một phức tạp là một thách thức cần có những giải pháp tổng thể.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

(PNTĐ) - Đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất ngày càng phát triển cả về lượng và chất, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm… Những thành quả ấy đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, cho thấy sự đúng đắn trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.