Đừng biến con thành tội phạm vì... thương mẹ

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Để bảo vệ tôi khỏi trận đòn của chồng, tuần trước, con trai tôi xô ngã cha nó, còn tuần này, nó đã đấm ông ấy một cái. Tôi không muốn con trai tôi bất hiếu với cha nó chỉ vì thương mẹ…” – người phụ nữ khổ tâm nói.

Kể về cuộc hôn nhân đến thời điểm này đã gần 18 năm, ánh mắt của người phụ nữ rưng rưng. Nỗi tủi hờn trào lên trong suốt cuộc nói chuyện của chị ở phòng tư vấn. 18 năm nhìn lại, số năm sống hạnh phúc của chị chẳng là bao mà chủ yếu là bất hạnh. Nhưng như chị nói, dù biết là bất hạnh mà vẫn không thể buông bỏ, bởi hai đứa con cần gia đình, cần có bố có mẹ sống bên cạnh.

Trong suy nghĩ của chị, đối với các con, không có gì bằng là được sống trong một gia đình đầy đủ bố mẹ. Bởi chị chứng kiến ngoài kia, rất nhiều đứa trẻ trở nên hư hỏng, bị bạo hành, bị xâm hại chỉ vì gia đình đổ vỡ, bố mẹ tái hôn, phải sống cùng bố dượng, mẹ kế không thương con riêng của bạn đời. 

Chị sinh ra ở Ba Vì (Hà Nội), học hết cấp 3 thì theo người chị họ xuống phố học nghề nấu ăn. Học xong, chị xin vào làm trong một nhà hàng ăn uống, gặp gỡ rồi kết duyên với anh chàng pha chế đồ uống của nhà hàng. Sau khi cưới, vợ chồng chị được bố mẹ hai bên dồn cho một số vốn để mở cửa hàng làm ăn riêng. Tích lũy được chút kinh nghiệm mấy năm đi làm, cùng với tay nghề vững nên quán bán đồ uống, ăn nhẹ của vợ chồng chị bán khá đắt hàng. Kinh tế gia đình được cải thiện theo. 

Chị mang thai rồi sinh con trai đầu lòng. Cứ ngỡ, hạnh phúc có sự gắn kết của con cái sẽ tăng thêm, ai ngờ cuộc sống hôn nhân lại gập ghềnh kể từ khi anh chị gánh vác vai trò làm cha, làm mẹ. Con trai chưa đầy năm thì chị vỡ kế hoạch có thai ngoài ý muốn. Hai đứa con sinh gần nhau, ốm đau liên miên khiến hai vợ chồng quay cuồng giữa công việc làm ăn với con cái. Chị chẳng đủ thời gian và sức khỏe để vừa chăm sóc hai đứa con, vừa cùng chồng quản lý công việc làm ăn.

Cuối cùng, anh chị bàn nhau để vợ rút về chăm sóc con cái, còn chồng quản công việc làm ăn. Thời điểm đó, chị nghĩ đó là giải pháp phù hợp, nhưng không ngờ đó lại là nguyên nhân khiến tổ ấm của chị ngày càng chông chênh hơn. 

Không có vợ cùng sát cánh quản lý, công việc làm ăn của chồng chị ngày càng sa sút. Quán dần vắng khách, thua lỗ kéo dài, cuối cùng phải đóng cửa. Chồng chị nghe theo sự tư vấn của bạn bè đi tìm công việc khác để làm. Tuy nhiên, quen kiểu làm ăn tự do không ai quản lý nên chồng chị chẳng thể thích nghi với những môi trường làm việc có kỷ luật chặt chẽ. Vậy nên công việc nào anh cũng chỉ làm vài tháng rồi nghỉ. Công việc không ổn định đồng nghĩa với kinh tế bất ổn theo. Bao nhiêu tiền tiết kiệm chị dành dụm được trong thời gian quán làm ăn được cũng dần hết, cuộc sống khó khăn bủa vây, mâu thuẫn vợ chồng theo đó nảy sinh ngày một nhiều. 

Đừng biến con thành tội phạm vì... thương mẹ - ảnh 1
Minh họa sưu tập

Thời điểm hai đứa con, đứa lên 6 đứa lên 5, cuộc hôn nhân của họ bị đẩy đến bờ vực đổ vỡ vì chồng chị chạy theo một người phụ nữ khác. Theo như lý giải của chồng chị, người phụ nữ đó là “cứu tinh” của đời anh, là “ân nhân” của gia đình họ. Vì chị ta đã cho anh công việc, trả thu nhập hậu hĩnh; còn trong mắt chị và mọi người thì chị ta đang bao nuôi chồng chị. Bởi kèm với công việc và thù lao hậu hĩnh đó, đổi lại chồng chị phải đáp ứng lại tình cảm cho người phụ nữ đó. 

- Một tháng 30 ngày thì 27 ngày chồng tôi ở với chị ta, 3 ngày về với vợ con nhưng chẳng vui vẻ gì. Tiền bạc anh mang về cho vợ con cũng chẳng được là bao – chị kể.

Không cam chịu kiếp chồng chung, chị quyết tâm kiếm việc làm để có thu nhập lo cho gia đình, mong muốn kéo chồng về bên vợ con, từ bỏ công việc  đang làm với người phụ nữ đó. Nhưng kể cả khi chị tìm được công việc, kiếm được tiền lo cho cuộc sống của ba mẹ con, thì chồng chị vẫn không vì thế mà quay về với gia đình. Anh ta thậm chí còn nghe lời người phụ nữ đó ruỗng rẫy vợ con, bắt chị ký vào đơn ly hôn.

Tuy nhiên, chị không có ý định ly hôn, ngược lại kéo mọi người làm đồng minh giúp mình giữ cuộc hôn nhân này, với mục đích bảo toàn gia đình cho các con. Do đó, hai lần chồng làm đơn ly hôn phương ra tòa, chị đều dùng mọi cách để chứng minh với tòa rằng, đó là ý nghĩ chủ quan của một người chồng đang bị tình cảm ngoài luồng làm lu mờ lý trí. Chị lấy lợi ích của hai đứa con nhỏ để tòa đứng về phía mình và cho họ tiếp tục hòa giải để cứu vãn hôn nhân. 

Người phụ nữ đó ở bên chồng chị tầm 3 năm thì lửa tình nguội lạnh. Chị ta cũng dần thấy rõ bản chất của người đàn ông chỉ biết lợi dụng phụ nữ nên “đá” chồng chị không một chút lưu luyến. 

- Mối quan hệ tình cảm bất chính ngoài luồng đó cuối cùng cũng chấm dứt. Tôi cứ nghĩ chồng sẽ quay về toàn tâm với vợ con, để gia đình hạnh phúc êm ấm trở lại. Thế nhưng không ngờ, anh ta quay về đổ lỗi cho tôi làm cho cuộc đời anh ta không còn “chỗ dựa”, tiền bạc không có tiêu xài thoải mái như trước, sống bần hàn, không có thanh thế gì. Để trút giận, anh ta bạo lực tôi hàng ngày – chị kể trong nỗi đau khổ. 

Dù bị chồng bạo lực nhưng chị vẫn cam chịu vì mục đích mà chị kiên trì theo đuổi là bảo toàn gia đình, không ly hôn. Chị cho rằng để có được điều đó thì giá nào chị cũng chấp nhận. Tuy nhiên, điều mà chị không ngờ được là sự phản ứng của đứa con trai 16 tuổi. Từ lúc anh quay về và có hành vi đánh đập hành hạ chị, nó thường xuyên cãi lại bố để bảo vệ mẹ. Thậm chí có những lần nó ngang ngược thách thức bố nó bằng việc đập phá đồ đạc trong gia đình.

Chị kể, gần nửa năm nay, chồng chị thêm chứng nghiện rượu, cứ uống say là đè vợ ra đánh đập nhiều hơn. Con trai chị vì bảo vệ mẹ mà đã có hành động “bất hiếu” với bố. Có lần nó xô ngã bố khi say, có lần đấm vào lưng, đạp vào chân… người bố đang hăng máu đánh mẹ nó. Chị biết con bảo vệ mình nhưng không mong muốn nó trở thành đứa con hỗn láo, bất hiếu với đấng sinh thành. Lo sợ con trai ngày một tái diễn nhiều hơn hành vi bất hiếu đó, chị tìm đến phòng tư vấn tìm hướng tháo gỡ. 

Đừng biến con thành tội phạm vì... thương mẹ - ảnh 2

Chúng tôi nói với chị hãy xem hôn nhân như một chuyến tàu mà chị đã mua vé để đi. Khi tàu chạy, chị nhận ra mình đã mua nhầm vé. Như vậy, chị hãy xuống tàu ở ga kế tiếp để mua tấm vé khác lên đúng chuyến tàu chạy đúng tuyến mà mình cần đến. Chị không nên cố chấp ngồi lại trên chuyến tàu đã lên sai ga đến ấy. Đây chính là việc xác định lại tư tưởng, xác định đúng ý nghĩa của cuộc sống đích thực mà chị cần hướng đến cho bản thân cũng như cho các con của mình. Chị đã sai lầm khi cố chấp níu giữ một cuộc hôn nhân chỉ còn cái vỏ và một gia đình không được xây dựng trên nền tảng yêu thương. Chồng chị bây giờ không xem vợ là người để yêu thương, trân trọng mà là chỗ để hành hạ trút vào đó tất cả những bất mãn của cuộc đời anh ta. Chị không còn tình cảm với chồng nhưng vẫn cam chịu để có chồng trên danh nghĩa. 

Và điều đặc biệt hơn là hai đứa con của chị, việc sống trong một gia đình không hạnh phúc, không có tình yêu thương, chỉ có bạo lực, căm hận, chán ghét, sợ hãi… vô cùng nguy hiểm đối với chúng. Những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực gia đình sẽ bị ảnh hưởng đến tích cách, lớn lên có xu hướng lệch lạc suy nghĩ, bạo lực với những người xung quanh, hoặc khép mình tự ti, mặc cảm.

Con trai chị đang bộc lộ rõ sự ảnh hưởng đó bằng những hành vi “bất hiếu” với bố đẻ như chị đã thấy. Hôm nay, để bảo vệ mẹ, nó xô ngã bố, đấm ông ấy, nhưng ngày mai, nó có thể phát tiết hành vi nặng hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng của bố nó. Bấy giờ, nó vô tình biến thành thủ phạm mưu sát bố đẻ. Câu chuyện những đứa con bảo vệ mẹ mà trở thành thủ phạm giết cha mình đã xảy ra trong thực tế. Nếu chị vẫn tiếp tục cuộc sống cam chịu như vậy, bi kịch đó có thể sẽ có nguy cơ tái diễn đối với gia đình chị. 

Ly hôn không phải là điều tồi tệ đối với hoàn cảnh gia đình chị lúc này, thậm chí đó còn là giải pháp tốt nhất để mẹ con chị tìm lại cuộc sống không bạo lực. Một gia đình tuy không đầy đủ bố mẹ nhưng thay vào đó mẹ con chị vẫn có thể sống hạnh phúc hơn là chịu đựng những bất hạnh như thời gian qua. Và, con trai chị sẽ không phải rơi vào tình thế bảo vệ mẹ mà ra tay với bố.  

Đừng che giấu bạo lực bằng sự cam chịu, đừng dùng nó như một sự đánh đổi hy sinh vì con. Bởi bạo lực luôn mang đến bất hạnh, là điều cần ngăn chặn và xóa bỏ trong gia đình, chị phải hiểu rõ điều đó thì mới cho con một mái ấm thật sự. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì bị vợ quản

Khổ vì bị vợ quản

(PNTĐ) - Hôm nay là ngày anh Toàn và vợ chính thức ra tòa ly hôn, dù vợ anh trước đó vẫn khăng khăng mình yêu chồng, làm tất cả vì chồng vì con. Còn anh Toàn dẫu không phải đã cạn tình với vợ, song anh không thể chịu đựng thêm cái tính “quản phu” gắt gao của vợ mình.
Nếp nhà Việt tại Úc

Nếp nhà Việt tại Úc

(PNTĐ) -Em sinh ra ở Úc vào 14 năm về trước. Em rất thích cái tên Việt Nam mà ông bà ngoại đặt cho em - Việt Hải. Ông bà đặt tên này cho em với mong muốn em luôn nhớ về đất nước Việt Nam và quê hương Hải Phòng, nơi bố mẹ em sinh ra.