ĐỪNG MƠ MỘNG NHƯ Ở TRÊN PHIM

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chàng trai ấy gọi điện đến văn phòng tư vấn tâm lý, hỏi các chuyên gia tư vấn rằng mình đã sai ở đâu, tại sao anh ta hết lòng lo cho bạn gái đang làm nghề “phục vụ đàn ông”, vậy mà cô ta lại chặn hết mọi kênh liên lạc, từ điện thoại, zalo đến facebook? Tại sao cô ấy vẫn nhận tiền trợ cấp của anh, hứa sẽ “chuyển nghề”, vậy mà hết tháng này đến tháng khác, cô ấy kiếm lý do để tiếp tục được “làm nghề cũ”? Như thế này thì bao giờ mối quan hệ của anh ấy và cô gái mới “ra hoa kết trái”, tức là tiến tới kết hôn?

Người đàn ông ấy năm nay gần 40 tuổi, vất vả từ thời thơ bé, nhưng bây giờ có cuộc sống kinh tế ổn định, thậm chí có thể gọi là khá giả nhờ kinh doanh đồ cổ. Mẹ anh mất sớm, có mấy người anh đều đã có vợ, có con, ở riêng. Một mình anh hiện nay sống và chăm sóc, nuôi dưỡng người cha già gần 80 tuổi. Khi được hỏi về lý do muộn kết hôn, anh nói rằng hồi còn trẻ thì mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, sau này lại lao vào kinh doanh, làm ăn, nên không để ý đến việc “tán gái”. Thấm thoắt đã gần 40, anh bị cả gia đình thúc giục chuyện vợ con, bạn bè thì nghi vấn về giới tính của anh hoặc cho rằng anh có bệnh gì đó liên quan tới cuộc sống nam nữ, nên anh mặc cảm, không dám lấy vợ. Riêng anh, anh nói anh hiểu bản thân, chỉ là muộn lấy vợ chứ anh không quên và cũng “không bị gì cả”.

ĐỪNG MƠ MỘNG NHƯ Ở TRÊN PHIM - ảnh 1
Ảnh minh họa

Anh quen với “cô bé” sinh năm 1999 ấy khi anh đi “vui vẻ chút xíu” cùng bạn bè sau một buổi liên hoan có “công đoạn Z”. Cô bé ấy xinh xắn, trắng trẻo, nét mặt hiền lành, ngượng ngùng, do mới vào nghề. Cô vừa được người ta dẫn vào, người đàn ông này đã có cảm tình, nhưng anh “không làm gì” mà chỉ đóng cửa, ngồi tâm sự cùng cô. Anh hỏi về quê quán, tuổi tác, học hành, hoàn cảnh gia đình. Cô kể nhà cô nghèo, ở một huyện miền núi của một tỉnh trung du. Học xong lớp 12 thì cô theo người quen xuống Hà Nội kiếm việc làm thuê. Cô đã trải qua khá nhiều nghề, từ việc trông quán cà phê, quán nét, được trả công theo giờ, đến việc phục vụ quán ăn cả ngày, trông coi siêu thị mini theo ca. Nghề nào cô thấy cũng không hợp, hoặc thu nhập thấp, hoặc bấp bênh. Có một chị cùng xóm trọ giới thiệu cho cô vào nghề “dịch vụ vui vẻ” này, ban đầu chỉ là bật nắp chai bia, rót bia rượu cho khách, ngồi cạnh khách để khách “ăn uống cho có hứng khởi”. Lương phục vụ không cao, nhưng thường được khách cho tiền, nên thu nhập hơn hẳn những nghề trước cô đã làm. Cô cũng thật thà kể rằng cô chưa có người yêu, cô cũng mới “tập tọe” tiếp khách đàn ông, chủ yếu những hôm khách đông, đòi hỏi nhiều mà chủ không kịp điều động nhân viên từ những cơ sở liên kết khác thì cô mới bị bố trí “đi khách”. Cô khoe những chị khác làm lâu rồi, khéo léo, nên được nhiều khách cho tiền, thu nhập khá lắm. Cô thì tháng có hơn chục triệu, lại phải gửi về cho bố mẹ ở quê 7 triệu, còn lại cô chi tiêu tằm tiện cho bản thân. 

ĐỪNG MƠ MỘNG NHƯ Ở TRÊN PHIM - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hôm đó người đàn ông, tuy không làm gì, nhưng cũng cho cô gái tiền và hứa sẽ còn quay trở lại. Những lần sau có đến, anh cũng gọi đích danh cô gái trẻ ấy, lại tâm sự, rồi cho quà, rồi khuyên nhủ cô gái bỏ nghề để làm một nghề nào đó hay hơn, nếu có khó khăn về kinh tế, anh hứa sẽ hỗ trợ cô tối đa. Cô hứa với anh rằng cô sẽ không nhận đi khách, chỉ phục vụ bia rượu cùng khách thôi, đổi lại, mỗi tháng anh sẽ cho cô 7 triệu để gửi về cho bố mẹ như mọi khi, bởi không đi khách, cô sẽ thu nhập thấp hơn. Trở thành thông lệ, tuần nào anh cũng đến gặp cô 1 đến 2 lần, mang theo túi quà to để cô mang về nhà trọ ăn uống cho có sức khỏe. Anh cũng cho cô tiền đều đặn, thỉnh thoảng cô xin phép chủ nghỉ một ngày đi chơi, ăn uống cùng anh. Anh tỏ tình với cô, nhưng cô nói để suy nghĩ vì anh chỉ kém bố cô vài tuổi. Anh bảo cô đừng ngại, yêu anh và lấy anh, cô sẽ có cuộc sống đỡ vất vả, anh sẽ cùng cô lo cho cuộc sống của bố mẹ ở quê. Anh nói muốn cô đi học nghề làm đầu, trang điểm, cắt tóc gội, rồi sau này lấy nhau, anh sẽ mở cho một “hiệu làm đầu” mà hành nghề. Cô đòi anh đưa cho 60 triệu để đăng ký khóa học trong Sài Gòn, cô sẽ vào đó học cho chuyên tâm, bao giờ học xong sẽ trở ra, nhưng anh không đồng ý với lý do ở đâu cũng học được. Tiền anh cho cô vẫn lấy, quà anh cho cô vẫn cầm, rủ đi ăn, đi chơi cô vẫn đi, nhưng có mỗi chuyện hứa bỏ nghề thì cô nấn ná. Cô nói anh cho cô xin 1, 2 năm làm thêm “nghề này” vì cô còn trẻ, chưa vội lấy chồng. Anh không đồng ý, vì anh biết nghề này dễ sa ngã. Hơn nữa anh cũng muốn kết hôn vì anh gần 40 rồi, cô cũng 23, đâu còn quá trẻ. Hai người hay xích mích về vấn đề này. Anh ép thì cô dỗi hờn, đòi chia tay, chặn số điện thoại. 

Cách đây ít ngày, do cô bướng bỉnh không chịu bỏ nghề, lại vẫn tiếp khách, nên anh tức giận. Trong lúc nghĩ quẩn, anh đã gọi điện thoại về cho bố mẹ cô ở quê. Tuy chưa gặp mặt, nhưng hàng tháng anh vẫn gửi tiền cho bố mẹ cô, nên có số điện thoại để thông báo cho họ biết, sau khi anh chuyển tiền xong. Anh mách tội con gái họ, rằng cô ấy làm nghề không đứng đắn, kiếm tiền của đàn ông, chứ không phải đi làm công ty như cô ấy vẫn nói với họ. Anh cũng nói luôn rằng mấy tháng gần đây anh phải cho cô ấy tiền để gửi về cho bố mẹ, với mong muốn cô ấy không phải bị sức ép đồng tiền mà phải duy trì công việc hiện tại. Anh cũng kể anh yêu thương con họ, muốn mang lại cho cô hạnh phúc, nhưng anh không nói mình bao nhiêu tuổi, để mọi sự… về sau mới kể. Anh cũng muốn nhờ bố mẹ cô gái tác động, khuyên ngăn con gái mình không tiếp tục làm nghề hiện tại, đi học nghề khác do anh bố trí và hỗ trợ tài chính. Họ cảm ơn anh, xin lỗi anh vì con họ “không xứng đáng” với tình cảm anh dành cho con gái họ. Họ cũng sốc khi biết sự thật. Chắc sau đó họ gọi điện mắng con gái họ, khiến cô gái tức giận vì đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của cô khi “chưa phải là gì của nhau”. Cô gái chặn điện thoại, zalo, facebook và nói với bảo vệ chỗ làm là ngăn cản không cho anh đến gặp cô ấy nữa. Chàng trai thất vọng, không hiểu tại sao mình làm việc tốt lại bị đối xử bất công, nên đã tìm đến tư vấn tâm lý là vậy.

ĐỪNG MƠ MỘNG NHƯ Ở TRÊN PHIM - ảnh 3
Ảnh minh họa

Dù có chút cảm động với những việc làm của chàng trai 40 tuổi với cô gái trẻ làm nghề phục vụ đàn ông, nhưng các chuyên viên tư vấn không muốn vuốt ve, khen ngợi “lòng tốt” của anh chàng muộn vợ này, sợ anh tưởng thật, rồi không chịu nhìn trước, ngó sau. Chúng tôi khẳng định với chàng trai rằng mối quan hệ của anh và cô gái kia chưa phải là tình yêu. Việc một người đàn ông đi “vui chơi giải trí”, rồi gặp một cô gái, thương cô ấy, có ý định cứu vớt cuộc đời cô ấy, rồi hai người nảy nở tình yêu, rồi đến với nhau bằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc thường có ở trong phim ảnh hay trên sân khấu, chứ ngoài đời “cực hiếm”. Nhìn đại thể, hai người không có bất cứ điểm gì chung. Tuổi tác thì chênh lệch, hoàn cảnh xuất thân và cuộc sống hiện tại khác nhau như cá sông với chim trời. Việc thương cô gái trẻ, vì nghèo khó mà phải làm cái nghề “phục vụ”, chỉ là tình thương. Việc cô ấy làm nghề này không phải do nghèo khó hay hoàn cảnh đưa đẩy, mà là sự lựa chọn. Cô ấy cũng đã thử sức với nhiều nghề khác nhau, nhưng đều chê thu nhập thấp và bấp bênh, vất vả. Cô ấy không muốn đổi nghề mà người khác cứ ép cô ấy phải đổi thì vô lý, nhất là người đàn ông lớn tuổi, đáng tuổi cha chú cô ấy. Việc anh có lòng tốt, cho tiền, tặng quà, cô ấy cứ nhận, nhưng không vì thế mà phải chấp nhận điều kiện anh đưa ra. Cô ấy nấn ná, xin anh để cô ấy làm nghề thêm một thời gian là cách nói thẳng rằng “tôi không muốn bỏ nghề này”. Việc coi nghề này là xấu hay tốt, phụ thuộc vào giá trị sống của mỗi con người. Chưa chắc cô ấy đã thấy mặc cảm, xấu hổ vì làm nghề, mà còn cho rằng nó phù hợp với mình, bởi đây là nghề nhẹ nhàng, thu nhập cao. Việc đổi nghề, đi học, mở cửa hiệu và chung sống với anh chỉ là con đường anh vẽ ra, chứ không phải là con đường cô ấy muốn đi. Một người đàn ông thật thà, tốt nết, có cách nhìn cuộc sống khá chỉn chu, mực thước, như anh, chắc chắn khó mà hòa hợp, vui vẻ, hạnh phúc với cô gái trẻ này. 

Vì vậy, gần 40 tuổi rồi, anh phải suy nghĩ và hành động thực tế một chút. Phải biết mình cần một người phụ nữ đồng hành với mình như thế nào. Người vợ tương lai có thể kém anh vài tuổi, có thể chưa hoặc đã kết hôn, nhưng chắc chắn phải là người phụ nữ trưởng thành, chín chắn, khát khao có cuộc sống gia đình, biết đối xử tử tế với mọi người, biết cùng người đàn ông vun vén cho cuộc sống lứa đôi, người sẵn sàng làm mẹ bởi người chồng cũng 40 tuổi rồi. Tuổi 40 đừng mơ mộng nữa. Hãy để cô ấy tự trốn, tự xa lánh. Nếu một thời gian nữa bình tâm suy nghĩ hoặc nhận ra lòng tốt của chàng trai, cô ấy sẽ chủ động liên lạc hoặc phát tín hiệu. Còn nếu không, hãy để mối quan hệ này tự chấm dứt! 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.