ĐỪNG TỰ LÀM TỔN THƯƠNG MÌNH NỮA

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) -Người phụ nữ ấy ly hôn hai năm rồi, nhưng vẫn ở với chồng cũ vì ngại chia nhà, vẫn chung sống như vợ chồng vì hy vọng sẽ có lúc anh ấy nghĩ lại. Nhưng suốt hai năm ấy, chị sống như trong ngục tù bởi bị coi thường, hành hạ về tinh thần.

Chồng chị vẫn quan hệ với những người phụ nữ khác nhau, vẫn thích về thì về, không thì ngủ ở ngoài. Gần đây chồng chị qua lại với một cô tới mức đã dự định kết hôn. Chị lo lắng chuyện này sẽ xảy ra thật sự, và đã gặp cô kia nói rằng không nên thế, chị bị cô kia nói thẳng vào mặt: “Chị không có quyền can thiệp vào chuyện tình cảm của chúng tôi, chị và anh ấy ly hôn rồi mà, người dưng thôi!”. Đến như thế mà chị vẫn muốn hỏi các chuyên viên tư vấn tâm lý rằng chị có nên chờ đợi, cam chịu nữa hay không? Dưới đây là câu chuyện của người phụ nữ ấy.

ĐỪNG TỰ LÀM  TỔN THƯƠNG MÌNH NỮA - ảnh 1
Ảnh minh họa

… Em lấy chồng năm 24 tuổi, chồng em 26 tuổi. Hiện nay em 34, chồng 36. Chúng em có 2 con, con gái đầu 9 tuổi, con trai 7 tuổi. Cả hai vợ chồng em đều là dân tỉnh lẻ, lên thành phố làm ăn, sinh sống, gặp nhau, yêu nhau và cưới nhau tự nguyện. Chồng em là dân kỹ thuật, hiền lành, nhưng thông minh và giỏi làm ăn, nên từ lúc lấy nhau ở nhà thuê đến giờ chúng em đã có nhà riêng, giá cũng vài tỉ. Anh ấy thương vợ, yêu con, có hiếu với bố mẹ đôi bên, ai cũng yêu quý và ghen tỵ với hạnh phúc của em.

Vậy mà tại em, em đã làm gia đình sụp đổ. Em vướng vào mối tình ngoài luồng, do quen biết trên mạng internet. Lúc đầu nói chuyện, hỏi thăm nhau cho vui. Dần dần hai bên thường xuyên nhắn tin, chat chít qua lại, chia sẻ tâm sự về cuộc sống của nhau, rồi em nảy sinh tình cảm với người này. Chúng em hẹn gặp nhau một hai lần đi uống nước và có một lần “trót dại” vào nhà nghỉ. Em vướng vào mối tình sét đánh, nên mụ mẫm đầu óc, không nhớ rằng chồng em là kỹ sư trong lĩnh vực viễn thông, nên kỹ thuật trong tay anh ấy. Việc em nhắn tin, hẹn hò, đi uống nước, đi nhà nghỉ, chồng em đều biết, anh ấy có đủ trình độ kỹ thuật để cài đặt định vị, giám sát theo dõi, bẻ khóa mọi tài khoản zalo, facebook của em. Em nhắn tin ở điện thoại của em mà chồng em đọc được trên điện thoại của anh ấy. Chỉ một lần duy nhất trót dại, chồng em không tha thứ, tự viết đơn ly hôn, yêu cầu em ký, nếu không sẽ họp gia đình và công bố sự thật. Em quỳ xuống cầu xin anh ấy cho em cơ hội sửa chữa lỗi lầm, đừng bắt em ly hôn vì bố mẹ em già, con em còn nhỏ, nhưng anh ấy vẫn kiên quyết “nói không”. Chúng em ra tòa, tòa phân chia em nuôi con nhỏ, anh ấy nuôi con lớn, tài sản tự phân chia, không nhờ tòa. Mọi việc diễn ra âm thầm, nhanh gọn, cứ như trong một giấc mơ.

Ly hôn xong, anh ấy và em vẫn ở nhà chung, con cái vẫn sống cùng nhau, em vẫn lo cơm nước cho cả gia đình. Hàng tháng anh ấy nộp 5 triệu đồng, coi như tiền ăn của anh ấy và đứa con gái. Chúng em vẫn duy trì quan hệ vợ chồng, tất nhiên thưa thớt và nhạt nhẽo hơn trước, đặc biệt là từ phía anh ấy. Em cố sống như chưa từng có cuộc ly hôn, hy vọng sự tổn thương của anh ấy sẽ nguôi ngoai, anh ấy sẽ nhìn nhận lại vấn đề, không căm hận em nữa, sẽ cùng em xây dựng mái ấm gia đình cho các con. Nhưng mọi việc không diễn ra như em mong đợi.

Hai năm qua, anh ấy vẫn ở nhà, trước mặt nhiều người, chúng em vẫn là vợ chồng. Nhưng anh ấy đã công khai quan hệ với nhiều người phụ nữ khác nhau, trẻ có, già có, chưa chồng cũng như đã có chồng rồi. Em không dám nói gì vì vẫn mặc cảm tội lỗi của em trong quá khứ. Anh ấy thích thì về ăn cơm, không thì đi qua đêm, thậm chí đi vài ngày. Tối nào em cũng thấp thỏm xem tối nay anh có ăn cơm nhà, có ngủ nhà hay không. Con em còn ít tuổi mà cũng đã hỏi “hình như bố có bạn gái ấy mẹ ạ, bố hay nói chuyện tình cảm với các cô ấy lắm, câu đầu tiên bao giờ bố cũng nói “em à”, rất ngọt ngào”. Em cứ phải nói lảng tránh để các con không để ý, nhưng lòng em đau.

ĐỪNG TỰ LÀM  TỔN THƯƠNG MÌNH NỮA - ảnh 2
Ảnh minh họa

Từ trước Tết Nhâm Dần, chồng em quen với một người con gái, trẻ hơn em vài tuổi. Anh ấy đã dẫn cô ấy về nhà chơi, không giới thiệu với em, nhưng đưa cô ấy đi thăm nhà, đưa vào phòng của anh ấy. Sau này em tìm hiểu, được biết cô gái này đã có chồng, nhưng vợ chồng cũng đang mâu thuẫn, sống gần như ly thân. Chồng em yêu cô ấy và dự định chờ cô ấy ly hôn chồng là họ sẽ lấy nhau. Từ ngày quen cô ấy, tuần một hai lần anh ấy không ngủ ở nhà, lâu lâu lại đi công tác vài ngày và em biết đi cùng cô ấy. Em tủi thân khi em đang là người sống cùng, phục vụ bố con anh ấy, mà bị coi thường, trong khi dành tình cảm cho một người phụ nữ đang có chồng, còn chấp nhận đợi cô ấy ly hôn. Em lo lắng đến một ngày chồng em lấy vợ, em sẽ sống ra sao? Không lẽ vẫn chung nhà? Em sẽ nói với các con thế nào? Vì lo lắng, nên em đã hẹn gặp cô gái kia, khuyên can cô ấy đừng yêu chồng em vì anh ấy chỉ là buồn chán mà cặp bồ thôi, chứ không yêu thương thật lòng đâu, anh ấy vẫn đang sống với gia đình. Cô gái kia mắng em, nói rằng em không có quyền can thiệp vào mối quan hệ của cô ấy và anh, bởi “chị chẳng là cái gì cả”.

Dù rất cảm thông với người phụ nữ trẻ, các chuyên viên tư vấn tâm lý vẫn phải nhắc chị ấy rằng chị đang tự làm tổn thương mình, chứ người khác không có lỗi. Không nói về chuyện quá khứ, về sai lầm của chị dẫn tới sự đổ vỡ hôn nhân, bởi có nói cũng không thể “rút kinh nghiệm” được nữa. Điều chị ấy không nhớ, hoặc cố quên là việc hai người đã ra tòa, đã ly hôn, tức là về mặt pháp lý, họ không còn là vợ chồng. Việc sau ly hôn họ vẫn chung sống là sự tự nguyện, sự tự thỏa thuận của cả hai, chứ không có nghĩa là bản án ly hôn kia đã thay đổi. Việc người chồng kiên quyết không tha thứ cho sự phản bội của vợ thể hiện sự nghiêm túc, nhưng có phần cứng nhắc của anh ấy. Theo như chị kể, anh chồng là người đàn ông mẫu mực, cho nên khi phát hiện lỗi lầm của vợ, anh đã sốc nặng và không thể tha thứ, quyết tâm chia tay bằng được.

Việc người vợ cố ở lại ngôi nhà cũ, chăm sóc chồng cũ và các con, hy vọng anh ấy sẽ thay đổi… là hy vọng mong manh. Việc anh ấy vẫn ăn ngủ tại nhà, vẫn thỉnh thoảng “sinh hoạt” với vợ cũ chỉ là thói quen, là bản năng, nhưng do bị tổn thương tinh thần, nên chuyện ấy cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Việc anh ấy vẫn có các mối quan hệ với phụ nữ bên ngoài, vẫn lựa chọn cho mình một người phụ nữ phù hợp để kết hôn là “việc làm chính đáng” và không vi phạm pháp luật. Còn chị cố ngăn cản, có ý kiến khi anh ấy có người phụ nữ khác, đúng là “không có quyền”. Người phụ nữ đang tự làm khó mình, không nhận ra mình là đôi dép đã rách mà anh chồng vẫn đi tạm trong nhà, nhưng vẫn đang chọn cho mình đôi giày mới, đẹp để bước ra ngoài xã hội. Cứ sống như thế này, có ngày chị sẽ chứng kiến anh ấy bảo: “Mai anh cưới vợ, em dự hay không thì tùy!”.

ĐỪNG TỰ LÀM  TỔN THƯƠNG MÌNH NỮA - ảnh 3
Ảnh minh họa

Để thay đổi tình cảnh hiện nay, chính người phụ nữ phải là người thay đổi. Việc đầu tiên là nói chuyện một lần nghiêm túc, xem có hy vọng gì anh ấy thương mình không. Nếu anh ấy trả lời dứt khoát rằng hai người đã ly hôn, anh ấy không muốn có bất cứ sự thay đổi nào, chị phải cùng anh thống nhất thay đổi cuộc sống của hai người, theo hướng “đường ai nấy lo”. Ngôi nhà có thể để tên hai con, vợ chồng không có gì, chỉ ở cùng giám sát, coi nhà hộ con. Hoặc có thể chia đôi căn nhà, ai ở lại thì bù đắp tiền cho phía bên kia đi mua, thuê nhà chỗ khác. Nếu nhà to, rộng, vẫn có thể chia đôi, nhưng phải rào giậu, ngăn sân, mở cửa mới”, coi nhau như hàng xóm. Sau khi thống nhất chỗ ở, nói thẳng với nhau từ mai cơm ai người ấy ăn, không ai phải có nghĩa vụ lo cho ai. Bản thân người phụ nữ có thể hụt hẫng, chứ chắc anh chồng đã quyết rồi, đón nhận mọi hoàn cảnh.

Việc công khai đã ly hôn với gia đình, các con như thế nào thì tùy hai bên cân nhắc. Với trẻ nhỏ, có thể nói nhẹ nhàng hơn, tránh đổ lỗi cho nhau, khiến trẻ yêu bên này, ghét hay hận bên kia, ảnh hưởng tới tâm lý và tương lai của chúng. Thống nhất, thỏa thuận với chồng cũ về việc cùng chăm sóc, cùng thăm nom con cái ra sao. Dù có thế nào cũng nghĩ tích cực rằng “chỉ là mỗi người nuôi một đứa con, chị em chúng vẫn là con chung, vẫn gặp nhau được thường xuyên”. 

Ly hôn không phải là bữa tiệc vui, nhưng cũng không phải là “buồn như đám hiếu”. Nếu vì lý do nào đó mà một đôi vợ chồng không thể đi với nhau suốt cuộc đời, hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận những khó khăn ban đầu sau ly hôn. Không ít người phụ nữ đã phải dắt con ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, đi ở nhà thuê, đi làm mướn để duy trì cuộc sống. Dần dần, những khó khăn sẽ vượt qua, kinh tế ổn định dần dần, trái tim héo tàn cũng tươi tắn trở lại, rồi duyên mới sẽ lại đến, tương lai lại hé mở. Hãy nhìn về tương lai, đừng đắm chìm trong quá khứ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.