Đừng tước quyền chủ động sống già của bố mẹ

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Là con trai một, tôi muốn bố mẹ chuyển đến sống cùng con cháu, nhưng họ lại bảo sẽ bán nhà rồi mang tiền vào nhà dưỡng lão sống già trong đó. Bố mẹ yêu cầu tôi không được tước quyền chủ động sống già theo ý nguyện của họ…”.

Bố mẹ từ chối để con trai… báo hiếu khi về già

Anh là con trai một, lớn lên trong tâm thế sẽ gánh mọi trọng trách trong gia đình, trong đó có nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ khi về già. Âu cũng là lẽ thường tình xưa nay của nếp sống trong các gia đình Việt, nhưng anh lại bảo bố mẹ mình đang có sự “bất thường”, đó là từ chối để con trai báo hiếu khi về già. 

Anh hiện là trưởng phòng kế hoạch của một công ty xuất nhập khẩu hải sản. So với người khác, anh cũng có chút vai vế trong công ty, do đó rất chú trọng giữ gìn hình ảnh. Lâu nay, trong mắt nhiều người, anh là con một thì trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ về già là đương nhiên. Và đi kèm với trách nhiệm đó, anh cũng có quyền lợi đặc biệt của con một. Đó là mọi tài sản của bố mẹ sau này đều để lại cho anh. 

Ở phòng tư vấn, trò chuyện với chuyên viên tư vấn, anh bảo cũng vì nghĩ như thế nên bây giờ biết được quyết định của bố mẹ, anh rất “sốc”. Cái “sốc” thứ nhất là bố mẹ từ chối việc về sống cùng con cháu, trong khi xưa nay, bố mẹ nào cũng mong tuổi già được sống cùng con cháu để nương tựa. Cái “sốc” thứ hai là bố mẹ “thông báo” chỉ cho con cháu một phần tài sản để “lấy lộc”, còn lại họ sẽ mang vào nhà dưỡng lão để phục vụ cuộc sống già trong đó, nếu dùng không hết thì sẽ đóng góp cho quỹ từ thiện của nhà dưỡng lão sau khi họ mất. Họ không cần con cháu phải chăm sóc mình khi về già, cho rằng vợ chồng anh và các cháu cứ sống tốt là đã báo hiếu cho họ rồi.

Anh tủi hờn rồi hoài nghi hay mình không phải là con đẻ của bố mẹ. Bởi thực tế, bố mẹ anh hiếm muộn mãi mới có được anh. Từng đêm nằm xâu chuỗi lại, nỗi nghi ngờ trong anh lại càng lớn hơn. Có phải bố mẹ đã nhận anh về nuôi nhưng vẫn nói dối mọi người là con của mình không? Điều đó có thể lắm chứ, vì anh nghe kể lại, bố mẹ trước khi có anh làm ăn ở nơi khác. Sau này khi có anh rồi mới đưa nhau về quê sinh sống, làm ăn đến tận bây giờ. Vợ anh cũng bảo, chỉ khi không cùng huyết thống thì cha mẹ mới không muốn “làm phiền” đến con cái và không để tài sản lại cho con cháu như vậy. Cứ thế nỗi hoài nghi ấy cứ lớn dần trong lòng, khiến anh phải mang điều đó hỏi rõ bố mẹ mình. 

- Không ngờ sau khi nói ra điều đó, bố mẹ giận dữ đuổi tôi ra khỏi nhà. Họ bảo bao nhiêu năm nay đúng là nuôi con vô ích. Tình cảm giữa bố mẹ và tôi căng thẳng từ đó đến nay chưa có cách nào hóa giải được - anh kể. 

Đừng tước quyền chủ động sống già của bố mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Không cam tâm, anh đã âm thầm đi làm xét nghiệm AND để giải tỏa nỗi lòng cho mình. Kết quả đúng như bố mẹ anh đã khẳng định trước đó, rằng anh chính là ruột thịt của họ. Tuy nhiên, biết được điều đó rồi, anh lại càng băn khoăn hơn. Là con đẻ, sao bố mẹ lại chẳng muốn sống chung cùng con cháu, tài sản cũng chẳng để lại cho con cháu hết mà mang vào nhà dưỡng lão cho… người dưng hưởng? Việc bố mẹ vào nhà dưỡng lão sống còn khiến anh bị đồng nghiệp nhìn với con mắt khác. Họ cho rằng anh không phải là người con có hiếu nên bố mẹ mới vào nhà dưỡng lão. Rồi thì, vì bất hiếu nên ông bà mới không để lại tài sản cho. Cứ thế, cuộc sống của anh đảo lộn vì chuyện bố mẹ từ chối để con trai báo hiếu khi về già. 

Bố mẹ có quyền chủ động sống già

Chúng tôi hỏi anh nguyên nhân vì sao lại sống riêng với bố mẹ sau khi cưới, đó là ý của họ hay của ông bà? Anh bảo đó là ý nguyện của vợ chồng anh vì cho rằng bây giờ bố mẹ vẫn còn khỏe có thể tự lo cho cuộc sống của mình, sống riêng để tránh mâu thuẫn nảy sinh. Sau này, bố mẹ già yếu, vợ chồng anh sẽ đưa ông bà về sống chung. Ông bà đồng ý và vui vẻ để vợ chồng anh ra ngoài sống riêng, không nặng nề chuyện phải sống cùng con một từ đầu đến cuối. 

15 năm nay, cuộc sống riêng của bố mẹ và vợ chồng anh đều êm ấm. Ông bà chẳng phàn nàn gì về con cháu và vợ chồng anh cũng tận tình quan tâm ông bà mỗi khi đau ốm, hay nhà có việc. Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của bố mẹ anh. Sức khỏe của ông bà sau khi bị nhiễm Covid-19 thì giảm sút, thường xuyên đau ốm. Dù không đến mức là bệnh nặng phải đi viện nhưng các “bệnh vặt” cũng khiến chất lượng cuộc sống của họ không như trước. Anh nghĩ đến lúc đón ông bà về sống cùng để tiện chăm sóc. Anh về thuyết phục bố mẹ bán nhà đưa tiền cho vợ chồng anh xây sửa lại ngôi nhà hiện có cho rộng rãi thêm để ông bà về sống cùng. Tuy nhiên, ông bà lại đưa ra quyết định bán nhà nhưng sẽ mang tiền vào sống già trong nhà dưỡng lão thay vì chuyển về sống cùng con cháu. 

Đừng tước quyền chủ động sống già của bố mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chúng tôi phân tích cho anh hiểu cha mẹ hay con cái đều có quyền quyết định và chủ động cuộc sống của mình ở đâu. Đó là quyền tự do về cư trú của mỗi công dân. Trong gia đình, con cái và cha mẹ gắn bó bằng trách nhiệm và nghĩa vụ, quyền lợi; nhưng điều đó không có nghĩa họ có quyền can thiệp vào quyền tự do cư trú, quyết định nơi sống của nhau. Bố mẹ anh hoàn toàn có quyền lựa chọn sống chung cùng con cháu, hoặc sống riêng ở bên ngoài, hay sống riêng trong nhà dưỡng lão. Về tài sản, bố mẹ cũng không có nghĩa vụ phải để lại hết tài sản của mình cho con cái sau khi mất. Nếu là tài sản riêng, họ có quyền quyết định phân chia cho con cái theo ý nguyện, thậm chí là không để lại cho con cháu mà quyên góp hết cho từ thiện. 

Về chuyện từ chối con cháu báo hiếu để vào nhà dưỡng lão sống, anh không cần nặng nề vấn đề này. Thời hiện đại, nhiều bố mẹ đã “thức thời” khi chủ động cuộc sống già của mình, thay vì sống phụ thuộc vào con cháu. Quan niệm báo hiếu của một bộ phận cha mẹ cũng không còn như xưa. Đó là thay vì đặt gánh nặng chăm sóc tuổi già bệnh tật của mình lên con cháu thì họ sẽ thuê dịch vụ làm điều đó, để cuộc sống của con cháu không vì mình mà bị ảnh hưởng. Con cái cứ sống tốt, không làm phiền, đặt thêm gánh nặng cho bố mẹ là đã báo hiếu cho họ rồi. Tài sản tích cóp, thay vì đưa hết cho con rồi quay lại “nhờ vả”, sống phụ thuộc vào chúng, thì họ sẽ chủ động dùng nó để lo cho cuộc sống già cho mình. Vì vậy, một số bố mẹ không để lại thừa kế cho con, hoặc có thì cũng chỉ để lại một phần. 

Thực tế, không ít con cái yêu cầu bố mẹ chuyển hết tài sản sang cho mình sở hữu rồi đưa bố mẹ về sống chung để báo hiếu. Tuy nhiên, cách báo hiếu của họ lại không khiến cuộc sống của bố mẹ được hạnh phúc đúng nghĩa. Dù sống chung nhưng họ không có thời gian chăm sóc bố mẹ mà khoán trắng cho giúp việc. Nhiều ông bà dù sống cùng với con cháu nhưng vẫn cô đơn, không nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của con cháu hàng ngày, khiến cuộc sống rơi vào bi kịch. 

 Bố mẹ anh thuộc thế hệ người già có tư tưởng hiện đại, đã chủ động sắp xếp cuộc sống của mình, không làm phiền đến con cái. Đó cũng là một cách họ yêu thương con, không đặt gánh nặng tuổi già bệnh tật lên cho con cháu. Anh hãy cởi bỏ tư tưởng của bản thân để chấp nhận và ủng hộ sự lựa chọn của bố mẹ, đừng tước đi quyền chủ động sống già của họ. Bố mẹ vào nhà dưỡng lão sống không có nghĩa là con cháu hết trách nhiệm. Vợ chồng anh vẫn có thể thực hiện chữ hiếu với ông bà bằng sự quan tâm, thăm hỏi họ, thỉnh thoảng đón họ về vui vầy cùng gia đình, hoặc phối hợp với nhà dưỡng lão để có thể vào đó tổ chức những buổi sum họp với ông bà, giúp họ sống thoải mái, vui vẻ hơn. Nếu bố mẹ sống hạnh phúc thì không có lý gì anh lại tước đi quyền được sống vui vẻ đó của họ.  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.