Gái bản tôi
(PNTĐ) - Vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi với hình thể mơn mởn như núi rừng bát ngát, tâm hồn cởi mở như đại ngàn mênh mang, lối sống nồng hậu như mặt trăng mặt trời, cách xử thế chân tình như lòng suối con khe… đã đi vào thơ Nguyễn Quang Phi như một nét chấm phá khác biệt đầy sức quyến rũ làm rung động bất cứ người yêu thơ, yêu miền sơn cước nào.
Gái bản tôi
Mơn mởn như mạ
Thơm như nhài
Miệt mài như ong.
Gái bản tôi
Đưa nước lên ruộng
Đón suối về nhà,
Vai gánh mặt trời
Đầu đội vầng trăng.
Gái bản tôi tắm suối
Nước ngừng chảy,
Mây ngừng bay,
Đất nở hoa, kết trái,
Về nhà chồng sinh con có trai, có gái.
Gái bản tôi
Đánh chiêng ngân chín núi
Hát ru con ngủ giấc mơ đầy...
NGUYỄN QUANG PHI

LỜI BÌNH
Bài thơ “Gái bản tôi” gồm bốn khổ, được viết theo thể thơ tự do là một bài thơ như thế. “Gái bản tôi… ngủ giấc mơ đầy”.
Ở khổ thơ thứ nhất và khổ thơ thứ ba người đọc bắt gặp vẻ đẹp hình thể “nhan sắc” của cô gái bản thật hấp dẫn, cuốn hút. Trong khổ một, nhân vật trữ tình được khắc họa bằng thủ pháp so sánh độc đáo. Bốn dòng thơ, ba từ “như”, hai từ láy “mơn mởn, miệt mài” gợi liên tưởng về hình ảnh gái bản xinh tươi, rạng ngời như thảm mạ xanh non, nõn nà, tự bản thể tỏa hương thơm thanh mát như hương hoa nhài phả vào đêm xuân. Không những vậy gái bản còn có vẻ nhanh nhẹn, duyên dáng, hoạt bát như con ong bầu đất đang đi kiếm mật. Một vẻ đẹp thật bắt mắt, dễ nhìn.
Ở khổ thơ thứ ba, nhân vật trữ tình được gọi tên qua hành động: “Gái bản tôi tắm suối”, tác động từ việc đó đã làm cho: “Nước ngừng chảy, mây ngừng bay, đất nở hoa, kết trái”. Tức là các sự vật bị biến đổi trạng thái bình thường. Tác giả sử dụng nghệ thuật ẩn dụ tài tình kết hợp cách dùng ba động từ (hai “ngừng”, một “nở”) để diễn tả trạng thái “bất thường” của sự vật khi chứng kiến cô gái bản xuống tắm. Vì sao có sự “bất thường” đó. Thật đơn giản. Đó là vì người tắm suối quá đẹp, đẹp đến mức làm cho muôn loài, muôn vật và cả vũ trụ phải rung động lòng mình. Một vẻ đẹp trinh bạch ẩn tàng sự quyến rũ của đại ngàn thăm thẳm. Khi nàng sinh con có cả trai lẫn gái, tức là hội đủ vẻ đẹp vuông tròn của chữ “phúc” trong đời người. Ai cũng biết có trai có gái là có nếp có tẻ, có âm có dương, có tài có lộc, thuận hòa phát triển… thật trọn vẹn viên mãn.
Nếu ở khổ một và khổ ba, tác giả khắc họa vẻ đẹp hình thể của gái bản tôi thì sang khổ hai và khổ bốn vẻ đẹp ấy được khẳng định bằng hành động, việc làm của nhân vật trữ tình. Hình ảnh gái bản khỏe mạnh, sức vóc tràn đầy trong khổ thơ thứ hai được thể hiện qua bốn động từ (đưa, đón, gánh, đội) với các chủ thể chịu tác động là (nước, suối, trời, trăng) kết hợp với nghệ thuật phúng dụ (nói quá) giúp ta mường tượng ra sự mạnh mẽ đến phi thường của người gái bản.
Nước trên suối phải lên ruộng, xuống nhà; ánh sáng mặt trăng, mặt trời được trải ra theo ý muốn của nàng. Đó là những công việc nặng nhọc, phải có sức mạnh kiên cường, nghị lực phi thường… mới hoàn thành được. Gái bản đã hoàn thành nó như một việc đương nhiên, rất đỗi bình thường. Thật đáng trân trọng, đáng khâm phục biết bao.
Không chỉ có vậy! Trong khổ bốn ta còn bắt gặp vẻ đẹp tinh khiết trong tâm hồn của gái bản khi “Đánh chiêng ngân chín núi/ Hát ru con ngủ giấc mơ đầy” có sức lan tỏa kỳ diệu. Vẫn là nghệ thuật ẩn dụ và thủ pháp cường điệu hóa với hình ảnh tiếng chiêng ngân xa đến chín núi, con ngủ đầy giấc mơ… như một sự khẳng định sức mạnh tiềm tàng trong tâm hồn gái bản. Họ mang đến sự bình yên, lan tỏa vẻ đẹp chân, thiện, mĩ, ích, của đời mình đến mọi người, đến muôn nơi. Vẻ đẹp dung dị có sức lan tỏa mạnh mẽ ấy là sự khẳng định cho sức mạnh không gì có thể thế chỗ của người phụ nữ trong gia đình và xã hội hiện nay.
Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Phi đã mang đến một bài thơ hay với cách viết dung dị, mộc mạc góp phần lan tỏa sự “khác biệt” của người phụ nữ vùng cao, giúp người đọc thêm yêu, thêm cảm phục vẻ đẹp sống động, đậm đà bản sắc của người phụ nữ Việt Nam đương đại.