Gánh nặng của “đứa con giàu”

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - 18 năm chung sống với nhau, dù vợ chồng vẫn còn tình cảm nhưng chị phải dằn lòng viết đơn ly hôn. Chị không còn đủ kiên nhẫn để cùng gánh trách nhiệm của đứa con giàu mà gia đình chồng đặt lên vai chồng chị.

Chiều nay, hai vợ chồng chị lại cãi nhau vì chuyện bố mẹ chồng bảo cuối năm nay sẽ lấy vợ cho chú út, chồng chị phải đưa cho họ 300 triệu để lo việc cho em. Anh về bảo vợ rút cuốn sổ tiết kiệm đầu năm hai vợ chồng gửi để đưa tiền cho bố mẹ. 300 triệu đối với vợ chồng chị không lớn, nhưng nó lại như giọt nước làm tràn ly. Bao nhiêu ấm ức, dồn nén vì gánh nặng trách nhiệm của “đứa con giàu” phải lo cho “đứa con nghèo” mà bố mẹ chồng áp đặt lên vợ chồng chị lâu nay muốn nổ tung.

Tối, chị mang số tiền 300 triệu kèm theo lá đơn ly hôn rồi bảo chồng ký vào. Anh ngơ ngác không hiểu chị làm thế có nghĩa gì. Rồi cũng như mọi lần, anh bảo vợ ích kỷ, mình có điều kiện hơn thì hỗ trợ cho bố mẹ và các em. Ngoài xã hội, người giàu còn bỏ tiền làm từ thiện được, huống hồ đây là giúp đỡ người thân trong gia đình. Lần này, chị chẳng buồn tranh cãi với chồng nữa, bảo anh nếu muốn trách nhiệm với người thân của mình cả đời thì một mình làm đi, còn chị mệt mỏi rồi nên không thể ôm gánh nặng này được nữa.

Nói xong, chị kiên quyết để lại lá đơn cho chồng rồi sang bên phòng con gái ngủ. Vợ đi rồi, anh ngơ ngẩn bên lá đơn ly hôn, có vẻ như lần này chị làm thật chứ chẳng phải kiểu hờn dỗi như mấy lần trước.

Gánh nặng của “đứa con giàu” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Buổi sáng vừa thức dậy, chị nhận được điện thoại của mẹ chồng hỏi chừng nào hai vợ chồng mang tiền về để còn bàn tính chuyện đám cưới tổ chức thế nào. Đáp lại, chị nói với bà rằng hôm nay chồng chị sẽ mang tiền về bên nhà, tiện thể cũng thông báo cho bà biết từ nay việc nhà chồng, chị rút lui, không tham gia vào nữa. Mẹ chồng nghe thấy mục đích có tiền đã đạt được nên cũng chẳng quan tâm đến ý tứ sau đó của con dâu.

Chị đi làm từ sáng đến tối mới về, chồng nhắn tin “anh mang tiền về cho bố mẹ, mấy mẹ con cứ ăn cơm trước”. Đọc xong tin nhắn, chị cũng chẳng đáp lại chồng như mọi lần, anh chẳng thay đổi thì chị phải làm điều đó, để cuộc sống sau này bớt đi gánh nặng, mà lâu nay vốn dĩ đã quá tải đối với chị.    

Anh chị đến với nhau bằng tình yêu thật sự. Cũng vì tình yêu sâu nặng mà chị bỏ qua ranh giới giàu nghèo khi đến với anh. Nhà chị vốn có điều kiện kinh tế, còn gia đình anh chỉ đủ sống. Bố mẹ chị cũng là người trọng tình cảm nên mong muốn con gái lấy được người chồng sống “biết điều, hiếu nghĩa, có chí” là được, nghèo không quan trọng. Thời điểm đó, anh có những tố chất ấy nên họ đồng ý gả con gái cho anh.

Gia đình chị có nghề truyền thống kinh doanh nên của hồi môn cho con gái lấy chồng là một cửa hàng trong số chuỗi cửa hàng của gia đình. Cưới xong, anh chị có cửa hàng riêng để làm ăn. Anh vốn năng động, nhanh nhạy với thị trường nên đã phát triển công việc làm ăn của cửa hàng lên rất nhanh. Đối tác làm ăn không chỉ trong thành phố mà còn vươn ra các tỉnh ngoài, thậm chí còn có đơn hàng xuất đi nước ngoài. Anh chị giàu lên trông thấy. Là con trai trưởng trong nhà, lâu nay, anh vẫn được mặc định có trách nhiệm lo cho bố mẹ và các em. Vì vậy, khi vợ chồng chị có của ăn của để, cả nhà chồng nghiễm nhiên đặt lên họ trách nhiệm phải giải quyết khó khăn của mọi người.

- Bố mẹ chồng tôi có ba con trai, một con gái, nhưng hễ lúc nào ông bà đau ốm thì điều đầu tiên họ nghĩ đến là gọi cho vợ chồng tôi để giải quyết. Thế là đưa ông bà nhập bệnh viện nào, tiền thuốc, tiền nằm viện bao nhiêu vợ chồng tôi đều phải lo hết. Những người con khác của ông bà than vãn họ khó khăn nên chẳng thể lo được cho bố mẹ, chúng tôi có điều kiện kinh tế lại là con trưởng nên phải gánh. Có chăng thì trong thời gian ông bà nằm viện, họ bỏ công ra chăm sóc một vài ngày. Nhưng lúc nào họ vào mùa vụ nhà nông bận thì dồn hết cho vợ chồng tôi - chị kể.

Tuy nhiên, đó không phải là gánh nặng duy nhất đặt lên vai vợ chồng chị. Nhà chồng một năm mấy cái giỗ, cái nào cũng cỗ bàn ít thì chục mâm, nhiều thì hai, ba chục mâm. Và, số tiền để lo cho những đám cỗ ấy đương nhiên là giao về cho anh chị - đứa con giàu có nhất trong nhà. Ban đầu chị nghĩ, vợ chồng làm ăn được, các em còn khó khăn, thôi thì gánh đỡ họ cũng được. Nhưng sau này, các em chồng cũng dần “thoát nghèo”, không giàu có như anh chị nhưng cũng không đến nỗi không có tiền để đóng góp vào các công việc chung của gia đình. Tuy nhiên, chẳng ai thay đổi suy nghĩ đó, kể cả bố mẹ chồng chị.

Ở quê, công việc họ hàng, làng xóm không ít. Thỉnh thoảng, chị lại thấy trên các hội, nhóm của dòng họ, làng xã đăng lên facebook, zalo kêu gọi con cháu gần xa đóng góp xây dựng nào thì nhà thờ họ, xây dựng mộ tổ, nghĩa trang, sân bóng, nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm… Ti tỉ khoản đóng góp, và bố mẹ chồng chị thì luôn muốn “dẫn đầu” phong trào đóng góp vì có đứa con giàu có, làm ăn nên nổi. Trong “bảng vàng” ghi danh những mạnh thường quân đóng góp nhiều nhất luôn là nhà gia đình chồng chị. Thế nhưng, tiền bỏ ra ủng hộ cho những khoản đó thì chỉ có vợ chồng chị.

Gánh nặng của “đứa con giàu” - ảnh 2
Ảnh minh họa

 

Từ ngày chị làm dâu, bố mẹ chồng dựng vợ gả chồng cho hai đứa con, và sắp tới thêm đứa con út, lần nào cũng giao trách nhiệm tiền bạc cho anh chị. Ban đầu, ông bà còn nói khéo rằng, anh chị cứ bỏ tiền ra trước rồi “sau đám cưới bố mẹ sẽ đếm tiền mừng trả lại cho các con”. Nhưng đám cưới nào lo xong, bố mẹ chồng cũng chẳng đả động đến chuyện “trả vốn” cho con trai cả. Chồng chị luôn nói, thôi thì trách nhiệm “con đầu, anh cả”, xem như đỡ gánh nặng cho bố mẹ, lo cho các em. Chị biết, kinh tế trong gia đình, anh cũng đóng góp không nhỏ, nhưng không có nghĩa là anh có toàn quyền quyết định và bắt chị phải nghe theo hết.

Cháu chắt sinh ra, lớn lên, nay đứa này đi học cần mua cái xe đạp, đứa kia đi làm cần mua xe máy, anh chị luôn là người được các em mở lời kêu gọi tài trợ đầu tiên. Vậy là, ít nhiều gì, anh chị cũng lại phải có trách nhiệm hỗ trợ…

Lâu dần, chị có cảm giác cả nhà chồng xem vợ chồng chị như “ngân hàng”. Lúc nào cần tiền là họ tìm đến anh chị không cần nghĩ ngợi. Có lần, chị thấy bất mãn quá, bảo với anh về sự ỷ lại đó, nhưng chồng chị “bỏ ngoài tai”. Bởi anh cũng nghĩ mình có tiền, ăn thịt thì cũng phải để cho bố mẹ và các em ăn cá, là người thân trong một nhà chẳng bỏ được nhau.

Nhưng điều chị cảm thấy tủi thân nhất đó là sau những gì bỏ ra, nhà chồng chị lại mặc định hai đứa con của anh chị là con nhà giàu nên không cần phải quan tâm nhiều như những đứa cháu, con nhà nghèo kia. Những ngày lễ Tết, hay giỗ chạp, cả nhà ăn uống ê hề, xong công việc, lộc hoa quả, bánh kẹo, đồ ăn thức uống còn, nhà nào nhà nấy chia phần đem về. Đám trẻ con còn được bố mẹ chồng chị chia “tiền lộc” để về mua sách vở, quần áo. Và lần nào, hai đứa con của anh chị cũng đều nằm ngoài danh sách vì họ nghĩ rằng số tiền đó chẳng là gì đối với chúng. Vì tiền lo cho mọi công việc này, bố mẹ chúng còn là người bỏ ra cơ mà.

 Một vài lần, chị nao lòng khi nghe hai đứa con bảo: “Sao ông bà và các chú thím, cô chú bên nhà nội chẳng thương con như các em hả mẹ? Chúng con không phải là cháu ruột của họ à?”. Chồng chị nghe con hỏi vậy còn mắng lại: “Nhà mình giàu cần gì phải lấy những thứ đó. Tiền bạc các con không thiếu, ông bà cho các em còn khó khăn là đúng rồi”.

Bố mẹ chồng ngày một già yếu đồng nghĩa với trách nhiệm chăm sóc họ khi đau ốm nhiều hơn. Thế nhưng, chẳng ai nghĩ phải chung tay với anh chị mà vẫn quan niệm đó là trách nhiệm của… “đứa con giàu”.

Cứ thế, gánh nặng “đứa con giàu” ngày một đè nặng lên vợ chồng chị khiến chị thấy ấm ức, bực bội nhưng chẳng thể giải tỏa được. Rồi, một ngày, nó khiến chị mệt mỏi đến tận cùng, không còn muốn tiếp tục đồng hành cùng người chồng gánh trách nhiệm “đứa con giàu” nữa. Khi mà anh luôn đứng ngoài mọi cảm xúc, tâm tư của vợ.

Chị hy vọng, lá đơn ly hôn sẽ khiến anh suy nghĩ mà thay đổi, từ đó “đánh thức” ý thức của mấy đứa em, có trách nhiệm với bố mẹ và công việc chung trong gia đình. Nhưng xem ra, chỉ có chị cần làm điều đó, bởi anh vẫn giữ quan niệm cũ: Con giàu phải có trách nhiệm hơn con nghèo!

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.