Gặp gỡ nghệ nhân “giữ lửa” phường múa rối cạn

Bài và ảnh: Trần Toản
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ góc nhỏ của làng quê yên bình nằm bên dòng sông Đáy êm đềm, tổ dân phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội luôn vang lên tiếng trống, nhịp phách rộn ràng... Nơi ấy là sân khấu múa rối mà Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng (sinh năm 1976) với niềm say mê, nhiệt huyết, yêu nghề đã góp sức không nhỏ trong việc bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Say sưa với con rối.

Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi theo đường Quốc Lộ 21B đến thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, du khách yêu mến nghệ thuật dân tộc sẽ có cơ hội ghé thăm thủy đình của phường rối Tế Tiêu để thưởng thức “đặc sản” nghệ thuật múa rối cạn.

Theo sử sách ghi chép lại, nghề múa rối cạn Tế Tiêu có lịch sử hình thành vào năm Hưng Phúc 1573. Một vị quan tên là Trần Triều Đông Hải đã về lập làng Tế Tiêu, dạy dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, rèn luyện sức khỏe, chống giặc ngoại xâm và sáng tạo ra nghề múa rối. Loại hình sân khấu này chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và ảo thuật.

Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn, nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu lại được hồi sinh vào những năm 1954 – 1957 và phát triển mạnh vào những thập niên 70 của thế kỷ trước nhờ sự tâm huyết đem công sức, thời gian cùng quyết tâm vực dậy nghề của các nghệ nhân tiền bối như nghệ nhân Phạm Văn Bể, nghệ nhân Lê Năng Nhượng...

Cho đến nay, ngoài rối cạn, phường rối Tế Tiêu còn học hỏi thêm rối nước và biểu diễn được cả hai loại hình nghệ thuật đặc sắc này để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân địa phương và khách du lịch tham quan.

Gặp gỡ nghệ nhân “giữ lửa” phường múa rối cạn - ảnh 1
Các con rối của phường rối Tế Tiêu.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng - trưởng phường rối Tế Tiêu, là con trai thứ 9, đồng thời là truyền nhân của nghệ nhân Phạm Văn Bể. Anh tiếp bước cha trên con đường duy trì nghề cổ. Năm 2001, anh Bằng cùng với cụ Bể xây dựng Thủy đình để biểu diễn. Nhà Thủy đình được xây dựng nhờ nguồn tiền của quỹ Ford Việt Nam, trên mảnh đất do chính quyền địa phương hỗ trợ.

 “Kể từ đó cho đến nay, phường rối Tế Tiêu đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư, đặc biệt là trong các dịp hội hè, lễ, Tết... Dù là rối cạn hay rối nước thì phương thức trình diễn cũng như kỹ thuật đều mang đặc trưng cơ bản như: Nghệ thuật xếp trò, nghệ thuật tạo hình con rối, kỹ thuật điều khiển con rối sao cho sinh động phù hợp với nội dung cần truyền tải” - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng chia sẻ.

Năm 2016, cụ Phạm Văn Bể mất, thực hiện ý nguyện, tâm huyết chưa trọn vẹn của người cha với nghề rối cổ truyền, anh Bằng vẫn ngày đêm cặm cụi đẽo gọt những con rối gỗ, truyền dạy cho những em thiếu nhi hoặc thanh niên trong làng có nhu cầu đam mê học nghề. Bên cạnh đó, anh cùng phường rối chủ trì những tiết mục biểu diễn rối cạn, rối nước mỗi khi nhận được lời mời.

Nói về quy trình sản xuất những con rối, nghệ nhân này cho biết: Người thợ Tế Tiêu thường chọn nguyên liệu là gỗ xoan, gỗ sung đã được ngâm kỹ dưới nước để tránh mối mọt. Đây là loại gỗ nhẹ, thuận tiện khi biểu diễn cầm tay, không bị nứt nẻ, rất dễ kiếm ở nông thôn. Riêng đối với rối nước, do đặc thù ngâm nước nhiều nên độ bền không cao, bởi vậy ở Tế Tiêu, phường rối cứ “diễn đến đâu lại đẽo trò đến đấy”. Cứ như vậy, đời trước truyền dạy cho đời sau nghệ thuật đẽo trò.

“Ở con rối, mình phải dựa theo từng kịch bản vở diễn, các câu chuyện dân gian hay yêu cầu của đoàn diễn để tạo hình. Thậm chí, ở những nơi biểu diễn khác nhau, con rối cũng có thể thay đổi để tạo nên sự sinh động cho câu chuyện” – anh Bằng nói.

Gặp gỡ nghệ nhân “giữ lửa” phường múa rối cạn - ảnh 2
Các con rối được anh Bằng làm theo các tích trò biểu diễn.

Trăn trở với nghệ thuật cổ.

Tháng 5/2010, Câu lạc bộ múa rối Tế Tiêu được thành lập gồm 18 thành viên. Đó đều là những người cùng làng, chung nhiệt huyết, niềm say mê, dù không dư dả gì về thời gian cũng như tiền của nhưng họ vẫn say mê tập trò, làm rối.

Tâm sự về nghề rối, nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng chia sẻ: Rối tuồng là loại hình diễn xướng rất khó. Khó từ khâu tạo hình con trò cho đến vũ đạo, lời thoại và hát. Nghệ thuật Tuồng đề cao yếu tố vũ đạo. Các động tác của mỗi nhân vật lại có đặc trưng riêng. Muốn biểu diễn thành thục thì phải mất rất nhiều năm luyện tập.

Để các con rối chuyển động được uyển chuyển, nhịp nhàng, linh hoạt tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế là không hề dễ dàng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có độ tinh tế rất cao từ khâu tạo hình, đẽo gọt, chăm chút phần biểu cảm gương mặt và các khớp chi của nhân vật rối, đôi bàn tay dẻo dai; cho đến sự phối hợp “ăn ý” với bạn diễn trong từng tích trò, bởi khán giả rất dễ dàng “bắt lỗi” khi rối được biểu diễn. 

Trong những năm qua, phường rối Tế Tiêu với hơn 100 trò diễn, hàng nghìn chú rối đã vượt ra khỏi làng xã, đến với những hội diễn lớn ở Hà Nội, dự liên hoan quốc tế tổ chức tại Bảo tàng dân tộc, các triển lãm du lịch làng nghề, các kỳ Festival Huế, biểu diễn ở các nhà trường... và giành được nhiều giải thưởng cũng như sự yêu mến của khán giả.
Trong các buổi biểu diễn của phường múa rối Tế Tiêu, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh, ánh sáng với lời thoại, phần cử động, biểu diễn linh hoạt của các con rối được tạo hình đã thu hút khán giả đến tận những tiết mục cuối cùng.

“Những bài học đạo đức, môn lịch sử trong trường học thường rất khô khan, khi được biến tấu thành các tiết mục múa rối với nhạc điệu sinh động, hình tượng con rối với cử động ngộ nghĩnh đáng yêu lại rất thu hút các bạn nhỏ. Cứ sau mỗi buổi biểu diễn, các bạn nhỏ lại vây quanh tò mò sờ nắn con rối, hỏi han đủ thứ. Những ánh mắt ngây thơ, háo hức của các em là niềm tin để tôi sống trọn vẹn với nghề” – anh Bằng hồ hởi chia sẻ.

Gặp gỡ nghệ nhân “giữ lửa” phường múa rối cạn - ảnh 3
Con rối của phường rối Tế Tiêu.

 Mặc dù phường rối Tế Tiêu là nơi giữ gìn nét đẹp đặc sắc của nghệ thuật cổ như vậy, nhưng có một điều đáng buồn là trong khi hầu hết khách du lịch nước ngoài tỏ ra thích thú với múa rối, thì bộ môn này vẫn rất khó khăn trong nỗ lực kéo khán giả trong nước đến với sân khấu. Cuộc sống với nhiều biến động về kinh tế, công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ kéo theo nhiều thách thức với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng. Điều này đòi hỏi những người làm nghề như anh Bằng phải trăn trở tìm tòi sự đổi mới trong cả nội dung lẫn hình thức biểu diễn và thu hút giới trẻ để truyền nghề.

 Và ít ai biết rằng, để giữ được lửa cho phường rối Tế Tiêu, bên cạnh niềm đam mê, sự cống hiến vô tư thì các nghệ nhân cũng phải tìm kiếm nghề khác để có tiền tự nuôi sống bản thân, gia đình và tự túc đóng góp kinh phí để hoạt động phường rối. Đối với Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng, nghề sửa chữa điện thoại, loa đài mà anh đang làm đóng vai trò lớn và bổ trợ cho những buổi trình diễn múa rối.

Chị Nguyễn Thị Hường - vợ anh Bằng chia sẻ: “Thời gian đầu, thấy anh ấy vừa buôn bán, sửa chữa đồ điện tử vừa đi biểu diễn múa rối phục vụ ở các lễ hội liên miên; rồi tự bỏ kinh phí để hoạt động, thậm chí bán cả chiếc xe máy cà tàng của gia đình để trang trải cho những chuyến đi thì tôi phản đối nhiều lắm. Sau này, hiểu được ý nghĩa lưu giữ nghề truyền thống của gia đình và quê hương nên tôi động viên anh ấy nhiều hơn và yên tâm gắn bó với nghề”.

 Với những nỗ lực cống hiến suốt nhiều năm qua, năm 2020, phường rối Tế Tiêu đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Để duy trì hoạt động múa rối được thường xuyên thì phải có sự đổi mới trên cái cốt là bản sắc của múa rối cổ. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất bây giờ là hầu hết những người theo đoàn múa rối Tế Tiêu đều đã có tuổi cả rồi. Những năm gần đây, do nền kinh tế mở cửa, các khu công nghiệp mọc lên khiến các cháu thanh niên không còn mặn mà với nghệ thuật múa rối truyền thống của cha ông nữa. Phường rối Tế Tiêu chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền sớm có chính sách thu hút và đào tạo thanh niên, các cháu trẻ tuổi tham gia bảo tồn, lưu giữ nét đẹp của nghệ thuật múa rối mà cha ông để lại” - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng trăn trở. 

Khi được hỏi sẽ làm gì tiếp cho phường rối Tế Tiêu, anh Bằng cho biết, anh cùng với các nghệ nhân sẽ cố gắng mở rộng phường rối thành một không gian văn hóa du lịch làng nghề của địa phương. Trong đó, một mặt tạo ra sản phẩm du lịch để kích cầu du lịch địa phương, mặt khác thông qua các buổi biểu diễn nhằm tôn vinh nét đẹp, trao truyền di sản văn hóa đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước yêu mến môn nghệ thuật truyền thống này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)